HÀ NỘI, MẢNH ĐẤT CỦA LÀNG NGHỀ PHỐ NGHỀ

 

Làng nghề Hà Nội ra đời và phát triển gắn bó chặt chẽ với lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Trước kia dân cư chủ yếu là dân gốc, các làng nghề thủ công đã xuất hiện nhưng còn lác đác, như nghề dệt lĩnh ở làng Trích Sài, nghề kim hoàn ở làng Định Công. Sự kiện Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long đánh dấu một sự thay đổi to lớn đối với Hà Nội. Nhân dân từ khắp nơi đua nhau kéo về kinh thành và vùng ven kinh thành để sinh cư, lập nghiệp. Thế rồi do chiến tranh loạn lạc, họ đã lấy Thăng Long như là một nơi trú thân an toàn hơn cả. Người dân về Thăng Long, mang theo cả các nghề từ thuở cha sinh, mẹ đẻ đã dạy cho họ quen tay, quen việc.

1. Quá trình hình thành, phát triển làng nghề Hà Nội

Người Thăng Long xưa và Hà Nội nay vốn nhanh nhạy trong việc học hỏi cái mới, nghề mới. Không kể các nghề các nghề truyền thống của cha ông, họ cũng học hỏi rất nhanh một số nghề thủ công của nước ngoài. Người Thăng Long có thể học nghề ở mọi nơi, mọi lúc khi có điều kiện. Như Vũ Úy, thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) học được nghề dệt thao khi đi sứ sang Trung Quốc, rồi mang về truyền dạy cho dân làng Triều Khúc và nhân dân các làng bên cạnh. Hay dưới thời thuộc Pháp, các nghề thêu ren, đăng ten du nhập từ Pháp sang, đã được người dân Kẻ Chợ tiếp nhận và bổ sung làm phong phú thêm cho các nghề thủ công ở Thăng Long - Hà Nội.

Xuyên suốt cả chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội, có thể khẳng định rằng, hầu như các nghề trên nước Việt có thì Hà Nội đều có.

Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm gần 59% tổng số làng, trong đó, nghề có nhiều làng nghè nhất là mây tre đan, dệt may, thêu ren…

Nghề dệt cho đến nay vẫn đang phát triển ở các làng dệt La Khê - Vạn Phúc (Hà Đông), Triều Khúc (Thanh Trì), Phùng Xá (Mỹ Đức), Hòa Xá (Ứng Hòa)…

Nghề thêu ren vẫn đang là nghề đem lại nguồn thu nhập về kinh tế cho người dân các xã Thắng Lợi, Quất Động (Thường Tín), Hạ Mỗ (Đan Phượng)...

Nghề chạm khắc (gỗ, sừng, xương, kim loại) tiêu biểu là làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Vân Hà (Đông Anh), Hiền Giang (Thường Tín), Chàng Sơn (Thạch Thất); làng nghề tạc tượng gỗ Sơn Đồng (Hoài Đức); làng nghề tiện gỗ Nhị Khê (Thường Tín); làng nghề điêu khắc Thanh Thủy (Thanh Oai); làng nghề mộc thôn Thượng Mạo (xã Phú Lương, Hà Đông), làng nghề đục trạm gỗ cao cấp và mộc dân dụng Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai) vẫn ngày đêm nhộn nhịp tiếng đục đẽo của những người thợ cần cù, chăm chỉ.

Nghề gốm sứ ngày càng giúp cho phong cảnh làng xóm khang trang, sầm uất hơn ở các làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan (Gia Lâm).

Nghề sơn, sơn mài, khảm trai không chỉ khắp nơi trong nước biết đến mà còn được nhiều khách hàng nước ngoài ưa chuộng, đặc biệt là các sản phẩm của làng nghề sơn mài thôn Hạ Thái (xã Duyên Thái, Thường Tín), làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ (Phú Xuyên)…

Nghề đúc đồng ở làng Ngũ Xã mặc dù hiện nay còn lại rất ít gia đình theo nghề, nhưng cho đến nay, các sản phẩm của các cơ sở đúc đồng Ngũ Xã vẫn được đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã.

Nghề rèn, kim khí vẫn được người tiêu dùng đón nhận khi sản phẩm được người thợ làng nghề rèn Đa Sỹ (xã Kiến Hưng, Hà Đông) làm ra.

