Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao (1923 - 2023), được sự chỉ đạo và phối hợp tổ chức của Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ VHTTDL, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đêm nhạc đặc biệt mang chủ đề “Đàn chim Việt” nhằm tôn vinh tài năng của người nghệ sĩ lớn này. Chương trình sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 20-8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Ê-kíp thực hiện chương trình nghệ thuật "Đàn chim Việt" trao đổi với báo chí
Tại cuộc gặp gỡ báo chí giới thiệu về chương trình tôn vinh nhạc sĩ Văn Cao, với vai trò là Chỉ đạo nghệ thuật, Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh: Đêm nhạc “Đàn chim Việt” đã vượt qua một chương trình nghệ thuật thông thường bởi đây là một sự kiện nghệ thuật để người hâm mộ, người dân tưởng nhớ về chân dung một người nghệ sĩ tài hoa nhiều lĩnh vực như văn chương, hội họa, nghệ thuật… Tài năng sáng tác của Văn Cao cũng như nhiều thành tựu nghệ thuật của ông, đặc biệt trong đó là bài “Tiến quân ca” - Quốc ca của Việt Nam đã trở thành niềm tự hào và làm giàu thêm cho kho tàng nghệ thuật dân tộc.
Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết: thông điệp của chương trình là khơi gợi niềm tự hào trong mỗi người dân nước Việt về thành tựu của đất nước từ trong ách nô lệ lầm than đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay. Với tất cả tâm huyết ê-kíp thực hiện chương trình sẽ cố gắng mang đến một đêm nghệ thuật chất lượng, giàu sự sáng tạo và đúng với tinh thần nghệ thuật của Văn Cao nhất.
Dàn hợp xướng thiếu nhi biểu diễn tác phẩm "Tiến quân ca" trong buổi gặp gỡ báo chí
Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” được tổ chức quy mô với sự tham gia của 5 dàn nhạc gồm: Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn Quân nhạc Đoàn nghi lễ quân đội và Dàn nhạc MUCA, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
“Đàn chim Việt” sẽ làm sống lại những sáng tác bất hủ của Văn Cao ở cả ba thể loại, gồm: tình ca, hành khúc và trường ca. Đó là những nhạc phẩm đã đi vào lòng người yêu nhạc các thế hệ như: Thiên thai, Buồn tàn thu, Trương Chi, Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên, Trường ca sông Lô, Tiến quân ca, Tiến về Hà Nội, Chiến sĩ Việt Nam… Điểm nhấn của chương trình đó là màn tái hiện sân khấu hóa âm nhạc bài hát Tiến quân ca trước Quảng trường 19-8 (trước Nhà hát Lớn Hà Nội).
Đội ngũ ca sĩ, khách mời đến từ 3 miền đất nước đều là những nghệ sĩ có tên tuổi như: NSND Quang Thọ, NSND Quốc Hưng, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Ánh Tuyết, nghệ sĩ Mỹ Linh, các ca sĩ: Hà Trần, Tùng Dương, Lan Anh, Phúc Tiệp, Đào Tố Loan, Ngô Hương Diệp, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Thăng Long, Đào Mác, Yvol, Đỗ Tố Hoa, Thu Hằng, Bùi Trang, Tạ Quang Thắng, cùng hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và đặc biệt là còn có sự tham gia của sinh viên, học sinh các trường trong thành phố Hà Nội.
Dàn quân nhạc Đoàn Nghi lễ Quân đội tập luyện cho chương trình
Trả lời câu hỏi của nhà báo về việc vì sao lại mời rất nhiều nghệ sĩ tham dự đêm nhạc trong khi quy định thời lượng phát sóng chương trình truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 chỉ có 90 phút? Giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Đỗ Bảo cho biết sẽ có rất ít tiết mục đơn ca, chủ yếu là song ca, tốp ca, thậm chí có ca sĩ chỉ hát 1 đến 2 câu nhưng tất cả đều rất vui khi được tham gia chương trình. Đây cũng là một áp lực lớn đối với các nghệ sĩ vì phải đảm bảo sự kết nối âm thanh. Chính vì vậy mà việc chia câu, chia bè phải rất rõ ràng và tập luyện kỹ càng.
“Những ngày đầu khi nhận lời tham gia vào ê-kíp sản xuất tôi thật sự ái ngại bởi khối lượng công việc khổng lồ của chương trình lần này nhưng không thể từ chối được. Vì đó là Văn Cao. Số lượng các nhạc sĩ tham gia phối khí nhiều đến mức tôi không thể nhớ nổi, nhưng đều là những nhạc sĩ có tên tuổi như: nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Lưu Quang Minh, nhạc sĩ Hoài Sa, nhạc sĩ Thanh Phương, nhạc sĩ Minh Đạo, nhạc sĩ Dương Cầm… Các nhạc sĩ sẽ mang đến những bản phối khí mới, để khán giả nghe lại những ca khúc cách đây mấy chục năm nhưng vẫn thấy gần gũi với đời sống đương đại”, nhạc sĩ Đỗ Bảo chia sẻ thêm.
