Trong quá khứ, người Chăm đã từng xây dựng nên một quốc gia Champa độc lập hùng mạnh ở Đông Nam Á và cùng tồn tại bên cạnh quốc gia Đại Việt của người Việt. Những thành tựu mà vương quốc Champa để lại, trong đó các tháp cổ, đã và đang làm tăng thêm nét đẹp cho đất nước, đặc biệt là thánh địa Mỹ Sơn ở tỉnh Quảng Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 1-12-1999.
Người Việt cổ và người Chăm cổ đã có mối quan hệ giao lưu với nhau từ rất sớm trong lịch sử. Những dấu tích tìm thấy ở các di chỉ văn hóa Tiền Đông Sơn, Đông Sơn của người Việt và Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh của người Chăm đã chứng minh điều đó.
Tín ngưỡng
Người Việt có truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, cây có cội, nước có nguồn... nên đã luôn tôn thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với làng với nước. Ngoài ra, tùy nơi tùy lúc, họ còn tôn thờ nhiều linh vật khác như cây đa, giếng nước, đình làng…
Các vị hoàng đế của người Việt đều luôn tin tưởng vào sức mạnh vô biên của trời đất cùng nhiều vị thần sông núi khác, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nên hàng năm thường làm lễ tịch điền để cầu mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu.
Năm 1282, vua Trần Nhân Tông sai Tiến sĩ Nguyễn Thuyên làm văn tế cá sấu. Bấy giờ cá sấu đến sông Lô. Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống sông, cá sấu bỏ đi. Vua cho việc này giống như việc của Hàn Dũ, bèn ban gọi Hàn Thuyên. Thuyên lại giỏi thơ phú quốc ngữ. Thơ phú nước ta dùng nhiều quốc ngữ, thực bắt đầu từ đấy (1).
Năm 1522, vua Lê Chiêu Tông (Quang Thiệu Đế) làm lễ cầu trời. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Ngày mồng 10, trời mưa, nhiều sâu lúa. Ngày 13, Quang Thiệu Đế đích thân làm lễ cầu trời (2).
Người Chăm cũng có những câu ca dao, tục ngữ về uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người (đừng quên người) trồng cây, sông có nguồn, cây có cội... nên trong các hoạt động của đời sống cá nhân, gia đình và xã hội, họ luôn tin là có sự che chở của thần linh. Không trồng cây cao bóng mát ở trong làng và gần nhà vì cho là nơi cư ngụ của ma quỷ… vì thế quanh làng và xung quanh nhà phần lớn là cành cây khô.
Nhà du lịch Hồi giáo Ibn Batutah đã đến Chămpa trước năm 1352 và theo lời kể của ông thì: “Dân chúng là những người sùng bái linh vật”.
Khi người Việt đi về phương
Người Việt ở Đàng Trong còn đi xa hơn nữa khi chấp nhận một mức độ hợp giáo và thu nhận tất cả các tập tục và tín ngưỡng của địa phương có thể giúp họ tồn tại và phát triển giữa những thần linh mới tại vùng đất phía nam. Các nghi thức và tập tục của người Chăm và người vùng cao nguyên còn thịnh hành nơi người Việt
Có một sự dung hợp tín ngưỡng rộng rãi, cởi mở của người Việt đối với văn hóa tâm linh người Chăm. Tiêu biểu nhất là trong hiện tượng ứng xử với vị thần quan trọng nhất của tín ngưỡng Chăm, Po Inư Nagar, nữ thần xứ sở vĩ đại. Người Việt không những không bác bỏ vị thần đó mà còn đồng nhất ngay việc thờ thần Po Inư Nagar với đạo Mẫu truyền thống của mình, đã Việt hóa thành Thiên Y Ana, kế đó đơn giản hóa thành Bà Ngọc hoặc Bà.
Điện Hòn Chén ở Huế vốn là nơi ngày xưa người Chăm thờ nữ thần Po Inư Nagar, về sau người Việt theo Thiên Tiên Thánh Giáo tiếp tục thờ Bà dưới danh xưng là Thánh Mẫu Thiên Y Ana.
Đạo Mẫu đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Tác giả Đinh Gia Khánh nhận định, việc trồng lúa nước và tín ngưỡng trồng lúa gắn với vai trò vị trí của người đàn bà - người mẹ. Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh thì cho rằng, thờ mẫu là một tín ngưỡng bước đầu thể hiện ý thức nhân sinh, ý thức cội nguồn dân tộc, lòng yêu nước đã được linh thiêng hóa (5).
