Có thể xem văn hóa nghệ thuật nói chung là sản phẩm hàng hóa tinh thần, trong đó có những loại hình nghệ thuật là hàng hóa đặc biệt. Sở dĩ nói như vậy bởi những loại hình nghệ thuật này không chỉ thuần túy mang giá trị của một nghệ thuật mà còn tiềm ẩn trong nó giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Sân khấu truyền thống là một trong những loại hình nghệ thuật như thế.
Giống như nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền khác, hiện nay sân khấu truyền thống nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt,đang phải chịu tác động của quá trình biến đổi xã hội, toàn cầu hóa và đứng trước nguy cơ mai một. Trước hiện tượng sân khấu truyền thống ngày càng vắng khách, không ít người trong và ngoài nghề đã thực sự lo lắng. Có người cho rằng khán giả ngày nay quay lưng lại với sân khấu dân tộc vì sân khấu dân tộc không đủ sức hấp dẫn để lôi cuốn khán giả, chất lượng của vở diễn ngày càng xuống cấp… Họ ước ao bao giờ cho đến ngày xưa để khán giả đến với sân khấu đông như đi hội… Tất cả những suy tư trăn trở đó đều xuất phát từ cái tâm với nghề, với sân khấu dân tộc, trong đó có phần rất đúng về thực trạng không ít vở diễn hiện nay.
Vậy, thực trạng khán giả với sân khấu truyền thống như thế nào, lý do nào làm cho sân khấu truyền thống vắng khách? Để đánh giá đúng hiện tượng này, chúng ta cần có một cái nhìn biện chứng.
Trước hết, phải thừa nhận một sự thật: ngày hôm nay dù chất lượng vở diễn có hay đến mấy thì mơ ước đến ngày xưa cho sân khấu truyền thống cũng chỉ là không tưởng. Trước kia, trong kháng chiến và thời bao cấp, công nghệ thông tin chưa phát triển, giao lưu văn hóa còn hạn chế, một năm ở thành phố có được vài vở mới, còn ở nông thôn cũng chỉ có đôi ba đoàn văn công về biểu diễn. Trong điều kiện như vậy, người dân khao khát nghệ thuật và đến với đêm diễn như đi hội là lẽ thường. Ngày nay, với sự xuất hiện của nhiều hình thức văn nghệ và sự bùng nổ về công nghệ thông tin, một ngày có tới hàng chục chương trình nghệ thuật diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi thì lượng khán giả đến với sân khấu nói chung, sân khấu truyền thống nói riêng buộc phải phân tán. Thêm vào đó, một số yếu tố như: tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh làm cho không gian văn hóa của sân khấu truyền thống ngày càng thu hẹp; cuộc sống hàng ngày với trăm mối lo toan, công việc đã làm cho mỗi người có ít thời gian hơn để thưởng thức nghệ thuật. Lớp trẻ, lực lượng khán giả đông đảo, phần vì gánh nặng học tập, phần vì ưa chuộng sự mới lạ, lại quá thiếu kiến thức thẩm mỹ về sân khấu dân tộc nên không mấy quan tâm tới lĩnh vực này. Với những lý do trên, chắc chắn khán giả của sân khấu truyền thống hôm nay không thể đông đảo như xưa.
Ở khía cạnh khác, nhìn từ góc độ xã hội học, mỗi con người sinh ra và lớn lên trong những điều kiện, hoàn cảnh, môi trường nhất định nên có sự khác nhau về nhiều mặt như: thể chất, năng lực tư duy, trình độ nhận thức… Đây là cơ sở làm nảy sinh bất bình đẳng và phân tầng xã hội, trong đó có sự phân tầng về sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Điều này cũng có nghĩa là mỗi người có thể có những sở thích nghệ thuật và năng lực thẩm mỹ nhất định.
