HƯ CẤU NGHỆ THUẬT VÀ HIỆN THỰC LỊCH SỬ

 

Hiện thực đời sống là ngọn nguồn tạo nên nội dung của nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng. Nhưng hiện thực vốn phong phú, đa dạng đến vô tận, trong đó có cái đã xảy ra, cái đang diễn ra và cái sẽ xảy ra. Phần hiện thực đã xảy ra vẫn được nhìn nhận là phạm vi của đề tài lịch sử. Chính vì thế, việc phân chia đề tài lịch sử với đề tài hiện đại chỉ mang ý nghĩa tương đối... Lịch sử ngàn năm với bao chiến công hiển hách mà cũng đầy thăng trầm thử thách chính là nguồn chất liệu dồi dào, phong phú cho các thế hệ nghệ sĩ tìm tòi, khám phá và sáng tạo những tác phẩm sân khấu tương xứng với lịch sử dân tộc, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Sân khấu có thể nói là ngành quan tâm đặc biệt đến đề tài lịch sử. Trong hệ thống kịch mục của sân khấu Việt Nam từ 1945 trở lại đây, mảng đề tài lịch sử luôn chiếm một tỉ lệ cao ở tất cả các bộ môn, từ kịch hát, kịch nói cho tới sân khấu múa rối. Dường như có bao nhiêu anh hùng hào kiệt, danh nhân thì có bấy nhiêu tác phẩm sân khấu tìm cách thể hiện. Thậm chí, với mỗi nhân vật lịch sử nổi tiếng càng thấy nhiều vở diễn khai thác dưới những cung cách khác nhau mà vẫn lực bất tòng tâm.

Nếu lịch sử dân tộc cung cấp cho sân khấu nguồn chất liệu quý giá, thì sân khấu với ưu thế riêng của từng kịch chủng và với mỗi chủ thể nghệ sĩ có thể soi dọi nguyên mẫu lịch sử từ nhiều nguồn sáng và góc độ khác nhau để phát hiện ra những chiều sâu mới.

Thực ra, cho đến nay, mảng sân khấu về đề tài lịch sử không phải không có những tác phẩm được đánh giá cao tại các kỳ hội diễn, liên hoan quốc gia, nhưng đó mới là sự đánh giá giới hạn trong một cuộc thi. Những tác phẩm sân khấu còn cần được thử thách ở dư luận rộng rãi và chịu sự sàng lọc của thời gian mới thực sự có giá trị lâu dài. Sân khấu đề tài lịch sử còn quá ít những tác phẩm như thế. Về kịch nói chỉ thấy Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Trãi ở Đông QuanRừng trúc của Nguyễn Đình Thi; ở chèo là tác phẩm Bài ca giữ nước của Tào Mạt, mà ngay những tác phẩm này cũng chưa hẳn toàn bích. Chẳng hạn, ở chèo Tào Mạt, nhân vật Lê Văn Thịnh khiến dư luận không đồng tình vì nó ít nhiều vi phạm tính chân thực lịch sử… Hơn nữa, đó là những tác phẩm sân khấu được sáng tác và công diễn từ vài chục năm trước, các tác giả của nó đã lần lượt qua đời… Đến nay khó có thể lựa lọc thêm những tác phẩm tầm vóc như thế. Vì vậy, mảng sân khấu về đề tài lịch sử thời gian qua dường như mới tạo được bề rộng mà còn thiếu chiều sâu và bề cao.

Đâu là lý do khiến việc sáng tác và biểu diễn sân khấu về đề tài lịch sử cứ dậm chân tại chỗ, quẩn quanh ở những tiết mục làng nhàng mà chưa vươn tới được những tác phẩm hay?

1. Mối quan hệ giữa chân thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật

Đây là vấn đề không mới tuy vậy vẫn cần phải được đặt ra vì nó thuộc về loại vấn đề cơ bản, đụng chạm đến phương diện thiết cốt của thực tiễn sáng tạo đề tài lịch sử trong nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng. Mặc dù cho đến nay một số chiều cạnh của mối quan hệ này đã được xới ra, trở thành chủ đề của nhiều cuộc thảo luận, tranh luận nhưng rút cục nhiều mắc mớ chưa được khai thông khiến cho cả sáng tác lẫn lý luận phê bình, tiếp nhận tác phẩm vẫn tồn đọng nhiều hụt hẫng, lúng túng, nan giải…