Tháp Po Nagar là một trong những tổng thể kiến trúc vào loại lớn nhất của vương quốc Champa xưa. Toàn bộ khu đền Po Nagar nằm trên núi Cù Lao, hướng mặt về phía biển. Tháp thờ nữ thần Po Inư Nagar. Theo truyền thuyết, bà là nữ thần mẹ của đất nước, người tạo ra cây lúa và dạy dân trồng lúa. Các vua Chăm tôn vinh bà là Bà Đại Phúc, người bảo vệ tối cao của vương triều.
Đến giữa TK XVII, xứ Kauthara (Nha Trang - Khánh Hòa ngày nay) được sáp nhập vào Đại Việt. Người Việt định cư trên vùng đất mới đã tiếp thu những yếu tố đặc sắc của văn hóa Chăm. Trước tháp Po Nagar với điện thờ bà và bao nhiêu câu chuyện về bà, người Việt tìm thấy ở tín ngưỡng này điểm tương đồng với những thần thánh cũ ở quê hương như: mẹ Âu Cơ, công chúa Liễu Hạnh, bà chúa Thượng Ngàn… tuy khác về tên gọi, nhưng vẫn là tiêu biểu cho hình tượng những vị mẫu thần khuyến thiện trừng ác, cứu nhân độ thế. Xuất phát từ điểm chung đó mà nữ thần Po Inư Nagar của người Chăm đã được Việt hóa thành Thiên Y Ana, được người Việt tôn là thượng đẳng thần và được tiếp tục thờ tự ngay tại trú sở cũ của bà. Hàng năm từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch, lễ vía bà tức là lễ hội Tháp Bà Nha Trang được nhân dân địa phương tổ chức rất trọng thể. Trước đây nghi lễ đều do người Chăm đảm nhiệm, nay chủ yếu do người Việt tiến hành.
Người Chăm còn tin rằng nữ thần Po Nagar là người canh giữ các nguồn hương liệu quý, nhất là trầm hương. Và có lẽ người Việt đã tiếp nhận tín ngưỡng này của người Chăm và người vùng cao nguyên cùng với kỹ thuật tìm kiếm và khai thác loại hương liệu này. Nguyễn Khải ghi nhận là tới thập niên 80 TK XX, những người khai thác gỗ trầm người Việt vẫn còn dâng lễ vật cho Bà trước khi lên đường và đi tới chân núi, họ cử hành nghi lễ khai sơn, có lẽ y hệt như tổ tiên của họ làm vào TK XVII, XVIII. Stein quan sát thấy trong số tượng các vị thần địa phương tại một ngôi đền ở Huế, có một tượng nữ thần gọi là Cô Bảy với bộ ngực ngăm đen, để trần của một người phụ nữ người Thượng, tay phải ôm một cành cây và tay trái ôm một cái bình, theo người giữ đền, là để đựng dầu thơm. Người Việt thờ một số vị thần địa phương gọi là Thượng ngàn chư ông, Stein dịch là Messieurs de la Rive supérieure. Tất cả các vị thần này đều được coi là có xuất xứ địa phương, nghĩa là khác với các thần của người Việt (6).
Ở Thừa Thiên Huế, có miếu Kỳ Thạch Phu Nhân tại làng Thanh Phước, xã Thạch Phước, huyện Hương Trà, thờ một hòn đá, một bộ phận trang trí kiến trúc xưa đã đổ nát của Champa. Theo Ngô Văn Doanh, Đại Nam nhất thống chí chép: Ở xã Thạch Phước, huyện Hương Trà, tương truyền, trước có một người chài bủa lưới ở sông. Khi kéo lưới lên thì thấy nặng, bèn lặn xuống nước xem biết là có viên đá dính lưới, bèn dời đi khúc sông khác. Đến đêm, mộng thấy một bà già bảo rằng: Ta đây là thần, nếu đem được ta lên bờ ta sẽ phù hộ. Ngày hôm sau, người chài họp những người đồng bọn, lặn xuống sông khiêng hòn đá lên bờ, thì hai viên đá vuông to bằng tấm chiếu, sắc xanh trắng, mặt đá có nét chạm thân người mặt thú, 20 tay và 4 chân. Người chài ấy sợ cho là thần, đem để ở chỗ sạch sẽ rồi dựng đền tranh để thờ. Từ ấy tỏ ra linh ứng. Hồi đầu Bản triều phong là Kỳ Thạch Phu Nhân. Gặp đại hạn, sai quan đến cầu đảo mấy tuần không mưa, bèn sai dời hai viên đá đến bờ sông, đêm hôm ấy nổi gíó to mưa lớn, sáng hôm sau ra xem, thấy mất một viên, còn lại một viên, bèn rước về tế tạ. Viên đá ấy nay vẫn còn.
Rải rác khắp miền Trung Việt
Nhiều nơi người Việt cũng có tục cúng tá thổ, tức là mướn đất hay thuê đất. Mỗi năm một lần, người ta tiến hành một lễ cúng thần đất là người Chăm, lễ vật dâng cũng toàn là các món ăn đặc trưng Chăm như khoai lang, rau khoai, mắm cái, lạc sống, cua sống… xin mượn đất hay thuê đất của người Chăm để ở nhờ.