Nghề mây tre đan ngày nay vẫn được người dân thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ), Thái Hòa (xã Bình Phú, Thạch Thất), Nam Cường (xã Tam Đồng, Mê Linh)… duy trì và phát triển.

Và còn rất nhiều nghề khác nữa như nghề tranh dân gian, làm giấy dó, nghề chế biến nông sản, thực phẩm, nghề giầy, da, nghề chụp ảnh, tranh đá, tranh gỗ đã làm nên sự phong phú, đa dạng và độc đáo của riêng Hà Nội.

2. Phân loại làng nghề, làng nghề truyền thống Hà Nội

Theo Nguyễn Hữu Thức: “Làng nghề là làng ở đó ít nhất cũng phải có 50% số hộ làm một nghề nào đó (lực lượng lao động). Sản phẩm làng nghề không chỉ tự cung tự cấp, phải mang tính hàng hóa lưu hành trong không gian rộng (chất lượng sản phẩm, không gian lưu hành). Làng đó có giai đoạn dài phát triển nghề, trải qua nhiều biến cố thăng trầm vẫn giữ được nghề. Ở làng đã hình thành những truyền thống, nếp sống như tục thờ cúng tổ nghề, phường hội, sinh hoạt văn hóa…’’(1).

Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18-12-2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định: Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời; có ít nhất một nghề truyền thống hoặc chưa đạt tiêu chuẩn công nhận làng nghề nhưng có ít nhất một nghề truyền thống được công nhận”.

Riêng với Hà Nội, UBND TP đã có Quyết định số 85/2009/QĐ-UBND ngày 02-7-2009 về việc ban hành Quy chế xét công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống Hà Nội quy định phải có đủ các tiêu chuẩn sau: về thời gian, là làng có nghề đã được hình thành trên 50 năm tính đến ngày làng được đề nghị xét danh hiệu làng nghề truyền thống; về kinh tế: có giá trị sản xuất từ ngành nghề nông thôn của làng chiếm tỷ trọng từ 50% trở lên so với tổng giá trị sản xuất của làng; về sử dụng lao động; có tối thiểu 30% số hộ trên địa bàn tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn; đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn lao động theo các quy định hiện hành; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của thành phố và địa phương; sản phẩm làm ra phải mang bản sắc văn hóa dân tộc, phải gắn với tên tuổi của làng; đối với những làng nghề chưa đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường theo quy định vẫn được xem xét công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống khi đã có các đề án, dự án nghiên cứu đánh giá tác động môi trường và đề ra các biện pháp xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường (2).

Như vậy, tiêu chí của Hà Nội xem xét việc công nhận làng nghề truyền thống tiêu biểu là rất đầy đủ, chi tiết, cả về yếu tố truyền thống lẫn yếu tố quản lý nhà nước. Các làng nghề truyền thống tiêu biểu đã được thành phố cấp bằng công nhận danh hiệu, nếu không tiếp tục cố gắng về mọi mặt, thì khi xem xét lại, nếu không đủ tiêu chí thì sẽ không được công nhận là làng nghề truyền thống tiêu biểu. Cụ thể, năm 2013, khi xem xét để cấp bằng công nhận là nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội, làng nghề Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì đã không còn được trong danh sách 1 trong 7 làng nghề tiêu biểu, trong khi đó, làng đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, xã Vân Hà, Đông Anh vẫn giữ vững danh hiệu này.

Tại kỳ họp thứ 8 khóa XIV, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thủ đô, trong đó có 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu (3).

3. Đặc trưng văn hóa làng nghề Hà Nội

Thăng Long - Hà Nội - mảnh đất hội tụ thợ giỏi, tài hoa và làng nghề truyền thống

Nói Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ tài khéo mọi miền là chính xác vì dưới các thời Lý, Trần, Lê, các thợ giỏi được triều đình trưng tập về kinh đô xây dựng kinh thành, sau đó những người thợ thủ công đã ở lại đây và sinh cư, lập nghiệp. Ngoài ra, nhà Lý với quê gốc là Đình Bảng ở xứ Bắc, nhà Trần quê miền biển xứ Nam, nhà Lê, rồi Lê Trịnh ở Thanh Hóa, Nghệ An… khi định đô ở Thăng Long, Đông Đô đều kéo theo dân tài về Thăng Long quy tụ, trong số đó, có rất nhiều thợ thủ công tài giỏi cũng theo về kinh đô định cư, lập nghiệp.

