KHÔNG GIAN VĂN HÓA LÀNG CỔ LỘC YÊN, QUẢNG NAM

LTS: Đã có nhiều bài báo viết về ngôi làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam) nhưng chủ yếu giới thiệu về ngôi nhà cổ đẹp nhất nằm trên gò đồi mà ông Ngô Đình Diệm đã từng mua hai lần mà không được, do chủ nhân không muốn bán... Để hiểu thêm giá trị độc đáo của làng xưa vùng trung du xứ Quảng này, bài viết dưới đây đóng góp vài suy nghĩ về việc hình thành không gian của người xưa khi chọn nơi đây để thành lập làng. Phải nói thêm, không gian kiến trúc làng Lộc Yên là một không gian văn hóa nhà cổ trung du tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam.

Làng thì phải có nhà. Nhà cổ có giá trị đặc trưng riêng, tuy nhiên thường luôn được người xưa xây dựng trong một không gian tương ứng với giá trị của nó. Và vì vậy, việc bảo tồn nhà cổ phải bắt đầu từ việc khôi phục không chỉ kiến trúc mà phải chú trọng đến không gian xung quanh nó.

Nói đến văn minh là nói đến nếp ở, như vậy từ sự chọn lọc vị trí dựng nhà đến loại nhà và kiểu thức nhà phải phù hợp với cảnh quan, địa lý vùng mà mình sinh sống. Các cư dân Việt từ miền Bắc vào Quảng Nam, đến Tiên Phước muộn hơn so với các huyện ở đồng bằng như Tam Kỳ, Thăng Bình, Điện Bàn... Vì thế, bằng những trải nghiệm của người đi trước cộng với tri thức của người địa phương (tri thức bản địa) mà khi dựng nhà làm nơi trú ẩn, người ta phải dựa vào phong thủy (đồi núi, khe nước), khai thác nguyên vật liệu xây dựng tại chỗ, chủ yếu là thảo mộc (mây tre, gỗ) cùng với đất đá, để làm nên các kiểu thức, kết cấu bền vững phù hợp khí hậu của vùng trung du: mưa nhiều, nắng nóng và độ ẩm cao... Tiên Phước nói chung là vùng bán sơn địa, chỗ cao là gò, đồi, vùng trũng thấp là thung lũng với suối, khe. Làng này cách làng kia thường là những dãy đồi và giới hạn chu vi của làng bởi phần đồi bao quanh có thung lũng bên trong.

Làng Lộc Yên với cảnh quan vốn có của mình, mặc dù trải qua sự biến thiên thay đổi của thiên nhiên cũng như sự hủy diệt của chiến tranh, nhưng đến nay, qua nhiều thế hệ sinh sống, vẫn luôn được gìn giữ trân trọng bởi người đi sau. Lộc Yên vẫn còn nguyên nét đẹp thiên nhiên ban đầu. Khi đến thăm Lộc Yên, rất nhiều khách thập phương đều đồng ý rằng, cảnh quan ở đây đặc trưng cho vùng trung du của cả huyện Tiên Phước. Cái tên Tiên Cảnh đã chứng minh về cái lý mà người xưa đặt tên cho xã, trong đó có làng Lộc Yên.

Chỉ có một con đường dẫn vào làng, uốn lượn sát mép của ruộng lúa hai bên. con đường chính này có đoạn dường như là đường trung tâm ở giữa thung lũng chia cắt rõ nét hai phần đất làng với dãy gò đồi ở hai bên. Vào làng, bên tay trái là Gò Tròn, tay phải là Gò Ngang, các khe nước đám ruộng thấp là Vũng Trâu. Để dễ dàng tiếp cận không gian mang chiều sâu của vùng sinh thái bán sơn địa mà con người của làng hàng ngày hít thở, không gian sống, một môi trường xanh đẹp thấm đậm tính thơ mà làng Lộc Yên còn giữ được, tôi tạm chia vùng sinh thái này thành ba không gian theo thứ tự tiếp cận từ ngoài vào trong.