Khảo cổ học đã phát hiện nhiều cuộc hôn nhân Việt (nam) - Chăm (nữ). Có nhiều dòng họ Việt gốc Chăm như Ông, Ma, Trà, Chế… Đến nay vẫn còn tồn tại tầng ốc đảo người Việt gốc Chăm như Vân Thê (Huế), Nam Ô, Túy Loan, Đồng Dương (Quảng
Tại Quảng Nam - Đà Nẵng, theo Hồ Xuân Tịnh, chỉ riêng họ Trà, tại thôn Đồng Dương (xã Bình Định, Thăng Bình) đã có trên 100 hộ, thôn Đại An (xã Đại Lãnh, Đại Lộc) có trên 60 hộ, xã Điện Thọ (Điện Bàn) có trên 60 hộ, xã Hòa Minh (Đà Nẵng) có trên 40 hộ. Những người Việt gốc Chăm này nói tiếng Việt, sinh hoạt như người Việt, bên cạnh đó những cư dân Việt đến vùng đất mới cũng tiếp thu một số tục lệ thờ cúng, lễ hội của người Chăm, do vậy cùng với những ngôi đình thờ thành hoàng bổn xứ và các vị tiền hiền khai cơ lập nghiệp của người Việt, còn có những miếu bà, lăng bà thờ các vị thần Chiêm như lăng bà Thu Bồn (Duy Xuyên), trong lăng thờ bài vị các thần: PôPô Phù Hóa Tôn Thần, Thiên Y Ana Diễn Phi Chúa Ngọc, Phiếm Ái Châu Đại Đức Phu Nhân, Ngũ Hành Tiên Nương (7).
Một số nơi, đặc biệt là ở Ninh Thuận còn duy trì một hình thức lễ bái gọi là lễ múa bóng, tục gọi là dâng bông hội lễ. Nguyên múa bóng là một cổ tục của Champa do các bà bóng phụ trách. Trong xã hội người Chăm, bà bóng là người được tôn quý nhất vì họ vừa thuộc phái nữ (người Chăm theo chế độ mẫu hệ, vừa đảm trách các sinh hoạt tín ngưỡng của người dân. Muốn làm bà bóng phải có dòng, chứ không phải ai muốn làm cũng được. Khi người Việt sống chung với người Chăm, các phụ nữ Việt, nhất là các bà hay lên đồng lên bóng, học theo điệu múa bóng và áp dụng trong việc tế lễ thần linh, biến thành một tục lệ hoàn toàn Việt.
Những cư dân người Việt sống bằng nghề đánh bắt hải sản thường xuyên phải đối mặt với sóng to gió lớn, không có cách nào để chống chọi lại với hiểm nguy, do vậy lòng tin vào các thế lực siêu nhiên càng mạnh. Nhiều lăng ông lăng bà thờ cúng các vị thủy thần được dựng lên để cầu mong sự bình yên, cá voi được xem như là một vị thần cứu nạn của ngư dân, do vậy có tục thờ cá ông ở vùng ven biển, hàng năm ngư dân đều tổ chức lễ cúng bái, tạ ơn thánh thần và tưởng nhớ những người đã bỏ mình trên biển. Tập tục thờ cá voi được xác nhận bắt nguồn từ tập tục tín ngưỡng của người Chăm (và mở rộng ra là của các cộng đồng cư dân Mã Lai-Đa Đảo).
Người Chăm có những truyền thuyết:
Cá voi là hóa thân của một vị thần tên Cha Aih Va. Vì nôn nóng trở về xứ sở sau một thời gian khổ luyện phép thuật, Cha
Po Inư Nagar hóa thân vào khúc gỗ trầm trôi từ Nam Hải sang Bắc Hải, hiện hình làm vợ Thái tử Trung Quốc, sinh ra hai con và lại hóa thân vào khúc gỗ trầm trở về quê (Nha Trang), khúc gỗ trầm lênh đênh trên Biển Đông là biểu thị cho cá ông.
Người Việt có truyền thuyết: Xưa kia đức Phật Quan Âm, trong lần tuần du Đại Hải, ngậm ngùi đau xót cho số phận của người trần bị chết chìm ngoài biển khơi, nên xé chiếc áo cà sa làm muôn mảnh thả trên mặt biển làm phép biến thành cá ông, lấy bộ xương voi ban cho để cá ông có thân hình to lớn, lại ban phép thâu đường để lội thật mau làm tròn trách nhiệm cứu người lâm nạn.
