HÁT SOỌNG CÔ CỦA NGƯỜI SÁN DÌU Ở TUYÊN QUANG

Soọng cô là loại hình ca hát dân gian độc đáo, thể hiện sinh động đời sống của người Sán Dìu ở Tuyên Quang. Nó luôn là phương tiện truyền tải mọi tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của người dân. Trước sự phát triển của nhiều loại hình giải trí hiện đại, việc tìm hiểu đặc trưng, vai trò, ý nghĩa của làn điệu dân ca này là việc làm cần thiết, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

1. Soọng cô, bức tranh sống động về đời sống tinh thần của người Sán Dìu

Người Sán Dìu có vốn thơ ca dân gian phong phú, trong đó, hát soọng cô (đối đáp nam nữ) là hình thức phổ biến trong dịp lễ hội, ngày xuân, đêm trăng đẹp, thể hiện tình yêu trong lao động và giữa con người với con người.

Theo tiếng Sán Dìu, soọng nghĩa là hát, còn cô nghĩa là ca. Soọng cô được hát theo sách, có bài bản sẵn. Ngày nay, người Sán Dìu đã sáng tác thêm những bài hát mới ca ngợi quê hương đất nước dựa vào lời ca, giai điệu của những câu hát cổ.

Soọng cô là một thể loại hát ví đối đáp gắn liền với sinh hoạt văn hóa dân gian của người Sán Dìu. Họ hát về tình yêu lứa đôi, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, ca ngợi tình nghĩa thủychung vợ chồng, công lao ông bà, cha mẹ, răn dạy con người sống có đức, có nhân, có hiếu… Tiếng hát cất lên thật dặt dìu, réo rắt, lúc ngân cao, lúc trầm ấm làm say mê lòng người. Những lời ca bình dị ấy đã trở thành món ăn tinh thần có sức sống mãnh liệt và lắng đọng trong tâm hồn của người Sán Dìu.

Soọng cô là lối hát dân gian hòa quyện vào nếp sống của người Sán Dìu. Đó là hình thức sinh hoạt cộng đồng giữa hai bên: chủ và khách, nam và nữ, giữa làng nọ với làng kia. Môi trường diễn xướng soọng cô tương đối phong phú, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh. Người ta có thể hát một hoặc nhiều đêm, có thể hát trong nhà, bên bờ suối, trên nương, trong đám cưới, khi ru con... và hát chúc xuân trong các lễ hội. Môi trường diễn xướng hát soọng cô bao gồm:

Hát soọng cô ngoài trời, là những bài hát được thể hiện trong hội xuân, bên giếng làng, thác nước, bờ suối, nương chè... khi nam nữ của hai hay nhiều làng gặp gỡ nhau, hát đối đáp với nhau, thể hiện tình cảm qua lời hát.

Hát soọng cô trong nhà, là những bài hát giao duyên của các chàng trai, cô gái Sán Dìu khi đến thăm nhà, thăm làng của nhau.

Hát soọng cô trong đám cưới, là những bài hát thể hiện sự vui mừng, phấn khởi trong ngày cưới. Khúc hát tâm tình, giàu nhạc điệu được thay cho những câu đối thoại phổ thông giữa hai họ.

Hát soọng cô trong lao động sản xuất, gồm những bài hát được thể hiện trong quá trình lao động sản xuất, ở nương rẫy, đồng ruộng, đồi chè…

Có thể nói, soọng cô không đơn thuần là lời ca tiếng hát dân giã, thấm đượm hồn người, mà còn là một nét văn hóa riêng với không gian, thời gian diễn xướng cùng những tục lệ riêng của người Sán Dìu.

2. Đặc trưng về nội dung

Nội dung của soọng cô rất phong phú, đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội của dân tộc Sán Dìu như tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, quê hương xứ sở, đề cao lao động, phê phán cái xấu... Tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà soọng cô truyền tải những thông điệp văn hóa khác nhau. Căn cứ vào kết quả điền dã tại địa phương, có thể chia nội dung của soọng cô thành ba dạng chính: hát giao duyên, hát trong đám cưới và hát trong lao động sản xuất.

