Khát vọng Việt Nam từ Tuyên ngôn Độc lập đến Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - dưới góc nhìn văn hóa

“Khát vọng Việt Nam” là cụm từ được tìm kiếm và nhắc đến nhiều lần trên các diễn đàn trong thời gian gần đây. Đó là khát vọng “phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định. Trong chiều dài lịch sử, khát vọng dân tộc luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, bền bỉ, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn giúp Việt Nam vượt qua nhiều gian lao, thử thách khắc nghiệt. Vào những thời điểm lịch sử quan trọng nhất, khát vọng Việt Nam lại trỗi dậy mãnh liệt, thôi thúc cả dân tộc vươn lên, thực hiện mong muốn thiết tha, cháy bỏng của mình. Đó là cột mốc lịch sử ngày 2-9-1945, trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lần đầu tiên, khát vọng độc lập, tự do được khẳng định trước quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới như quyền cơ bản của dân tộc, của con người. Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã được Đảng ta khẳng định như một thông điệp phát triển trước nhân dân và bạn bè quốc tế. Khát vọng Việt Nam là sự cô đúc những giá trị cốt lõi, là động lực tinh thần mạnh mẽ, là sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Việt Nam trong hành trình phát triển.

1. Khái niệm khát vọng văn hóa

Khát vọng, theo cách hiểu chung nhất, là một trạng thái tinh thần tích cực, thể hiện “mong muốn, đòi hỏi với một sự thôi thúc mạnh mẽ” (1). Khát vọng bao giờ cũng hướng đến những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống. Khi con người có khát vọng, nó sẽ trở thành động lực tinh thần to lớn thôi thúc họ nỗ lực để đạt được mong muốn đó. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về khát vọng lớn nhất và duy nhất của mình: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính khát vọng ấy đã thôi thúc Bác phải tìm ra con đường cứu nước, đem lại “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, và sự thực, Người đã dành trọn cuộc đời của mình để thực hiện khát vọng cao đẹp ấy. Thế giới cũng đã chứng kiến những quốc gia với khát vọng phát triển mạnh mẽ vươn lên thần kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Như vậy, khát vọng thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, bản lĩnh, cá tính của mỗi cá nhân và cộng đồng. Khát vọng chính là khởi đầu quan trọng của con người trong hành trình đi đến cái Chân, Thiện, Mỹ.

Văn hóa, xét về nguồn gốc sinh thành, là sản phẩm của các hoạt động sáng tạo, tích cực của con người. Bằng các hoạt động sáng tạo, con người đã cải biến tự nhiên, cải biến chính bản thân mình, làm cho bản thân mình ngày càng hoàn thiện và trở nên tốt đẹp hơn. Trong tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, Marx đã chỉ ra rằng: bằng “hoạt động lao động tự do”, con người “nhân đôi mình không chỉ về mặt trí tuệ như xảy ra trong ý thức nữa, mà còn nhân đôi mình một cách hiện thực, một cách tích cực” (2), hơn thế, con người còn biết “nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp” (3). Và, khi con người được lao động tự do, sáng tạo, cải biến giới tự nhiên theo quy luật của cái đẹp thì con người thu nhận được những sản phẩm hữu ích và tinh túy, nó khiến con người sung sướng “ngắm nhìn bản thân mình trong thế giới do mình sáng tạo ra” (4).

Thực tiễn cho thấy, bằng những nỗ lực không ngừng theo cách “nhân đôi mình lên” trong lao động, con người đã tạo nên các sản phẩm văn hóa như những “hình mẫu lý tưởng” cho mình, nó khiến con người hạnh phúc với thành quả của mình, nó trở thành mục tiêu, đồng thời là động lực thúc đẩy con người hoạt động sáng tạo hơn nữa để gặt hái những thành quả tương tự. Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa nhưng xét về vai trò, chức năng cơ bản của văn hóa, văn hóa với tư cách là được “nhào nặn theo quy luật của cái Đẹp” lại là môi trường nuôi dưỡng, dẫn dắt con người đến sự phát triển hoàn thiện.

