Chiều 14-6, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt chương trình “Hành trình OCOP”. Đây là gameshow truyền hình đầu tiên dành cho các đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP. Chương trình không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tăng trưởng, qua đó quảng bá đặc sản, văn hóa, du lịch của mỗi vùng, miền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
“Hành trình OCOP” là chương trình thực hiện tuyên truyền đường lối, chủ chương và chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng giúp mang các sản phẩm nông sản Việt tới gần hơn với người tiêu dùng.
Ban Tổ chức và các chuyên gia sẽ đồng hành cùng chương trình
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Ngọc Huê, Nhà sáng lập - Trưởng ban tổ chức chương trình “Hành trình OCOP” cho biết, những năm gần đây, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước như chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình OCOP… Những chương trình này đã đạt được nhiều thành quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng, quảng bá lợi thế kinh tế, xã hội và du lịch của các địa phương. "Hành trình OCOP" được thực hiện với mục tiêu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp chất lượng cao tăng doanh số bán hàng, cập nhật xu hướng, mô hình bán hàng trong thời đại công nghệ số”.
Khi tham gia "Hành trình OCOP", các đội chơi sẽ được trau dồi thêm nhiều kỹ năng thuyết trình, chốt sale, bán hàng online, xử lý tình huống trong sản xuất và kinh doanh, đồng thời có cơ hội giao lưu, kết nối với các chuỗi tiêu thụ sản phẩm lớn ở Việt Nam. Không chỉ vậy các đơn vị còn được học hỏi về quản trị doanh nghiệp, tiếp cận hệ thống bán hàng online bởi các chuyên gia hàng đầu góp mặt trong chương trình và các KOL, người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng.
Ông Lê Ngọc Huê cũng cho biết, đặc biệt, đến với gameshow truyền hình “Hành trình OCOP”, có rất nhiều sản phẩm OCOP của các hợp tác xã, doanh nghiệp, trong đó có cả các đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua việc giới thiệu các sản phẩm là đặc sản của mỗi vùng, sẽ góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, giới thiệu đến với người xem những vùng đất, bản sắc của mỗi đồng bào dân tộc, từ đó sẽ thúc đẩy phát triển du lịch cũng như kinh tế của mỗi địa phương.
Tại Lễ ra mắt chương trình, TS Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Khởi nghiệp và Sáng tạo Quốc gia, Trưởng ban Giám khảo chia sẻ, “Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp, hợp tác xã học hỏi rất nhiều từ các chuyên gia rất giàu kinh nghiệm. Trong chương trình này thì không có kẻ thắng, người thua, tất cả mọi người đều thắng. Và cái thắng lớn nhất là được các thành viên Hội đồng Ban giám khảo đồng hành cùng, để cùng doanh nghiệp lấp vào những chỗ chúng ta đang còn thiếu...”.
Bà Hoàng Thị Tân – Giám đốc Hợp tác xã Tâm trà Thái giới thiệu về sản phẩm làm từ gạo Bao Thai của vùng đất ATK Thái Nguyên
Đến với chương trình, bà Hoàng Thị Tân – Giám đốc Hợp tác xã Tâm trà Thái tại Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi mang đến với chương trình một sản phẩm đặc biệt đó là mỳ gạo Bao Thai của bà con dân tộc tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên sản xuất. Đây là mỳ được sản xuất từ giống gạo có độ dẻo, thơm, đậm đà và rất ngon được bà con dân tộc Tày vùng đất ATK Thái Nguyên lưu giữ nhiều năm nay. Đối với đồng bào dân tộc Tày nơi đây, trong những ngày lễ, Tết thì trên mâm cơm không thể thiếu món bún tươi được làm từ gạo Bao Thai. Cùng với đó, bà con dân tộc cũng đã phát triển ra các sản phẩm khác từ gạo như bánh đa khô, bánh cuốn tráng… Thông qua gameshow, chúng tôi mong muốn giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp chứa đựng chiều sâu văn hóa. Từ đó không chỉ góp phần bảo tồn giống gạo thuần chủng mà còn giới thiệu đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế về đặc sản địa phương chúng tôi”.
Mang đến với chương trình các sản phẩm đặc trưng của vùng đất Lạng Sơn như: thạch đen, hồng treo gió, heo dẻo mác mật… là các sản phẩm đặc sắc của huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, bà Vương Thị Thương – Giám đốc Hợp tác xã nông sản Toàn Thương chia sẻ: “Đến với chương trình, bên cạnh việc chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong kinh doanh, tôi mong muốn quảng bá rộng rãi các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với nhiều người, nhằm góp phần phát triển kinh tế”.
Bà Vương Thị Thương – Giám đốc Hợp tác xã nông sản Toàn Thương mang đến chương trình các đặc sản của vùng đất Lạng Sơn
Bà Vương Thị Thương cho biết, sản phẩm của huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đang được người dân trong nước ưa chuộng là Hồng Vành khuyên treo gió. “Đây là sản phẩm nông nghiệp đã gắn bó lâu dài với bà con vùng đất này, được trồng ở khắp các xã, thị trấn trong huyện Văn Lãng. Đây cũng là sản phẩm chủ lực của huyện Văn Lãng, đã giúp cho các đồng bào thiểu số Tày – Nùng có việc làm, thu nhập ổn định, vững chắc hơn”.
“Vì quả hồng tươi đến khi chín sẽ khó bảo quản, nên chúng tôi dùng phương thức treo trong gió để hồng được khô, trở lên dẻo mà vẫn giữ được vị thơm ngon. Cùng với đó, bên cạnh việc nâng tầm sản phẩm Việt, trên bao bì sản phẩm chứa từng quả hồng, tôi đã in hình ảnh, thông tin của 12 di tích lịch sử nổi tiếng tương ứng với 12 địa phương của tỉnh Lạng Sơn, qua đó không chỉ lan tỏa giá trị văn hóa, góp phần phát triển du lịch của địa phương” - bà Thương chia sẻ.
"Hành trình OCOP" không chỉ mang đến kiến thức bổ ích, thiết thực về thương mại nông sản sạch tới các doanh nghiệp, người nông dân, việc xây dựng chương trình được kỳ vọng có thể tạo ra một mạng lưới rộng khắp để các doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm OCOP chất lượng nhất, giá thành hợp lý nhất tới người tiêu dùng, đồng thời, chung tay đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập Thế giới. Bên cạnh sự đồng hành của các chuyên gia trong chương trình, TikTok Việt Nam sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm của mình trên nền tảng TikTok.
Dự kiến chương trình “Hành trình OCOP” sẽ phát sóng số đầu tiên vào ngày 16-6-2024, lúc 11 giờ - 11 giờ 30 chủ nhật hằng tuần trên kênh VTC14, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.
Tin, ảnh: BÍCH NGỌC