 

Không gian sản xuất

 

Vùng này nằm ở giữa thung lũng, ở đây không gian hẹp bị chia cắt bởi khe nước, bờ chắn bên cạnh những ruộng lúa, cây màu bậc thang cao dần và chấm dứt ở chân đồi. Vào mùa hè khô hạn, nhưng nguồn nước từ các khe đá, nguồn mạch từ đồi đá ở hai bên và trên cao thẩm thấu xuống đủ để cho nông dân có thể tiếp tục canh tác. Về mùa mưa lũ, nước từ các khe suối chính cũng như trên gò cao chảy xuống dồn vào giữa thung lũng nên người làng thường dự phòng để cây trồng không bị lũ cuốn trôi, đất ở trên đồi không bị lở, chuồi chảy. Nhờ biện pháp, kỹ thuật ngăn bờ bậc thang, hướng dòng chảy bằng cách be bờ với đá thiên nhiên khai thác tại chỗ mà nước được giữ để canh tác quanh năm, tăng thêm diện tích canh tác ở thung lũng hẹp này.

Trong không gian sản xuất đặc trưng của vùng gò đồi, ruộng bậc thang, với dòng nước luôn chuyển dịch đã mang đến cho người khách lẫn chủ một cảm giác sinh sôi, no đủ và cả sự yên tĩnh thanh bình của vùng đồi. Mùa xuân Lộc Yên, không gian đồi, gò tràn ngập chồi non lộc biếc; mùa hạ, mùa thu vườn rợp mát bóng cau, lòn bon, thanh trà... và những chiều nắng xuyên đồi làm lấp lánh, óng mượt trên những tán cây và vàng thêm màu lúa chín dưới ruộng sâu... Vào mùa nước chảy, động vật thủy sinh bơi lội bên dưới khe nước chuyển dịch liên tục từ cao xuống thấp, tạo nên tiếng róc rách muôn thuở, làm không gian nơi đây thêm nét sinh động, luân chuyển vốn có của thiên nhiên.

 

Không gian thiên nhiên - môi trường sống

 

Qua khỏi những bờ ruộng bậc thang hướng lên Gò Đồi, nơi đây là không gian sống mà vườn đồi với cây lá, bờ đá, ngõ đá tạo nên trong không gian với màu xanh của cây vườn bao phủ làm cho mái ngói nâu đỏ của những ngôi nhà cổ nổi bật lên, tăng thêm sức quyến rũ và sự ấm áp của mùa đông, sự mát lành của mùa hạ. Đặc trưng của việc bố trí mặt bằng tổng thể khu vườn đồi ở đây là các bờ đá, ngõ đá và cả lối đi bằng đá. Làng Lộc Yên cũng như các làng khác ở vùng trung du Tiên Phước có cách khai thác và tạo dựng vườn bằng kỹ thuật xếp đá công phu và độc đáo. Kỹ thuật xếp đá tự nhiên, không phải gia công phức tạp như cắt, xẻ, tạo thành bờ tường không quá cao (từ 1m đến 1,2m) theo kiểu đế lớn chóp nhỏ dần, viên lớn ở dưới, viên nhỏ ở trên gài đan xen không cần xi măng nhưng vẫn vững chãi. Cây cỏ, địa y có thể dễ dàng mọc xen vào các khe đá, bề mặt. Theo thời gian, những ngõ đá, thềm đá được bàn tay con người sắp đặt, tạo dựng, thảm thực vật phủ kín đã làm xanh hóa và mềm đi sự khô cứng của đá; tạo ra nét cổ kính trầm mặc của không gian văn hóa làng cổ. Phải nói rằng, người dân các làng ở Tiên Phước, trong đó có làng Lộc Yên, luôn luôn tự hào về ngõ đá được xếp đặt khéo léo và mang tính nghệ thuật cao. GS, KTS Hoàng Đạo Kính, trong lần thăm làng gần đây, đã ngỡ ngàng trước những ngõ đá xinh xắn, phải thốt lên đây là nghệ thuật sắp đặt mang tính thẩm mỹ dân gian. Sự biết dừng lại, khéo léo trong ứng xử với thiên nhiên, dựa theo vẻ đẹp vốn có của nó đã nâng cao tính nhân văn của người xưa, sống hòa hợp với thiên nhiên.