Bên cạnh việc được triều đình trưng dụng để xây dựng đền đài, cung điện, chùa chiền, miếu mạo và các công trình kiến trúc phục vụ cho triều đình, người thợ thủ công xung quanh kinh thành và khắp vùng miền trong nước tìm đến với Thăng Long - Hà Nội chủ yếu do nhu cầu sinh kế. Và như vậy, các phường thủ công của trăm vùng đã hội tụ về Kinh kỳ, Kẻ Chợ, kéo theo là sự quy tụ của tất cả những người con tinh hoa của các làng quê về đây đua sức, tranh tài, mở mang nghề nghiệp.

Nếu người thợ nào muốn sinh cư, lập nghiệp ở lại Thăng Long, thì họ phải giỏi nghề đó mới có thể cạnh tranh được với các thợ khác. Nếu tay nghề không cao, sản phẩm làm ra chất lượng thấp, hàng hóa của họ sẽ không có người mua, và như vậy những người thợ đó nếu có muốn làm ăn và sinh sống tại Thăng Long cũng không thể được, họ sẽ phải trở lại miền quê nơi họ đã sinh ra, để rồi với tay nghề bậc trung ấy, họ sẽ làm ra sản phẩm phục vụ đòi hỏi không cao của cư dân các miền quê ấy. Ngược lại, những thợ thủ công giỏi khi đến lập nghiệp và sinh sống tại Hà Nội, với trình độ tinh xảo, họ sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm đặc sắc, thu hút được người dân khắp nơi tìm đến mua hàng.

Thăng Long thời Lý Trần có 61 phường, đến thời Lê có 36 phường và 12 nghề thủ công. Đến thời Nguyễn và thời thuộc Pháp sau này, việc làm ăn, buôn bán ở Thăng Long - Hà Nội ngày càng trở nên sôi động, khiến cho đông đảo đội ngũ thợ thủ công ở khắp mọi miền cùng nhau tìm đến lập nghiệp. Với những thợ thủ công có tay nghề giỏi, sản phẩm của họ làm ra phục vụ cho tầng lớp vua quan, những gia đình khá giả. Với những thợ thủ công có tay nghề kém hơn, họ làm ra sản phẩm phục vụ cho tầng lớp bình dân. Chính vì vậy, tất cả những giá trị tinh hoa được kết tinh trong sản phẩm đã phản ánh được bàn tay và khối óc của những người thợ tài hoa.

Việc người thợ từ khắp nơi đua nhau tìm về Thăng Long làm ăn, buôn bán, đem theo cả gia đình về an cư đã góp phần tạo nên bộ mặt xã hội của kinh thành, đóng góp thêm vào sự giàu có của các làng nghề Hà Nội. Không những làm cho bộ mặt xã hội phong phú, những người thợ thủ công khi về kinh thành còn đem theo cả phong tục tập quán, tín ngưỡng, lối sống, nếp nghĩ, những chuẩn mực đạo đức, giá trị văn hóa từ làng quê họ sinh ra và lớn lên, làm cho văn hóa Thăng Long tỏa sáng, lung linh hơn.

Cảm nhận về những người thợ thủ công cần mẫn lao động dưới những mái hiên nhỏ đã để lại nét đẹp trong lòng người dân tứ xứ khi có dịp đến làm ăn, buôn bán tại Thăng Long. Và nét đẹp này được Paul Bourder, một viên chức người Pháp sang Việt Nam làm việc, đã mô tả về người thợ thủ công trong cuốn De Paris au Tonkin. Qua ngòi bút của P.Bourder, người đọc hình dung rõ hơn về người thợ thủ công trên những con phố nhỏ bé của Hà Nội, dưới những nếp nhà đơn sơ, giản dị, ngày qua ngày chăm chỉ, khéo léo cần cù đóng góp bao sản phẩm đẹp đẽ cho xã hội: “Thợ thủ công, cũng như thương nhân lập cửa hàng dưới mái hiên của họ và họ cắt, gọt, đóng gáy sách, dũa, cắt, may, bào, tiện, rèn, đóng đinh, vẽ, chải, thêu, dệt trước mắt bàn dân thiên hạ… Họ uyển chuyển và nhẹ nhàng, ngồi xổm trên chiếu, người nọ chen vào người kia và làm lụng mà chẳng gây cản trở cho ai…” (4).