Nhận thức được vấn đề này ta có thể tin tưởng rằng, đứng trước sự phát triển của công nghệ thông tin và đa dạng về hình thức nghệ thuật, người dân có nhiều lựa chọn món ăn tinh thần cho mình, nhưng mỗi hình thức nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, bài chòi… vẫn có khán giả của riêng mình. Qua khảo sát một số địa phương ở châu thổ Bắc Bộ, chúng tôi thấy đa số bà con nông dân vẫn yêu thích chèo, tuồng, cải lương. Nếu có dịp đến với những đêm diễn ở lễ hội, chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn tình yêu của khán giả với sân khấu dân tộc. Khảo sát này còn cho chúng tôi biết, một trong những lý do căn bản khiến bà con nông dân ít đến với sân khấu là vì không có tiền. Dù yêu thích sân khấu, nhưng trong điều kiện hiện nay, khi mà cuộc sống quá khó khăn thì nhiều lúc họ đành phải tạm gác lại nhu cầu thưởng thức nghệ thuật để nhường chỗ cho cơm áo, gạo tiền. Bởi vậy, có một thực trạng là: nếu các đoàn nghệ thuật về bán vé doanh thu thì khán giả rất ít. Ngược lại, nếu địa phương thuê đoàn về biểu diễn cho bà con xem miễn phí thì khán giả vẫn đông. Điều này cũng giúp chúng ta nhận ra rằng: chính môi trường văn hóa lễ hội ở Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị sân khấu truyền thống. Với hơn tám ngàn lễ hội được diễn ra trong năm, có thể nói rằng lễ hội ở Việt Nam đã trở thành cơ hội để nhiều người dân nghèo còn được tham gia vào sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Lễ hội chính là cơ sở, là nguồn nuôi dưỡng các hoạt động văn nghệ dân gian và cũng là bà đỡ cho sân khấu truyền thống đến với đại chúng.
Được biết vào những ngày đầu xuân này, các đơn vị nghệ thuật như: Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Trung ương, Nhà hát Chèo Bắc Giang, Nhà hát Tuồng Trung ương, Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Bình Định), Nhà hát Truyền thống Khánh Hòa, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng)… vẫn gần như kín lịch diễn. Cùng với hoạt động nghệ thuật của những đoàn và nhà hát chuyên nghiệp, hoạt động sân khấu không chuyên ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa… vẫn thường xuyên diễn ra, gắn liền với hoạt động lễ hội, tín ngưỡng.
Như vậy, một mặt, sự vắng khách của sân khấu truyền thống có nguyên nhân khách quan, tuy nhiên, mặt khác, về chủ quan, chúng ta phải thừa nhận rằng, hiện nay chất lượng nghệ thuật của nhiều vở diễn đang có sự xuống cấp nghiêm trọng.
Nguyên nhân thì có nhiều, và đã được nhiều người nói đến nhưng chúng tôi chỉ xin điểm qua một vài ý.
Sân khấu nói chung, sân khấu truyền thống nói riêng đang khủng hoảng nhiều mặt: thiếu kịch bản, diễn viên, đạo diễn giỏi và kinh phí.
Kịch bản là khâu đầu tiên, quyết định sự ra đời của vở diễn, nhưng hiện nay chúng ta đang thiếu một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp: các tác giả kỳ cựu đang qua đi trong khi lớp kế cận thì chưa thấy. Những năm gần đây, sân khấu truyền thống ngày càng thiếu vắng kịch bản có chất lượng. Phần lớn kịch bản vẫn sáng tác theo lối mòn. Nhiều vở diễn vẫn nặng nề về nội dung và chủ đề tư tưởng, nặng về tính giáo dục mà chưa thực sự chú ý tới mục đích giải trí và nâng cao thẩm mỹ cho khán giả.
Về đạo diễn, phần lớn các vở tuồng cổ, chèo cổ là sản phẩm sáng tạo của ông trùm, bác thơ và nghệ nhân dân gian. Những vở diễn này thường giản dị về cốt truyện, sâu sắc về nội dung và nhẹ nhàng chuyển tải ý đồ giáo dục, làm cho người xem không cảm thấy bị đưa vào khuôn phép. Tuy là hình thức nghệ thuật đề cao mục đích khuyến giáo đạo đức, nhưng trong các vở tuồng cổ, chèo cổ, bằng tài năng và sự tinh tế, người xưa đã khéo léo chuyển tải mục đích giáo huấn, cũng như tinh thần trung quân ái quốc qua những làn điệu, vai diễn, miếng trò gây ấn tượng nghệ thuật. Với những tác phẩm đậm đặc ấn tượng nghệ thuật như vậy, khán giả có thể xem đi xem lại nhiều lần mà không chán vì càng xem càng khám phá thêm được những điều thú vị. Ai đó có thể không nhớ hết câu chuyện Kim Nham, cũng như vở Quan Âm Thị Kính nhưng ấn tượng về Súy Vân giả dại, Việc làng, Thị Màu lên chùa hay Mẹ mõ - Lý trưởng thì chẳng thể nào quên. Người ta có thể không thông hiểu nghệ thuật tuồng nhưng đã một lần xem Châu Sáng qua sông hay Mạnh Lương bắt ngựa… thì đó sẽ là ấn tượng để nhớ về tuồng. Nhờ những ấn tượng nghệ thuật như vậy mà trải hàng trăm năm, các tác phẩm nghệ thuật ấy vẫn tồn tại với thời gian. Trong khi đó, nhiều vở diễn hiện nay không tạo ra được ấn tượng cho người thưởng ngoạn. Vì không tạo ra được ấn tượng nghệ thuật về hát, múa, diễn…, những đạo diễn thiếu chuyên môn đã chuyển hướng sang tình tiết éo le, lời trò tục tĩu hay phông màn cảnh trí, bục bệ hoành tráng… những chi tiết phụ.
