ĐỔI MỚI ĐÀO TẠO THANH NHẠC CHUYÊN NGHIỆP

Sự nghiệp đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp Việt Nam đã phát triển gần 60 năm với những thành tựu nổi bật về cả đào tạo, biểu diễn và nghiên cứu. Tuy nhiên, trước những định hướng đổi mới về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước, đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp Việt Nam cần phải có những thay đổi đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập thế giới.

Sự cần thiết phải đổi mới đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp

Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu rõ, “phải xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” (1). Tại Hội nghị tổng kết năm học khối giáo dục đại học (28-12-2013), Bộ trưởng Bộ GDĐT có nêu: “Trong thời gian tới đây, chúng ta sẽ phải thay đổi từ hệ thống giáo dục đóng sang hệ thống giáo dục mở. Đó là sự đổi mới căn bản trong giáo dục đại học đã được Trung ương và cả xã hội đồng tình ủng hộ... Không đổi mới được nhận thức thì sẽ không thể có những bước tiếp theo”.

Ngày 10-2-2009, Ban bí thư đã ra thông báo số 219 – TB/TW về việc triển khai 9 đề án thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ mới. Trong đó, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường văn hóa nghệ thuật được xem là cơ bản và cấp thiết. Đổi mới giáo dục đào tạo tại các học viện âm nhạc và nhạc viện được xác định là khâu mũi nhọn để nâng cao hiệu quả đào tạo, nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật, phục vụ sự nghiệp cách mạng, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong Đề án phát triển Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2014-2020 đã nêu rõ mục tiêu phát triển tổng quát của Học viện: “Khẳng định vai trò, vị trí là cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của Việt Nam; cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực âm nhạc cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, biểu diễn trên toàn quốc; đồng thời tham gia hội nhập quốc tế”. Đề án chia thành hai giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2014 – 2015), chú trọng chuẩn hóa đội ngũ, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, làm tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Mục tiêu cụ thể: tổ chức các chương trình đào tạo phù hợp với các hệ đào tạo theo quy định hiện hành; xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học và biểu diễn trong giai đoạn mới; đổi mới, bổ sung chương trình, giáo trình và hệ thống tài liệu tham khảo; thực hiện triệt để phương pháp giảng dạy tích cực lấy người học làm trung tâm, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị giảng dạy và chuẩn hóa chương trình đào tạo; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, gắn kết với đào tạo, biểu diễn thực hành, phục vụ xã hội, đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

Giai đoạn 2 (2016 – 2020), Học viện được đặt trong tầm nhìn sẽ trở thành trung tâm đào tạo âm nhạc có uy tín trong khu vực, đủ năng lực để hội nhập quốc tế. Mục tiêu cơ bản là tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất của Học viện để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế (2).

Bên cạnh đó, để phát triển cân bằng, hài hòa các dòng hát đòi hỏi phải đa dạng hóa mô hình đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp. Từ đó góp phần chuẩn hóa trình độ đội ngũ ca sĩ về chuyên môn, nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn, định hướng thẩm mỹ cho nền âm nhạc nước nhà.

Ngày 18-7-2014, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT, quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, nêu rõ: “Chương trình chất lượng cao là chương trình đào tạo có các điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn chương trình đào tạo đại trà với các tiêu chí về chương trình đào tạo, tuyển sinh, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình chất lượng cao” (3).

Bên cạnh công cuộc nâng tầm và bổ sung đội ngũ ca sĩ chuyên nghiệp, chúng ta cần quan tâm tới việc đào tạo giảng viên có chất lượng, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng tài năng đỉnh cao, hướng tới hội nhập với thế giới trong cả lĩnh vực biểu diễn và sư phạm thanh nhạc. Nghệ thuật ca hát đỉnh cao sẽ làm nên thương hiệu cho nền nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam, giúp hội nhập nhanh chóng với thế giới.

Trong bối cảnh đất nước bước vào công cuộc hội nhập và phát triển, nền giáo dục cần phải đổi mới căn bản và toàn diện. Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT về quy định đào tạo trình độ đại học chất lượng cao, đã đặt ra những hướng nghiên cứu mới cho đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo thanh nhạc.

Như vậy, đổi mới đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp là một vấn đề cấp thiết. Điều đó không có nghĩa là làm lại từ đầu, mà đổi mới trên cơ sở xem xét, kế thừa và thay đổi những gì cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Những định hướng đổi mới đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp Việt Nam

Lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã chỉ rõ: Cần chú trọng chuẩn hóa đội ngũ, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất Học viện để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế”. Đổi mới đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp là đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập… Việc đổi mới từng thành tố góp phần đổi mới hệ thống, để các thành tố không tác động tiêu cực lẫn nhau. Tuy nhiên, việc đổi mới cần được nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể. Trong giai đoạn mới, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cần được coi là giải pháp then chốt mang tính quyết định tới sự thành công của quá trình đổi mới. Đây là khâu đột phá, tạo bước ngoặt cho sự phát triển bền vững và hướng tới hội nhập thế giới trong tương lai của nền sư phạm thanh nhạc chuyên nghiệp non trẻ Việt Nam.

