Không chỉ là cuộc vui của nghệ sĩ sân khấu

Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc năm 2023 do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Hà Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp tổ chức từ ngày 20/5 - 1/6, thu hút hơn 1.000 diễn viên (trong đó có 335 nghệ sĩ dự thi) của 33 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước với 106 trích đoạn thuộc các loại hình nghệ thuật Chèo, Tuồng, Cải lương, Kịch dân ca, Kịch nói, Xiếc đã kết thúc nhưng dư âm còn kéo dài. Đó là sự vui mừng của người nghệ sĩ, là dấu ấn của Hội nghề nghiệp, là cơ hội quảng bá cho địa phương tổ chức… Tuy nhiên, vẫn còn đôi điều băn khoăn về chất lượng, về sự tích cực đối với nghề nghiệp xin được mạn bàn thêm.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL, PGS.TS Tạ Quang Đông và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam, Lê Thị Thủy trao giải Xuất sắc cho 7 trích đoạn tham gia Liên hoan

Điểm nổi bật từ Liên hoan lần này là sự vui vẻ, không khí hân hoan của anh chị em nghệ sĩ khi đến với sân chơi lớn, mặc dù tổ chức ngay sau Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức tại thành phố Thanh Hóa. Việc hàng loạt các sự kiện sân khấu tầm cỡ quốc gia diễn ra liên tục cũng có ý nghĩa tốt, gây được ấn tượng nhất định với đông đảo công chúng. Đây cũng là nỗ lực rất lớn từ phía lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vì hoạt động này đang là hoạt động xã hội hóa chứ chưa có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, thực sự là cố gắng không nhỏ từ phía các nghệ sĩ đang “cầm chịch” cho đội ngũ sân khấu nước nhà.

Không khí nghệ thuật đúng nghĩa Liên hoan đã được thể hiện khá rõ, hầu hết các đơn vị nghệ thuật lớn của cả nước như: Các nhà hát chèo, kịch, tuồng, cải lương, xiếc Việt Nam hay các nhà hát, đoàn nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, ca Huế, Bài chòi… của các địa phương, nhiều đoàn nghệ thuật tư nhân, các nghệ sĩ thuộc Hội Sân khấu các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… cũng tham gia dự thi. NSND Minh Thu, thành viên Hội đồng Giám khảo cho rằng, hàng chục năm làm nghề, nhưng chưa bao giờ bà thấy có một liên hoan quy mô lớn như thế này. Sự đông đảo này cũng đem tới sự đa dạng, phong phú về đề tài, về thể loại của các trích đoạn. Hầu hết các trích đoạn hay, thậm chí ít được biết tới của sân khấu truyền thống cũng đã có mặt tại Liên hoan như những trích đoạn hay của nghệ thuật Tuồng như: Bách đao Diệm Thiên Hùng, Na Tra báo hiếu,… hay những trích đoạn kinh điển như Đào Tam Xuân đề cờ, Phàn Định Công đề cờ… Chèo có các trích đoạn rất quen thuộc như: Thị Màu lên chùa, Súy Vân giả dại, Lưu Bình - Dương Lễ, Thầy bói đi chợ, Chôn hề… Cải lương có những trích đoạn được khai thác từ tuồng, kịch như: Văn Vương ăn thịt con, Mê Đê... Đặc biệt kịch nói vốn khó có thể gói gọn tình tiết trong một trích đoạn những tinh túy của vở bởi quy luật nhân quả trong hành động thì cũng đã có những trích đoạn xứng đáng được giới thiệu như: Vua Lear, Otello, Hamlet, Lôi vũ, Đêm trắng… 

 NSƯT Hoàng Tùng (trái) vai Văn Vương trong trích đoạn Văn Vương ăn thịt con - Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội) - HCV

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nhà viết kịch, TS Nguyễn Đăng Chương đánh giá: Về chất lượng các trích đoạn tuy chưa phải là bức tranh hoàn chỉnh khắc họa diện mạo của nghệ thuật sân khấu Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, nhưng cũng đủ các yếu tố để chúng ta nhìn nhận, đánh giá xem nghệ thuật sân khấu đang đứng ở cung bậc nào trước đòi hỏi của đời sống xã hội và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Sự phong phú, đa dạng về đề tài trong các trích đoạn là minh chứng cho ý thức trách nhiệm, quyết tâm tìm tòi, gạn đục khơi trong, phản ánh trực diện hoặc lấy chuyện xưa để nói nay, nhằm đề cập nhiều mặt của xã hội, con người trong tư duy sáng tạo của các nghệ sĩ. Chính điều này đã làm cho Liên hoan có nhiều màu sắc, không nhàm chán, gieo được những cung bậc cảm xúc khác nhau cho khán giả. 

