Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay là: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo điều kiện và môi trường để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật” (1). Như vậy, nhân cách luôn gắn liền với con người và văn hóa, đồng thời cũng trở thành một khái niệm quan trọng cần phải tìm hiểu.
1. Khái niệm nhân cách, đạo đức
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, nhân cách là bộ mặt tâm lý, tổ hợp thái độ riêng, thuộc tính riêng biểu hiện bản sắc và giá trị xã hội của cá nhân với tư cách là chủ thể của hoạt động giao tiếp. Người ta sinh ra là người, nhưng nhân cách chỉ hình thành trong hoạt động và giao tiếp. Về thực chất, đó là quá trình xã hội hóa cá nhân, tiếp thu các giá trị văn hóa của gia đình, cộng đồng, xã hội và tăng dần (hay ngược lại) mức phù hợp giữa thang giá trị, thước đo giá trị, định hướng giá trị của bản thân, cộng đồng, xã hội. Nhân cách có tính xã hội, đồng thời cũng mang tính cá biệt, với những kinh nghiệm, nếp suy nghĩ, tình cảm, hoài bão, niềm tin, định hướng giá trị, tính cách riêng, tạo ra tính đa dạng của các cá nhân.
Hoàn cảnh kinh tế - xã hội và hoạt động, giao tiếp giữ vai trò quyết định đối với diện mạo của nhân cách. Lịch sử đã từng có những kiểu nhân cách khác nhau, đại diện cho kiểu văn hóa và lối sống khác nhau (2).
Theo tác giả Trần Thị Thanh Liêm, nhân cách là phẩm cách của con người, là tư cách tự chủ độc lập trước pháp luật (3).
Đại từ điển Hán Việt viết: nhân cách là tư cách và phẩm chất, đặc điểm của con người: sống có nhân cách, giữ nhân cách trong sạch (4).
Từ những quan niệm khác nhau về nhân cách của con người ở mỗi một hoàn cảnh lịch sử nhất định, đã xuất hiện tư tưởng chính trị nhân chính ở Trung Quốc thời Khổng - Mạnh và chủ nghĩa nhân cách ở Mỹ vào cuối TK XIX, đầu TK XX, cùng những biến thể của nó.
Nhân chính là chủ trương chính trị của Mạnh Tử bắt nguồn từ tư tưởng lễ trị và đức trị của Khổng Tử. Nội dung cơ bản của nhân chính là không tàn hại người, dựa vào nguyên tắc đạo đức nhân nghĩa mà trị nước, yên dân. Tư tưởng này được thể hiện cụ thể là: thực hành chế độ tỉnh điền để trưng thu có mức độ; làm cho dân có sản nghiệp để năm được mùa thì dư dật, năm mất mùa thì không đến nỗi chết đói; nhà nước bớt đi hình phạt, nhẹ thuế má, khiến dân cày sâu, cuốc bẫm, cần cù lao động sản xuất và chú trọng tu dưỡng lễ, nghĩa, trung, tín… Nhân chính đã trở thành đường lối chính trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc và đường lối đó đã được các tầng lớp thống trị ở những nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo học tập, đề cao (5).
Chủ nghĩa nhân cách ở Mỹ là trào lưu duy tâm tôn giáo, bắt nguồn từ thuyết đơn tử của LaoBnitxơ, được phổ cập trong triết học tư sản Mỹ từ cuối TK XIX. Nét đặc trưng của chủ nghĩa nhân cách là thừa nhận cá nhân được hiểu như yếu tố tinh thần đầu tiên của tồn tại. Chủ nghĩa nhân cách đối lập quan niệm, mà theo nó giới tự nhiên là toàn thể các cá nhân tinh thần (đa nguyên) với thế giới quan duy vật biện chứng. Ngự trị rất nhiều cá nhân đang ở những giai đoạn phát triển khác nhau và hình thành thế giới là cá nhân tối cao, tức là Chúa. Chủ nghĩa nhân cách ở Mỹ được sáng lập bởi B.P.Bounơ (1847-1910), rồi lan truyền sang các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức…
Theo chủ nghĩa nhân cách, nhiệm vụ xã hội chủ yếu không phải là ở chỗ làm biến đổi thế giới, mà là cải tạo cá nhân, tức là góp phần thúc đẩy sự tự hoàn thiện về mặt tinh thần cá nhân (6).
