Dệt thổ cẩm - nghề truyền thống của đồng bào Mông - Ảnh: Doãn Khánh
Bộ VHTTDL vừa ban hành Kế hoạch Tổ chức Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, năm 2023-2024, tại Quyết định số 1255/QĐ-BVHTTDL ngày 8-5-2024.
Theo đó, Bộ VHTTDL giao cho Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở VHTTDL các tỉnh: Trà Vinh, Yên Bái, Vĩnh Phúc và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện ở địa bàn đồng bào 4 dân tộc (Khmer, Thái, Mông, Sán Dìu) sinh sống tại 3 tỉnh vào quý II-III năm 2024.
Cụ thể, nội dung triển khai:
Nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể: “Nghệ thuật chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer tại tỉnh Trà Vinh”, “Nghệ thuật khèn bè của dân tộc Thái tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, “Nghề truyền thống dệt thổ cẩm của dân tộc Mông tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái”, “Lễ cấp sắc của dân tộc Sán Dìu tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc”.
Đồng thời, tổ chức Hội thảo (Báo cáo) khoa học, xây dựng báo cáo khoa học đề xuất giải pháp thực hiện bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể đối với các di sản trên; tập huấn bảo tồn, truyền dạy, trình diễn, tái hiện các di sản với số lượng 5 nghệ nhân ưu tú, người truyền dạy và 65 học viên dân tộc/mỗi di sản.
Cũng theo Kế hoạch, cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ trang thiết bị, vật tư thực hành trình diễn khi trình diễn, tái hiện lại các giá trị văn hóa phi vật thể; chụp ảnh, ghi hình, dựng phim tư liệu về quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, in đĩa DVD phát cho người dân nhằm phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số. Đồng thời, tuyên truyền phục vụ bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer (Trà Vinh), dân tộc Thái (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái), dân tộc Mông (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), dân tộc Sán Dìu (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
PV
Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024