Những thiếu sót trong xử lý mối quan hệ giữa chân thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật ở lĩnh vực sân khấu dường như bắt nguồn từ cách hiểu còn mơ hồ và phiến diện của cả nghệ sĩ lẫn người làm công tác lý luận phê bình về hàm nghĩa của cái gọi là chân thực lịch sử, chân thực nghệ thuật. Để làm sáng tỏ hơn điều này nên chăng cần tham khảo ý kiến của những nhà mỹ học lớn. Chẳng hạn, Aristotle (384-322) đã phân biệt sự khác nhau giữa lịch sử và nghệ thuật: “Nhà sử học nói về những điều xảy ra thực sự, còn nhà thơ thì nói về những gì có thể xảy ra. Vậy thơ ca có ý vị triết học và nghiêm chỉnh hơn lịch sử, vì thơ ca nói về cái chung mà lịch sử nói về cái cá biệt”(1). Hoặc quan niệm của sân khấu cổ điển Pháp TK XVII về sự khác nhau của cái thật và cái tương tự sự thật

Khoa học lịch sử chọn những sự kiện đã xảy ra trong xã hội làm đối tượng nghiên cứu. Nhưng nếu sử gia có thể đồng thời là nhân chứng lịch sử khi nó đang diễn ra hoặc sống ở thời đại sau đó, thì nghệ sĩ khi tái hiện lịch sử chủ yếu lại sống ở các thời đại khi sự kiện lịch sử đã hoàn tất. Hơn nữa, sử học với tư cách là một khoa học, luôn đòi hỏi tính chính xác và khách quan trong khi sân khấu là một loại hình nghệ thuật yêu cầu rất cao vai trò của chủ thể sáng tạo và phong cách cá nhân.

Vì lẽ đó, người nghệ sĩ khai thác đề tài lịch sử vừa phải tôn trọng tính chân thật của sự kiện lịch sử, lại vừa có quyền phát huy trí tưởng tượng và hư cấu nghệ thuật để tạo nên hình tượng nghệ thuật sống động và cụ thể. Như thế, tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử hiện diện ở điểm giao cắt vừa rất mong manh lại vừa rất phức tạp giữa lịch sử và nghệ thuật… Điều này luôn thách thức nghiệt ngã những nghệ sĩ nào chọn lựa đề tài lịch sử làm đối tượng cho sáng tác.

Có thể thấy, vì chưa xác lập được cách hiểu toàn diện, đúng đắn về nội hàm của cái gọi là chân thực lịch sử và chân thực nghệ thuật mà giới sáng tác sân khấu trong thực tế sáng tác đề tài lịch sử đã rẽ thành hai xu hướng khác nhau.

Xu hướng thứ nhất: đồng nhất chân thực lịch sử với chân thực nghệ thuật, nên chỉ bám sát những diễn biến của sự kiện lịch sử hoặc hành trạng của nhân vật lịch sử, khiến tác phẩm sân khấu đơn thuần mang tính diễn ca hóa lịch sử, dựng tượng đài các nhân vật lịch sử bằng ngôn ngữ sân khấu nhiều hơn là tìm tòi, khám phá về lịch sử. Bởi thế đã xuất hiện hàng loạt vở diễn đổ xô vào việc sân khấu hóa những nhân vật lịch sử của địa phương, vùng miền… Chẳng hạn, sân khấu Ninh Bình đau đáu với việc dựng và diễn về danh nhân Đinh Bộ Lĩnh, Dương Vân Nga; các đoàn nghệ thuật Thanh Hóa nhiều năm qua trở đi trở lại xây dựng tiết mục về Khởi nghĩa Lam Sơn, rồi hình tượng Bà Triệu, Tống Duy Tân… Còn chèo, cải lương Nam Định hăm hở đưa lên sàn diễn hình tượng các vua nhà Trần… Sân khấu Bắc Giang thể nào cũng có tác phẩm về Hoàng Hoa Thám, còn Bắc Ninh thì miệt mài với vở diễn Cô gái kinh Bắc (nói về cuộc khởi nghĩa Cai Vàng)... Sân khấu Bình Định thì không quên đi về với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn; còn sân khấu Đà Nẵng, Quảng Nam lại nỗ lực diễn tả những nhân vật lịch sử của quê hương mình như: Ông ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân…; sân khấu kịch TP.HCM, dồn nguồn lực dồi dào tạo dựng vở diễn hoành tráng về tả quân Lê Văn Duyệt... Có thể nói, trong một thời gian dài các loại hình sân khấu tập trung nhiều vào những anh hùng hào kiệt trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược giữ nước mà ít khai thác những sự kiện và nhân vật trong quá trình dựng nước. Từ khi đổi mới đến nay, cách nhìn thông thoáng hơn đã dẫn đến quá trình mở rộng biên độ miêu tả, do đó nhiều danh nhân văn hóa đã trở thành hình tượng sân khấu, như Chu Văn An, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng lãn ông, Tuệ Tĩnh… Thậm chí, một số vở diễn còn lật lại cách đánh giá có phần quá khắt khe đối với những nhân vật phức tạp như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly và các vị vua triều Nguyễn, khiến cho diện mạo lịch sử hiện ra trên sân khấu thật sự phong phú. Nhưng nhìn chung, các tác giả vẫn chưa thoát khỏi quan niệm nghệ thuật có phần cứng nhắc trước đây, với lối phân tuyến rạch ròi giữa chính diện với phản diện, giữa xấu và tốt, ít chú ý đến sự phức tạp và đa chiều cũng như quá trình chuyển biến của nhân vật trong sự vận động biện chứng của nó.