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi và Đào Tố Loan biểu diễn tại buổi gặp gỡ báo chí
Nhà báo Vọng Ngàn, Trưởng ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam khẳng định với những màn trình diễn của hơn 300 nghệ sĩ, diễn viên sẽ khiến “Đàn chim Việt” thực sự là sự kiện nghệ thuật điểm nhấn trong tháng 8 lịch sử và chào đón Tết Độc lập 2-9.
Trước buổi gặp gỡ báo chí, nhiều người ngạc nhiên khi Giám đốc dự án đêm nhạc lại là Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - một người “ngoại đạo”. Luật sư Quỳnh Anh chia sẻ, bà và nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán là hàng xóm trước đây với nhạc sĩ Văn Cao. Bà vẫn nhớ mãi hình ảnh người nhạc sĩ mà bà ngưỡng mộ hằng ngày đi qua con phố với chiếc gậy lọc cọc cùng người vợ rất đẹp đi bên cạnh. Bà cũng rất yêu “Quốc ca” và mỗi lần có dịp hát đều lâng lâng niềm xúc động, có thể khóc được. Chính vì thế mà bà quyết tâm phải làm bằng được chương trình này.
Nhạc trưởng Olivier Ochanine - Chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời cũng bày tỏ: “Khi nghe tác phẩm của Văn Cao, tôi còn cảm thấy lay động hơn so với âm nhạc của chính nước tôi. Âm nhạc của ông có cái gì đó thật đặc biệt. Tham gia đóng góp cho chương trình là một niềm vinh dự và hạnh phúc với tôi. Hy vọng mọi người sẽ hài lòng với chương trình.
Họa sĩ Văn Thao gửi lời cảm ơn ê-kip sản xuất chương trình "Đàn chim Việt"
Có mặt tại buổi gặp mặt báo chí, họa sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ Văn Cao gửi lời cảm ơn ê-kíp thực hiện chương trình. Không giấu được sự xúc động, ông chia sẻ: “Bất cứ chương trình nào về nhạc sĩ Văn Cao cũng khiến gia đình tôi hết sức tự hào, qua đó thấy được các tác phẩm của ông đã được nhân dân yêu mến mà không phải nhạc sĩ nào cũng được như vậy. Văn Cao luôn mong muốn thưởng thức, tìm tòi cái đẹp trong giai điệu, trong ca từ và trong hội họa, điều đó làm nên một nhạc sĩ trong lòng quần chúng. Tôi rất cảm động trước tình cảm của người yêu nhạc dành cho cha tôi, nhất là khi được nghe lại các ca khúc ông sáng tác, đặc biệt được đón chờ chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông”.
Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15-11-1923 tại Hải Phòng, là người chiến sĩ của Đội Danh dự Việt Minh khi mới tròn 22 tuổi. Người trước đó chỉ được biết đến bởi những bài tình ca, nổi danh trong nền Tân nhạc Việt Nam ở cuối những năm 30 thế kỷ trước, là người tài hoa với thi, nhạc lãng mạn - đã làm giàu cho gia tài âm nhạc của đời mình bằng hùng ca và hoàn thành bức chân dung nghệ sĩ của đời mình bằng tài năng không giới hạn ở nhiều thể loại. Cũng từ những ngày tháng tám ấy, tên tuổi của nhạc sĩ Văn Cao vĩnh viễn gắn liền với lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam và lịch sử của dân tộc Việt Nam như một tài năng lớn, đầy phẩm cấp. Sự hiện diện của ông đối với nền văn học nghệ thuật Việt Nam đã mang lại không chỉ những tác phẩm đáng giá mà nhân cách của ông cũng là tài sản của một thế hệ những người yêu nước, đầy lý tưởng, và lớn hơn cả là một lòng với độc lập của dân tộc. Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (năm 1996). Nhà văn Thiên Sơn trong bài viết “Văn Cao - những mùa thay lá” in trong cuốn sách “Văn Cao 100 năm” đã có những nhận định rất chuẩn xác về người nhạc sĩ tài hoa này: “Đời Văn Cao trải qua những thăng trầm, tư duy nghệ thuật của ông cũng chuyển động qua nhiều ngã rẽ, nhiều lĩnh vực với những bước ngoặt trong sáng tạo, để lại những thành tựu thực sự to lớn, ông trở thành một tượng đài nghệ thuật của thế kỷ XX. Những sáng tác của ông như kết tụ hồn thiêng dân tộc và hùng khí một thời đại nhiều vinh quang và bão táp… Những kiệt tác của ông đã từng được yêu chuộng trong những thập kỷ qua, sẽ còn đồng hành với con người và dân tộc Việt Nam trên những chặng đường mới, trong thế kỷ mới. Văn Cao là trường hợp điển hình về một nghệ sĩ đã đồng hành cùng dân tộc và thời đại mình để bằng tài năng và tâm huyết sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ”. |
BẢO BẢO