Hát giao duyên

Ở người Sán Dìu, tiếng hát giao duyên gần như là phương tiện chủ yếu để bày tỏ tình cảm, trò chuyện, tìm hiểu, thể hiện tình yêu đôi lứa. Vậy nên, nội dung bao trùm trong các bài hát soọng cô là tình yêu đôi lứa. Thanh niên nam, nữ thường mượn cảnh đẹp của quê hương, đất nước, những cảnh sinh hoạt hàng ngày, câu chuyện cổ tích, thần thoại, thông qua đó để nói lên tình yêu và ước vọng xây dựng một cuộc sống vui tươi, ấm êm, hạnh phúc. Hát giao duyên có hai loại: hát giao duyên ban ngày, hát giao duyên ban đêm.

Đồng bào Sán Dìu ở Tuyên Quang thường tổ chức hội hát trong tết Nguyên đán (từ mùng 4 đến 6 tết). Các cô gái, chàng trai ở nhiều làng gặp nhau trong đám hội hoặc gặp nhau trên đường, muốn làm quen họ sẽ cất lời ngỏ ý. Thông thường bên nam sẽ cất lời trước:

“Khíu nên có léo shin nên lói

Thào va vát lẻo lý va hoi

Thào va vát léo hông sui hị

Thào va vát bó tánh nhòng loi”

(Xuân cũ qua đi xuân mới đến

Hoa mận đã tàn hoa đào nở

Hoa mận đã tàn gió thổi bay

Hoa đào đã nở chờ em tới)

Mùa xuân, khi đến làng khác để hát soọng cô, trong không gian ấm áp quây quần bên bếp lửa, lời hát đầu tiên bao giờ cũng là chào hỏi, chúc sức khỏe người lớn tuổi, bà con làng xóm để tỏ lòng kính trọng, lễ phép đồng thời ngỏ ý mời các cụ già vui hát cùng con cháu. Từ những lời ca mở đầu còn ngại ngùng, e lệ, đêm hát đã đưa nam nữ đến gần nhau hơn, họ hát ca ngợi quê hương, rồi bày tỏ tình yêu đôi lứa, có câu hát rằng:

"Nhóng lý on xim mạo sóc xòi

Nón tách lống nhòng không ết son

Nón tách lống nhòng không ết ốc

Không già không nạ không thai mòn"

(Nàng ơi đừng nghĩ lo nhiều

Để chàng cùng liệu việc mình với ta

Ước gì chung mẹ chung cha

Chung nhà, chung cổng cùng vào một sân)

Đến lúc phải chia tay, họ lưu luyến hẹn ngày gặp lại bằng những câu hát tiễn gắn với sông núi, xóm làng ...Câu hát giữa người ở, người về ngân dài hơn, lời hát lúc ngập ngừng, khi da diết như muốn níu chân người lại. Người về như muốn nói, muốn hát thêm mội chút, sợ những lời đã nói, đã hát chưa đủ làm bạn hiểu lòng mình, người ở lại thì như muốn mượn câu hát để giữ chân bạn thêm chút nữa để tỏ bày nỗi nhớ:

“Then cong bo

Hoi lống vọng choóc dịp xan thó

Choóc chấy lý xan lý noi kẹo

Lóng kim lý nỉ bác bôn xói”

 (Trời sắp sáng

Mở lồng thả chim bay vào núi

Chim xa núi đêm ngày chim hót

Anh xa nàng anh nhớ không quên)

Nam, nữ có thể hát với nhau trong một đêm, cũng có thể kéo dài đến ba bốn đêm nhưng lời ca của đêm hát sau không được trùng lặp với đêm trước. Điều này thể hiện tài ứng tác thơ ca của người Sán Dìu, làm cho vốn soọng cô ngày càng phong phú.

Những đêm hát giao duyên của các chàng trai cô gái Sán Dìu thường diễn ra ở trong nhà, bên bờ suối, hoặc khu đất trống trước làng. Nếu hát trong nhà, đầu tiên khách phải xin phép gia chủ để được hát giao duyên. Khi đã được chủ nhà đồng ý, các đôi trai gái sẽ được thỏa sức trổ tài ca hát, từ lúc đó bắt đầu cho một đêm hát giao duyên.

