Sáng 12-1, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa, trực tiếp tại điểm cầu trụ sở Bộ VHTTDL và trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Dự Hội nghi - Hội thảo có: Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và các đại biểu đại diện các Bộ, Ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các Hội đồng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học của Trung ương.
Tại Hội nghị - Hội thảo, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa đã trình bày báo cáo tóm tắt “Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa về kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn, hạn chế và những định hướng nhằm hoàn thiện Luật Di sản văn hóa”. Báo cáo nêu rõ: khái quát về bộ máy quản lý di sản văn hóa, hiện nay hệ thống các cơ quan, đơn vị, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở trung ương và địa phương khá đa dạng trên ba lĩnh vực: quản lý di tích, quản lý văn hóa phi vật thể và quản lý bảo tàng. Đã có 34/63 sở thành lập phòng chuyên môn về quản lý di sản văn hóa; cả nước hiện có khoảng 280 đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực di sản văn hóa (bảo tàng, ban quản lý di tích) với trên 7.000 viên chức, người lao động. Nguồn nhân lực có chuyên môn khác nhau (lịch sử, văn hóa, khảo cổ, hán nôm...) nhưng nhìn chung đều phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của các đơn vị trong ngành.
Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa trình bày báo cáo “Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa"
Hiện nay, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, bao gồm: 1 Luật; 1 Luật sửa đổi, bổ sung; 7 Nghị định của Chính phủ; 3 Quyết định và 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ VHTTDL đã ban hành 17 Thông tư, 8 Quyết định, 3 Chỉ thị theo thẩm quyền; đồng thời, Bộ VHTTDL cũng đã phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ để ban hành 2 Thông tư liên tịch. Có thể khẳng định, Di sản văn hóa cũng là lĩnh vực chuyên ngành có hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh sớm nhất trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL.
Để triển khai có hiệu quả Luật Di sản văn hóa, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, các Bộ, ngành cũng đã ban hành những văn bản pháp luật, các quy định, quy chế, quy hoạch, đề án để phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện, như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông…
Nhiều địa phương đã ban hành quy chế quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành ở địa phương trong việc phối hợp thực hiện các nội dung quy định của pháp luật về di sản văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa đã có nhiều tiến bộ trong vấn đề phân cấp và kiểm soát thủ tục hành chính. Hiện nay, đã có 14 thủ tục hành chính (trên tổng số 25 thủ tục hành chính) đã được phân cấp về địa phương. Các thủ tục hành chính đều đơn giản, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia thực hiện quy định pháp luật về di sản văn hóa.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Hội thảo
Từ khi Luật Di sản văn hóa ra đời năm 2001 đến nay, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Sở VHTTDL/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật Di sản văn hóa ở các cấp, các địa phương trong cả nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, để các văn bản quy phạm pháp luật được phổ biến rộng rãi tới các cán bộ văn hóa huyện, xã và cộng đồng nơi di sản văn hóa tồn tại, hầu hết các địa phương cũng tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ văn hóa và cho cộng đồng chủ thể di sản văn hóa. Một số lớp tập huấn thí điểm cho giảng viên di sản văn hóa phi vật thể cũng được UNESCO tổ chức tại Việt Nam để cung cấp thêm kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng đào tạo cho đội ngũ hạt nhân, nòng cốt là một số cán bộ quản lý văn hóa tại các tỉnh, thành phố đại diện.
Về tình hình tuân thủ Luật Di sản văn hóa: Qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, những năm gần đây, nhận thức chung của đại đa số dân cư địa phương tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên cả nước đã được nâng cao và thu được nhiều kết quả: hiện nay, qua nhiều năm tuyên truyền, phổ biến kiến thức chuyên môn và pháp luật, cộng đồng nhân dân đã hiểu rõ hơn và tham gia tích cực với cán bộ quản lý trong từng dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, do đó, chất lượng của hoạt động tu bổ di tích từng bước được nâng cao, vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích đã giảm hẳn so với những năm trước đây, các vi phạm được xử lý triệt để. Hệ thống pháp lý hiện hành về cơ bản đã tạo ra cơ chế để gắn kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể với phát triển kinh tế - xã hội và thu hút du lịch.
Quang cảnh Hội nghị - Hội thảo
Về kết quả hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần nhận diện giá trị của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Việc UNESCO ghi danh di sản văn hóa thế giới, các di tích danh lam thắng cảnh gắn với di sản văn hóa phi vật thể sau khi được xếp hạng, vinh danh đã ngày càng trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương.
