Ngày 29-11-2022, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 3 điểm cầu: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chủ trì Hội thảo có: đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo. Cùng tham dự có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; GS, TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; GS, TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.
Điểm cầu Thừa Thiên Huế có: đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, thành viên Ban chỉ đạo; đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
Điểm cầu TP.HCM có: đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 500 đại biểu đại diện lãnh đạo, quản lý các cơ quan đơn vị, các nhà khoa học, những người thực hành văn hóa, các văn nghệ sĩ, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Hội thảo đã nhận được gần 90 tham luận, thẩm định và lựa chọn những tham luận có chất lượng, in trong Kỷ yếu Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”
Đây là sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội lớn, có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với định hướng chính trị của Đảng về tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị, góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, là hành động cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” và ý kiến kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24-11-2021 tại Hà Nội.
Phát biểu định hướng tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn: “Hội thảo phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó. Các phiên thảo luận tập trung vào các nội dung:
1. Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới;
2. Xác định cơ sơ lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới;
3. Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam;
4. Các nội dung, đặc điểm và những ảnh hưởng của các yếu tố (hoặc bối cảnh) quốc tế và quốc gia đến việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới;
5. Chỉ rõ vai trò của các chủ thể xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới;
6. Đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương hy vọng, Hội thảo sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam; góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Phiên thảo luận thứ nhất: “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam”
Các đại biểu tập trung làm rõ những lý do, yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xác định nội dung cốt yếu của các thành tố trong từng hệ giá trị và mối quan hệ giữa các hệ giá trị, đặc biệt là hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam; đề xuất phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới. GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, điều hành phiên thảo luận thứ nhất.
Tính cấp thiết của việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới
Tại Hội thảo, GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: “Văn hóa Việt Nam ra đời và phát triển trong những điều kiện và đặc điểm lịch sử rất đặc biệt, nổi bật là những cuộc đấu tranh vĩ đại để dựng nước và giữ nước, là sự lao động kiên cường để trụ vững và phát triển, là những cuộc chiến đấu kiên trì vô song để chống lại âm mưu đồng hóa văn hóa, đồng thời nó tồn tại trong nhiều thế kỷ của chế độ phong kiến từ buổi đầu phát triển cho đến giữa TK XIX. Nền văn hóa ấy đã trực tiếp tạo nên những đặc trưng của con người Việt Nam trong quá khứ, cả mặt mạnh và mặt yếu của nó. Cần phải nhìn một cách khách quan cả hai mặt này để tìm lời giải đáp cho hiện tại và tương lai, cái gì phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển, cái gì phải khắc phục và vượt qua. Chưa bao giờ như thời điểm lịch sử này, vấn đề trên được đặt ra một cách gay gắt, trực diện khi dân tộc đang ở trong thời kỳ quá độ, vượt qua lạc hậu và muôn vàn thử thách, vươn tới xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Trước những khó khăn của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, GS, TS Đinh Xuân Dũng cho rằng: “Thực tiễn đó đặt ra một nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa chiến lược là phải khẩn trương, khoa học, từ tổng kết thực tiễn, xây dựng cho bằng được các giá trị văn hóa của quốc gia - dân tộc, của con người Việt Nam để định hướng đúng đắn cho sự lựa chọn, để đấu tranh với các khuynh hướng phản giá trị, lúng túng, bi quan, thờ ơ, dẫn tới lệch chuẩn, loạn chuẩn… đang tồn tại và có nguy cơ lan tràn trong thời kỳ quá độ hiện nay và những năm sắp tới”.
GS, TS Đinh Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo
Đứng ở góc độ khoa học, ông đưa ra một số yêu cầu đối với việc xây dựng, thực hiện các hệ giá trị: Nhìn nhận các hệ giá trị theo một thang giá trị có mối quan hệ biện chứng, đồng thời quan tâm tính đặc trưng của mỗi hệ giá trị; Tổ chức thảo luận, trao đổi khoa học, làm việc nhóm theo định hướng để đi tới đồng thuận, nhằm xác định các giá trị cụ thể trong hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị con người Việt Nam, hệ giá trị gia đình Việt Nam, trên cơ sở đó định hướng, hướng dẫn cho việc xác định chuẩn mực văn hóa cụ thể cho các đối tượng.
Hệ giá trị con người là hệ giá trị cốt lõi
Theo PGS, TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người: “Trong mối quan hệ với các hệ giá trị cơ bản như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng,… thì hệ giá trị con người còn thể hiện là hệ giá trị cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác. Hệ giá trị con người ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm, trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác”.
