Trong nhiều năm qua, các thể chế, chính sách, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đều khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa, xây dựng con người, hoàn thiện đời sống văn hóa cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Do đó, đẩy mạnh hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình ở cơ sở, triển khai sâu rộng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, định hướng, quản lý các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân nói chung, nông dân nói riêng là một vấn đề quan trọng, cấp thiết. Điều này góp phần không nhỏ trong việc phát triển đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước, trong đó có Tây Nguyên, một vùng kinh tế, xã hội, văn hóa độc đáo
Phát triển đời sống văn hóa cơ sở ở Tây Nguyên
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt trọng yếu về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa, môi trường sinh thái của đất nước. Sự ổn định, phát triển bền vững của vùng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước. Bởi vậy, để phát triển bền vững thì cần chú trọng đến phát triển đời sống văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu hoạt động, hưởng thụ văn hóa của người dân nơi đây.
Đề cập tới vấn đề này nghĩa là cần nắm bắt, đáp ứng những mong muốn, đòi hỏi của người dân Tây Nguyên về hoạt động sáng tạo, tiếp xúc, hưởng thụ văn hóa trên cả phương diện vật chất, tinh thần, tâm linh ở những tộc người, làng buôn, nhà rông… khác nhau. Cụ thể hơn, đó là nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, sản xuất, phát triển tri thức bản địa, sáng tạo nghệ thuật, giao lưu, giải trí... phù hợp điều kiện, tâm thức vùng, tộc người. Chẳng hạn từ một cái nhìn chung, rất dễ nhận ra Tây Nguyên là vùng đa dạng văn hóa tộc người, phong phú giá trị văn hóa độc đáo. Nền tảng cấu trúc lâu đời của một xã hội truyền thống buôn làng, rừng, luật tục đã tạo nên văn hóa của người Tây Nguyên mang nét đặc trưng độc đáo với sử thi, ngôn ngữ, tôn giáo, cồng chiêng, nhà dài, nhà rông, luật tục, các nghi lễ bỏ mả, đâm trâu, các lễ hội dân gian, tâm linh… Hệ thống luật tục do các trưởng buôn làng, hội đồng buôn làng điều tiết, tạo nên thiết chế tự quản, trở thành giá trị văn hóa tốt đẹp của người dân Tây Nguyên. Cồng chiêng Tây Nguyên được tấu lên như là một nghi thức giao tiếp giữa con người với thần linh, một cách bộc lộ tâm thức tôn giáo, tín ngưỡng của người dân từ bao đời. Không gian thực hành văn hóa của họ chính là rừng, tâm thức rừng, đặc trưng nổi bật nhất trong cách hành xử của người Tây Nguyên. Trong văn hóa của họ, từ phương thức mưu sinh, các tổ chức cộng đồng buôn làng, các tri thức bản địa, phong tục tập quán, sản phẩm nghệ thuật… đều tạo nên bản sắc riêng của vùng đất cao nguyên.
Tuy nhiên, văn hóa Tây Nguyên đang mất dần bản sắc, mai một giá trị do quá trình tiếp biến văn hóa, tác động của sự phát triển kinh tế. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải tìm ra hướng để văn hóa nơi đây phát triển bền vững. Một trong những hướng đó là định vị tính chất, nắm bắt, đáp ứng nhu cầu hoạt động, hưởng thụ văn hóa đích thực của người dân Tây Nguyên. Tuy vậy, để làm được thì không dễ dàng, bởi trên thực tế, nhu cầu hoạt động, hưởng thụ văn hóa của người dân là vô hạn, nhưng khả năng đáp ứng lại hữu hạn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, quỹ thời gian rỗi, sự đa dạng tộc người, trình độ văn hóa cùng nhiều khía cạnh khác.
Thông thường, khi nói tới nắm bắt, đáp ứng nhu cầu hoạt động, hưởng thụ văn hóa ở cơ sở, những nhà hoạch định, quản lý văn hóa phải chú trọng hai chiều tương tác: một chiều tạo điều kiện để văn hóa chuyên nghiệp, văn hóa mới ăn sâu, hòa nhập vào cơ sở, chiều khác là khơi nguồn để khai thác tiềm năng sáng tạo văn hóa bản địa ở cơ sở.