Các bảo tàng tiếp tục được đổi mới về phương thức hoạt động, theo hướng tăng cường hiện vật gốc và ứng dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày, đổi mới hình thức phục vụ công chúng; xây dựng các phòng giáo dục và chương trình giáo dục dành riêng cho học sinh phổ thông; chủ động kết hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thường xuyên các cuộc trưng bày chuyên đề; kết hợp với việc trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể tại bảo tàng, nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống nâng cao văn hóa, khoa học cho công chúng, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Trên phương diện tham gia các tổ chức quốc tế, thời gian qua, Việt Nam đã khẳng định là một trong những thành viên tham gia tích cực quá trình xây dựng, thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế về văn hóa và di sản văn hóa, cụ thể: Hợp tác với UNESCO đã ngày càng được tăng cường, mang lại hiệu quả tích cực: Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên tại các Công ước liên quan; Đảm nhiệm một số vị trí quan trọng trong cơ chế hợp tác UNESCO. Đồng thời, Việt Nam và UNESCO đã đẩy mạnh hợp tác tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo liên quan đến di sản và phát triển bền vững; đề nghị UNESCO hỗ trợ bảo tồn di sản trong trường hợp khẩn cấp, cử chuyên gia tham dự các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, các khóa học ngắn hạn và dài hạn về bảo tồn và quản lý di sản…; Chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực tại các tổ chức quốc tế về văn hóa và di sản văn hóa như: ICOM, ICOMOS, ICCROM,...
Bên cạnh hợp tác quốc tế với UNESCO, Việt Nam tham gia các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với nhiều nước, tổ chức khác nhau như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước ASEAN… Về hợp tác trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, nhiều cuộc trưng bày, triển lãm lớn về di sản văn hóa Việt Nam đã được tổ chức ở các quốc gia trên thế giới; công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã đạt được những hiệu quả tích cực, đã huy động được nguồn vốn không nhỏ từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức Chính phủ, phi chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích. Theo số liệu thống kê từ các địa phương, giai đoạn 2010 đến nay, nguồn xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Đồng chí Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đọc tham luận tại Hội nghị - Hội thảo
Những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện Luật Di sản văn hóa, đó là: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa xử lý được đầy đủ những phát sinh, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Công tác đào tạo về bảo tồn, tu bổ di tích chỉ mới bắt đầu ở một số trường đại học, chưa được đào tạo chuyên sâu. Nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa nhìn chung còn thấp, vì thế không đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ. Nhận thức về di sản văn hóa chưa thật sự sâu sắc và toàn diện, việc chấp hành quy định pháp luật trong bảo vệ di sản văn hóa, vẫn còn diễn ra tình trạng nhiều nơi còn lúng túng. Về phân cấp quản lý di sản văn hóa, mặc dù phân cấp cho các địa phương trong quản lý di sản chưa được khoa học, cụ thể, rõ ràng là nguyên nhân gây nên một số tồn tại trong công tác bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa chưa đạt được hiệu quả cao, nhiều nơi chưa thực sự quan tâm sau khi di sản được xếp hạng, ghi danh để có thể nâng cao giá trị vật chất và tinh thần của nhân dân, đồng thời phát triển kinh tế, thu hút du lịch. Nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa còn chưa tương xứng với cơ cấu phát triển ngành trong thời tới cũng như đòi hỏi của xu thế cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Đề xuất 6 nhóm nội dung được đưa ra nhằm hoàn thiện quy định Luật Di sản văn hóa: Thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn; định hướng rõ về nguyên tắc, chính sách, biện pháp phát triển di sản văn hóa nhằm bảo đảm phát huy giá trị di sản trong xã hội hiện đại; bổ sung các quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy giá trị di sản trong từng lĩnh vực; bổ sung quy định về quản lý nhà nước về di sản tư liệu; quy định ngành văn hóa thống nhất quản lý một số danh hiệu được UNESCO ghi danh; quy định cụ thể hơn chính sách ưu đãi trong hoạt động tu bổ, phát huy giá trị di sản văn hóa, các hình thức xã hội hóa hoạt động tu bổ, phát huy giá trị của di tích; chuyển đổi sở hữu đối với các di sản thuộc sở hữu tư nhân (mua, bán, trao tặng); chính sách bảo vệ và