Cũng như việc bố trí mặt bằng khu vườn, việc xác lập vị trí dựng nhà ở trong khu đất mình sở hữu của cư dân ở vùng đồng bằng xứ Quảng và vùng trung du Tiên Phước đều có nét tương đồng. Không gian sống với môi trường xanh, vừa tuân thủ theo thuật phong thủy, nhưng lại khắc phục phòng tránh mọi khắc nghiệt của thiên nhiên của vùng đồi núi, lấy yếu tố hòa hợp làm đầu, dẫn chứng như: chuối trồng sau, cau trồng trước (để chống cái nắng), lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam (theo phong thủy). Đặc biệt, vị trí dựng làng ngày xưa được các bậc tiền hiền vận dụng đúng yếu tố phong thủy, hội đủ các yếu tố: tả thanh long, hữu bạch hổ, minh đường, thủy tụ. Đứng trong nhà nhìn ra, bên tay trái là thanh long (rồng xanh) gồm núi đồi, hàng cây, trước có khe nước, hồ (nhân tạo), suối, đồi núi bên trái luôn cao hơn bên phải; bên phải bạch hổ (cọp trắng) cũng có thế đất cao, có đường lộ dẫn vào làng, vào nhà. Phía trước có minh đường, thủy tụ với dòng nước là ruộng đồng (hay vũng trâu), phía xa có tiền án hay chu tước (chim sẻ đỏ) (1) che chắn, chính là Hòn Ngang; đắc địa hơn là phía sau ở hướng bắc có huyền vũ (rùa đen) chính là Gò Tròn với đồi cây làm hậu tẩm, bao bọc.

Một thực tế làm chúng tôi suy nghĩ là có những ngôi nhà nằm bên kia đồi theo hướng nam (Hòn Ngang), tuy được yếu tố tốt là nằm lưng chừng đồi (2) nhưng hướng nhà lại là hướng bắc (gió bấc lạnh) không thuận lợi. Điều này có thể lý giải như sau: trong lịch sử lập làng, vì cảnh quan môi trường chung, những người đến trước như dòng họ của cụ Nguyễn Huỳnh Anh đều dựa theo mô hình quy hoạch làng truyền thống của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ để áp dụng cho việc lập làng, lập vườn, dựng nhà tại làng Lộc Yên nói riêng và Tiên Phước nói chung. Mặt khác, do cũng chú trọng tới yếu tố sức khỏe của cả cộng đồng và gia đình nên đã chọn vị trí đồi phía bắc (tay trái từ đường chính vào làng) để dựng nhà với ý nghĩa tọa bắc, triều nam (dựa lưng về bắc, hướng mặt về nam), hướng đón được gió nam mát lành, tránh gió bắc lạnh buốt. Nhà cửa tựa lưng vào ngọn đồi phía sau (Gò Tròn) tránh được gió bắc khắc nghiệt và cái nắng gay gắt từ phía tây, phù hợp với câu ngạn ngữ mà dân gian đã đúc kết: lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam. Trong khi đó, những cư dân đến sau không còn được phần đất tốt để cư trú cho nên phải chọn khu vực bên kia đồi phía nam (Hòn Ngang) và phải làm nhà quay về hướng bắc (mặt chính nhà không thể quay lên trên đồi, vì vậy phải quay xuống, đúng vào hướng bắc (đông bắc hoặc tây bắc). Từ đó, việc quy hoạch trong lập vườn, trồng cây, tạo lối đi đều phải dựa theo thế đất, nguồn nước. Nhà cụ Nguyễn Thống, nhà cụ Nguyễn Đình Huỳnh, nhà cụ Nguyễn Ngọc Anh,… thuộc những dòng họ đến sau nhưng qua bao thế hệ vẫn trụ vững, khắc phục được sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Quan sát thì các khu vườn của những hộ dân trên đều có ngõ đá, bờ đá dẫn vào nhà, hàng cây chè tàu được trồng song song bờ đá, các cây kiểng, hoa trang trí (mai, hồng) vẫn được chăm chút ở phía trước sân gạch phơi lúa, các cây ăn quả, lấy gỗ, lấy dầu, những cây đặc sản của Tiên Phước như: chuối, mít, lòn bon, thanh trà, quế, tiêu… đều được trồng chen nhau tỏa khắp xung quanh nhà, và chủ nhà cũng có kinh nghiệm trồng các loại cây cao bóng mát ở phía trước để chống nóng, chống gió.

Nhìn chung, dẫu chọn không gian sống là vườn đồi bên trái phía bắc (Gò Tròn) hay đồi bên phải (Gò Ngang) thì làng vẫn được hưởng cái nguồn mạch phát triển sinh sôi. Những ngôi nhà có đồi núi phía sau cơ bản nhận được những yếu tố phong thủy tốt nhất. Đặc biệt, cây cối vườn tược sau nhà luôn luôn xanh tốt nhờ nguồn nước thiên nhiên từ đá núi chảy ra, vách núi đá không cao, không bị sụt lở cùng huyền vũ bảo vệ chính là yếu tố quan trọng nhất. Vấn đề hướng nhà được các cư dân đến sau dần dần khắc phục, hóa giải, giữ yếu tố thiên nhiên: cây cỏ, đất đá, sông suối làm không gian sống, đó là phương cách mà người làng Lộc Yên, trải qua nhiều thế hệ, đã đưa lên hàng đầu, tạo nên mối quan hệ thân thiện thực sự giữa con người - môi trường - thiên nhiên.