Theo ông, phần lớn trích đoạn đều có kết cấu hợp lý, người xem hiểu nội dung câu chuyện được chuyển tải trong khoảng thời gian ngắn mà không bị hụt hẫng, tẻ nhạt thông qua hình tượng của một hoặc hai nhân vật chính. Những hình tượng ấy gửi gắm tới người xem về khát vọng của con người luôn vươn tới những điều tốt đẹp, những giá trị nhân văn, thậm chí có thể hy sinh tất cả để đạt được mục đích và lý tưởng cao đẹp. 

Diễn viên Phạm Thị Thu Ba vai Lỗ Lâm trong trích đoạn Lỗ Lâm đề cờ (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà Nẵng) - HCV

NSND Giang Mạnh Hà, thành viên Hội đồng Giám khảo, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng rất vui mừng với những cố gắng của các nghệ sĩ tại Liên hoan, nhất là của khối các diễn viên kịch hát khi các nghệ sĩ đã vượt qua khó khăn thường nhật, giữ vững nghề tổ và đưa vào đó những nhận định, những cách nhìn của cá nhân để các di sản tiếp tục sống động, tỏa sáng. 

NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phát biểu bế mạc Liên hoan đã tỏ ra vui mừng và ghi nhận những đóng góp của các tập thể, cá nhân các nghệ sĩ, đặc biệt là sự công tâm, làm việc miệt mài của 7 thành viên Hội đồng Giám khảo suốt 12 ngày thi với 3 buổi mỗi ngày. Những thành tựu đạt được đem tới sự vui mừng cho người làm nghề, sự tin tưởng vào tương lai của sân khấu cho người yêu loại hình nghệ thuật này.

Tuy nhiên, ngay trong đánh giá tổng kết của Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, TS Nguyễn Đăng Chương cũng cảnh báo một số biểu hiện cần chấn chỉnh của các diễn viên sân khấu hiện nay. Đó là trách nhiệm của tập thể khi mang tới Liên hoan những trích đoạn sân khấu nghiệp dư không có đầu cuối, kết cấu kém mạch lạc, có những trích đoạn về đề tài hiện đại mà ê kíp sáng tạo thể hiện gây phản cảm. Hay hiện tượng có tới 6 trích đoạn Đôi lứa xứng đôi được phóng tác dàn dựng từ tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, cho thấy sự xáo mòn, già cỗi... Chưa kể, như NSND Triệu Trung Kiên cho biết, anh vừa vui vừa buồn vì bản dựng này của anh được nhiều đơn vị yêu thích, nhưng họ lại… “quên không có lời” xin phép đạo diễn, tác giả. Thêm nữa, như đánh giá của TS Đăng Chương thì, nhiều anh chị em diễn viên chưa thể hiện được bản chất nghệ sĩ khi quá phụ thuộc vào đạo diễn, người hướng dẫn… nên không có được sáng tạo cá nhân trong vai diễn.

Chương trình nghệ thuật trong đêm Bế mạc Liên hoan

Nhiều ý kiến phát biểu đều nuối tiếc khi trong bối cảnh kinh tế tự chủ thu chi, xã hội hóa hiện nay, việc giao lưu học hỏi lẫn nhau vốn là mục đích chính của các sân chơi này thì giờ đây không có đơn vị nào đủ kinh phí cho diễn viên ở lại sau phần diễn của mình. Qua hoạt động của Liên hoan, nhiều nghệ sĩ bày tỏ mong muốn cơ quan Hội trình đề án để đưa Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu trở thành hoạt động định kỳ 3 năm một lần, các trích đoạn cũng cần được các thành viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ở từng vùng thẩm định trước khi tới Liên hoan để đảm bảo chất lượng… 

Mong mỏi những cuộc chơi tầm cỡ không chỉ về quy mô mà còn ở chất lượng, ở sự chỉn chu của Ban Tổ chức, sự công tâm trong đánh giá của Hội đồng Giám khảo… sẽ khiến cho các cuộc thi tài, những liên hoan giúp sân khấu nước nhà ngày một lan tỏa trong cộng đồng, vai trò của nghệ sĩ ngày một được chú ý, nâng cao.

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 538, tháng 6-2023

 

;