Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam dàn dựng, công diễn vở Hừng đông của tác giả PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ và đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên. Hừng đông nói về cuộc đời của nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu (1902 – 1941), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1937), Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng (1938). Vở diễn có nhiều điểm sáng tạo, mang hơi thở hiện đại, trở nên mới mẻ, lôi cuốn khán giả nhờ tiết tấu nhanh, nhiều thông tin, hành động, áp dụng khéo léo phương pháp tự sự biện chứng gián cách của Berton Brecht, kết hợp sân khấu với điện ảnh, đặc biệt sự táo bạo khi mang nghệ thuật âm nhạc đường phố lên sân khấu cải lương.
Phan Đăng Lưu quê ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học, yêu nước. Ngay từ nhỏ, ông đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học, can đảm. Ông thông thạo chữ Hán, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp, giỏi văn học, nông học, chính trị học, xã hội học... Khi sắp tốt nghiệp bậc cao đẳng tiểu học tại Huế, ông thi vào trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang. Tốt nghiệp ra trường, ông bị điều động làm việc ở nhiều địa phương, trong đó có Tây Nguyên, nhờ đó có điều kiện được chứng kiến hiện thực đau xót của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân Pháp.
Vở diễn bắt đầu vào thời điểm Phan Đăng Lưu đang là nhân viên trại tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ về thăm nhà với bao trăn trở, nhức nhối khi nhận ra rằng bọn thực dân từ trời Tây đem súng ống, lưỡi lê đến không phải để khai hóa văn minh, mà cướp nước, nô dịch dân ta. Ông ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ. Tại Nghệ An, được gặp những người bạn có cùng chí hướng như: Trần Phú, Trần Đình Thanh, Tôn Quang Phiệt, Phan Đăng Lưu đã tham gia Hội Phục Việt, sau đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng, rồi được bầu làm Ủy viên Thường vụ Tổng bộ phụ trách tuyên huấn.
Cuối năm 1928, ông được phân công sang Quảng Châu (Trung Quốc)gặp Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để bàn kế hoạch thống nhất hoạt động. Năm 1929, ông trở về nước báo cáo, đề đạt ý kiến với Tổng bộ Đảng Tân Việt về việc tổ chức một Đảng cộng sản, rồi lại trở sang Quảng Châu bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, ông lại trở về nước rồi 4 tháng sau sang Trung Quốc nhưng bị bắt tại Hải Phòng trước khi xuống tàu.
Phan Đăng Lưu trải qua 5 năm tù khổ sai tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Ở tù, ông vẫn tích cực hoạt động, vận động anh em học tiếng Êđê để thực hiện công tác binh vận, viết báo gửi ra ngoài tố cáo chế độ tàn bạo của thực dân Pháp. Vì vậy, ông đã bị cầm cố tại xà lim, bị liệt vào loại nguy hiểm. Giữa năm 1936, phong trào dân chủ lên cao, ông được ra tù nhưng lại bị quản thúc ở Huế. Ông tiếp tục hoạt động cách mạng, đóng góp xuất sắc trong các cuộc vận động hợp pháp và nửa hợp pháp ở Trung Kỳ, trực tiếp chỉ đạo các báo: Sông Hương tục bản, Dân Tiến, Dân muốn…, đồng thời viết nhiều sách lý luận chính trị, lý luận văn học.