Đúc kết từ kinh nghiệm buôn có bạn, bán có phường, thợ thủ công của một số nghề có khi sống cùng một làng, cũng có khi đến từ nhiều làng khác nhau đã lập nên những phường, hội - nơi họ có thể chia sẻ với nhau những chuyện vui buồn, tang ma, hiếu hỷ. Hàng năm, phường tổ chức sinh hoạt tập thể vào ngày sinh và ngày mất của tổ nghề với các nghi lễ cúng, tế, múa hát và các trò chơi dân gian.

Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiện thuận lợi, Thăng Long - Hà Nội trở thành nơi thu hút các hiền tài, kẻ sĩ, thợ giỏi về sinh cư, lập nghiệp. Do thợ của mọi miền về với Thăng Long đều đem theo nghề thủ công mỹ nghệ về theo, làm phương tiện nuôi sống gia đình, nên các nghề thủ công của Thăng Long ngày càng phong phú và đa dạng.

Thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ) có nghề mây tre đan từ cách đây hơn 400 năm. Tại Bảo tàng cung đình Huế hiện nay đang lưu giữ một tác phẩm chữ Hán đan bằng mây của các nghệ nhân thôn Phú Vinh vào năm 1712.

Thôn Thiết Úng (xã Vân Hà, huyện Đông Anh) là cái nôi của nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ và tạc tượng Vân Hà. Các sản phẩm của Thiết Úng phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã như đồ dùng gia đình, văn phòng, thủ công mỹ nghệ.

Làng Bát Tràng (xã Bát Tràng, Gia Lâm) theo truyền khẩu từ nhiều thế hệ trước, được hình thành từ năm 1010, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Với hàng ngàn năm kế thừa và phát triển, ngày nay gốm sứ Bát Tràng đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân trong nước và cả bạn hàng nước ngoài.

Làng Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm) ra đời từ thời Hậu Lê, qua thời gian, nghề dát vàng, bạc quỳ ngày càng phát triển, đặc biệt là những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, nhiều chùa chiền, đền, miếu được trùng tu, nghề dát vàng kiêu kỵ cũng vì thế phát triển mạnh mẽ hơn.

Làng nghề Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, Hà Đông) với nghề rèn truyền thống ra đời và phát triển hàng trăm năm.

Làng nghề khảm trai thôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, Phú Xuyên) với nhiều sản phẩm phong phú, không chỉ đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, mà ngày nay nhiều sản phẩm còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Làng nghề nặn tò he Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên) đến nay đã được gần 300 năm tuổi. Nghề nặn tò he của Xuân La được lưu giữ theo hình thức cha truyền con nối trong các gia đình.

Làng nghề tre trúc Thu Thủy (xã Xuân Thu, Sóc Sơn) với hơn 300 năm tồn tại, có lúc tưởng như mai một, mất nghề. Do sự năng động của người thợ làng nghề, đến nay sản phẩm của làng nghề phong phú với nhiều chủng loại, nhiều chất liệu vừa được sử dụng trong sinh hoạt, vừa làm đồ trang trí nội thất, đã thu hút được sự quan tâm của khách hàng trong và ngoài nước.

Làng nghề tạc tượng thôn Vũ Lăng (xã Dân Hòa, Thanh Oai) có một thời gian bị gián đoạn, nhưng từ khi mở cửa nền kinh tế thị trường, nghề tạc tượng truyền thống của Vũ Lăng được phát triển và ngày càng mở rộng.

Và còn rất nhiều làng nghề khác đã làm giàu cho nền văn hóa Thăng Long, đóng góp nhiều sản phẩm nổi tiếng, làm cho Thăng Long - Hà Nội được bạn bè trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn qua những sản phẩm thủ công tinh xảo. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nghề khéo trăm miền, người tài trăm ngả đua nhau hội tụ về Thăng Long đã kết tinh thành tinh hoa, thành di sản văn hóa vô giá của không chỉ riêng Hà Nội, mà còn là niềm tự hào của cả đất nước.