Đối với loạt vở diễn cùng khai thác một sự kiện, một nhân vật lịch sử dưới các hình thức thể loại khác nhau (tuồng, chèo, cải lương, kịch hát dân ca, kịch nói), do chỗ tác giả đồng nhất sự thật lịch sử với sự thật nghệ thuật nên không ai bảo ai đều nỗ lực đưa những sự việc có thật, đã xảy ra trong quá khứ liên quan trực tiếp đến đối tượng miêu tả vào tác phẩm sân khấu của mình. Vì thế, nếu vở diễn thể hiện Trần Quốc Toản thì bao giờ cũng có chi tiết người thiếu niên yêu nước bóp nát quả cam, hoặc ngồi trên mình ngựa bên cạnh là lá cờ thêu hàng chữ Phá cường địch báo hoàng ân. Trong loạt vở diễn về Trần Bình Trọng, không vở nào không dành những cảnh diễn đặc tả Trần Bình Trọng bị bắt giam và bị quân xâm lược hết tra tấn lại mua chuộc, nhưng người anh hùng này chỉ khẳng khái “…thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”… Có thể thấy phần lớn các vở diễn theo xu hướng này đều rơi vào căn bệnh minh họa dễ dãi hiện thực lịch sử, ít có những phát hiện, tìm tòi cả trong nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật.

Xu hướng thứ hai, ngược lại, nhân danh hư cấu như là bản chất của tác phẩm nghệ thuật, xem nhẹ yêu cầu về chân thật lịch sử... Ở xu hướng này, thay thế cho công phu đi sâu tìm hiểu nguồn tư liệu lịch sử, các tác giả tìm cách gia tăng vai trò của trí tưởng tượng, hư cấu nghệ thuật, thêm thắt nhiều sự việc, chi tiết chưa xảy ra trong lịch sử nhằm biến nhân vật lịch sử chỉ còn là cái cớ để bày tỏ những ý tưởng chủ quan hoặc tạo ra sự ly kỳ, éo le, bất ngờ trong diễn biến câu chuyện, kích thích tâm lý hiếu kỳ, chuộng lạ của một bộ phận khán giả. Có thể nhận ra những biểu hiện như thế ở một số vở diễn, nhưng đáng chú ý là hai tác phẩm sân khấu xuất hiện gần đây đã tạo nên những dư luận hết sức đối lập nhau. Đó là Ngàn năm tình sử của Nguyễn Quang Lập do Sân khấu Indicaf (TP.HCM thực hiện năm 2009) khắc họa hình tượng nhân vật Lý Thường Kiệt, nhưng thực chất xuyên suốt vở diễn lại là mối tình kỳ lạ hiếm thấy, do đó không hề thấy những hành vi diễn tả phẩm chất anh hùng của một danh tướng nổi tiếng với những chiến công chống ngoại xâm đã đi vào sử sách, mà hiện diện trên sàn diễn là một con người chỉ sống vì yêu và yêu đến si cuồng!? Hoặc Yêu là thoát tội của Lê Chí Trung (Nhà hát Cải lương Hà Nội, công diễn năm 2011) tuy khai thác thảm án dẫn đến cái chết của một nhân vật mà các tác giả gọi tránh đi là Nguyễn Thái úy, mà bất kỳ khán giả bình thường cũng nhận ra đó là sự mô phỏng bi kịch cuộc đời của nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi, để từ đó đặc tả diễn biến mối tình ngang trái giữa vị vua trẻ, hiếu sắc với người đàn bà tài sắc vẹn toàn, vợ của Nguyễn Thái úy… Theo cách lý giải của các tác giả, chính mối tình đắm đuối, pha màu sắc dục vượt ra ngoài lễ nghi và luân lý thường tình là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bi kịch thống thiết nhận án chu di của gia tộc được gọi lấp lửng là Nguyễn Thái úy!? Từ tính chất của kịch lịch sử, vở diễn đã cố ý lạc sang cõi kịch dã sử để tác giả tha hồ tự do hư cấu, thêm thắt gia vị nhằm gây hấp dẫn…