Về mặt thực tiễn, có thể bước đầu nhận định rằng, mặc dù toàn xã hội đã quan tâm, coi trọng, đầu tư cho việc xây dựng đời sống văn hóa nơi đây, song mức độ sáng tạo, tiếp xúc, hưởng thụ văn hóa của người dân Tây Nguyên đối với văn hóa mới, chuyên nghiệp còn khá thấp. Nhìn chung còn tồn tại những chênh lệch, bất hợp lý trên nhiều phương diện: giữa nông thôn với thành thị, giữa các địa phương, trong các loại hình hoạt động văn hóa, các hình thức, biện pháp sinh hoạt văn hóa, giữa tộc người này với tộc người khác, nam với nữ... Tình hình này bộc lộ một số vấn đề: bản thân sự năng động văn hóa của người dân Tây Nguyên chưa cao; các thiết chế văn hóa được xây dựng chưa phù hợp với truyền thống văn hóa vùng, tộc người, làng buôn; các hình thức sinh hoạt văn hóa mới chưa thực sự thu hút người dân tham gia... Bởi thế, nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc đáp ứng nhu cầu hoạt động, hưởng thụ văn hóa của người dân Tây Nguyên một mặt là trên cơ sở tôn trọng quan niệm, thiết chế bản địa, tạo dựng cho họ những hình thức sinh hoạt văn hóa phù hợp nhằm đáp ứng tốt cho hoạt động hưởng thụ giá trị văn hóa mới cũng như văn hóa truyền thống; mặt khác tìm giải pháp quản lý, tạo điều kiện để khắc phục tình trạng chênh lệch, bất hợp lý trong việc đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân trong vùng.
Song song với quá trình thúc đẩy văn hóa chuyên nghiệp là quá trình tạo cơ chế khuyến khích người dân tự quản hoạt động văn hóa để đáp ứng nhu cầu của bản thân họ. Về phương diện này, có thể nhận thấy, bộ mặt văn hóa bản địa Tây Nguyên quy tụ ở những ngôi nhà rông, nhà sàn của người Ba na, Gia rai, Ê đê, Mnông; những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Đămbơri, thác Premli, hồ Than Thở, thung lũng tình yêu, vườn quốc gia Yooc Đôn, núi Ngọc Linh, thác Trinh Nữ, thác Yali…; những chứng tích căn cứ kháng chiến Bản Đôn, làng Kông Hoa, ngục Kông Tum, đường mòn Hồ Chí Minh; lễ hội mùa, lễ tỉa hạt, lễ cúng máng nước, cúng nồi, đâm trâu, lễ hội pơ thi, cồng chiêng...; nhạc khí, kiến trúc, hội họa, sử thi, các giá trị folklore khác. Nhận rõ, làm nổi bật những giá trị này chính là con đường tốt nhất để đáp ứng nhu cầu hoạt động, hưởng thụ văn hóa của người dân Tây Nguyên.
Như vậy, đồng thời với việc xây dựng văn hóa mới ở Tây Nguyên một cách toàn diện, rất cần thiết chú trọng việc khai thác hoạt động văn hóa truyền thống của người dân ở Tây Nguyên theo phương thức tự quản hoặc kết hợp Nhà nước, nhân dân cùng làm theo chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa; trong đó, vai trò tự quản văn hóa của người dân Tây Nguyên là cơ bản. Với sự kết hợp đó, tùy vào từng tộc người, đối tượng, hình thức hoạt động, thiết chế... mà nhu cầu sáng tạo, tiếp xúc, hưởng thụ văn hóa của người dân được đáp ứng ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, việc đẩy mạnh những hoạt động văn hóa hai chiều ở mỗi đơn vị cơ sở trên địa bàn Tây Nguyên phải dựa trên nền tảng văn hóa bản địa nhằm đem tới cho người dân những tri thức khoa học, thực tiễn văn hóa, sự giải trí sáng tạo nhằm nâng cao, hoàn thiện nhân cách.
Phương thức quản lý đời sống văn hóa cơ sở ở Tây Nguyên
Thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa cơ sở từng địa phương, buôn làng, tộc người ở Tây Nguyên trong nhiều năm qua đã để lại nhiều bài học về khả năng sáng tạo những phương thức hoạt động cũng như quản lý văn hóa cơ sở. Có những hình thức có thể triển khai tốt trên phạm vi các địa phương toàn vùng, tuy nhiên, do tính chất đa dạng văn hóa của các địa phương, buôn làng, tộc người mà những mô hình tối ưu, những phương thức quản lý văn hóa của địa phương, buôn làng này lại không hẳn sẽ được áp dụng tốt ở địa phương, buôn làng khác. Một yêu cầu đặt ra là phải tổng kết thực tiễn hết sức tỉ mỉ, cụ thể để rút những bài học về phương thức, biện pháp quản lý, sự sáng tạo mô hình văn hóa, quan trọng hơn phải biết áp dụng mô hình, phương thức quản lý hay một vài yếu tố của mô hình quản lý một cách phù hợp, thích ứng với những điều kiện khác nhau của các địa phương, buôn làng, tộc người khác nhau. Lựa chọn phương thức, mô hình phù hợp điều kiện, đặc trưng của từng địa phương, buôn làng là một cách làm hiệu quả, đảm bảo vừa tiếp thu được những yếu tố sáng tạo của những mô hình, những phương thức quản lý đã thành công trong những điều kiện khác, vừa thể hiện được nguồn lực nội sinh của từng địa phương, buôn làng trong xây dựng, phát triển đời sống văn hóa.
