Ngày 15-3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (đề án) với mục tiêu xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân nhất là thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn; vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Bài viết điểm lại những kết quả ngành Thư viện đã đạt được và các yêu cầu đặt ra, giải pháp thực hiện để hoàn thành những mục tiêu và chỉ tiêu của đề án.
1. Một số kết quả nổi bật trong triển khai đề án
Trong gần ba năm qua, với việc thực hiện đề án, hoạt động thư viện đã có nhiều khởi sắc và đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh. Tại một số địa phương, ngành Thư viện đã chủ động các phương tiện thông tin đại chúng có chuyên mục thường kỳ về văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc. Nhìn chung, các thư viện đã tích cực đẩy mạnh việc xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc cho người sử dụng. Công tác xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan cần thiết, góp phần tạo môi trường đọc thuận lợi; xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư cho phát triển văn hóa đọc đã được chú trọng. Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện ngày 21-11-2019. Công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thư viện đang được triển khai. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ bạn đọc ngày một tốt hơn.
Mạng lưới thư viện tiếp tục được duy trì và củng cố, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, số lượng thư viện phòng đọc cơ sở, tủ sách thôn, làng bản, ấp, khu dân cư đã tăng lên nhanh chóng với số lượng 3.290 thư viện xã, 19.881 phòng đọc sách. Như vậy, tính đến hết năm 2019, mạng lưới thư viện cả nước bao gồm Thư viện Quốc gia Việt Nam, hơn 24.000 thư viện công cộng và phòng đọc cơ sở, 178 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, hơn 27.000 thư viện trường học, khoảng 400 thư viện đại học, cao đẳng, hơn 100 thư viện chuyên ngành. Các thư viện này đã tích cực phục vụ nhu cầu học tập của người dân và góp phần phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Nguồn lực thông tin trong các thư viện không ngừng phát triển, tỷ lệ tài liệu điện tử, tài liệu đa phương tiện có sự gia tăng hơn so với những năm trước đây. Hoạt động của hệ thống thư viện đạt kết quả cao, phục vụ thiết thực các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Trong năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL, nhiều địa phương đã tiến hành đổi mới hoạt động thư viện như: đa dạng hóa các loại hình phục vụ thư viện (bao gồm phục vụ tại chỗ và phục vụ lưu động) phát huy vai trò là thiết chế giáo dục ngoài nhà trường. Nhiều thư viện đã triển khai các dịch vụ thư viện mới, cải cách, đổi mới việc cấp thẻ thư viện bằng nhiều hình thức theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL, đẩy mạnh việc luân chuyển sách, báo đến các thư viện xã, điểm bưu điện văn hóa xã, trường học, đồn biên phòng, trại giam, tăng cường công tác phục vụ thiếu nhi trong và ngoài thư viện.
Nhiều địa phương trong cả nước có các chỉ số về hiệu quả hoạt động thư viện cao như TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Tháp... đã khẳng định vị thế của mình trong phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, với số lượng bạn đọc đến thư viện đông, lượt sách, báo phục vụ lớn: Cần Thơ (1,5 triệu lượt bạn đọc và 3 triệu lượt sách, báo phục vụ), TP.HCM (1,4 triệu lượt bạn đọc và 4,5 triệu lượt sách, báo phục vụ). Nhiều thư viện công cộng cấp tỉnh, huyện, thư viện đại học đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tăng cường phục vụ bạn đọc thông qua mạng internet. Tiêu biểu như Thư viện tỉnh Vĩnh Long, Cà Mau, Đắk Nông, Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Thư viện Tạ Quang Bửu... Một số thư viện đã có bứt phá lớn trong công tác phục vụ bạn đọc như Hà Nội, Sơn La, Hà Giang, Đắk Lắk...
Theo số liệu thống kê năm 2019, lượt bạn đọc đến thư viện công cộng (trong cả nước) và thư viện trường phổ thông (của 30 tỉnh, thành phố) ước tính đạt hơn 100 triệu; tổng lượt sách, báo phục vụ của các thư viện này đạt hơn 180 triệu lượt.
Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, các doanh nghiệp và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm đã tích cực tham gia phát triển văn hóa đọc. Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) và Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) đã triển khai dự án trang bị 44 xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện cho các thư viện tỉnh, thành phố. Nhờ đó, năng lực phục vụ cộng đồng được nâng lên. Hàng chục vạn bản sách từ các nguồn xã hội hóa đã được tăng cường cho các thư viện. Nhiều thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng mới được thành lập và phục vụ nhân dân ở cơ sở.