PGS, TSKH Lương Đình Hải trình bày tham luận: “Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”
Theo ông Hải, hệ giá trị con người không bất biến: “Ở mỗi giai đoạn phát triển của con người và xã hội thì hệ giá trị con người có những thay đổi nhất định. Điều đó lại dẫn đến sự thay đổi các chuẩn mực cụ thể trong đời sống con người và cộng đồng. Điều này không chỉ phụ thuộc vào bối cảnh, điều kiện khách quan, lĩnh vực nghề nghiệp, mà còn phụ thuộc vào các giai đoạn phát triển của chủ thể, phụ thuộc vào tiến trình chuyển biến của vòng đời con người. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tiêu chí, giá trị, chuẩn mực của thiếu niên và nhi đồng (5 điều Bác Hồ dạy), khác với tiêu chí, giá trị, chuẩn mực của anh bộ đội, của lực lượng công an nhân dân. Việc xây dựng hệ giá trị con người trong thời kỳ mới hiện nay, phải cụ thể hóa thành các tiêu chí, chuẩn mực, cho các tầng lớp người, các lĩnh vực xã hội, các lứa tuổi khác nhau, trên cơ sở phương pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây”.
Bàn về vấn đề xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam, GS, TS Hồ Sĩ Quý, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hóa, văn minh nhân loại”.
Xây dựng hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới
TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình cho rằng: “Để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam. Có thể nói, hệ giá trị của gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc”.
TS Trần Tuyết Ánh: “Cần có sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành, sự chung tay kết hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để xây dựng hệ giá trị gia đình thích ứng với tình hình mới”
Đồng thời, TS Trần Tuyết Ánh đưa ra một số kiến nghị cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình, kiện toàn thống nhất các chức năng quản lý nhà nước có liên quan về gia đình theo Chỉ thị 06 của Ban Bí thư và các văn kiện của Đảng; Xây dựng hệ giá trị gia đình trong tình hình mới, phát huy vai trò bảo tồn, nuôi dưỡng, lưu giữ và chuyển trao các giá trị văn hóa của dân tộc từ gia đình, tạo nên sức mạnh đoàn kết, hun đúc ý chí tinh thần dân tộc, phát triển đất nước; Đổi mới và hoàn thiện việc giáo dục đạo đức, lối sống hình thành nhân cách con người trước hết từ trong gia đình, kết hợp với nhà trường và xã hội; Nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, quan tâm, chăm sóc đến trẻ em, người cao tuổi, các đối tượng yếu thế gắn với các phong trào thi đua nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình.
GS, TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới khẳng định: “Gia đình là thiết chế không thể thay thế đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, cũng như trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc”
Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh vai trò của Hội trong việc vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình; Đẩy mạnh công tác giáo dục gia đình, vun đắp giá trị gia đình thông qua triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án trọng tâm của Hội; Xây dựng và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc; Đổi mới, tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc; Phối hợp tham mưu đề xuất chính sách, đề án, chương tình về lĩnh vực gia đình.
PGS, TS Đặng Thị Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý học: “Giá trị hạnh phúc của gia đình được biểu hiện rõ nét thông qua các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Bàn về hệ giá trị gia đình, đồng chí Phan Ngọc Phọ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế xác định một số đặc trực riêng của gia đình Huế: “Gia đình là môi trường giáo dục thuận lợi nhất, là nơi hình thành và hoàn chỉnh đạo đức, nhân cách của con người… Nền giáo dục của gia đình xứ Huế ở bất cứ tầng lớp nào cũng nhằm mục tiêu đào tạo nên những con người mang các đặc điểm riêng có của mình, hay nói một cách khác, đó chính là tính cách Huế, như: hiếu học, tôn sư trọng đạo, tình yêu xóm giềng, quê hương, đất nước; giao tiếp ứng xử tế nhị, thanh nhã trong cử chỉ lẫn ngôn ngữ... Vì thế gia đình Huế rất chú trọng trong việc giáo dục. Người phụ nữ là tấm gương “tứ đức” (công - dung - ngôn - hạnh), của đảm đang, lo việc nội trị cho chồng yên tâm ngoại giao, cũng là người thầy của con trẻ trong những bài học đạo đức, luân lý, nữ công gia chánh. Một gia đình hạnh phúc trong quan niệm của người Huế không thể thiếu không khí sum vầy và những bữa ăn ngon, đó cũng là nếp nhà”.
Phiên thứ nhất của Hội thảo nhận được nhiều ý kiến thảo luận tích cực về cả lý luận và thực tiễn liên quan đến hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Phiên thứ hai diễn ra vào chiều cùng ngày, Hội thảo tiếp tục bàn thảo những vấn đề liên quan đến hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới.
Bài, ảnh: VÂN ANH