Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác quản lý và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh, trọng tâm là Luật Di sản văn hóa, Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, Quyết định số 2742/QĐ-UBND, ngày 24/11/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 -2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình... nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh, đồng thời phát huy hệ thống di tích trở thành nguồn tài nguyên văn hóa, các sản phẩm du lịch mang bản sắc dân tộc, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các di tích liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Quan tâm bố trí ngân sách và xây dựng cơ chế chính sách huy động các nguồn lực đầu tư để phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các di tích đã xếp hạng, các điểm tham quan, du lịch nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và thu hút khách du lịch khi đến Hòa Bình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu quảng bá về giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Đầu tư nghiên cứu, quảng bá về giá trị các di tích thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình”, lập hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa của nhân loại; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch. Kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai, hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi tại các di tích, danh lam thắng cảnh và các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm, không để xâm hại và lấn chiếm đối với các di tích. Triển khai kế hoạch kiểm kê, công bố danh mục và hoàn thành việc cắm mốc để xác định ranh giới bảo vệ của các di tích. Tăng cường công tác quản lý đất đai, dành quỹ đất cho phát huy giá trị di tích và đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm để thực hiện các thủ tục về đất đai, đầu tư. Quản lý chặt chẽ, đúng quy định việc thu chi tài chính, tiền công đức và tài trợ tại các di tích. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội gắn với di tích, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; ngăn chặn kịp thời những hành vi làm ảnh hưởng tới cảnh quan; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích vào nền nếp. Tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác quản lý, bao tồn và phát huy giá trị của di tích trên địa bàn tỉnh; tập huấn nghiệp vụ cho những người được giao quản lý, trông coi các di tích nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm được giao. Tham mưu, giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo và sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị theo quy định.
Các huyện ủy, thành ủy lãnh đạo UBND các huyện, thành phố trên cơ sở Chỉ thị này và chỉ đạo của UBND tỉnh để thể chế thành các nhiệm vụ cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị phù hợp với điều kiện của địa phương; bố trí nguồn lực để tu bổ, tôn tạo, khôi phục di tích và danh lam thắng cảnh, tạo thành các sản phẩm văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
ĐOÀN CẦN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024