Khi bạn hát đến nhà, chủ nhà thường đặt ra những lời hát đố để thử thách bạn hát, nếu như không giải được câu đố thì buổi hát dừng lại, mời bạn về để hôm khác có sự chuẩn bị tốt hơn. Cuộc hát đối đáp diễn ra với những lời thách đố của hai bên, tuần trà lần lượt rót ra mời bạn, các câu hát vẫn nhẹ nhàng trầm lắng, làm cho con người quên đi thời gian.

Hát giao duyên không chỉ là phương tiện thể hiện tài năng của các đôi nam nữ mà còn là nơi gửi gắm và thể hiện ước mơ, quan niệm về người bạn tình cũng như tình cảm của những người đang tìm hiểu nhau. Từ những đêm hát này mà có biết bao đôi trai gái đã bén duyên và yêu nhau.

Hát trong đám cưới

Khi đã thành đôi lứa, những câu hát soọng cô vang lên trong lễ cưới. Người Sán Dìu quan niệm, việc hát soọng cô trong lễ cưới như một thủ tục quan trọng, ảnh hưởng đến hạnh phúc của cô dâu, chú rể. Vì vậy, trong các nghi thức tiêu biểu như lễ chắn cửa, lễ khai hoa tửu đều diễn ra hát đối đáp soọng cô. Đặc biệt, trong lễ cưới người Sán Dìu, hát soọng cô còn thay cho lời chúc mừng đám cưới, có hàng trăm bài hát được đại diện hai họ hát đối đáp trong suốt đêm. Trong đám cưới, hát soọng cô gồm hai làn điệu không thể thiếu đó là hát nghênh tiếp và hát khai hoa tửu.

Hát nghênh tiếp, trong quan niệm của người Sán Dìu, lễ chắn cửa mang ý nghĩa biểu trưng, phải vượt qua những thử thách mới đến được với người bạn đời và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống sau này của đôi vợ chồng trẻ. Khi nhà trai đến vào tầm xế chiều, nhà gái mang ghế để ở cửa ra vào cùng một ấm trà pha sẵn, một vài miếng trầu đã têm, ngụ ý nhà trai phải hát đúng những câu hát của nhà gái đưa ra thì mới được vào nhà, nó như một thử thách cuối cùng đối với chú rể và họ hàng nhà trai.

Hát khai hoa tửu, thể hiện sự kết giao của đôi bạn trẻ, trở thành vợ chồng chính thức. Không những thế, lễ này còn là sự kết mối thông gia giữa gia đình nhà trai và nhà gái, được sự chứng giám của tổ tiên nhà gái và sự công nhận của làng xóm và bạn bè. Từ đây, nhà trai và nhà gái có mỗi quan hệ bền chặt, gắn bó, là điểm tựa vững chắc cho đôi vợ chồng trẻ. Lễ vật do nhà trai chuẩn bị gồm: trứng luộc, sợi chỉ xanh, đỏ, đồng xu, rượu. Khi nhà trai dâng lễ vật trao cho nhà gái, đại diện nhà gái sẽ hát để hỏi về mùi vị rượu, thời gian làm rượu… Quả trứng luộc được bóc vỏ, lấy lòng đỏ hòa với rượu mời mọi người. Trong khi uống rượu, hai họ lại tiếp tục hát đố. Sau khi xong lễ khai hoa tửu, nhà trai xin phép nhà gái được đón dâu. Người con gái trước khi về nhà chồng thường được mẹ căn dặn đạo làm dâu.

Soọng cô trong đám cưới thường do các cặp nam giới đối đáp nhau, nhà trai cử hai anh hát, nhà gái cũng cử hai anh. Hát suốt ngày suốt đêm cho đến khi tan tiệc cưới.

Hát trong lao động sản xuất

Nhìn chung, soọng cô có trong lao động sản xuất chiếm số lượng không nhiều, chủ yếu đề cao lao động, phản ánh kinh nghiệm sản xuất của đồng bào, cũng có bài ca phản ánh sự gắn bó giữa nhịp điệu lao động và cảm xúc con người trong lao động như các bài hò của người Kinh. Hình thức diễn xướng chủ yếu là hát đơn, hát đối đáp trong lúc nghỉ ngơi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

3. Đặc trưng nghệ thuật

Về thể thơ

Soọng cô thường được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, mỗi bài hát có 4 câu tạo thành một đoạn nhạc và được lặp lại nhiều lần với kết cấu gần giống nhau nhưng được dệt bằng lời thơ khác. Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng tiếng Hán được sử dụng nhiều khi hát, khi dịch ý, các nghệ nhân dịch theo thể thơ lục bát.