Dọc bãi biển Bình Thuận có miếu Thần Hải thờ Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân. Theo lời kể của các bô lão thôn Sơn Hải thì ngày 2-2 năm Bính Ngọ, người trong thôn thấy một khúc xương cá voi trên tấm ván gỗ thông trôi từ biển vào bãi này, liền cùng nhau bưng tấm gỗ thông có xương cá ấy định đem đi mai táng nhưng không sao nhấc nổi... Mọi người thấy lạ cho là thần nên không dám mang đi chỗ khác mà táng ngay tại chỗ đó, rồi lập miếu thờ, khâm liệm xương ấy vào quan tài bằng gỗ để thờ ngay trong miếu, đặt người lo việc hương khói. Từ đó về sau, thuyền bè người Việt, người Chăm mỗi lần đến neo đậu ở bãi này, phàm vào miếu cầu đảo việc gì đều được linh ứng. Hàng năm vào ngày 2-2, dân trong thôn dùng lễ tam sinh để cúng tế, lâu ngày thành lệ (8).
Cũng như các tỉnh từ Thanh Hóa đến Kiên Giang, trong tâm thức của những ngư dân tỉnh Bến Tre cũng tin vào cá ông và đó là chỗ dựa tinh thần quý giá mỗi khi gặp sóng to gió lớn hay khi gặp bão thuyền đắm, mạng người bị đe dọa. Ở Bến Tre hiện nay có 11 lăng thờ cá ông, có nhiều nghi lễ như lễ: rước cốt ông, cầu ngư, tế cá ông, cúng ông, nghinh ông thủy tướng… nhưng nhìn chung đều có chung một điểm xuất phát, đó là quan niệm cho rằng cá ông là một sinh vật thiêng ở biển, là vị cứu tinh của cư dân ven biển.
Như người Việt, người Chăm cũng có tục cúng đầy tháng cho trẻ sơ sinh, gọi là Plau Yang. Thày cò ke hoặc bà bóng được mời tới để làm lễ cúng này. Lễ có gà, chuối, dừa, xôi, bánh ít. Lễ vật này được dâng lên cho một vị khuất mặt (ôn kròk) trong dòng họ, do đó một khi đứa trẻ ra đời, gia đình phải tổ chức cúng để báo với vị này sự có mặt của một thành viên mới. Một điều đặc biệt là trong lễ cúng này luôn luôn có cúng bông điệp, mà theo người Chăm cho biết, bình bông này là để cúng cho một vị thần người Việt. Bà con họ hàng, có cả một số khách quen biết trong thôn xóm đến tham dự lễ này và mang quà đến tặng cho đứa bé.
Rất nhiều tín ngưỡng đã trở thành niềm tin chung của cả hai dân tộc Việt - Chăm trong quá trình hội nhập. Năm 1799, người dân thôn Bình Thủy (Bình Thuận) đã dựng miếu thờ thần nông, vào tháng 8 hàng năm, người Việt và người Chăm đều mang lễ vật đến cúng để cầu được mùa.
Người Chăm quan niệm về thế giới bên kia vẫn phải ăn uống, nếu khi ra đi mà no đủ thì qua bên kia được sung sướng. Quan niệm đó cũng giống như người Việt đốt giấy tiền để qua thế giới bên kia người chết có tiền để tiêu dùng.
Người Việt và người Chăm đều có quan niệm về chết trùng, đa số đều sợ, và cũng mời thày cúng về yếm hoặc giải. Khi có người chết thì người thân phải chịu tang. Đồ tang bằng vải màu trắng và chỉ dùng trong những lúc làm lễ mà thôi.
Kết luận
Tín ngưỡng là niềm tin của con người vào lực lượng siêu nhiên, hay nói gọn hơn là niềm tin, sự ngưỡng vọng vào cái thiêng đối lập với cái trần tục, hiện hữu. Có nhiều loại niềm tin, nhưng đây là niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng, tức là niềm tin vào cái thiêng. Do vậy, nó là nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của con người, tồn tại bên cạnh đời sống vật chất, đời sống xã hội, tinh thần - tư tưởng, đời sống tình cảm (9). Qua quá trình phát triển của xã hội, đặc biệt là sự giao lưu và hội nhập văn hóa Việt - Chăm, các hình thức tín ngưỡng ngày càng phong phú đa dạng.
_______________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000, tr.69.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000, tr.159-160.
3, 4, 6. Li Tana, Xứ Đàng Trong, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1999, tr.196, 216, 179.
5. Nguyên Ngọc (chủ biên), Tìm hiểu con người xứ Quảng, Nxb Đà Nẵng, 2005, tr.216.
7. Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, Vai trò dinh trấn Quảng Nam, Nxb Quảng Nam, 2002, tr.298.
8. Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống địa dư chí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2005, tr.277-278.
9. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2012, tr.9.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014
Tác giả : Trần Dũng