KẾT NỐI BÈ BẠN

 

Với sự giúp đỡ của các đại sứ quán Anh, Áo, Ấn Độ, Đức, Nga, Nhật Bản, Philipin, Thái Lan cùng các học sinh trường quốc tế Liên hiệp quốc tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học đã tổ chức chương trình vui chơi nói trên dành cho trẻ em nhân ngày Quốc tế thiếu nhi. Chương trình diễn ra trong hai ngày nghỉ cuối tuần, 29 và 30-5 nên thu hút sự tham gia của hàng ngàn lượt người gồm các em nhỏ và phụ huynh.

Phòng Giáo dục của bảo tàng đã có sự nghiên cứu nhất định về tính tương đồng cũng như khác biệt của các trò chơi dân gian và nhiều hoạt động văn hóa khác giữa các quốc gia láng giếng với Việt Nam, để kết nối chúng lại với nhau thưo cách thức phù hợp, giúp các em vừa được vui chơi vừa có điều kiện tìm hiểu thêm và so sánh với văn hóa các nước bạn. Có thể kể đến các trò chơi: Mèo đuổi chuột của Việt Nam và Đức; Thỏ đổi hang của Việt Nam và Những chú thỏ trong rừng của Nga; Bắn bi của Việt Nam và Hy lạp; Đập niêu của Việt Nam và Gõ nồi của Đức; Giấu vật của Việt Nam và Những chiếc khăn peo peo của Italia; Thả túi của Đức và Ô ăn quan của Việt Nam, Sungka của Philipin và Đakon của Indonesia; Đi cà kheo của Việt Nam và Đi trên gáo dừa của Thái Lan; Nhảy lò cò của Việt Nam, Anh, Nhật Bản, Indonesia....

Ngoài ra, các em còn có cơ hội tự giới thiệu về văn hóa của đất nước mình qua các hoạt động trình diễn trang phục, múa, hát, chơi nhạc cụ, hướng dẫn chơi trò chơi và làm đồ chơi dân gian của Việt Nam và Nhật Bản. Những bộ phim truyện cổ tích Việt Nam và thế giới chiếu trên màn ảnh rộng, qua “máy chiếu phim” thô sơ và cách kể chuyện dân gian của ông Nguyễn Văn Long (thành phố Hà Đông) cũng đã đem lại sự thích thú và kích thích trí tò mò của các khán giả nhỏ.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 312, tháng 6-2010

Tác giả : Đ.M.T

;