Hội thảo tham vấn “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045”

Ngày 19-10, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến đóng góp đối với “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045”. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu trên cả nước. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, văn hóa và thể thao được xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng và là động lực của kinh tế - xã hội. Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý xã hội. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng liên quan đến lĩnh vực văn hóa và thể thao, đặc biệt là các định hướng phát triển mạng lưới văn hóa và thể thao cấp quốc gia có thể kể như: Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020; Đề án Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030…

Sau 10 năm triển khai thực hiện các Chiến lược, quy hoạch, kết quả đạt được đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần của nhân dân, qua đó đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các chiến lược, quy hoạch phát triển văn hóa và thể thao sau khi được ban hành đến nay cơ bản đã hoàn thành được mục tiêu đề ra, cùng với đó các chiến lược, quy hoạch cũng đã dần hết thời hạn thực hiện (hầu hết các quy hoạch đều xác định mục tiêu chính hoàn thành đến năm 2020). Một số nội dung quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể dục thể thao tuy được xây dựng tầm nhìn đến năm 2030 nhưng đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, cần phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo

Nhằm tiếp tục phát huy các nền tảng phát triển ở giai đoạn quy hoạch trước, nắm bắt bối cảnh mới với những cơ hội và những khó khăn thách thức, ngành Văn hóa và Thể thao cần thiết phải được định hướng quy hoạch phát triển với tầm nhìn dài hạn, làm cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển văn hóa, thể thao phù hợp với nhu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo, cũng như làm nền tảng vững chắc cho những định hướng phát triển văn hóa, thể thao tại các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Ngày 29-6-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-TTg về nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó Bộ VHTTDL được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai thực hiện lập quy hoạch này.

Thứ trưởng mong muốn, tại Hội thảo này, Bộ VHTTDL sẽ nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện của các Bộ ngành, địa phương đối với những nội dung cơ bản của dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ biên soạn. Nhằm bổ sung, hoàn thiện về những định hướng và giải pháp cơ bản tạo đột phá cho phát triển văn hóa và thể thao trong giai đoạn mới, phù hợp với những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Chiến lược phát triển Ngành; đồng thời làm cơ sở pháp lý để triển khai chỉ đạo, quản lý các hoạt động của ngành văn hóa và thể thao trên phạm vi cả nước một cách có hiệu quả.

Ông Nguyễn Tiến Sỹ - đại diện đơn vị Liên danh tư vấn trình bày tóm tắt Quy hoạch

Trình bày tóm tắt nội dung “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Nguyễn Tiến Sỹ - đại diện đơn vị Liên danh tư vấn đã  nêu rõ, cụ thể về các vấn đề: sự cần thiết của quy hoạch; thực trạng; tầm nhìn quy hoạch đến năm 2045; định hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao quốc gia;  giải pháp, nguồn lực quy hoạch…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến đóng góp quan trọng, chia sẻ về tổng quan các bước lập quy hoạch, ông Lê Văn Thụy - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là quy hoạch ngành quốc gia, nên được quy định tại Phụ lục 1 Luật Quy hoạch. Quy trình lập quy hoạch được thực hiện cụ thể theo khoản 2 điều 16 Luật Quy hoạch...  Ông Lê Văn Thụy cũng đưa ra nhận xét, về cơ bản Quy hoạch đã bao quát được đầy đủ, đã đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên cần cân nhắc thêm về đánh giá hiện trạng, kết nối đối với kết cấu hạ tầng nói chung, phát huy tính đồng bộ đối với văn hóa, thể thao...  

Ông Lê Văn Thụy - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch - Đầu tư chia sẻ về tổng quan các bước lập quy hoạch

Với tham luận, “Chính sách về nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VHTTDL Nguyễn Thanh Sơn đã chia sẻ với các nội dung chính về nguồn lực trong quy hoạch: vai trò của nguồn lực, chính sách của nguồn lực trong phát triển quy hoạch nói chung và quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao nói riêng; nguồn lực – sự thấu suốt từ quan điểm đến mục tiêu, nội dung của quy hoạch mạng lưới; nguồn lực văn hóa, thể thao - đặc thù riêng có, nên quy hoạch như thế nào; nguồn lực văn hóa, thể thao trong các cơ chế pháp luật; các giải pháp về nguồn lực để phát triển trong quy hoạch…   

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Võ Trọng Nam cho biết, hiện nay TP.HCM đang chuyển mình trở thành thành phố sáng tạo thông qua các quy hoạch để chuyển đổi những khát vọng của thành phố. Trong đó nhiệm vụ phát triển mạng lưới văn hóa, thể thao TP.HCM để trở thành trọng điểm kinh tế vùng Đông Nam Bộ là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt.

Theo ông Võ Trọng Nam, trên địa bàn thành phố có trên 300 công trình, trong đó có 27 công trình đạt chuẩn đăng cai tổ chức, biểu diễn, thi đấu các giải quốc gia, quốc tế chính thức. Bên cạnh hệ thống thiết chế công lập, sự phát triển các công trình văn hóa, thể thao trong thời gian qua còn gắn liền với sự phát triển của hoạt động xã hội hóa, trở thành một “thương hiệu” của Thành phố. Đến nay, TP.HCM có trên 2.500 cơ sở (không tính các địa điểm có cơ sở vật chất TDTT tại các khách sạn, cụm dân cư cao cấp…), trong đó nổi bật là mô hình kết hợp hoạt động TDTT với các loại hình văn hóa xã hội. Hệ thống rạp chiếu phim hiện đại do các công ty liên doanh đầu tư càng ngày càng phát triển… Trong quy hoạch, thành phố luôn chú trọng gìn giữ, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đến nay, thành phố có 185 công trình có quyết định xếp hạng di tích...

Để TP.HCM phấn đấu trở thành thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đưa ra các kiến nghị: đề xuất Quốc hội cho phép TP.HCM được áp dụng cơ chế đặc thù, triển khai các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao theo Luật Đầu tư; các cơ quan truyền thông của trung ương hướng dẫn cụ thể Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung nhằm khuyến khích sự sáng tạo, đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, hoặc thực hiện thí điểm đảm bảo không trái Hiến pháp, làm cơ sở nghiên cứu để thực hiện các dự án…

Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với nhiều điểm cầu trên cả nước

Để phát triển mạng lưới văn hóa, thể thao tỉnh Lâm Đồng trở thành trung tâm của Vùng Tây Nguyên, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tiến Hải đưa ra các phương hướng: đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ đảng viên và người dân trong toàn xã hội…; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi kết nối giữa các tỉnh, vùng Tây Nguyên và các địa phương khác; ưu tiên, bố trí quỹ đất có vị trí thuận lợi để xây dựng các công trình văn hóa thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở phù hợp với tiêu chuẩn của Bộ VHTTDL; đổi mới cơ chế, chính sách về quy hoạch, sử dụng đất dành cho các thiết chế văn hóa, thể thao. Có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao…

Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo công cụ hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước để quản lý, điều hành các hoạt động văn hóa, thể thao; xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án về phát triển văn hóa, thể thao; cơ sở lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác có liên quan; quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực phục vụ phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao. 

Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một trong 39 quy hoạch trong Danh mục các quy hoạch ngành Quốc gia cần được triển khai thực hiện theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14. Trong quá trình tổ chức triển khai lập quy hoạch, việc lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân đối với các nội dung dự thảo Quy hoạch là cần thiết, nhằm mở rộng việc tiếp cận, thu thập các thông tin, nhìn nhận đa chiều từ các đại biểu của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học để bổ sung phân tích và đề xuất giải pháp phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao Việt Nam trong giai đoạn tới.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

 

;