“Sọng cô ben ọi cô lói tọi

Phá then ben ọi sủi líu soi

Thén chông mạo sủi mong dịu sủi

Bi chông mạo sủi mong sủi lói”

          (Xướng ca cần đối lời ca

         Ruộng thừa nước đủ, bừa là phẳng phiu

         Ruộng khô cần nước mưa nhiều

         Ao hồ cạn kiệt sớm chiều mong mưa)

Về ngôn từ

Ngôn ngữ trong các làn điệu soọng cô bình dị, mộc mạc nhưng lại rất trang nhã, mềm mại, khéo léo và tinh tế. Phản ánh cuộc sống từ những chi tiết đời thường nhất mà không hề thô kệch, vụng về. Mọi cử chỉ, lời nói, giao tiếp đều toát lên vẻ lịch thiệp và đậm đà tình người. Cùng với những thay đổi trong tập quán sinh hoạt cũng như sự phát triển của đời sống xã hội, soọng cô đã có những biến đổi nhất định để phù hợp với con người và thời đại mới. Những câu hát phản ánh đầy đủ hiện thực cuộc sống và thế giới tâm hồn của người Sán Dìu hiện lên qua những rung cảm mãnh liệt, tinh tế đa dạng, độc đáo, sâu sắc, tô đậm thêm vẻ đẹp con người, bộc lộ chất nhân văn cao cả.

Về âm nhạc

Các làn điệu soọng cô mang màu sắc trữ tình nhẹ nhàng, duyên dáng, có sức lôi cuốn mãnh liệt, gây xúc động lòng người. Thông qua các làn điệu soọng cô, nhiều thông điệp về cuộc sống đã được truyền tải tới các thế hệ, phát huy được vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Làn điệu của soọng cô thường có 4 âm, đôi khi là 5, 6 âm. Thang âm 4 có mối quan hệ mật thiết với thang âm 5 và 6, được xuất hiện nhiều hơn và làm nên đặc trưng trong việc sử dụng thang âm, điệu hát soọng cô.

Lời ca của soọng cô giản dị, ít tính nhạc, nhịp điệu không phong phú. Tuy soọng cô chỉ có 1 làn điệu nhưng nội dung gồm 3 phần rõ rệt: gọi, kể, đáp. Phần kể thường nhiều hơn so với 2 phần còn lại, nội dung cũng phong phú như để giãi bày tâm trạng, ước nguyện của người kể…Các nốt luyến láy ở phần đầu câu tạo nên sự mềm mại trong giai điệu, nhịp trong mỗi bài hát ổn định về trường độ (thường là nhịp 2/4, 4/4, đôi khi là nhịp tự do).

Âm vực trong bài hát không lớn, quãng âm luôn kế tiếp đều đều, ít lên bổng xuống trầm đột ngột, ít biến luyến láy dẫn tới cao trào như hát páo dung của người Dao. Các âm a, ư xuất hiện ở đầu hoặc cuối câu có vai trò làm nốt lấy đà trong bài hát.

4. Giá trị của di sản soọng cô

Giá trị lịch sử

Soọng cô ra đời sớm, gắn bó với sự hình thành và phát triển của cộng đồng người Sán Dìu, dường như mọi thứ được tái hiện trong điệu hát từ lối sống, nếp nghĩ, lao động sản xuất… phản ánh chân thực cuộc sống, thế giới tâm hồn của người dân.

