Ký ức về huyền thoại Grace Kelly vẫn không thể phai nhòa trong tâm cảm những người yêu nghệ thuật. Trong những năm gần đây, trên báo chí của Mỹ vẫn không quên gợi lại hình ảnh về cuộc đời bà. Và kể từ khi công nương Grace Monaco qua đời, nhiều câu chuyện về cuộc đời bà đã được viết thành sách và dựng thành phim. Nhà sản xuất phim Pierre-Ange Le Pogam, đồng sáng lập hãng phim Europacorp nổi tiếng của Pháp đã làm bộ phim tiếp theo về Grace Kelly với tựa đề Grace of Monaco, do Arash Amel làm biên kịch.
Sự nghiệp điện ảnh của Grace Kelly không dài nhưng bà lại để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm trong lòng khán giả hâm mộ trên toàn thế giới. Hình ảnh cô diễn viên Hollywood với gương mặt khả ái, thanh thoát, vầng trán thông minh, đôi mắt sâu thăm thẳm còn in đậm dấu ấn trong mỗi khán giả yêu điện ảnh.
Với tài năng, lòng đam mê nghệ thuật cùng sự luyện tập nghiêm túc Grace Kelly đã sớm được vinh danh với giải thưởng Oscar cao quý. Song duyên nợ với nghệ thuật thứ bảy của Grace gần như chấm dứt khi bà trở thành công nương kiều diễm xứ Monaco.
Cuộc đời sau nghiệp diễn của Grace tưởng chừng như bình yên với cuộc sống vương giả nhưng không ngờ một tai nạn thảm khốc đã khiến nàng công nương xinh đẹp, tài hoa xứ Monaco ra đi mãi mãi với lòng tiếc thương khôn nguôi của giới hâm mộ điện ảnh và người dân xứ Monaco.
Sau khi công nương Grace Monaco qua đời, nhiều câu chuyện về cuộc đời bà đã được viết thành sách và dựng thành phim. Nhà sản xuất phim Pierre-Ange Le Pogam, đồng sáng lập hãng phim Europacorp nổi tiếng của Pháp chuẩn bị làm bộ phim tiếp theo về Grace Kelly với tựa đề Grace of Monaco, do Arash Amel làm biên kịch.
Tuổi thơ bình yên
Grace Kelly sinh ngày 12/11/1929 tại Philadelphia, bang Pennsylvania trong một gia đình khá giả. Cha Grace, ông John Kelly là người gốc Ireland, đã trở thành triệu phú từ hai bàn tay trắng bằng nghề kinh doanh vật liệu. Mẹ Grace thuộc tầng lớp quý tộc Đức, bà là người phụ nữ đầu tiên trở thành trưởng khoa Giáo dục Thể chất Trường Đại học Pennesylvania.
Grace Kelly (giữa) trong ngày cưới
Ông John Kelly còn là vận động viên chèo thuyền đôi nổi tiếng và từng đoạt huy chương Vàng ba lần liên tiếp tại Thế vận hội Olympic. Sau này ông trở thành Hội viên Hội đồng của Thành phố Philadelphia. Trong thế chiến II, ông vinh dự được tổng thống Franklin D.Roosevelt bổ nhiệm làm chỉ huy quốc gia trong lĩnh vực rèn luyện và bảo vệ thể chất.
Cha mẹ Grace có bốn người con, Grace là con thứ ba. Bà có một anh trai, một chị gái và cô em út. Không khí gia đình họ luôn đầm ấm và hạnh phúc.
Ngôi sao điện ảnh
Thừa hưởng tình yêu nghệ thuật từ truyền thống gia đình, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Grace thi vào học Viện Kịch nghệ của Mỹ ở New York. Khi còn học phổ thông Grace đã tham gia làm người mẫu cho các hãng thiết kế thời trang. Sau khi tốt nghiệp học viện, Grace xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình và trong các vở kịch trên sân khấu.