Chúng tôi cho rằng nhân cách liên quan chặt chẽ với đạo đức của con người. Đạo đức là cái bên trong, cái cốt lõi, được thể hiện ra thành nhân cách trong quá trình giao tiếp, ứng xử với sự vật, hiện tượng và con người trong cuộc sống hàng ngày. Đạo đức là những quan niệm, giá trị, chuẩn mực tốt đẹp quy định nhân cách và rõ ràng là cả đạo đức lẫn nhân cách cùng mang tính lịch sử, cùng chịu sự tác động của điều kiện kinh tế - xã hội. Cũng có nhiều quan niệm khác nhau về đạo đức: đạo đức là đạo lý, đức hạnh, lẽ phải, phép tắc, hành vi mà ai cũng noi theo (7). Từ điển triết học tiếp cận đạo đức toàn diện và sâu sắc hơn: đạo đức là một trong những hình thái ý thức xã hội, phản ánh sự tồn tại về mặt tinh thần của cá nhân, một trong những đòn bẩy tinh thần cho quá trình phát triển xã hội. Trong lĩnh vực nhận thức đạo đức, thái độ con người đối với thế giới và bản thân mình thể hiện qua cách đánh giá đạo đức, tập tục, quan điểm đối với cái ác, cái thiện. Đạo đức giúp con người xác định ý nghĩa cuộc đời, thể hiện qua nghĩa vụ và lương tâm của họ. Theo nghĩa hẹp của từ này, đạo đức còn là sản phẩm của quá trình phát triển lịch sử, xã hội, thể hiện qua sự tự nhận thức và quyền tự do của con người. Lợi ích cá nhân và xã hội trong xã hội có giai cấp là hai mặt đối lập nhau, nó thể hiện trong phạm trù đạo đức như là mối bất hòa giữa nghĩa vụ và ham muốn. Yêu cầu về đạo đức gắn liền với lợi ích giai cấp, mặc dù mối liên hệ này thường được ngụy trang dưới khái niệm ý thức hệ (8).
Cấu trúc của nhân cách bao gồm hai thành tố là tài và đức, bởi vì đây là hai mặt quan trọng, bảo đảm cho con người giữ gìn, phát huy được nhân cách của mình. Mặc dù hiện nay còn có những quan niệm khác nhau về nội dung cụ thể của tài và đức, cũng có thể nêu lên một số tiêu chí quan trọng như sau:
Sự phân chia tài, đức trong nhân cách chỉ mang tính chất tương đối. Chúng luôn luôn song song tồn tại trong con người có nhân cách, trong đức có tài và trong tài có đức.
Người có tài, trước hết phải là người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi để làm nền tảng khẳng định năng lực trong xã hội, giúp hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công.
Biểu hiện thứ hai của tài năng là kỹ năng xử lý các tình huống diễn ra trên thực tế một cách chính xác. Kỹ năng được hình thành thông qua quá trình sản xuất, học tập, chiến đấu trong thực tế cuộc sống, và chỉ trở nên nhuần nhuyễn nếu con người có ý chí vươn lên, tinh thần kỷ luật cao, hăng say học tập.
Biểu hiện thứ ba của tài năng là khả năng phát minh, sáng tạo ra cái mới. Phẩm chất tiêu biểu của người có tài là biết lắng nghe, tiếp thu, học hỏi, từ đó, thông qua năng lực cá nhân và đầu óc sáng tạo, họ tìm ra cái mới, cái tiến bộ, hợp quy luật. Cái mới được phát hiện, ủng hộ từ những người có tài năng, có uy tín trong xã hội nên đã có môi trường để phát triển, khẳng định tính ưu việt của nó so với những cái đã lỗi thời, lạc hậu.