Sự vi phạm tính chân thật lịch sử không chỉ ở phương diện biên kịch mà đặc biệt tập trung một cách đậm nét ở khâu trang trí mỹ thuật cho bối cảnh và khâu trang phục hóa trang ở các vở diễn đề tài lịch sử.

2. Mối quan hệ giữa quá khứ lịch sử và cuộc sống hôm nay

Đề cập tới sân khấu thể hiện đề tài lịch sử không thể không nói đến khoảng cách thời gian giữa chủ thể sáng tạo với đối tượng miêu tả. Cụ thể hơn, người nghệ sĩ đang sống ở cuộc sống hôm nay, nhìn lại quá khứ, tìm ở đó cảm hứng và nguồn chất liệu cho sáng tác. Viết về đề tài lịch sử, vì thế, trước hết thỏa mãn cho con người của thời đại hôm nay, bộc lộ thái độ, tình cảm của nghệ sĩ đối với quá khứ cũng như đối với thời đại mà mình đang sống.

Vì thế người nghệ sĩ không thể thoát ly với môi trường, tâm thế, khí hậu tinh thần của thời đại. Khi sáng tác về đề tài lịch sử, người nghệ sĩ sân khấu mặc nhiên thừa hưởng những lợi thế tự nhiên mà thời đại ban cấp cho. Đó là độ lùi về thời gian giúp họ có thể vươn tới cái nhìn bao quát, toàn cục hơn đối tượng miêu tả. Mặt khác, họ có thể tựa vào những tri thức mới mẻ về nhiều phương diện để khoan sâu vào tầng vỉa ngóc ngách của quá khứ lịch sử, từ đó phát hiện sự thật bị che giấu. Đặc biệt, những cộng hưởng của tâm thế thời đại sẽ gợi mở, kích thích họ từ chân đứng hôm nay phát hiện ra những mối liên hệ sâu xa, những đồng vọng thiết tha giữa quá khứ và hiện tại. Lợi thế này đồng thời còn là áp lực đòi hỏi họ không ngừng nỗ lực vượt lên mình, vươn tới một cái nhìn khác và mới về lịch sử.

Điều này, ở sân khấu lại càng đặt ra một cách nóng bỏng. Bởi lẽ, sân khấu là nghệ thuật trình diễn, mang thuộc tính hiện tại từ trong bản chất. Trình diễn bao giờ cũng là trình bày cái diễn ra ở đây và trong lúc này. Dẫu trình diễn về những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa, thì thông qua biểu diễn của diễn viên cũng hiện ra tức thời và tại chỗ, với sức mạnh gần như thôi miên, tạo ra cảm giác hay ảo giác về chuyện kịch đang xảy ra trước mắt luôn thuộc thì hiện tại.

       Tính tất yếu này buộc nghệ sĩ sân khấu khi khai thác đề tài lịch sử bao giờ cũng ngoái nhìn lại quá khứ bằng đôi mắt hiện tại đang sống. Sáng tác về quá khứ không đơn thuần mang mục đích chỉ tái hiện lịch sử mà còn thỏa mãn yêu cầu rút từ quá khứ bài học, kinh nghiệm, gợi ý, cảnh báo cho hiện tại và tương lai. Tất nhiên không loại trừ một số tác giả tìm về với đề tài lịch sử với động cơ đào thoát khỏi hiện tại mà anh ta chối bỏ hoặc né tránh, không hòa nhập được, muốn chui mình vào vỏ ốc. Nhưng đây chỉ là những biểu hiện đơn lẻ không mang tính phổ biến.