 

Không gian ở và ngôi nhà của cư dân Lộc Yên

 

Là nhà ở, nơi trú ẩn, nhưng nếu làm nhà trên đỉnh đồi thì rơi vào thế cô phong độc vũ: nhà phải hứng gió, sấm sét và các yếu tố khác như thanh long, bạch hổ, huyền vũ đều không có. Vì vậy, khi dựng nhà, người xưa đã dựa vào khu vườn đồi xanh kín ở trên, các loại cây, thảm thực vật bên dưới dễ sinh sôi trong môi trường ẩm của vùng đồi đá và ở vị trị lưng chừng đồi. Người xưa đã tạo ra những ngõ đá, những lối nhỏ uốn lượn bằng đá dẫn vào nhà. Điểm cuối cùng của lối dẫn vào nhà không trùng tim (3) (tâm) của gian giữa, vào nhà luôn luôn qua một sân rộng, ngày trước là nền đất sau lát gạch, ngày nay một số nhà láng xi măng.

Cũng như các ngôi nhà ở đồng bằng, người Lộc Yên khi dựng nhà ở lưng chừng đồi cũng cố tạo ra một mặt bằng đủ để dựng hai kiến trúc là nhà chính, nhà ngang và một nhà cầu để nối liên thông với hai nhà trên. Nhà bếp, chuồng bò, heo, gà… bố trí cao thấp tùy theo độ dốc của đồi. Bố cục tổng thể chung của các công trình thường được sắp xếp như sau:

Nhà chính - nhà cầu - nhà ngang thẳng góc; nhà ngang luôn luôn nằm bên trái nhà chính (hướng đông).

Nhà bếp bố trí sau nhà ngang; các chuồng trâu, bò, gà… bố trí tiếp sau nhà bếp hoặc nhà ngang.

Giếng nước lấy nguồn từ đồi đá bên trên hoặc đào bên phải hoặc bên trái trước mặt nhà. Ngày nay người ta dùng máy bơm, ống nhựa dẫn nước từ trên khe nguồn về.

Ao cá, bể cạn được bố trí trước mặt nhà.

Vật liệu xây dựng: Có thể khẳng định rằng lúc các cư dân đến lập làng dựng nhà sinh sống thì hầu như đều sử dụng nguồn vật liệu xây dựng có ngay tại địa phương, đó là thảo mộc. Riêng ở Lộc Yên có thể gọi thêm thổ mộc. Đầu tiên phải là khung sườn bằng tre, thân cũng bằng tre đan, trát bằng hỗn hợp đất và rơm rạ hoặc xây bằng đá vữa, bằng đất sét, phần mái lợp bằng tranh. Truyền thống làm nhà bằng gỗ mít được du nhập lên từ đồng bằng. Thông thường, người ta phải đợi khi cây mít trồng trong vườn đủ to để có phần lõi tốt cho việc làm nhà (30 năm trở lên), nhưng cũng có khi người làng mua gỗ từ nơi khác. Tuy nhiên, việc dựng nhà gỗ (nhà rường) thì rất tốn kém, và thường khi người ta giàu có mới dựng được loại nhà này.

Ngôi nhà xưa ở Lộc Yên trước năm 1940 hầu như đều làm nguồn vật liệu tre, gỗ, tranh. Những năm sau khi có đường ô tô từ Tam Kỳ đến Tiên Phước thì mái nhà được lợp ngói âm dương (4) thay cho lợp tranh như trước; vách đất bao che nhà cũng được thay bằng tường đá (khai thác tại chỗ). Chúng được liên kết nhau bằng vữa đất, tô phủ bên ngoài bằng hỗn hợp đường mía với vôi.