Mặt khác, khi đề cập đến văn hóa như là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do dân tộc sáng tạo nên trong lịch sử thì văn hóa lại là “những yếu tố xác định đặc tính riêng của một dân tộc” (5), tức văn hóa mang bản sắc dân tộc. Trong quan hệ quốc tế, bản sắc văn hóa dân tộc được xem như “thẻ căn cước”, ghi dấu ấn tinh thần, cốt cách, bản lĩnh, cá tính của dân tộc ấy.

Từ những phân tích trên có thể thấy, với tư cách là những giá trị tốt đẹp, là động lực tinh thần to lớn, khát vọng Việt Nam chính là hiện thân của văn hóa Việt Nam, là sản phẩm của tâm hồn, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong hành trình phát triển.

2. Từ khát vọng độc lập, tự do đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Thành quả của quá trình lao động sáng tạo

Khát vọng của một dân tộc không phải là những khẩu hiệu giản đơn, không ngẫu nhiên mà có. Khát vọng dân tộc là xúc cảm dân tộc, thể hiện tâm hồn, trí tuệ dân tộc và được hình thành, nuôi dưỡng từ hiện thực lao động, đấu tranh để sinh tồn và vươn lên của dân tộc ấy. Từ khát vọng độc lập, tự do trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng năm 2021 đều là thành quả của quá trình lao động sáng tạo, bền bỉ, đầy gian khổ mà vô cùng đẹp đẽ của cả dân tộc.

Khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam không phải đến Tuyên ngôn Độc lập mới có. Khát vọng ấy đã chảy trong huyết quản của hàng triệu người dân Việt Nam từ bao đời nay, đã dồn nén trong bài thơ Thần mà Lý Thường Kiệt ngâm trên sông Như Nguyệt, trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi sau chiến thắng Lam Sơn… Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 vẫn là sự tiếp nối những mạch nguồn truyền thống. Ở đó, khát vọng dân tộc từ trong bản năng ấy đã được nâng lên thành thông điệp pháp lý về quyền dân tộc, quyền con người, kiêu hãnh tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được” (6). Tuy nhiên, để đi đến “lẽ phải”, để thực thi và bảo vệ được “lẽ phải” ấy không hề giản đơn. Đó là hành trình của một dân tộc “đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay” (7). Vì thế, “Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam” (8).

Như vậy, khát vọng không phải là những từ hoa mỹ, nó là những giá trị thiêng liêng được đúc kết từ thực tiễn đấu tranh, lao động sáng tạo bền bỉ của toàn dân tộc. Cho nên, “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (9). Và sự thực là quyền độc lập, tự do vẫn tiếp tục được bảo vệ, vun đắp, bởi nghị lực phi thường và sức sáng tạo vô tận của nhân dân, với dấu ấn chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đến nay, sau gần nửa thế kỷ thực hiện trọn vẹn khát vọng tự do, độc lập của dân tộc, khát vọng Việt Nam lại được khơi dậy mạnh mẽ, trở thành chủ đề nổi bật trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với một giá trị mới: Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Từ sự đánh giá, phân tích kỹ lưỡng, sâu sắc bối cảnh phát triển của đất nước hiện nay, Đại hội XIII cho thấy, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không phải là một ý tưởng áp đặt, mà là một “xúc cảm dân tộc” mãnh liệt bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” của đất nước sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; vào “sức sáng tạo” và “quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta” (10) . Hơn nữa, khát vọng đó không phải là những giá trị hoàn toàn mới, thực chất nó đã được ghi nhớ trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946: “Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại” (11). Và sự thực, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, lao động, chiến đấu quên mình để giữ vững nền độc lập tự do và từng bước đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, với “nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật” (12) của đất nước, khát vọng phát triển có nền tảng vững chắc để thực hiện.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sự tiếp nối khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, được tiếp thêm sức mạnh bởi thành quả của công cuộc bảo vệ nền độc lập, tự do ấy. Và, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là để bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của dân tộc. Như vậy, khát vọng Việt Nam là những giá trị tốt đẹp mà dân tộc đã lựa chọn để tồn tại và phát triển. Đó chính là văn hóa được chắt chiu, chưng cất từ hiện thực cuộc sống lao động, đấu tranh gian khổ nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ và tự hào của một dân tộc, với những con người “vừa làm thơ vừa đánh giặc”, rồi “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Khát vọng dân tộc - Sức mạnh nội sinh, động lực thúc đẩy phát triển bền vững đất nước