Năm 1937, ông tham dự Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng mở rộng tại Hóc Môn, Bà Điểm, Gia Định, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1939, ông được điều động vào Nam Kỳ hoạt động, được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Năm 1940, xứ ủy Nam Kỳ họp, đề ra chủ trương khởi nghĩa. Lấy tư cách đại diện trung ương đến dự, ông khuyên xứ ủy hãy chờ xin chỉ thị của Trung ương. Sau cuộc họp, ông bí mật từ miền Nam ra Bắc để tiến hành triệu tập, tổ chức hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương, chính thức chuyển cơ quan Trung ương từ Nam ra Bắc. Tại Đình Bảng, Bắc Ninh, ông chủ trì Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hội nghị Trung ương 7). Tại hội nghị, ông được đề cử làm Tổng Bí thư thay đồng chí Nguyễn Văn Cừ vừa bị bắt, nhưng ông không nhận và giới thiệu đồng chí Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh). Theo Phan Đăng Lưu, ông cần về miền Nam, xứ ủy đang trông chờ kết quả chuyến đi, đồng thời đề phòng bị bắt, sẽ gây trở ngại cho Trung ương mới được củng cố ở miền Bắc. Sau hội nghị, ông quay trở lại miền Nam để hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ, theo quyết định của Hội nghị Trung ương. Tuy nhiên, trên đường về Nam, ông đã bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn, chưa kịp truyền đạt chỉ thị của Trung ương về việc hoãn khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra trong khí thế cách mạng ngút trời của quần chúng, bị dìm trong bể máu. Phan Đăng Lưu bị thực dân Pháp kết án tử hình. Ông cùng nhiều chiến sỹ cách mạng ưu tú đã ngã xuống trước hừng đông độc lập, tự do của tổ quốc…
Vở diễn Hừng đông được tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn Triệu Trung Kiên chia làm năm tuyến nhân vật. Tuyến thứ nhất: toàn quyền Đông Dương, khâm sứ Trung Kỳ, chánh mật thám, chánh thanh tra nhà đày Buôn Ma Thuột…, đại diện cho lực lượng thực dân Pháp. Nhóm này xuất hiện trong vở diễn chỉ thích chơi gái, uống rượu, ăn chơi hưởng lạc. Chúng áp bức, bóc lột người dân lao động An Nam đến cùng cực, có thể bắn chết hoặc đánh chết người lao động bất kì lúc nào mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng đối với những người trí thức An Nam thì chúng tạo điều kiện cho họ được giáo dục, đào tạo để tẩy não, cải hóa, nhằm phụng sự cho chính sách khai thác thuộc địa, nếu ai chống đối, tư tưởng lệch lạc sẽ theo dõi, truy bắt, giam cầm, tra tấn dã man, bỏ đói, không chăm sóc y tế, 15 giờ lao động khổ sai không nghỉ, bị ném xác cho hổ đói, biến nhà tù thành địa ngục trần gian..., nhằm mục đích răn đe, làm thui chột ý chí đấu tranh, tinh thần yêu nước. Tuyến thứ hai: Thượng thư bộ Lại Ngô Đình Diệm đại diện cho lực lượng triều đình phong kiến, làm tay sai cho thực dân Pháp. Nhân vật này cùng với một số quan lại khác xuất hiện trong vở diễn không có đối thoại, chỉ bộc lộ hành động khúm núm cúi lạy, dâng tấu cho Toàn quyền Đông Dương, nghe Toàn quyền Đông Dương bàn kế hoạch tiêu diệt phong trào cách mạng đang lên… đã cho thấy bản chất nhu nhược, hèn hạ của triều đình phong kiến chỉ vì lợi ích cá nhân, giai cấp, đã quay lưng với lợi ích của nhân dân, tổ quốc. Tuyến thứ ba: lực lượng nhân dân Việt Nam, một cổ hai tròng khi phải chịu sự áp bức, bóc lột trực tiếp của thực dân đế quốc và phong kiến tay sai. Họ không có những quyền tối thiểu của con người, phải cam phận sống đời nô lệ, nước mất, nhà tan. Nhiều người bị bần cùng hóa, phải đi ăn xin, đói rách, nếu có chết, xác nằm lề đường, cũng chẳng được ai chôn cất. Tuyến thứ tư: Phan Bội Châu đại diện cho các nho sĩ Việt Nam yêu nước, có tài năng, chí lớn, tinh thần cải cách lớn, nhưng lầm lạc khi chọn Đông Du làm con đường giải phóng dân tộc, phải sống an trí ở Huế dưới sự quản thúc của chính quyền thực dân cho đến cuối đời. Tuyến thứ năm: Phan Đăng Lưu, Trần Phú, Đặng Xuân Khu, Nguyễn Thị Minh Khai… đại diện cho các đảng viên xuất sắc, đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, độc lập, tự do của tổ quốc, hạnh phúc nhân dân.