2. Khó khăn thách thức
Năm 2020 là thời điểm kết thúc giai đoạn 1 (từ 2017-2020), nhưng những chỉ tiêu đặt ra còn có những khoảng cách. Hệ thống thư viện công cộng các cấp và thư viện trường học còn có nhiều khó khăn. Nhận thức của các cấp lãnh đạo tại một số địa phương, bộ, ngành, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò của văn hóa đọc chưa đúng và đầy đủ. Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho thư viện còn rất hạn chế, đặc biệt là các thư viện cơ sở. Đầu tư cho phát triển vốn tài liệu trong các thư viện chưa đảm bảo. Một bộ phận người dân, đặc biệt là viên chức, thanh thiếu niên còn thờ ơ với việc đọc.
Vốn tài liệu trong các thư viện công cộng không theo kịp với sự phát triển dân số nên dẫn tới tỷ lệ sách bình quân trên đầu người dân tăng không đáng kể so với năm 2017. Năm 2019, tổng số bản sách trong hệ thống thư viện công cộng gần 44 triệu bản, tính đến nay, bình quân số bản sách/ người/ năm là 0,45 bản.
Mạng lưới thư viện công cộng đã được hình thành nhưng phát triển chưa đồng bộ và đồng đều. Bên cạnh đó, hiện nay tại một số địa phương thực hiện triển khai Nghị quyết 19-NQ/TW đã tiến hành sáp nhập thư viện ở cấp tỉnh, cấp huyện với các thiết chế văn hóa khác, gây xáo trộn lớn trong hoạt động thư viện. Việc sáp nhập này có thể dẫn đến tình trạng hệ thống thư viện bị phá vỡ.
Sự cạnh tranh trong kỷ nguyên khoa học kỹ thuật phát triển làm thay đổi thói quen đọc và tiếp cận thông tin của người dân. Các thư viện đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhưng hiệu quả chưa cao. Số lượng tài liệu số trong các thư viện còn hạn chế. Việc chia sẻ nguồn lực thông tin đã phát triển nhưng còn chưa rộng khắp giữa các thư viện.
Công tác báo cáo thống kê về việc triển khai đề án chưa được thực hiện nghiêm túc tại một số bộ ngành, địa phương.
3. Một số giải pháp cần thúc đẩy thực hiện mục tiêu của đề án
Để thực hiện thành công đề án, các thư viện trong cả nước cần rà soát các chỉ tiêu Chính phủ đề ra cùng với các chỉ tiêu địa phương đã xác định trong kế hoạch triển khai đề án, trên cơ sở đó chú trọng 4 nhóm giải pháp với các biện pháp cụ thể sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền
Tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc đọc và phát triển văn hóa đọc.
Huy động sự tham gia có hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông trong cả nước với nhiều hình thức thực hiện đa dạng, phù hợp. Khuyến khích các phương tiện thông tin đại chúng có chuyên mục thường kỳ về văn hóa đọc và giới thiệu sách mới.
Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc; tôn vinh người đọc có hiệu quả.
Hai là, chú trọng hình thành thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc trong tất cả các loại hình thư viện
Tăng cường vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xây dựng, duy trì thói quen đọc (xuất bản phẩm in và điện tử, trong đó chú trọng sách in) phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân.
Huy động sự tham gia, phối hợp triển khai có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc (nhà trường, thư viện, nhà xuất bản, nhà sách...) và tăng cường vai trò của gia đình.
Hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên; định hướng và thúc đẩy xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh trong xã hội.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động thư viện
Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học; hỗ trợ nâng cao chất lượng nhân lực trong hệ thống thư viện tư nhân và loại hình tủ sách; bổ sung tiêu chí về tủ sách gia đình thành tiêu chuẩn xét công nhận gia đình văn hóa.
Vận động các doanh nghiệp và cơ sở khác hoạt động trong lĩnh vực phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm tham gia, hỗ trợ thư viện phát triển văn hóa đọc.
Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Phát triển hệ thống thư viện hiện đại, có vốn tài liệu phong phú, thân thiện với người sử dụng, trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục của cộng đồng, nơi giao lưu giữa tác giả - tác phẩm và người đọc, phục vụ hiệu quả nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân; chú trọng phát triển thư viện trường học, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức nhanh chóng, thuận tiện.
Đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; tăng cường phổ biến, hướng dẫn về phương pháp sử dụng thư viện có hiệu quả; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn; thúc đẩy phối hợp, liên kết giữa các thư viện với trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã; tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện công cộng tới các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đến các trường học, đồn biên phòng, trại giam, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng...
Phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa quan trọng và tác động đến việc nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Ngành Thư viện cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để có thể góp phần thực hiện được các mục tiêu và chỉ tiêu mà Đề án đã đặt ra.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Bộ VHTTDL, Số liệu thống kê, 2019.
2. Bộ VHTTDL, Sơ kết 2 năm triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, 2019.
Tác giả: Vũ Dương Thúy Ngà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020