Biểu hiện thứ tư của tài năng là có tầm nhìn xa, đưa ra những dự báo chiến lược đúng đắn để từ đó có thể xây dựng kế hoạch, phù hợp, dần dần điều chỉnh cho cân đối giữa các mặt và vấn đề đặt ra. Tài năng của một con người còn được thể hiện trong việc dám đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ cái đúng, cái tốt đẹp. Tư tưởng ba phải, dĩ hòa vi quý hoặc sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi là xa lạ, không phù hợp với tư cách đạo đức của một nhân tài.
Khía cạnh đạo đức trong nhân cách con người được thể hiện trước hết ở nhận thức, tư tưởng đúng đắn, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của xã hội, xác định đúng vị trí của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội để định hướng chính xác cho cuộc sống cá nhân, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan khoa học giúp mình trở thành người có ích. Tiếp đến là biểu hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, không bị dao động trước cuộc sống đầy biến cố. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn luôn có ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên, giữ vững phẩm chất của một người có tri thức, trí tuệ, hết lòng vì sự nghiệp của Đảng, tổ quốc, nhân dân. Biểu hiện thứ ba là có quan hệ ứng xử tốt đẹp với tự nhiên và xã hội.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề chống biến đổi khí hậu toàn cầu là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà toàn nhân loại phải chung tay hành động. Vì vậy, nhân cách thời hiện đại đòi hỏi con người phải tôn trọng quy luật tự nhiên, yêu quý thiên nhiên, phấn đấu giữ vững mối quan hệ thiên - địa - nhân một cách thăng bằng, không phá vỡ cân bằng sinh thái. Song song với củng cố, xây dựng mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên ngày càng thân thiện, việc tăng cường những mối quan hệ rường cột trong gia đình và ngoài xã hội cũng cần được tiến hành thường xuyên, có những nội dung cụ thể, phù hợp. Đó chính là mối quan hệ giữa con người với tổ quốc, cá nhân với cộng đồng, vợ với chồng, con cái với cha mẹ, quá khứ với hiện tại và tương lai. Tùy theo lứa tuổi và vị trí trong xã hội mà xác định những tiêu chí phù hợp để con người có thể tự do học tập, vui chơi, phấn đấu góp phần thúc đẩy gia đình, đất nước phát triển một cách nhanh chóng, bền vững. Đạo đức của con người còn thể hiện ở tính trung thực, có tinh thần trách nhiệm, tự giác cao. Trung thực, trách nhiệm, tự giác là những phẩm chất tiêu biểu trong nhân cách, giúp cho mỗi người giữ được sự trong sạch, không bị lôi cuốn theo những thói hư, tật xấu. Nếu mọi người trong xã hội đều thấm nhuần những phẩm chất tốt đẹp này và coi đó là phương châm sống của mình thì những quy định của luật pháp mới có thể đi vào cuộc sống, phát huy hết hiệu lực.
Cuối cùng, có khát vọng phấn đấu vươn lên trong mọi hoàn cảnh là khía cạnh quan trọng của đạo đức và nhân cách. Người luôn có khát vọng vươn lên thì có thể có thêm ý chí, nghị lực để thực hiện mục tiêu tốt đẹp của cuộc sống. Khát vọng vươn lên đồng nghĩa với khát vọng cống hiến cho đất nước, dân tộc.