Năm tuyến nhân vật hiện lên trong vở diễn đầy sinh động, chân thực, phản ánh phần nào bộ mặt chính trị, xã hội phức tạp của nước ta vào những năm 30 TK XX. Thông qua năm tuyến nhân vật, tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn Triệu Trung Kiên đã đặt vở diễn trong xung đột chính, mang tính trực diện, đó là giữa thực dân Pháp với phong trào đấu tranh cách mạng do những đảng viên cộng sản, những chiến sĩ cách mạng kiên trung dẫn dắt. Xung đột ở đây gay gắt, khốc liệt, một mất một còn, được thể hiện bằng thủ pháp đối lập. Một bên nghèo đói, bần cùng, còn một bên giàu có, ăn chơi hưởng lạc; một bên yếu về thế, mỏng về lực, còn một bên đông đảo, mạnh mẽ, quyền thế, uy lực; một bên phải hoạt động bí mật, có thể bị bắt hoặc bị giết bất cứ lúc nào, còn một bên hoạt động công khai, hợp pháp; một bên không có vũ khí trong tay, chỉ có tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường, mưu lược, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn với một bên được trang bị đầy đủ súng ống, đạn dược, mưu mô, xảo quyệt, tàn ác, chống cộng triệt để. Qua xung đột, tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn Triệu Trung Kiên đã cho khán giả nhận thức: con đường cách mạng là con đường vô cùng gian khó, chông gai, đầy thử thách khốc liệt, khắc nghiệt, đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh, ý chí, nghị lực, sự hy sinh cả hạnh phúc riêng tư lẫn mồ hôi xương máu của những người chiến sĩ cộng sản.
Từ xung đột chính, vở diễn được kết cấu theo hình nan quạt, trong đó hình tượng nhân vật Phan Đăng Lưu được đặt ở vị trí trung tâm, có mối liên hệ chặt chẽ với các tuyến nhân vật trong vở diễn. Đó là mối quan hệ giữa Phan Đăng Lưu với cha, vợ, con, đầy gắn bó, thiết tha, chung thủy (cảnh 1, cảnh 2, cảnh phụ 6); với những thân phận bé nhỏ trong xã hội, bị đối xử bất công (khai từ); với những người bạn cùng chí hướng, trăn trở tìm đường, khao khát thực hiện con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp (cảnh 1, cảnh 2); với cụ Phan Bội Châu khi muốn học hỏi kinh nghiệm đấu tranh và lựa chọn con đường đi theo Nguyễn Ái Quốc (cảnh 3); với chính quyền thực dân đầy mưu lược, sắt đá, ngay cả khi bị bắt, bị tù đày, bị tra tấn dã man, vẫn không ngừng đấu tranh, tuyên truyền cách mạng (cảnh 4, cảnh 5, cảnh 9); với các bạn tù vừa nghĩa tình, vừa can trường, khí khái (cảnh 5); với các đồng chí đảng viên thể hiện năng lực của một nhà lãnh đạo mẫu mực, có tầm nhìn xa trông rộng (cảnh 7, cảnh 8)…
Tuy kết cấu nhân vật theo hình nan quạt, nhưng tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn Triệu Trung Kiên vẫn đặt xung đột theo 5 phần phát triển của hành động kịch gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu. Mở đầu là phần giao đãi, Phan Đăng Lưu trăn trở tìm đường (cảnh 1). Phần thắt nút, Phan Đăng Lưu gia nhập Hội Phục Việt (cảnh 2); Toàn quyền Đông Dương muốn diệt trừ Phan Đăng Lưu (cảnh phụ 1). Phần phát triển: chính quyền thực dân theo dõi, lên kế hoạch bắt Phan Đăng Lưu, chống cộng, đàn áp phong trào cách mạng đang lên (cảnh phụ 2, 3 và 6); Phan Đăng Lưu gặp Phan Bội Châu (cảnh 3); Phan Đăng Lưu bị bắt (cảnh phụ 4); Phan Đăng Lưu đấu tranh trong nhà đày Buôn Ma Thuột (cảnh 4 và 5); Phan Đăng Lưu phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ, Nam Kỳ chủ trương khởi nghĩa (cảnh 7). Phần cao trào: Phan Đăng Lưu chủ trì Hội nghị Trung ương, bầu Tổng Bí thư, ra chỉ thị hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ (cảnh 8); Minh Khai bị bắt, ba đồng chí đảng viên bị tra tấn, ép cung và Phan Đăng Lưu bị bắt, chưa kịp truyền đạt chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa (cảnh phụ 5, cảnh phụ 7, cảnh 9). Phần cởi nút: cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị dìm trong bể máu, Phan Đăng Lưu và nhiều đảng viên cộng sản bị xử bắn (cảnh 9).