Làng nghề - phố nghề, nét đặc sắc của văn hóa làng nghề Hà Nội

Trải qua các biến cố lịch sử, có rất nhiều cuộc di dân từ nhiều vùng quê đến Thăng Long làm cho nơi đây trở thành địa điểm phong phú và đa dạng về các ngành nghề, thu hút và hội tụ thợ khéo mọi miền. Người thợ trăm miền nhìn thấy ở Thăng Long, Đông Đô, Kẻ Chợ là nơi trên bến dưới thuyền, là thị trường buôn bán hàng hóa, sản phẩm rộng lớn. Và từ các làng nghề thuộc địa phận Hà Nội cùng với các làng nghề cả nước, những người thợ thủ công đã tập trung về sinh sống và lập nghiệp ở đất Thăng Long, tạo ra các phố nghề.

Đó là thợ thủ công làng Định Công (Hoàng Mai), làng Châu Khê (Hải Dương), thợ chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình) định cư và lập nên phố Hàng Bạc. Hiện nay, tại phố Hàng Bạc có đình Kim Ngân thờ tổ sư nghề đúc bạc, là một di tích cổ, được xây dựng cuối Lê, đầu Nguyễn. Hay như làng Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) nổi tiếng về nghệ thuật khảm trai trên đồ gỗ và đồ mỹ nghệ sơn mài, đã lập nên phố Hàng Khay, Tràng Tiền.

Đó là làng Bát Tràng (Gia Lâm) chuyên sản xuất đồ gốm với các sản phẩm bát, đĩa, niêu và lập nên phố Bát Đàn. Hiện nay, tại phố Bát Đàn vẫn còn đình Nhân Nội - nơi sinh hoạt cộng đồng của những người buôn bán mặt hàng này.

Rồi làng Đa Hội (Đông Anh) với kỹ thuật rèn sắt đã lập nên phố Lò Sũ, Lò Rèn, làng Hòe Thị (Từ Liêm) lập nên phố Sinh Từ, Lò Rèn. Người Hòe Thị rèn những nông cụ như mai, thuổng, răng bừa, lưỡi cày, liềm, hái; đồ dùng dao kéo sử dụng trong gia đình và làm ra đồ dùng cho thợ cạo, thợ mộc, thợ may. Hiện nay trong phố Lò Rèn vẫn còn đình Lò Rèn được dựng vào đầu TK XX dùng làm nơi cúng tế của dân hàng phường.

Thợ thuộc da của Hưng Yên và Ninh Hiệp tập trung đến làm nghề và buôn bán rồi lập nên phố Hàng Da; làng Liễu Viên (Thường Tín) với nghề mộc đã lập nên phố Lò Sũ; làng Quất Động (Thường Tín) với kỹ thuật thêu nổi tiếng lập nên phố Hàng Thêu, Hàng Hành; làng Nhị Khê (Thường Tín) với nghề tiện gỗ, làm kính, làm khóa lập nên phố Hàng Tiện.

Làng Đông Mai (Thuận Thành, Bắc Ninh) với nghề đúc đồng nổi tiếng đã lập nên phố Ngũ Xã; làng Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình) với nghề chạm bạc đã lập nên phố Hàng Bạc; làng Giới Tó (Yên Phong, Bắc Ninh) với nghề làm mành nổi tiếng đã lập nên phố Hàng Mành; làng Bưởi (xã Đại Bái, Thuận Thành, Bắc Ninh) nổi tiếng với nghề đúc đồng, gò đồng và dân làng Cầu Nôm (Khoái Châu, Hưng Yên) làm nghề buôn bán đồng nát cùng tụ họp về đây đã lập nên phố Hàng Đồng vừa sửa chữa, vừa buôn bán đồ đồng; thợ làng Liêu Xá (Yên Mỹ, Hưng Yên) nổi tiếng với nghề làm trống, làm lọng đã lập nên phố Hàng Trống, Hàng Lọng, thợ làng Hới (Hưng Hà, Thái Bình), Nga Sơn (Thanh Hóa), Kim Chính (Hoa Lư, Ninh Bình) với nghề dệt chiếu đã lập nên phố Hàng Chiếu; thợ làng Đan Loan (Bình Giang, Hải Dương) với nghề nhuộm tơ, lụa đã lập nên phố Hàng Đào (Hàng Điều). Hiện nay, phố Hàng Đào vẫn còn đình Hoa Lộc được dân làng Đan Loan dựng lên để thờ vọng thành hoàng làng quê gốc của họ; làng Thọ Vực (Văn Giang, Hưng Yên) nổi tiếng với nghề làm sơn đã lập nên phố Nam Ngư; làng Đào Xá (Ân Thi, Hưng Yên) nổi tiếng với nghề làm quạt giấy đã lập nên phố Hàng Quạt và xây đền Xuân Phiến thờ tổ nghề quạt.