Lần đầu tiên đến với điện ảnh, Grace tham gia một vai nhỏ trong phim Fourteen Hours (1951). Diễn xuất thành công của Grace gây được chú ý của giới chuyên môn. Sau đó, bà được mời thử vai nhân vật cô dâu trẻ, vợ của một cảnh sát trưởng trong bộ phim kinh điển High Noon (1952). Năm 1989, High Noon được chọn bảo tồn trong Viện lưu trữ phim Quốc gia Mỹ bởi “tính văn hóa, lịch sử, và tín hiệu thẩm mĩ” của phim. Bộ phim được Viện phim Mỹ xếp hạng thứ 27 trong số những kiệt tác điện ảnh của mọi thời đại.
Sau một số bộ phim ban đầu, diễn xuất của Grace đã thu hút sự chú ý của đạo diễn Alfred Hitchcock - người được coi là một trong những đạo diễn lớn nhất của lịch sử điện ảnh thế giới. Grace Kelly được mời tham gia hàng loạt phim của ông cùng với các siêu sao của Hollywood như: Dial M for Murder (Cuộc gọi Chết người) - 1954 diễn với Ray Milland, Rear Window (Cửa sổ phía sau) - 1954 với James Stewart và To Catch A Theif (1955) với Cary Grant.
Năm 1954 là một năm vô cùng bận rộn đối với Grace. Bà tham gia năm bộ phim với năm vai diễn chính. Trong số đó gồm hai phim của Hitchcock và đặc biệt là phim The Country Girl (Cô gái thôn quê) của đạo diễn George Seaton. Bộ phim này đã mang lại cho bà giải Oscar danh giá cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn nhân vật Georgie Elgin. Tham gia năm vai chính trong năm phim cùng một năm là hết sức phi thường đối với một diễn viên thời kỳ bấy giờ.
Sau khi bộ phim To Catch a Thief (Bắt một tên trộm) quay xong ở Pháp, Grace trở về Mỹ nhận giải thưởng Oscar. Sau đó bà trở lại Pháp tham gia liên hoan phim Cannes, tại đây bà gặp hoàng tử Rainier xứ Monaco. Như định mệnh đã sắp đặt cho cuộc hội ngộ này, họ cảm mến và yêu nhau từ ánh mắt đầu tiên. Trong năm 1956, lễ đính hôn của Grace Kelly với hoàng tử Prince Rainier chính thức được công bố, thu hút sự chú ý của đông đảo giới truyền thông.
Đầu năm 1956, Grace bắt đầu tham gia diễn cùng Bing Crosby và Frank Sinatra trong phim High Society (Xã hội thượng lưu). Đây là bộ phim được xây dựng lại theo nguyên mẫu phim The Philadelphia Story (Câu chuyện Philadelphia) nổi tiếng năm 1940 với sự tham gia diễn xuất của ba ngôi sao lừng danh Hollywood: Cary Grant, Katharine Hepburn và James Stewart. Bài hát True love (Tình yêu đích thực) trong phim do Grace thể hiện trong vai trò nữ chính đã giành được sự hâm mộ lớn lao của khán giả.
Công nương huyền thoại xứ Monaco
Kelly Grace đang tỏa sáng trên bầu trời Hollywood thì thật bất ngờ, bà quyết định từ bỏ nghiệp diễn để toàn tâm với cuộc sống hoàng gia. Dường như điều ấy càng khiến cho Grace trở nên nổi danh hơn bao giờ hết.
Lễ cưới của Grace được giới truyền thông gán cho cái tên “Lễ cưới của thế kỷ”! Vào ngày 4/4/1956, gia đình Grace cùng 50 bạn bè của bà đặt chân lên con tàu của USS Constitution tiễn bà về vương quốc Monaco. Khi tàu cập bến, thuyền buồm của hoàng tử Rainier ra cảng đón rước cô dâu.
Grace Kelly trong bộ váy cưới
Ngày 18/4/1956, trong cung điện Monaco, nghi lễ đầu tiên của hôn lễ được tiến hành theo luật Monegasque. Ngày 19/4/1956, hôn lễ tiếp tục được tổ chức tại Nhà thờ thánh Nicholas. Như đã thỏa thuận với hãng phim MGM của Mỹ, hôn lễ của siêu sao Grace và hoàng tử Rainier được quay phim và sau đó được công bố ở Mỹ. Sở dĩ Grace đồng ý thỏa thuận này vì bà đã hủy hợp đồng làm phim thời hạn 7 năm với họ mà bà ký trước đây.