Một cách khái quát, có thể nêu một số phương thức chung sau đây trong quản lý, phát triển đời sống văn hóa ở Tây Nguyên.
Nhà nước, địa phương, buôn làng, gia đình, cá nhân cùng làm văn hóa không chỉ là phương châm mà còn là phương thức hoạt động, quản lý văn hóa ở Tây Nguyên. Nghĩa là từ việc lớn đến việc nhỏ thuộc đời sống văn hóa ở cơ sở đều phải trở thành công việc chung, ở phạm vi và mức độ không giống nhau.
Nắm bắt, đáp ứng đi đôi với định hướng, quản lý nhu cầu hoạt động, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân Tây Nguyên kết hợp với việc giáo dục nhân cách, xây dựng con người nơi đây là một phương thức cần chú trọng.
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một quá trình kế thừa, chọn lọc những tinh hoa, giá trị, yếu tố văn hóa nổi trội thích hợp, có ý nghĩa như một phương thức tiến hành đồng thời là quản lý hoạt động văn hóa.
Một số hoạt động văn hóa, ở góc độ nhất định, cũng là phương thức quản lý đời sống văn hóa cơ sở ở Tây Nguyên. Hoạt động truyền thông đại chúng là hình thức tuyên truyền, quảng bá văn hóa ưu việt cần được tăng cường mở rộng đến cơ sở. Do đó, tập trung xây dựng hệ thống truyền hình, truyền thanh, các đội thông tin cổ động, các loại sách báo... cho từng tộc người, buôn làng, địa phương chính là một việc làm cần chú trọng.
Hoạt động xây dựng buôn làng văn hóa, gia đình văn hóa, lối sống, nếp sống mới là hình thức phù hợp với điều kiện ở Tây Nguyên hiện nay. Trong hình thức này lại bao hàm nhiều hoạt động khác nhau: từ xây dựng môi trường cảnh quan văn hóa đến phát triển đường xá, ngõ xóm, trạm trại, điện đường; từ xây dựng cộng đồng văn hóa đến xây dựng gia đình văn hóa, cá nhân văn hóa; từ kế thừa luật tục tốt đẹp đến xây dựng quy chế văn hóa mới tương thích; từ xây dựng nếp sống cộng đồng đến hoàn thiện đạo đức cá nhân...
Hoạt động văn hóa nghệ thuật là một hình thức tổng hợp, trong đó bao hàm cả nghệ thuật chuyên nghiệp lẫn nghệ thuật quần chúng, cả những loại hình văn hóa mới lẫn các hình thức văn hóa nghệ thuật dân gian cổ truyền, cả những người thạo nghề lẫn người dân tham dự... Thực tiễn cho thấy, ở cơ sở, đây là hình thức thu hút được mối quan tâm, sự tham dự của đông đảo người dân, cần được tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh.
Tạo điều kiện để văn hóa mới về với buôn làng, tộc người, khai thác tiềm năng sáng tạo của người dân là phương thức hoạt động, quản lý đời sống văn hóa thiết thực ở Tây Nguyên. Tuy còn có những bất cập, song phương thức này đang được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa ở đây, tạo nên những chuyển biến, thành quả văn hóa mới, góp phần tích cực cho việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Văn hóa cơ sở góp phần xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương, đồng thời là phong trào hành động rộng khắp trong nông thôn cả nước, tạo được sự hưởng ứng, thành tựu, hiệu quả thực tiễn cao. Thực chất, đây là một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới với một bộ tiêu chí hết sức chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… trong đó các tiêu chí văn hóa có vai trò quan trọng. Mục tiêu của chương trình này nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; nâng cao dân trí, đào tạo nông dân có trình độ cao, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao; xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng hiện đại; xây dựng xã hội nông thôn văn minh giàu đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… Trong bộ tiêu chí xây dựng, phát triển nông thôn mới, các tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa đã minh chứng văn hóa có vị trí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Hai tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở buôn làng là điều kiện để công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Việc xây dựng cơ sở vật chất văn hóa bao gồm thể chế, thiết chế, chính sách, nguồn đầu tư… cho văn hóa trên cơ sở sức mạnh tổng hợp của kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương, từng buôn làng trong vùng. Việc xây dựng đời sống văn hóa ở buôn làng thể hiện qua các mặt hoạt động văn hóa được người dân sáng tạo, lưu giữ, hưởng thụ thông qua các hoạt động văn hóa, các thiết chế văn hóa truyền thống, hiện đại của buôn làng (nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, văn nghệ, cưới, tang, lễ hội…), văn hóa gia đình (xem tivi, truyền thanh, đọc sách báo…), văn hóa cá nhân.