Thông qua kết cấu hình nan quạt gắn với năm bước phát triển của hành động kịch, vở diễn trở nên vô cùng sinh động khi đặt nhân vật chính trong mối quan hệ đa dạng với nhiều tuyến nhân vật khác, đồng thời đầy kịch tính, căng thẳng, hấp dẫn khán giả. Nhờ đó, hình tượng Phan Đăng Lưu nổi lên, đi vào lòng khán giả với hình mẫu cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo kiên trung, xuất sắc của Đảng, cách mạng nước ta.
Vở diễn Hừng đông đi vào đề tài cách mạng, một đề tài không còn mới mẻ trên sân khấu nước ta nói chung và sân khấu cải lương nói riêng. Khán giả đã từng xem nhiều vở diễn cùng đề tài tương tự như: Người con gái đất đỏ, Minh Khai, Tuổi trẻ Nguyễn Văn Cừ, Võ Thị Sáu… Tuy nhiên, đạo diễn Triệu Trung Kiên đã xử lý một cách khéo léo, sáng tạo, mang hơi thở hiện đại làm cho vở diễn trở nên mới mẻ, lôi cuốn khán giả.
Vở diễn bao gồm 1 khai từ, 1 vĩ thanh, 9 cảnh chính, 7 cảnh phụ. Tuy nhiên, đạo diễn Triệu Trung Kiên đã đẩy tiết tấu vở lên rất nhanh, mạnh, nhiều thông tin, nhiều hành động va đập vào nhau. Nhất là tuyến nhân vật đại diện cho chính quyền thực dân, đạo diễn Triệu Trung Kiên chủ yếu đặt họ vào trong các cảnh phụ, những cảnh rất ngắn gọn, cô đọng, nhưng không thể thiếu để bổ trợ cho các cảnh chính, những cảnh nêu cao vai trò của nhân vật trung tâm Phan Đăng Lưu, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển của hành động kịch cũng như sự phát triển của xung đột, đồng thời phù hợp với tiết tấu của thời đại.
Áp dụng phương pháp tự sự biện chứng gián cách của Berton Brecht, đạo diễn Triệu Trung Kiên đã xử lý bằng cách cùng các bạn trẻ thuộc thế hệ 9X ở ban nhạc Hub kể cho quý vị khán giả nghe một câu chuyện về Phan Đăng Lưu cùng những người con ưu tú của đất Việt đã không sợ hy sinh, vùng lên chống lại đế quốc thực dân, phong kiến tay sai, giành độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Trong nội dung vở diễn, đạo diễn Triệu Trung Kiên đã để các bạn trẻ trong ban nhạc đứng trên sân khấu hoặc ở dưới khán giả để chứng kiến câu chuyện được kể xảy ra như thế nào. Các bạn trẻ này có lúc làm nhiệm vụ chuyển cảnh, có lúc biểu diễn âm nhạc trong một số tình huống kịch nhằm làm rõ chủ đề tư tưởng của vở diễn, có lúc hòa cảm theo vở diễn, tham gia vào trong nội dung kịch khi lo lắng cho vận mệnh của Phan Đăng Lưu đang bị mật thám theo dõi, mặc áo của nhân vật để tình nguyện chết thay, để rồi xin lỗi đạo diễn vì làm hỏng tác phẩm, thậm chí hòa mình vào cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, chứng kiến sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, cảm thấy nỗi đau, sự hy sinh lớn lao của đoàn người khởi nghĩa. Với cách xử lý này, đạo diễn đã ngăn khán giả, nhất là khán giả trẻ không hòa theo sân khấu, giúp họ bình tĩnh, tỉnh táo để nhận thức, suy ngẫm: trong xã hội phong kiến thực dân, rất có thể trong đoàn người đói khát, bần cùng, bị áp bức, bóc lột kia có cụ, ông, bà của mỗi chúng ta; người Việt Nam ở bất cứ thời đại nào, thế hệ nào, khi tổ quốc cần, đều sẵn lòng xả thân. Các bạn trẻ hôm nay, nếu sống trong hoàn cảnh của cha ông ta, chắc cũng sẽ là những chiến sĩ, những anh hùng, những tấm gương yêu nước, bất khuất, kiên trung như: Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ… Đây là cách hiệu quả giúp đạo diễn thổi sinh khí của tuổi trẻ, của thời đại lên sân khấu để nhắc nhở về truyền thống văn hóa, khơi dậy tinh thần yêu nước trong mỗi khán giả trẻ Việt Nam.