Ngày 23/1/1957, Grace sinh hạ công chúa Caroline. Sự ra đời của cô công chúa khiến công nương vui xiết bao. Cả Vương quốc Monaco cũng vui mừng không tả. Niềm vui tiếp nối niềm vui, một năm sau, hoàng tử Albert chào đời ngày 14/3/1958. Bảy năm sau, vào ngày 1/2/1965 Grace sinh hạ tiếp công chúa Stephanie.
Grace Kelly vô cùng yêu các con của mình nhưng bà không bao giờ nuông chiều con. Bà luôn luôn nghiêm khắc và dạy con phải tuân thủ phép tắc trong vương triều. Hơn thế, bà luôn công bằng với chàng hoàng tử và hai nàng công chúa của mình. Grace luôn cố gắng dạy dỗ và nuôi nấng các con giống như những đứa trẻ bình thường khác. Mùa hè hằng năm, Hoàng tử Albert thường được trở về quê ngoại ở Philadelphia tham gia trại hè cùng những người anh chị em họ bên ngoại của mình.
Là một công nương, Grace liên tiếp bận rộn khi đảm nhận thêm cương vị chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của Monaco. Nhờ những quan hệ với Hollywood, Hội Chữ thập đỏ của Monaco đã thu hút được sự tham gia của nhiều ngôi sao hàng đầu của Hollywood như Frank Sinatra, Cary Grant… Năm đầu tiên về làm dâu Vương quốc Monaco, Grace đã tổ chức một bữa tiệc Giáng sinh cho riêng trẻ em Monaco. Sự kiện này khiến cho công nương Grace càng được nhân dân Monaco yêu quý.
Sau đó Grace trở thành chủ tịch danh dự của Tổ chức phi chính phủ AMADE, một tổ chức chuyên giúp các nước chưa phát triển về vấn đề y tế và giáo giục. Ngoài ra, bà còn đóng vai trò tích cực trong tổ chức La Leche League. Đây là một tổ chức thực hiện sứ mệnh cung cấp các thông tin, giáo dục và ủng hộ các bà mẹ trên toàn thế giới nên nuôi con bằng sữa mẹ. Những năm cuối cùng của cuộc đời, Grace tham gia nghệ thuật cắm hoa khô. Các tác phẩm nghệ thuật hoa khô của bà thậm chí từng được trưng bày tại Triển lãm Nghệ thuật Paris. Một số tác phẩm được bán để gây quỹ từ thiện.
Năm 1978, Grace tham gia nhiều buổi ngâm thơ và xuất hiện trên truyền hình trong bộ phim The Children of Theater Street (Những đứa con của sân khấu đường phố). Năm 1982, bà tham gia bộ phim về chính cuộc đời mình với tựa đề Rearranged (Được sắp đặt). Thế nhưng bộ phim không bao giờ kết thúc được bởi Grace bất ngờ ra đi vĩnh viễn.
Ngày 13/9/1982, công nương Grace và con gái bà, công chúa Stephanie đang trên đường từ Pháp trở về cung điện Monaco thì bỗng Grace bị mất lái, xe của họ bị lật trên một đoạn đường uốn khúc và rơi xuỗng vực. Công chúa Stephanie bị bật ra khỏi xe và bị thương. Còn công nương Grace lúc đó bị chấn thương sọ não và bất tỉnh. Bà được đưa đến bệnh viện Bệnh viện Trung ương Công nương Grace (The Princess Grace Hospital Centre), nhưng ngày hôm sau, 14/9/1982 bà qua đời ở tuổi 53.
Công nương Grace được mai táng ngay sau nhà thờ Thánh Nicholas, Monaco vào ngày 18/09/1982. Đến tiễn đưa bà ngày hôm đó có hơn 400 quan khách, gồm cả Công nương Diana xứ Wales cùng nhiều quan chức chính phủ cũng như các ngôi sao kỳ cựu và bạn diễn của bà từ Hollywood. Gần 100 triệu người trên khắp thế giới dõi theo lễ tang.
Bà ra đi khiến khán giả hâm mộ và nhân dân vương quốc Monaco vô cùng thương tiếc. Grace Kelly trở thành ngôi sao đi vào lịch sử và hình ảnh của bà mãi khắc sâu trong tâm trí người dân Vương quốc Monaco.
TRỊNH THANH THỦY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023