Thực tiễn cho thấy, khát vọng dân tộc, với tư cách là sản phẩm kết tinh những giá trị cốt lõi của văn hóa, con người, nó trở thành lý tưởng, mục tiêu cả dân tộc hướng tới và khát khao thực hiện. Sức mạnh tinh thần to lớn của khát vọng Việt Nam được thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập là một minh chứng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập” (13). Khát vọng đã biến thành niềm tin và ý chí sắt đá để thực hiện đến cùng lý tưởng ấy.

Trước hết, độc lập, tự do không chỉ là nguyện vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam, nó còn là chân lý phổ quát, là “lẽ phải không ai chối cãi được”. Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc, khát vọng ấy còn thể hiện cho chính nghĩa, cho cái thiện. Bởi vì, “hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa” (14). Vì thế, nó khiến cả dân tộc tin tưởng vào giá trị đã lựa chọn, nó trở thành một sợi dây liên kết, tạo nên nghị lực chiến đấu phi thường và sức sáng tạo vô tận của toàn thể nhân dân để giành chiến thắng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (15).

Khi tin vào chân lý, vào lẽ phải, vào lý tưởng tốt đẹp, con người có sức mạnh để thực thi và bảo vệ nó. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (16). Khát vọng được sống trong độc lập, tự do của một quốc gia thống nhất, có chủ quyền đã tạo nên quyết tâm sắt đá của cả dân tộc. Vì chân lý ấy mà mỗi người sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, cả dân tộc đã hưởng ứng. Bởi lẽ, lời của Bác cũng là lời của non song, đất nước: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (17). Sức mạnh ấy càng nhân lên khi nền độc lập, tự do và chủ quyền đất nước bị thử thách. Nó thôi thúc cả dân tộc nỗ lực hơn nữa để giành được thắng lợi cuối cùng, cho hòa bình và thống nhất đất nước. Lịch sử đã chứng minh rằng, “lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng… là nội dung cốt lõi trong sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta, sức mạnh ấy thực sự là chất keo kết dính tất cả các nhân tố khác, làm nên sức mạnh tổng hợp để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù” (18).

Nhận thức được vai trò động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng của khát vọng dân tộc trong phát triển, Đảng ta đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược của nhiệm kỳ Đại hội XIII là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Có thể nhận thấy, khát vọng phát triển thấm sâu vào từng mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể: Phấn đấu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam) là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trở thành nước phát triển, có thu nhập cao (19). Các lĩnh vực cơ bản, từ việc “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” (20) đến “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng” (21) đều nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đảng ta cũng xác định: “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (22). Với khí thế quyết tâm, khẩn trương, những mục tiêu, kế hoạch và các giải pháp cụ thể của nhiệm kỳ Đại hội XIII đã tạo sự tin tưởng, phấn khởi, làm nên động lực mạnh mẽ thúc đẩy, chi phối, điều chỉnh mọi hoạt động của mỗi người dân và toàn xã hội cùng nỗ lực thực hiện.