2. Kinh nghiệm giáo dục nhân cách, đạo đức của một số quốc gia trên thế giới hiện nay
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Chế độ phong kiến Trung Quốc kéo dài trên 2000 năm đều lấy tư tưởng nhân trị, đức trị của Khổng Tử làm nền tảng. Khổng Tử đề cao đạo học, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Chữ nhân trong khuôn mẫu đạo đức của Khổng Tử nhấn mạnh đến sự nhân ái, khoan dung, độ lượng, vị tha của con người. Lễ là cách ứng xử của con người với mọi người xung quanh, nhưng nhấn mạnh đến sự khiêm tốn, biết trên biết dưới và có tôn ti trật tự. Nghĩa là biết trước, biết sau, nghiêm túc và không quên ơn những người đã giúp đỡ mình, đồng thời sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Trí là sự thông minh, hiểu biết, nắm vững được thời thế để tìm ra con đường đi đúng đắn. Tín là sự trung thực, đứng đắn, lời nói luôn đi đôi với việc làm, tạo lập được niềm tin với mọi người.
Tư tưởng của Khổng Tử được nhiều triều đại phong kiến áp dụng và cũng được nhiều người ca ngợi. Tuy nhiên, nó không phải là trường tồn, bất biến, mà cũng đã nhiều lần đứng trước thử thách mỗi khi thời thế thay đổi. Những triết lý của Khổng Tử đã được bổ sung, phát triển để trở thành Hán Nho, Đường Nho qua các tác phẩm của Đổng Trọng Thư, Tô Đông Pha…
Từ khi Trung Quốc tiến hành đại cách mạng văn hóa (1966-1976), đặc biệt là khi bước vào thời kỳ cải cách, mở cửa (1978), Nho giáo ở nước này đã có nhiều thay đổi và dần mất đi ảnh hưởng tích cực trong xã hội. Lối sống cá nhân, ích kỷ, thực dụng ngày càng được cổ xúy và lan rộng. Nhiều học giả Trung Quốc đã phàn nàn và lo lắng vì đạo đức xuống cấp, hiện tượng vô cảm ngày càng lan rộng, văn hóa, lối sống bị suy thoái trầm trọng. Hầu hết các học giả Trung Quốc đều quan ngại, thừa nhận sự biến đổi quá nhiều của lối sống, và một số người đã nghĩ đến việc tạo dựng lại một nền đạo đức, nhân cách mới cho phù hợp với nền kinh tế thị trường, có nghĩa là phải chế định ra một bộ quy tắc luân lý mới, giá trị mới. Nhưng đa số các nhà khoa học và các chính trị gia Trung Quốc nhấn mạnh đến việc mở rộng dân chủ xã hội, điều hành đất nước nghiêm minh, như vậy mới có thể cứu vãn được sự suy đồi đạo đức, nhân cách hiện nay ở Trung Quốc.
Kinh nghiệm của Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia ở phương Đông, nhưng có những bước đi đặc biệt về chính trị, kinh tế, giáo dục để có thể hội nhập được với sự phát triển của khoa học công nghệ phương Tây. Người Nhật luôn chú trọng đến sự hợp tác giữa các cá nhân trong một nhóm để cùng nhau phát triển. Họ đặc biệt chú trọng đến việc củng cố văn hóa gia đình và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Mặc dù phát triển theo hướng tư bản, là một quốc gia có nền kinh tế và công nghiệp phát triển mạnh, nhưng về cơ bản Nhật Bản vẫn là một xã hội làm việc, hợp tác theo các nhóm. Ở Nhật Bản, bạo lực không nhiều và xã hội thường chú ý đến mối quan hệ giữa văn hóa ở bình diện rộng với nguyên tắc luân lý, đạo đức được nội lực hóa trong cá nhân mỗi người.
Từ thời Minh Trị duy tân (1868) và phong trào dân chủ Taisho, nước Nhật đã đề cao dân chủ, coi đây là động lực thúc đẩy phát triển. Các nhà lãnh đạo như Amane Nishi, Yuikichi Fukuzawa, Sakuzo Yoshino, Tatsukichi Minobe đã thành công trong việc xác lập sự hài hòa giữa hệ thống lý thuyết chính trị đương đại với những giá trị truyền thống Nhật Bản và với việc triển khai thực hiện các giá trị này.