Quan sát nhiều tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử, dễ nhận ra rằng trong khi tìm từ quá khứ những bài học cho hôm nay, không ít trường hợp lại mang cung cách áp đặt, lộ liễu đến tùy tiện. Khi khai thác đối tượng miêu tả, không tìm thấy những sự việc, hành động nào phù hợp với ý đồ muốn gửi gắm, nên tác giả đành tưởng tượng, thêm thắt những chi tiết bịa đặt trong lịch sử nhằm minh chứng cho ý tưởng mà mình gửi vào tác phẩm. Điều này cũng tức là vi phạm tính chân thật của lịch sử.

Như thế, có thể nói, không phải tác giả nào cũng nhận thức được sáng tỏ để có cách xử lý thỏa đáng và hiệu quả mối quan hệ giữa xưa và nay, giữa sự thật lịch sử và mong muốn chủ quan. Đó cũng là một nguyên nhân làm giảm đi chất lượng tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử.

Do quá coi trọng việc đi tìm trong quá khứ những bài học hiện tại mà nhiều tác giả thường cấu tứ theo kiểu dùng sự kiện, nhân vật lịch sử như là tấm gương cho đời sau mà nhiều khi sa vào hiện đại hóa, lý tưởng hóa, thậm chí luận đề hóa, ngoại lệ hóa nhân vật lịch sử, làm giảm đi tính thuyết phục, truyền cảm của tác phẩm nghệ thuật. Về thực chất, cung cách sáng tác này cũng không tránh khỏi sự vi phạm tính chân thật lịch sử...

Sự cộng hưởng những biểu hiện hụt hẫng đó khiến cho sân khấu thể hiện đề tài lịch sử thời gian qua chỉ chạy theo số lượng mà chưa tạo được chất lượng tư tưởng và nghệ thuật cao. Hiếm có tác phẩm nào khi đi sâu miêu tả một sự kiện, một nhân vật lịch sử biết từ đối tượng cụ thể mở rộng ra, vươn tới một tầm nhìn, một cách suy nghĩ xa rộng, đi đến những khái quát bao trùm hơn liên quan đến quá trình hình thành của dân tộc, đúc rút được những tố chất tinh thần tạo nên cốt cách, đặc điểm của con người Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam như là những động lực quan trọng cắt nghĩa những chiến công, những vinh quang và cả những thăng trầm, mất mát trong tiến trình lịch sử.

Những tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử tầm cỡ như thế không chỉ giúp cho công chúng hôm nay nhận thức lại lịch sử dân tộc mà còn tạo ra những tiền đề để cá nhân và cộng đồng tự nhận thức, tự ý thức về bản thân mình, về dân tộc mình một cách đúng đắn, sâu sắc hơn. Đồng thời cũng giúp cho nhân dân thế giới thông qua đó nhận thức đầy đủ hơn về con người, lịch sử Việt Nam.

Chính việc xử lý hài hòa, đúng đắn mối quan hệ giữa chân thực lịch sử với hư cấu nghệ thuật, giữa quá khứ lịch sử với cuộc sống hôm nay, chắc chắn sẽ đem lại những tiền đề cho việc nâng cao chất lượng sáng tác và biểu diễn sân khấu đạt được trình độ mới, chất lượng mới.

Đáng mừng là gần đây đã xuất hiện những biểu hiện tìm tòi đổi mới nghệ thuật biên kịch về đề tài lịch sử đáng trân trọng. Đó là những nỗ lực của Lê Duy Hạnh, cây bút rất tâm huyết về đề tài lịch sử với hàng chục kịch bản và đã cho ra mắt những tác phẩm thể hiện chiều sâu mới, trình độ mới trong nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, như Nỏ thầnRời đô... Tiếc rằng đây chỉ là hiện tượng có phần đơn lẻ, chưa đủ khả năng xoay chuyển cục diện nên sân khấu vẫn đang rơi vào tình trạng trì trệ.

Vì thế phấn đấu nâng cao chất lượng sáng tác và biểu diễn để có thêm những tác phẩm mang tầm cao, sự hoàn mỹ từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật vẫn còn đó như niềm khát vọng thôi thúc giới nghệ sĩ sân khấu.

_______________

1. Nghệ thuật thi ca, Nxb Lao động, 2007, tr.45.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 344, tháng 2-2013

Tác giả : Nguyễn Văn Thành

;