Soọng cô không chỉ là sản phẩm nghệ thuật dân gian mà còn là tâm thức dân gian, phản ánh các hiện tượng lịch sử, xã hội ở những cung độ khác nhau. Các hiện tượng lịch sử, xã hội trong soọng cô thường không rõ về mốc thời gian, địa điểm nhưng lại rất dễ nhớ, gần gũi bởi nó được diễn đạt bằng lời ca, tâm hồn, cảm xúc và hình ảnh đời sống sinh động, chân thực của người Sán Dìu. Bởi vậy, soọng cô có giá trị tích cực trong giáo dục con người về cội nguồn dân tộc, gìn giữ, phát huy từ ngữ trong các làn điệu dân ca hàm chứa sâu sắc mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, anh em, tình yêu đôi lứa, trong lao động sản xuất… để truyền lại cho thế hệ sau.

Giá trị văn hóa, nghệ thuật

Soọng cô là di sản văn hóa phi vật thể, món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân Sán Dìu. Mọi vật như trang phục, nhà ở, kinh nghiệm sản xuất, môi trường sống, tâm tư tình cảm... đều được tái hiện sinh động trong làn điệu soọng cô. Người Sán Dìu hát soọng cô bằng tâm hồn, cảm xúc, biểu hiện những quan niệm đẹp đẽ, trong sáng, chất phác về mối quan hệ giữa người với người thông qua thái độ tôn trọng nghĩa tình và lòng thủy chung son sắt.

Giá trị khoa học

Soọng cô là kho tàng văn hóa, tri thức dân gian phong phú, phản ánh cuộc sống, sự phát triển của con người, xã hội ở Tuyên Quang. Nghiên cứu nguồn gốc lịch sử của hát soọng cô góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa, sự phát triển của quê hương cách mạng Tuyên Quang. Qua đó, bức tranh về cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất, hoạt động văn hóa văn nghệ, các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân được tái hiện.

5. Vai trò của di sản trong đời sống cộng đồng

Soọng cô đồng hành với người dân Sán Dìu trong suốt chiều dài lịch sử, là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ vui buồn của người dân. Soọng cô hướng con người tới chân – thiện – mỹ, không ngừng tự hoàn thiện bản thân. Với làn điệu nhẹ nhàng, da diết, câu từ mộc mạc, giản dị, nội dung phong phú, soọng cô góp phần khích lệ, động viên tinh thần người dân Sán Dìu trong cuộc sống, lao động sản xuất.

Soọng cô có vai trò rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, góp phần gắn kết cộng đồng, là nơi để trao đổi tình cảm, phản ánh nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Sán Dìu.

Xưa kia, người Sán Dìu chỉ cất tiếng hát soọng cô trên những đỉnh núi như Phượng Hoàng, Hông Vong Lẹng..., nhưng giờ đây, họ lại gặp gỡ nhau bên những căn nhà nổi trên sông để thả tiếng hát theo dòng nước. Tết đến xuân về và suốt cả tháng Chạp mưa phùn gió bấc, người Sán Dìu ngồi quanh bếp lửa với vò rượu thóc cùng nhau uống, hát cho nhau nghe. Không bài hát, giọng ca nào giống nhau, tất cả đều có đặc trưng riêng thể hiện cho tâm hồn, tình cảm và khát vọng con người.

Vào dịp mùa xuân, thời điểm nông nhàn, lễ hội hay các đám cưới, hỏi… thanh niên nam nữ người dân tộc Sán Dìu thường rủ nhau đi hát soọng cô. Qua mỗi làng, họ dừng lại hát một đêm, hôm sau cùng rủ thanh niên nơi đó nhập vào đám hát đến các làng khác. Theo lời những người già trong làng: “Trước đây, đã là con trai người Sán Dìu mà không biết hát soọng cô thì không đi tìm hiểu các cô gái được đâu!”.

Như vậy, soọng cô là giá trị văn hóa độc đáo, sớm trở thành đặc trưng văn hóa phi vật thể của cộng đồng người Sán Dìu ở Tuyên Quang. Ngày 8-6-2015, Bộ VHTTDL ra Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có hát soọng cô và kéo co truyền thống của tỉnh Tuyên Quang. Cùng với lễ hội lồng tồng, hát then của người Tày, hát páo dung, lễ cấp sắc của người Dao, hát sình ca của người Cao Lan, thì nay Tuyên Quang đã có thêm hát soọng cô của người Sán Dìu và kéo co truyền thống đã được ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016

Tác giả : NGUYỄN MAI CHINH

;