Nhật Bản đã tiến hành giáo dục đạo đức, nhân cách trong tất cả các đơn vị xã hội, đặc biệt là ở trường học và gia đình, không phải chỉ thông qua một môn học đạo đức, mà được triển khai trong cả hệ thống giáo dục, đào tạo từ cấp thấp đến cấp cao.
Trước thế chiến 2, nước Nhật không có tội phạm và sự nghiệp giáo dục nhân cách đạo đức khá thành công. Nhưng từ sau thế chiến 2, mặc dù những giá trị truyền thống vẫn được chú trọng và việc giáo dục nhân cách đạo đức vẫn được quan tâm, nhưng lại chưa đúng mức đến thực hiện nền dân chủ thực sự, mà chỉ tiến hành qua loa, hời hợt. Do đó, người dân Nhật đã mất lòng tin vào chính quyền. Tình trạng xuống cấp về đạo đức, sự gia tăng tội phạm ở Nhật là do bất bình đẳng, nghèo đói, các vấn đề văn hóa, xã hội như nạn thất nghiệp lan rộng, hiện tượng ly hôn phổ biến…
Kinh nghiệm của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa, một nền văn hóa trẻ trung, năng động, luôn sáng tạo và thay đổi. Văn hóa Hoa Kỳ đề cao cá nhân, sự tự khẳng định và quyết định cá nhân. Ở Hoa Kỳ, trẻ em được giáo dục tính tự lập ngay từ bé. Mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình chỉ được chú trọng khi con cái còn nhỏ, tư tưởng trẻ cậy cha, già cậy con ở phương Đông không được người Hoa Kỳ chấp nhận. Hoa Kỳ đề cao ý thức tự lập và chủ nghĩa cá nhân, từ đó coi trọng ý kiến cá nhân, sự cần cù, vượt khó, có ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Ở Hoa Kỳ, việc giáo dục đạo đức, nhân cách cũng được triển khai thông qua những chương trình, môn học khác nhau, có thể bắt buộc hoặc không bắt buộc, tùy thuộc vào từng tiểu bang.
Từ TK XIX, nhân cách, đạo đức của người Hoa Kỳ dường như khá ổn định theo những triết lý nhân văn, nhân đạo, bao dung của Thiên Chúa giáo. Nhưng sang đến TK XX, sự phẳng lặng của văn minh Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ đã bị phá vỡ bởi sự tham lam, lòng ghen tỵ. Dân chủ và bình đẳng ở Hoa Kỳ dường như luôn luôn đối lập nhau, dẫn đến sự khủng hoảng trên các mặt chính trị, kinh tế, có lẽ trầm trọng nhất là về đạo đức, nhân cách. Chính sự nghèo đói về giá trị, chuẩn mực trong xã hội Hoa Kỳ đã làm nghèo đi đức tin của các con chiên.
Hoa Kỳ đang cố gắng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đạo đức bằng cách tập trung giáo dục nhân cách cho học sinh thông qua chương trình dạy cách ứng xử, các môn văn hóa, nghệ thuật, xây dựng những bộ giá trị, chuẩn mực về đạo đức, nhân cách. Tuy nhiên, cái khó khăn của Hoa Kỳ là thiếu những giá trị, chuẩn mực truyền thống của tổ tiên.
3. Giáo dục nhân cách, đạo đức ở nước ta hiện nay
Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Từ lời dạy của Bác, chúng ta có thể suy ra giáo dục con người là một việc làm khó khăn gian khổ, cần phải kiên trì, sáng suốt và có phương pháp phù hợp.