Có thể nhận thấy, khát vọng phát triển đã thấm sâu vào từng nội dung văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, là tư tưởng cốt lõi, tinh thần chủ đạo của nhiệm kỳ Đại hội, đây là “ý Đảng” nhưng cũng là nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Nó đang tạo nên một xung lực mới, một tâm thế mới cho toàn dân tộc bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Khát vọng mang bản sắc dân tộc Việt Nam

Khát vọng là một xúc cảm mãnh liệt, việc nuôi dưỡng, bảo vệ, thức tỉnh nó không phải là việc dễ dàng. Nếu không đủ bản lĩnh, không đủ trí tuệ, khát vọng dễ nguội tắt. Với dân tộc Việt Nam, độc lập, tự do là một giá trị quan trọng. Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, nó luôn là một giá trị thiêng liêng nhất khiến hàng triệu người dân Việt Nam, suốt bao nhiêu thế hệ luôn nghĩ về nó, cùng nhau chia sẻ và khát khao thực hiện. Một dân tộc “gan góc”, “thà hy sinh tất cả” chứ “nhất định không chịu mất nước”, “nhất định không chịu làm nô lệ”, tất yếu sẽ lựa chọn độc lập, tự do như là thước đo nhân cách, phẩm giá của mình. Độc lập, tự do thực chất là quyền dân tộc, quyền con người cơ bản nhất mà nhân loại đã xác lập. Vì lẽ đó, nó đã trở thành khát vọng cháy bỏng phải thực hiện bằng được. Thực hiện để khẳng định và giữ gìn phẩm cách của mình, và hơn thế, để được tôn trọng.

Sau 35 năm đổi mới, phát triển, Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong bầu không khí tin tưởng của toàn Đảng, toàn dân về một cơ đồ tươi sáng của dân tộc. Một lần nữa khát vọng Việt Nam lại được khơi dậy, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Một dân tộc “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” thì cũng nhất định không chịu đói nghèo, nhất định không chịu tụt hậu. Khát vọng phát triển mang một giá trị mới nhưng vẫn thể hiện sự tự tin, sức sống và sự vươn lên mãnh liệt của một dân tộc qua bao nhiêu thử thách khốc liệt. Khát vọng ấy lại tiếp tục bồi đắp thêm cho phẩm cách của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn nỗ lực hết mình để thực hiện khát vọng, lý tưởng cao đẹp. Hành trình thực hiện khát vọng cũng chính là hành trình sáng tạo văn hóa, hành trình tìm kiếm chân lý và sáng tạo cái đẹp của dân tộc.

3. Kết luận

Khát vọng dân tộc là xúc cảm dân tộc mãnh liệt hướng đến thực hiện những giá trị lớn lao, tốt đẹp. Trong hành trình phát triển của mình, dân tộc Việt Nam đã không nguôi khát vọng về một nền độc lập vững bền, một cuộc sống tự do, hạnh phúc “Non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Chính khát vọng mãnh liệt ấy đã làm nên sức mạnh tinh thần to lớn giúp dân tộc vượt qua nhiều thử thách khắc nghiệt của lịch sử để tồn tại và phát triển. Lịch sử cũng chỉ ra rằng, khi khát vọng dân tộc là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, là “ý Đảng” hợp với “lòng dân”, nó sẽ trở thành động lực, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững đất nước. Và, cũng như hành trình sáng tạo văn hóa, hành trình thực hiện khát vọng dân tộc cũng đòi hỏi mỗi cá nhân và cả dân tộc không ngừng sáng tạo, nỗ lực, “nhân đôi mình lên” trong mọi hoàn cảnh.

_________________

1. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1988, tr.517.

2, 3, 4. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 42, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.137, 137, 137.

5. Ủy ban Quốc gia về Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa - Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1992, tr.20.

6, 7, 9, 13, 14, 15, 17. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.1, 3, 3, 3, 2, 3, 534.

8. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Văn nghệ, Hà Nội, 1956, tr.119.

10, 12, 19, 20, 21, 22. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr.25, 59, 207-208, 120, 189, 116.

11. Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980 và 1992), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.8.

16. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Sđd, tr.131.

18. Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo T.Ư, Thành ủy TP.HCM, Đại thắng mùa Xuân 1975 sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.65.

 

Tác giả: TS Lương Huyền Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

;