Du lịch cộng đồng đang được coi là một loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho người dân. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp bảo tồn và phát huy những nét giá trị văn hóa độc đáo cho cộng đồng mà còn nâng cao trách nhiệm, ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái đối với người dân. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với những giá trị tiêu biểu, tinh túy nhất của 54 dân tộc anh em.
Cách trung tâm Hà Nội hơn 40km về phía Tây, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một phần thuộc khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Địa hình nơi đây rất đa dạng, phong phú với nhiều cảnh quan xanh, đẹp, thoáng đãng phù hợp để du khách tới tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về đời sống, văn hóa, phong tục của các dân tộc.
Không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên tại Làng Văn hóa - Ảnh: Tuấn Minh
Với sứ mệnh lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam, đây là nơi tái hiện, gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc Việt Nam, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của mỗi người dân Việt Nam.
Ngoài các chương trình điểm nhấn được tổ chức công phu trong năm như: Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc, Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam (tháng 11), các hoạt động hằng tháng, cũng sẽ thật thú vị khi du khách được trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa độc đáo trong các làng dân tộc ẩn mình dưới những bóng cây xanh mướt.
Trên đường dẫn chúng tôi đi tham quan, chị Nguyễn Thị Bình – cán bộ Phòng nghiệp vụ và Tổ chức sự kiện, Ban Quản lý Khu các làng dân tộc chia sẻ: Hiện bây giờ, đã thu xếp được 16 cộng đồng dân tộc với hơn 7.000 lượt nghệ nhân, già làng, trưởng bản, đồng bào dân tộc về sinh sống, hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa gồm: Mông (Hà Giang), Khơ Mú (Nghệ An), Thái (Sơn La), Tày (Thái Nguyên), Mường (Hòa Bình), Dao (Hà Nội), Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), Xơ Đăng (Kon Tum), Ba Na (Gia Lai), Raglai (Ninh Thuận), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng), Nùng (Thái Nguyên), Ơ Đu (Nghệ An), Gia Rai (Kon Tum). Tại chính ngôi làng của mình, đồng bào dân tộc tập trung giới thiệu văn hóa truyền thống, lễ hội, dân ca dân vũ, giới thiệu sản vật, nét đặc sắc trong ẩm thực của dân tộc mình tới du khách. Việc tái hiện những lễ hội văn hóa truyền thống là cơ hội giúp du khách tận hưởng không khí sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa từng vùng, miền của đất nước.
Chương trình dân ca dân vũ của đồng bào Chăm tại Làng Văn hóa - Ảnh: Tuấn Minh
Đến với Làng Văn hóa, du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu về văn hóa các dân tộc, mà còn được hòa mình vào đời sống thường ngày của đồng bào. Đây là dịp để tiếp xúc, giao lưu cảm nhận sự nhiệt tình và chân thành, dễ mến của đồng bào, cũng như tham gia nhiều trải nghiệm thú vị: thưởng thức ẩm thực vùng miền mang đậm chất dân tộc, trải nghiệm nghề đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống cùng những trò chơi dân gian như bắn nỏ, đi cà kheo… của đồng bào các dân tộc.
Đồng bào Tà Ôi hướng dẫn các em học sinh làm bánh A quát - Ảnh Tuấn Minh
Nhiều năm qua, Làng Văn hóa đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm, đã đón trên 3,2 triệu lượt khách trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và tổ chức quốc tế. Hiện nay, mỗi tuần, trung bình có khoảng 15.000 lượt khách đến tham quan Làng Văn hóa; đặc biệt vào những dịp lễ, Tết, lượng khách tăng lên đột biến. Có những ngày cuối tuần, cao điểm Làng đón khoảng 20.000 lượt khách.
Ngoài nguồn kinh phí được một số địa phương hỗ trợ để phát triển nghề thủ công truyền thống, nguồn do Ban quản lý Làng hỗ trợ cho bà con từ nguồn thu từ phí tham quan; đồng bào có thu nhập thêm từ: dịch vụ ẩm thực, sản vật địa phương bán cho du khách… hay các chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ phục vụ du khách do đồng bào đảm nhận.
Các bạn nhỏ trải nghiệm làm đồ chơi trong "Ngày hội tuổi thơ" được tổ chức tại Làng Văn hóa - Ảnh tư liệu: Tuấn Minh
Tại làng Mường, ông Bùi Thanh Bình cho biết: các loại hình văn nghệ dân gian (Nghi lễ mừng cơm mới, mở cửa rừng, hát ví, hát rang, cồng chiêng, đâm đuống, văn hóa nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường…), văn hóa ẩm thực (cỗ lá, xôi ngũ sắc, rượu hoãng, cơm lam…) và một số sản vật của địa phương như: chuối phấn vàng, thịt chua Thanh Sơn… là điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá.
Bà Đinh Thị Hạnh (làng Thái) chia sẻ: những món ăn được chế biến công phu, độc đáo như: pà pỉng tộp (cá nướng), khảu lam (cơm lam), nhứa mù khủa (thịt lợn hấp), nhứa giảng (thịt trâu hun khói)..., chế biến từ nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, được tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ và cẩn thận, hoàn toàn không dùng dầu mỡ… là cách truyền tải hữu hiệu nhất nét văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái tới du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.
Các em học sinh trải nghiệm ẩm thực - Ảnh: Tuấn Minh
Với mục tiêu đón 2 triệu lượt khách vào năm 2030, trong thời gian tới, Làng Văn hóa sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống dịch vụ thiết yếu để phục vụ khách tham quan, du lịch như: tổ chức chương trình Homestay, trải nghiệm văn hóa ẩm thực các dân tộc và hoạt động du lịch trải nghiệm, giới thiệu với du khách sản phẩm du lịch đặc thù, phù hợp với phân khúc từng đối tượng khách như học sinh, sinh viên, nhóm đoàn thể, gia đình… Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong việc giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa.
TUẤN MINH