GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về đạo đức cách mạng và giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Đạo đức cách mạng được Người coi là cái gốc, điều kiện tiên quyết để cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân“ (1). Đây không chỉ là yêu cầu về phẩm chất, năng lực mà còn là vấn đề có tính nguyên tắc trong chỉ đạo nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.

Nghiên cứu di sản lý luận và cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, có thể khái quát, đạo đức cách mạng mà cán bộ, đảng viên cần phải có là: tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng; dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương cho quần chúng noi theo; thành khẩn, thật thà tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ; hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng; phải biết đặt lợi ích của giai cấp, của dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân, luôn vững vàng trước mọi khó khăn; suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân... Tóm lại, đó là những người luôn: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm; tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, nhân đạo.

Từ vị trí, vai trò quan trọng và nội dung phong phú, đa dạng của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh luôn coi trọng, quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng cho mọi đối tượng, trên mọi lĩnh vực hoạt động, trong các mối quan hệ ở mọi phạm vi, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người cho rằng, muốn có đạo đức cách mạng thì phải giáo dục, rèn luyện, bởi: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố” (2). Đây là công việc phải tiến hành đồng bộ, thường xuyên bằng nhiều nội dung, hình thức, giải pháp khác nhau: nâng cao nhận thức về mục tiêu, lý tưởng, lòng trung thành; rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tình yêu thương con người, sống khiêm tốn giản dị, nói đi đôi với làm; bồi dưỡng trình độ trí tuệ và tác phong, phương pháp công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ có chức, có quyền; gương mẫu trong công tác và lối sống...

Hồ Chí Minh luôn đề cao tính tự giác, tự rèn luyện đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ, phẩm chất đạo đức là giá trị riêng có của từng người, không thể vay mượn, càng không phải chỉ là những lời nói cửa miệng. Do vậy, tự phê bình có ý nghĩa đặc biệt tích cực trong việc rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Là người giác ngộ cách mạng, đi giáo dục đạo đức cách mạng cho nhân dân, cán bộ, đảng viên phải tự mình thực hành trước để làm gương. Với Người, việc phát huy tính tự giác của cán bộ, đảng viên không chỉ là phương thức rèn luyện đạo đức cách mạng, mà còn là một trong những phương thức tổ chức phong trào cách mạng.

Theo Hồ Chí Minh, để có cán bộ tốt thì: “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” (3). Cán bộ phải suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, đặt quyền lợi của Đảng, của tổ quốc lên trên hết. Cán bộ cách mạng không phải là làm quan cách mạng, không phải để đè đầu cưỡi cổ dân chúng. Người cán bộ phải có một đời tư trong sáng, là tấm gương sáng trong cuộc sống. Song, trong Đảng ta có nhiều loại cán bộ, đảng viên đảm trách những công việc khác nhau, ở mức độ khác nhau. Mỗi loại cán bộ, ngoài những phẩm chất đức tài nói chung, còn phải có những phẩm chất cụ thể. Trong mỗi thời kỳ cách mạng, tương ứng với mỗi loại cán bộ cũng cần có những phẩm chất phù hợp.

Bởi vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cách mạng, công tác đào tạo cán bộ, đảng viên phải toàn diện. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng vấn đề giáo dục lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên: “Giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng” (4). Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”; phải thường xuyên đánh giá cán bộ, không thành kiến với người có khuyết điểm, “không buông trôi, bỏ mặc”; phải có quan điểm toàn diện, “không nên chỉ xem xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc mà phải xét kỹ toàn bộ công việc của cán bộ”; gắn công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên với phong trào cách mạng của quần chúng...

Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, coi đây là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính. Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, nguồn gốc của những căn bệnh làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tha hóa Đảng, ngăn trở người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân với Đảng. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng mẹ, đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... “một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó” (5).

Mặc dù coi đạo đức là gốc, nhưng Hồ Chí Minh luôn đặt đạo đức và tài năng trong mối quan hệ biện chứng, thúc đẩy lẫn nhau để hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách người cán bộ cách mạng. Người chỉ rõ: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai” (6). Nhờ có phẩm chất, năng lực, đức và tài mà cán bộ, đảng viên có thể hoàn thành nhiệm vụ, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.

Kế thừa, tiếp thu, vận dụng sáng tạo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã rất coi trọng việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Về cơ bản, cán bộ, đảng viên đã kế thừa được truyền thống cách mạng tốt đẹp của Đảng và dân tộc, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ý thức được trách nhiệm của mình, có tinh thần vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Phần đông cán bộ, đảng viên giữ được đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, gắn bó với nhân dân.  Nhiều cán bộ, đảng viên đã phải đấu tranh quyết liệt với bản thân, vượt lên những cám dỗ và lợi ích cá nhân, phát huy tính tích cực để tiếp thu tri thức mới; nâng cao trình độ, lao động sáng tạo, làm giàu chính đáng... Đã có không ít tấm gương sáng về đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên ở các lĩnh vực khác nhau trong cả nước.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả các cán bộ giữ cương vị chủ chốt đã có những biểu hiện của sự thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống. Họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi thế của công vụ, kẽ hở trong cơ chế chính sách để tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, làm giàu bất chính, tiêu xài lãng phí của công, có lối sống buông thả, thiếu tình nghĩa, thiếu trung thực với tổ chức, thờ ơ, vô cảm trước nỗi khổ và sự bất công của nhân dân cũng như những tiêu cực của xã hội. Sự quan liêu, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà với dân... đã làm biến dạng hệ thống giá trị và tiêu chuẩn đích thực của người cán bộ cách mạng. Chính những điều này đang làm xói mòn bản chất cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm suy giảm uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân đối với chế độ.

Nguyên nhân đưa đến tình trạng này chính là tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường; sự buông lỏng quản lý và thiếu đồng bộ về luật pháp, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước; từ âm mưu chống phá của các thế lực thù địch và sự thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên; việc sử dụng các hình thức, phương pháp giáo dục chưa phù hợp, hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên chưa cao; công tác cán bộ còn nhiều yếu kém và bất cập. Chính vì thế, việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta hiện nay là việc làm cần thiết và cấp bách.

Hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, của xu thế hội nhập quốc tế... để giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đảm đương được trọng trách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, điều cần thiết là phải có được một nền tảng đạo đức cách mạng. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, có thể thấy bản chất, nội dung đạo đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay là: tuyệt đối trung thành với tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân; tin tưởng vào thắng lợi của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, luôn xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân; có lòng nhân ái, gương mẫu về đạo đức, lối sống, thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không ngừng học tập để nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; có tinh thần tự giác học tập, rèn luyện; tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tích cực, dũng cảm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; chăm lo xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong tổ chức Đảng và trong nhân dân.

Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là di sản quý giá mà Người để lại cho Đảng, nhân dân và dân tộc Việt Nam ta, là nền tảng đạo đức cách mạng để giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên trong điều kiện hiện nay.

______________

1, 3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.252 - 253, 269.

2, 5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.293, 292.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.439.

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.184.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : TRẦN MINH ĐỨC

;