Muốn giáo dục nhân cách, đạo đức cho con người được tốt, cần phải nhận thức sâu sắc rằng: khi điều kiện kinh tế xã hội thay đổi thì một số những tiêu chí của nhân cách, đạo đức cũng có sự thay đổi theo. Trải qua 30 năm đổi mới theo hướng hiện đại, chúng ta đã và đang tiếp tục tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, đồng thời đang hoàn thiện nền kinh tế thị trường, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Tất cả những điều đó đã làm cho nước ta chuyển dần từ nước nông nghiệp sang nước công nghiệp, nông thôn sang thành thị và nông dân sang thị dân. Sự biến đổi lớn lao đó chắc chắn sẽ tác động, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, xã hội, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến nhân cách, đạo đức con người.
Muốn tránh được sự khủng hoảng về đạo đức, nhân cách như một số quốc gia trên thế giới đã từng mắc phải, chúng ta cần phải nghiên cứu sâu sắc, quán triệt những quan điểm, đường lối về văn hóa, giáo dục và vận dụng sáng tạo vào tình hình ở từng trường hợp, từng địa phương. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc quan trọng về giáo dục nhân cách, đạo đức cần phải nghiên cứu áp dụng kịp thời.
Cần tiến hành thường xuyên, trên quy mô rộng lớn từ gia đình đến nhà trường và trong xã hội. Sự giáo dục đó phải được tiến hành có tổ chức, có hệ thống và đồng bộ để các chương trình có thể hỗ trợ được cho nhau, giúp cho những cái tốt, cái cao thượng được lan truyền rộng rãi, liên tục áp đảo những cái xấu, cái thấp hèn.
Phải được xem là một trong những nhiệm vụ chiến lược hiện nay và phải được nghiên cứu cẩn thận, khoa học, tiến hành thận trọng, có hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Cần phải gắn lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành. Trong quá trình dạy và học cần phải vận dụng ngay vào trong từng giờ học, từng ngày học, luôn luôn liên hệ với thực tiễn, rút ra những bài học kịp thời.
Phải cụ thể, theo những giá trị, chuẩn mực phù hợp. Điều quan trọng là giúp cho con người nhận thức được tầm quan trọng của đạo đức, nhân cách và thấm nhuần những giá trị, chuẩn mực đó vào trong suy nghĩ của mình, để có thể tự giác làm những điều tốt đẹp, có ích cho xã hội, biết hổ thẹn khi định làm những gì không tốt.
Giáo dục gắn liền gương mẫu thực hành điều tốt để mọi người noi theo. Nếu lời nói không đi đôi với việc làm thì không thể chiếm được niềm tin yêu của thế hệ trẻ, khi đó những nội dung giáo dục không đi vào cuộc sống và những mục tiêu giáo dục sẽ không đạt được.
Phải gắn với dân chủ, công khai, minh bạch để tiến tới tiến bộ và công bằng xã hội. Bởi lẽ, giáo dục đạo đức, nhân cách con người không phải là quá trình giảng dạy, tuyên truyền sinh hoạt văn hóa qua loa, mà thực chất là quá trình cùng nhau trải nghiệm trong hệ thống xã hội có cùng một mục tiêu hướng tới.
Phải gắn với truyền thống văn hóa dân tộc, tinh thần yêu nước hướng con người đến sự cần cù lao động, học tập, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân vì tương lai của đất nước.
Mỗi thời kỳ lịch sử có một đặc điểm riêng và do đó cũng có những hệ thống giá trị, chuẩn mực riêng. Chúng ta không thể lấy khuôn mẫu quá khứ để áp dụng cho hiện tại, nhưng cũng không nên quên rằng hiện tại là gạch nối giữa quá khứ với tương lai.
____________
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.126 - 127.
2, 5. Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2003, tr.231, 231.
3, 7. Trần Thị Thanh Liêm (chủ biên), Từ điển Hán Việt hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Bến Tre, 2007, tr.441, 207.
4. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển Hán Việt, Nxb Đại học Quốc gia, TP.HCM, tr.1157.
6, 8. Cung Kim Tiến (biên soạn), Từ điển triết học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.804, 290 - 291.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016
Tác giả : PHẠM NGỌC TRUNG