phát triển di sản văn hóa phi vật thể, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc ở Việt Nam; bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; chính sách, biện pháp nhằm duy trì và phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống; bài trừ các hủ tục và chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức và hoạt động lễ hội; Hoàn thiện các quy định về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thông qua việc quy định cụ thể chế độ bảo vệ, bảo quản đối với bảo vật quốc gia; thủ tục cho mượn hiện vật để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước; thủ tục mua hiện vật (trong nước và hồi hương cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài); thủ tục mượn/nhập khẩu di vật, cổ vật để trưng bày, triển lãm; cơ chế, chính sách khuyến khích việc giao nộp di vật, cổ vật được phát hiện và đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân với cơ quan nhà nước có thẩm quyền...; Bổ sung chức năng giáo dục của bảo tàng; xác định rõ tính đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hệ thống bảo tàng ngoài công lập; quy định cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế kỹ thuật, quy định giao Bộ VHTTDL thẩm quyền thẩm định đối với các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình, dự án trưng bày nội thất, ngoài trời của bảo tàng công lập... Quy định cụ thể hơn điều kiện thành lập bảo tàng; đơn giản hóa thủ tục thành lập/cấp giấp phép hoạt động bảo tàng cấp tỉnh, cấp huyện, bảo tàng ngoài công lập cũng như quy trình tổ chức trưng bày di vật, cổ vật ở nước ngoài; Bổ sung quy định về hoạt động liên quan đến “Quỹ bảo tồn di sản văn hóa” để huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Bà Vũ Thị Nguyệt Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đọc tham luận tại Hội nghị - Hội thảo
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Hội thảo và nhấn mạnh việc tổng kết, đề xuất xem xét sửa đổi Luật Di sản văn hóa là yêu cầu tất yếu, là vấn đề lớn và hệ trọng. Việc đề xuất, sửa đổi cần cập nhật những luận điểm mới mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định về Luật Di sản văn hóa, đồng thời kế thừa các nghị quyết chuyên đề của Trung ương và Bộ Chính trị về di sản. Di sản văn hóa cần phải được gắn kết với cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và cơ sở sáng tạo những giá trị mới để giao lưu văn hóa. Đồng chí đề nghị cần nâng cao nhận thức và thể chế hóa, bám sát các quan điểm chỉ đạo cũng như tiếp cận ở góc độ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản, để hệ giá trị di tích, di sản thực hiện vai trò dẫn dắt, quảng bá thương hiệu, khẳng định hồn cốt dân tộc. Bên cạnh đó, cần tạo mối quan hệ tương thích, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa và các bộ luật khác để tạo động lực cho sự phát triển giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Bộ trưởng cũng nêu bốn vấn đề để Hội nghị - Hội thảo thảo luận: vấn đề nguồn lực; vấn đề quản lý; tiếp nhận di tích; mối quan hệ giữa Luật Di sản văn hóa với các bộ luật khác như với Luật Đầu tư, Luật Tài nguyên môi trường…
Phần Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận có tính thực tiễn như: “Một số nội dung về công tác quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Và triển khai thực hiện di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong những năm vừa qua” của bà Vũ Thị Nguyệt Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; “Đánh giá kết quả thực hiện về di sản văn hóa từ thực tiễn bảo vệ, bảo quản, phát huy bảo vật quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội” của ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; “Thực tiễn nghiên cứu, bảo tồn di tích, di chỉ khảo cổ học ở Việt Nam hiện nay và kiến nghị” của PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam…
Tổng hợp các ý kiến tại Hội nghị - Hội thảo Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết: Bộ VHTTDL đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của các Bộ, ngành cũng như ý kiến của 63 tỉnh, thành phố. Các kiến nghị chung về các lĩnh vực: di sản văn hóa; di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và bảo tàng, di vật, bảo vật quốc gia; các hoạt động nghiệp vụ bảo vệ và phát huy di tích; bảo quản, tu bổ di tích; thăm dò khai quật khảo cổ học…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương trao Bằng khen cho các tổ chức, cá nhân
Tại Hội nghị - Hội thảo Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL công bố Quyết định khen thưởng và trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Luật Di sản văn hóa từ năm 2010 đến nay.
NGỌC BÍCH - Ảnh: TRẦN HUẤN