Tóm lại, thiếu phương hướng nghệ thuật, kịch bản tốt, đạo diễn giỏi... nhưng nhiều đơn vị vẫn phải dựng vở để hoàn thành kế hoạch và tham gia hội diễn nên những vở như vậy đương nhiên là vắng khách.
Bên cạnh đó, một số biểu hiện như: bệnh sùng bái cá nhân, thành tích, sự cả nể, thiên vị và dễ dãi trong nhận xét đánh giá đã góp phần làm cho chất lượng nghệ thuật ngày càng sa sút.
Như đã thành lệ, vào mùa hội diễn, đa số đơn vị nghệ thuật vẫn đua nhau mời đạo diễn có tên tuổi làm vở để mong có giải, đây là một nhu cầu chính đáng. Chỉ tiếc rằng, trong khi một vài cây đa, cây đề phải chạy xô đến mức không thể đảm bảo chất lượng nghệ thuật thì những đạo diễn trẻ có chuyên môn, là người của nhà hát lại không được dựng vở. Một vài nghệ sĩ, vì không biết mình ở thế rồng quá cực (1) nên đang tự đánh mất mình vì làm bừa, làm ẩu. Khán giả không khó khăn để có thể gặp lại những mảng miếng, cũng như môtip âm nhạc, trang trí mỹ thuật trong nhiều vở khác nhau.
Rõ ràng, sự sùng bái cá nhân một cách thái quá đôi khi đã trở thành con dao hai lưỡi, làm thui chột tài năng, vô hiệu hóa thế hệ trẻ và tạo ra sự trì trệ, tự mãn của một số người. Vẫn biết rằng cái khó bó cái khôn và bệnh thành tích là tại hướng đình, nhưng nghệ thuật luôn đòi hỏi sự công bằng, nghiêm túc trong nhận xét đánh giá. Thiếu sự công bằng và nghiêm túc thì nghệ thuật xuống cấp và mọi hội diễn đều dễ trở thành trò cười. Mấy hội diễn gần đây đã xảy ra hiện tượng, một số vở được dàn dựng có chất lượng kém nhưng đi hội diễn lại được giải cao, làm mọi người thất vọng. Với đơn vị được giải thưởng, tiền thì mất nhiều, vở thì chết yểu ngay sau khi giật giải, huy chương thì trở thành sự đàm tiếu đối với người trong nghề. Đôi khi người ta vẫn vui khi nhận giải, mà không biết rằng chính mình đang vô tình dẫm đạp lên nghề tổ. Có thể nói rằng, khi người nghệ sĩ không tôn trọng và tri ân cái nghệ thuật đã giúp họ làm nên sự nghiệp thì khán giả khó có thể hy vọng được thưởng thức giá trị nghệ thuật đích thực.
Những gì đang diễn ra trong đời sống sân khấu gần đây cho thấy, không ai khác, chính những người nghệ sĩ không có tâm và không có tầm đang tự làm mất khán giả của sân khấu truyền thống bằng sự xuống cấp của tâm hồn và những tác phẩm nghệ thuật kém chất lượng.
Điều may mắn là trong khi chất lượng của nhiều vở diễn hiện đại không thể doanh thu vì không đủ sức hấp dẫn khán giả thì nhiều vở cổ điển, với giá trị nghệ thuật trường tồn đã trở thành điểm tựa giúp người nghệ sĩ chân chính còn được sống với nghề, và vui với khán giả.
Sân khấu truyền thống không đánh mất vị trí trong lòng khán giả. Người dân không quay lưng lại với sân khấu truyền thống vì không chỉ là sản phẩm nghệ thuật của dân, do dân, nó còn tiềm ẩn trong đó nhiều giá trị văn hóa, đạo đức thường hằng mà bất cứ ai trong cuộc đời này cũng cần phải có. Tuy nhiên, trước sức mạnh toàn cầu hóa và sự vô tâm, vô trách nhiệm của con người nói chung thì nguy cơ mai một, thậm chí biến mất của bất kỳ hình thức nghệ thuật truyền thống nào đó là có thật.
________________
1. Kinh dịch, lời của hào sáu trong quẻ Càn: Rồng quá cực có ăn năn. Đại ý khuyên người ta phải biết điểm dừng. Nếu không biết dừng lại đúng lúc thì dễ mắc lỗi, sẽ ăn năn về sau.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 335, tháng 5-2012
Tác giả : Đinh Quang Trung