Sáng ngày 27-12-2022, tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Hà Nội 1972 - Khát vọng hòa bình”, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022).
Tham dự và cắt băng khai mạc có: Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PGS, TS Bùi Hoài Sơn; Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Phạm Định Phong; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh; Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia PGS, TS Đặng Văn Bài; Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam PGS, TS Đỗ Văn Trụ.
Tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh chia sẻ: Trưng bày chuyên đề “Hà Nội 1972 - Khát vọng hòa bình” nằm trong chuỗi các sự kiện theo kế hoạch của Ủy ban Mặt trận Thành phố Hà Nội, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Tiếp nối thành công các sự kiện kỷ niệm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật do Bảo tàng Hà Nội, các cơ quan lưu trữ và các nhân chứng về cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của quân và dân Thủ đô Hà Nội 50 năm về trước.
Bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, Trưng bày chuyên đề “Hà Nội 1972 - Khát vọng hòa bình” với mong muốn người dân Thủ đô và du khách hiểu hơn về sự khốc liệt của cuộc chiến, đặc biệt là sự quả cảm, kiên cường của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm chiến đấu chống lại B52, bảo vệ Thủ đô, bảo vệ đất nước. Với chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, các lớp người dân Hà Nội tự hào khi đã lập nên một kỳ tích có một không hai, mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX, bản hùng ca chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là chiến thắng của chính nghĩa, kết tinh lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là đỉnh cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam; làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta; cổ vũ, động viên, thắp sáng niềm tin cho nhân loại tiến bộ trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Hà Nội được bạn bè quốc tế ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Các đại biểu tham quan không gian trưng bày
Trưng bày được thể hiện với 3 chủ đề:
Chủ đề 1 - “Khoảng lặng”: Trưng bày các tài liệu ảnh về sự chuẩn bị của nhân dân: Sơ tán, đào hầm hào, xây dựng các trận địa pháo, nhằm bảo vệ tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.
Chủ đề 2 - “Đối mặt”: Tái hiện lại cuộc chiến ác liệt giữa quân và dân Thủ đô với không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội từ ngày 18-12-1972 đến 29-12-1972 cùng chiến thắng của quân và dân Thủ đô.
Chủ đề 3 - “Hòa bình”: Tái hiện lại hình ảnh Thủ đô Hà Nội vực dậy sau chiến tranh, khôi phục sản xuất, xây dựng lại các công trình, cuộc sống ngày nay của người dân bằng các ảnh tư liệu, clip phỏng vấn.
Trưng bày đã thu hút được sự quan tâm của các cựu chiến binh và công chúng tham quan thưởng lãm
Bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vai trò đầu tàu, vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, trái tim của cả nước. Hà Nội đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc: năm 1999, Hà Nội là thành phố duy nhất ở châu Á được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, bạn bè quốc tế vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; năm 2000, Hà Nội được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Thủ đô Anh hùng”; năm 2019, Hà Nội đã gia nhập mạng lưới “Các Thành phố Sáng tạo” của UNESCO.
THANH DANH - Ảnh: THÚY NGA