Bên cạnh nhạc Pháp, đạo diễn Triệu Trung Kiên đã táo bạo mang nghệ thuật âm nhạc đường phố lên sân khấu cải lương. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, trong một vở diễn đề tài đấu tranh cách mạng, nhạc jazz, rock, nhạc hiện đại hòa cùng cải lương một cách nhuần nhị. Đặc biệt, khán giả không thể quên ban nhạc Hub thổi kèn harmonica, chơi guitar Bèo dạt mây trôi theo phong cách dân gian hiện đại trong cảnh Y Jut bị tra tấn đến chết nhưng vẫn mơ về ngày hòa bình, độc lập, tự do, hướng về quê cha ở Kinh Bắc đầy da diết, ngọt ngào… làm cho vở diễn trở nên dung dị, xúc động khán giả.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên đã sử dụng màn hình led cỡ lớn ở trên sân khấu vừa để làm phông nền thể hiện không gian trong từng cảnh kịch, vừa có vai trò chuyển cảnh, phụ trợ cho một số cảnh diễn để làm rõ hơn chủ đề tư tưởng của tác phẩm như: hình ảnh hiện thực xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc (khai từ); hình ảnh người dân chết đói đầy đường, bị treo cổ, xác nằm ngổn ngang, các cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Ba Đình... bị đàn áp (cảnh 1); hình ảnh các tù binh chính trị bị hành hạ, đối xử tàn bạo trong nhà đày Buôn Ma Thuột (cảnh 4); hình ảnh quê hương Việt Nam với cánh đồng, cánh cò bay, dòng sông, bến nước, chợ quê, phố xá… đầy yên ả, thanh bình, thân thương (cảnh 5). Đặc biệt, ở cảnh 9, khởi nghĩa Nam Kỳ, đạo diễn đã sử dụng ngôn ngữ điện ảnh thể hiện những tia máu tuôn trào, lan dần nhuộm đỏ cả màn ảnh, hình búa liềm hiện lên giữa quầng máu tạo thành hình ảnh Đảng kỳ, kết hợp với biểu diễn bằng những động tác hình thể cuộc đấu tranh ngoan cường của những đoàn người khởi nghĩa chống lại sự đàn áp dã man của thực dân Pháp. Hình tượng Phan Đăng Lưu cùng những chiến sỹ cộng sản khác bị giặc bắn, tạo thành tượng đài chiến thắng, ánh sáng đỏ bao trùm lên họ, phía sau họ, trên màn hình led, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong khởi nghĩa Nam kỳ… đã gây ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả và tạo nên hiệu quả nghệ thuật vô cùng mạnh mẽ.
Với những xử lý sáng tạo, đạo diễn Triệu Trung Kiên cùng tập thể nghệ sĩ Nhà hát Cải lương muốn vở diễn lôi cuốn khán giả trẻ, truyền đến khán giả trẻ thông điệp: hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của ngày hôm nay được đánh đổi bằng xương máu của biết bao chiến sĩ, đảng viên ưu tú của đảng cộng sản như: Phan Đăng Lưu, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ… Thế hệ trẻ hôm nay chớ quên lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của cha ông. Phải biết trân trọng lịch sử, lấy lịch sử làm điểm tựa, tuổi trẻ làm sức bật để xây dựng một đất nước hùng cường, mang đậm hồn cốt của dân tộc Việt Nam.
Với thành công của vở diễn Hừng đông, tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn Triệu Trung Kiên cùng các nghệ sĩ Quang Khải, Hoàng Tùng, Minh Hải, Thu Hiền, Văn Dương, Viết Sơn, Xuân Thông, Ngọc Thảnh, Văn Đáng, Dạ Ngọc Hương… của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã minh chứng cho thực tiễn: dàn dựng một vở diễn đề tài đấu tranh cách mạng vẫn lôi cuốn khán giả nếu biết cách làm cho chúng hấp dẫn, mang hơi thở của thời đại mới.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016
Tác giả : TRẦN THỊ MINH THU