Với chương trình và tiêu chí như vậy, mô hình xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt được sự thống nhất cơ bản về phương thức thực hiện. Tuy nhiên, ở từng vùng, địa phương, buôn làng lại có những nét đặc trưng khác nhau.
Việc xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên cũng không nằm ngoài bối cảnh chung đó. Xét về cơ bản, việc xây dựng nông thôn mới ở đây cũng là việc thực hiện đồng bộ, toàn diện để thực hiện mô hình ở các địa phương, buôn làng với đầy đủ các tiêu chí đã đề cập. Trên cơ sở chương trình, mô hình chung xây dựng nông thôn mới áp dụng trong nông thôn cả nước, với vị thế lịch sử, địa dư, văn hóa riêng biệt, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên có một số điểm nổi bật như: địa dư, cơ cấu kinh tế, sự đa dạng địa hình, giao thông, trình độ phát triển kinh tế xã hội… Những điểm này chưa hẳn đã tạo thuận lợi cho việc thực hiện, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn vùng.
Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền, người dân các tỉnh Tây Nguyên đã nhận thức được sức mạnh của việc xây dựng nông thôn mới đối với việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nên đã sớm có những chỉ đạo, kế hoạch, chương trình thực hiện mục tiêu một cách đúng hướng, kiên quyết, linh hoạt.
Phần lớn các tỉnh Tây Nguyên tập trung vào khâu then chốt là phát triển sản xuất hàng hóa, gia tăng sản phẩm, thu nhập, tạo tiền đề thực hiện các tiêu chí khác. Các tỉnh Tây Nguyên đã huy động hàng chục tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, quan tâm chỉ đạo, làm tốt công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia của toàn xã hội, người dân đã tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp ngày công lao động, tiền của vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đầu tư xây dựng trên 1.045 mô hình sản xuất hiệu quả, chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đặc biệt, ở nhiều vùng nông thôn Tây Nguyên, nông dân đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; quy mô chăn nuôi đã chuyển dần từ nhỏ lẻ lên quy mô trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm chuyển biến đời sống ở vùng nông thôn Tây Nguyên. Thực hiện các hoạt động tạo nguồn tri thức xung quanh việc xây dựng nông thôn mới như: tổ chức hội chợ nông thôn mới, tăng cường tuyên truyền thành tựu xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời tổng kết triển khai kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của những xã điểm, huyện điểm, buôn làng. Xã hội hóa, phát huy sức dân trong việc xây dựng nông thôn mới, mà điểm nhấn là xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt tập trung xây dựng đồng bộ cả văn hóa cá nhân, gia đình, buôn làng. Do đó, không chỉ chú trọng xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, tức quy hoạch, chủ trương, chính sách, thiết chế mà các tỉnh Tây Nguyên còn chú trọng đến các sinh hoạt văn hóa gắn bó với người dân như cưới xin, tang ma, lễ hội, luật tục trong gia đình, dòng họ, buôn làng…
Tóm lại, việc xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới ở các tỉnh vùng Tây Nguyên là vấn đề lớn, lâu dài, trong đó càng ngày vấn đề xây dựng đời sống văn hóa càng có vị thế quan trọng góp phần đắc lực xây dựng nông thôn mới. Điều đáng ghi nhận ở chỗ, tuy chưa đạt hiệu quả cao, nhưng các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đi đúng hướng bằng cách liên kết chặt chẽ, đề ra tiêu chuẩn, mô hình thực tế trên cơ sở tận dụng những thế mạnh văn hóa bên cạnh việc phát huy những lợi thế về kinh tế xã hội cho việc phát triển nông thôn mới ở các tỉnh cao nguyên, cũng như trên cả nước.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 - 2017
Tác giả : NGUYỄN HỒNG HÀ - ĐẶNG THỊ HỒNG HẠNH