Có thể nói việc các làng nghề phát triển lên thành các phố nghề với mục đích để tạo thành các cơ sở buôn bán, giới thiệu sản phẩm không chỉ mang tầm chiến lược cho sự phát triển của các nghề thủ công truyền thống, thúc đẩy sự đa dạng hơn nữa các hình thức, loại hình sản phẩm, mà còn góp phần làm phong phú thêm cho đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Thăng Long - Hà Nội.

Tác giả P.Bourder đã có những cảm nhận về các phố nghề: “Cứ chừng cách nhau độ 6 hay 5 ngày các phiên chợ lại họp ở Hà Nội. Những thương nhân và thợ thủ công đủ mọi loại đến từ vùng nông thôn phụ cận đi vào thành phố. Những người bán bán tơ lụa đi vào phố Hàng Tơ (Hàng Đào); thợ làm xẻng cuốc và đồ đồng đi vào phố Hàng Đồng, những người làm nón đi vào phố Hàng Nón, nói tóm lại người nghề nào đi vào phố nghề ấy, và thành phố đã chuyển thành một chợ phiên rộng mênh mông trong đó người ta đi lại, la cà, trò chuyện, mặc cả bán mua và ồn ào sôi động…” (5).

Có thể nói, chính các phố nghề đã tạo cho Thăng Long - Hà Nội nét đặc sắc văn hóa riêng biệt. Cư dân khắp nơi đến Hà Nội để mua và bán hàng thủ công cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt, hàng nông sản thiết yếu phục vụ cho cuộc sống. Chính vì vậy, việc giao lưu buôn bán diễn ra khá sôi nổi và mạnh mẽ trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề phụ cận Thăng Long - Hà Nội cũng như một số làng nghề của một số địa phương khác tụ hội, góp phần cho các phố nghề ngày càng hưng thịnh.

Những người thợ từ khắp nơi đến Thăng Long - Hà Nội lập nên phố nghề và cùng nhau hội tụ thành phường nghề, lập đền thờ tổ nghề - nơi được dùng để tổ chức các hình thức sinh hoạt phường nghề theo kiểu vùng quê gốc của họ. Chính hình thức sinh hoạt này đã góp phần làm sâu sắc và phong phú hơn cho nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Phố nghề được hình thành và phát triển chính tại khu phố cổ. Trải qua thời gian, ngày nay nhiều phố nghề vẫn tồn tại, mặc dù không chuyên doanh như thời kỳ Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. Đó là các phố Lò Rèn, Thuốc Bắc, Hàng Mành, Hàng Chiếu, Bát Sứ, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã...

Một số phố hiện nay còn tên cũ nhưng không phải là phố chuyên doanh các mặt hàng thủ công nữa, thay vào đó là các mặt hàng với đủ các chủng loại khác nhau. Phố Hàng Trống trước đây bán tranh Hàng Trống, ngày nay đa số là bán các loại quần áo cao cấp; phố Hàng Quạt ngày nay không bán các loại quạt giấy, quạt nan nữa, thay vào đó là các loại trướng dùng cho việc hiếu và mừng thọ, đồ dùng trong thờ cúng...

Và ngày nay, 79 phố cổ Hà Nội, trong đó có một số phố nghề đã được Thành phố Hà Nội xếp vào danh mục phố cổ có ý nghĩa rất lớn trong số các di sản văn hóa được xếp vào loại di sản văn hóa tiêu biểu, cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy (6).

_______________

1, 2. UBND TP Hà Nội, Quyết định số 85/2009/QĐ-UBND ngày 02-7-2009 về việc ban hành Quy chế xét công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống Hà Nội.

3, 5. HĐND TP Hà Nội, Nghị quyết về việc Ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

4. Nguyễn Thừa Hỷ chủ trì, Tuyển tập tư liệu phương Tây, Nxb Hà Nội, 2009, tr.519.

6. Trương Minh Hằng (chủ biên), tập 1, Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2012.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Bích Thủy

;