Làng Lộc Yên ngày trước cho đến hôm nay vẫn ở trong một thung lũng bao quanh là những đồi cây chen với đá, cách đây 50 năm còn tồn tại những ngôi nhà xinh xắn làm từ tre: nhà rội/rọi (cột chôn xuống đất) đến những ngôi nhà rường (cột kê trên đá tấm) bằng gỗ vườn, vách bằng đất liên kết với đá, tất cả đều lợp mái bằng tranh. Chính những ngôi nhà này đã phản ánh tinh thần rõ nét của cư dân địa phương về kiến trúc sinh thái, thân thiện với thiên nhiên. Kiến trúc ấy dẫu chỉ dừng lại là ngôi nhà ở dân gian nhỏ bé nhưng là bài học cho chúng ta hôm nay về sự hòa hợp của ngôi nhà ở với môi trường thiên nhiên.

Ngày nay, xu hướng đô thị hóa nông thôn đã làm thay đổi cảnh quan kiến trúc của nhiều làng quê Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Và làng Lộc Yên ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước cũng đã có dấu hiệu của vật liệu xây dựng hiện đại. Đầu tiên là những con đường chính dẫn vào làng đã được bê tông hóa, tiếp theo là nhiều đoạn xếp đá nguyên thủy trên lối dẫn vào nhà cũng được thay bằng các lớp xi măng. Chí ít, xi măng cũng đã tham gia làm những mảng thực vật bị hủy hoại, cảm giác thiên nhiên xanh đã bị mất đi. Phần nhà ở cổ truyền thường làm bằng tre, gỗ là những vật liệu thảo mộc dễ hủy hoại bởi khí hậu ẩm thấp, mối mọt. Không gian ở, mặt bằng sinh hoạt được thay đổi cho phù hợp cuộc sống hôm nay đã dẫn đến nhiều ngôi nhà xưa bị biến dạng do chủ nhà tự ý sửa chữa bằng vật liệu mới, hiện đại như bê tông, gạch men, kính.

Những giá trị không gian, cảnh quan môi trường sống, kiến trúc ở tại làng Lộc Yên đã nêu trên có thể bị hủy hoại, mất đi hay biến dạng trong tương lai gần. Để tìm hiểu kỹ về giá trị của không gian một làng xưa vùng trung du cần có sự nghiên cứu của các nhà chuyên môn, góp phần to lớn vào việc nghiên cứu kiến trúc cổ truyền Việt Nam ở miền Trung nói chung và ở Quảng Nam nói riêng. Từ nghiên cứu, sẽ có những nhận định, đánh giá và những kiến nghị nhằm giúp cho những người làm công tác bảo tồn, và ngành du lịch chọn được giải pháp hữu hiệu trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy không gian kiến trúc mang đậm nét văn hóa của một vùng quê văn vật. Từ đó, sẽ làm cho người dân có ý thức tích cực gìn giữ bảo vệ di sản kiến trúc truyền thống của làng quê mình.

_______________

1. Tiền án hay chu tước: Trong không gian minh đường có các núi, gò đống nổi lên (theo thuật ngữ địa lý xưa gọi là sa (砂), sơn ((山?), là các dạng thể nhô lên trong các mặt thanh long, bạch hổ, minh đường). Tùy theo vị trí gọi tên riêng để phân biệt. Thí dụ, ở gần với kiến trúc thì gọi là tiền án hay án sơn; xa hơn thì gọi là triền sơn hay chu tước. Nhưng nhìn chung, chức năng của tiền án hay chu tước là che chắn, bảo vệ ở mặt trước kiến trúc, tránh tác động trực xung và cửa cái kiến trúc nên cũng gọi chung là tiền án. Theo Lương Trọng Nhân, Cổ học phương Đông trong nghệ thuật kiến trúc, Nxb Lao động, Hà Nội, 2006, tr.132.

2. Đối với người Việt xưa: “Mảnh đất mà họ chọn để dựng nhà phải là một khu đất dạng đất bồi, có thể sinh cơ lập nghiệp lâu dài mà không bị sạt lở. Khu đất ấy lại phải có tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ, tức là một địa hình có sông hồ đăng đối với gò bãi, có đồng rộng thông thoáng đằng trước để làm ruộng và có mặt nước đằng sau để kiếm cá”. Theo Chu Quang Trứ, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, tập 1, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2002, tr.202-203,.

3. Cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để tránh người ngoài nhìn thẳng vào trung tâm nhà… Theo Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2003.

            4. Mua từ Hội An lên, chuyên chở bằng đường sông đến bến Kỳ Phú, Tam Kỳ rồi chuyển lên xe đến Tiên Phước, cuối cùng là gánh bộ về làng nên giá thành, theo lời kể của cụ Huỳnh Anh, là rất cao.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 322, tháng 4-2011

Tác giả : Nguyễn Thượng Hỷ

;