Nâng cao năng lực giảng viên

Giảng viên là người trực tiếp thực hiện quá trình đổi mới, triển khai kế hoạch, đánh giá kết quả đào tạo... Họ chịu trách nhiệm chủ yếu trong quá trình dạy học. Vì vậy, việc nâng cao năng lực của giảng viên chính là động lực thúc đẩy quá trình đổi mới, trong đó có đổi mới đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp.

Giảng viên thanh nhạc phải là người được đào tạo chuyên ngành biểu diễn hoặc sư phạm biểu diễn thanh nhạc trình độ sau đại học, không ngừng trau dồi kiến thức về phương pháp và kỹ năng thanh nhạc phục vụ cho việc giảng dạy và biểu diễn.

Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực thanh nhạc

Biểu diễn và sư phạm thanh nhạc là hai lĩnh vực có những nét đặc thù khác nhau. Giảng viên thanh nhạc giỏi trước hết phải là những nghệ sĩ có tài. Để trở thành nguồn nhân lực trình độ cao, người nghệ sĩ cần bổ sung cho bản thân cả những kiến thức xã hội bên cạnh kiến thức chuyên môn về sư phạm thanh nhạc. Đồng thời cần đầu tư vào nghiên cứu khoa học để có những công trình chất lượng về mặt chuyên môn. Muốn được như vậy, người nghệ sĩ phải nâng cao trình độ bản thân thông qua học sau đại học, bổ sung nguồn nhân lực trình độ cao cho các cơ sở đào tạo thanh nhạc đại học trên phạm vi toàn quốc.

Đào tạo tài năng đỉnh cao bổ sung cho lực lượng giảng viên thanh nhạc

Đào tạo tài năng âm nhạc đặc biệt xuất sắc từ lâu đã trở thành một yêu cầu quan trọng. Cần có mô hình đào tạo đặc biệt với những quy định thực sự khoa học, cụ thể đối với tài năng xuất sắc. Trong đó, chúng ta phải xây dựng một chế độ chính sách riêng nhằm động viên được lực lượng giáo sư và các tài năng trẻ cả về vật chất và tinh thần. Kế hoạch này phải mang tính chiến lược lâu dài và mang lại lợi ích cho đất nước.

Nhiệm vụ và yêu cầu đổi mới đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp

Đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp sẽ tạo ra lớp ca sĩ, giảng viên có khả năng truyền tải những tác phẩm thanh nhạc giá trị của thế giới, đồng thời sáng tạo các giá trị mới, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của xã hội. Để đào tạo đúng hướng và hiệu quả, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải nắm vững hơn nữa về thực tế đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp và sự liên kết với các môi trường biểu diễn trong và ngoài nước.

Giảng viên dạy thanh nhạc chuyên nghiệp không chỉ có năng lực chuyên môn mà cần phải có khả năng sư phạm. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về năng lực để thực hiện chương trình, giáo trình đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp.

Hiện nay, trong lĩnh vực đào tạo nói chung, cần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, nhằm giúp sinh viên chủ động, sáng tạo chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn, phát huy phẩm chất, năng lực của cá nhân. Về bản chất, sự đổi mới phải bắt nguồn từ nhận thức, quan niệm dạy học, hướng tới quyền lợi học tập của sinh viên, với những yêu cầu đổi mới cụ thể về: mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học…

Trong giai đoạn mới, đào tạo các ca sĩ, giảng viên cho từng dòng hát là mục tiêu được xác định rõ ràng, trong đó cần chú trọng đào tạo tài năng đỉnh cao, hướng tới phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Với mục tiêu đặt ra như vậy, đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp cần phải có những đổi mới cụ thể hơn.

Đổi mới không có nghĩa là thay đổi toàn bộ nội dung đang dạy và học, mà cần kế thừa và cải tiến, nâng cao theo mục tiêu cần hướng tới. Thay vì cung cấp các kỹ thuật hát đơn thuần, cần hướng tới đào tạo phân dòng chuyên sâu theo hai phong cách hát opera và thính phòng riêng biệt. Cụ thể, phân chia nội dung chi tiết cho từng dòng, tăng cường các nội dung học bổ trợ, bổ sung các tác phẩm mới, các tài liệu hỗ trợ cho giáo trình chính ở cả hai dòng hát, bổ sung nội dung lịch sử và phương pháp chuyên ngành cho đào tạo giảng viên thanh nhạc ngay từ bậc đại học.

Đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên là yêu cầu bắt buộc ở tất cả các bậc học, ngành học. Đổi mới phương pháp dạy học thanh nhạc dựa trên cơ sở kế thừa, bổ sung, phát triển những phương pháp sẵn có, loại bỏ những yếu tố chưa hiệu quả, thêm vào những sáng kiến mang tính tích cực, hấp dẫn người học. Trên thực tế, mặt bằng năng lực sinh viên không đồng đều, với nhiều loại giọng và các dòng hát khác nhau, đòi hỏi giảng viên phải đánh giá sát năng lực, từ đó vận dụng linh hoạt các phương pháp để đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, cần đổi mới quy trình dạy học, phối hợp hình thức tổ chức dạy học cá nhân và nhóm, sử dụng hiệu quả phương pháp thị phạm và gợi mở, vận dụng linh hoạt kỹ thuật thanh nhạc, sử dụng các giáo trình bổ trợ với phần hát mẫu, nhạc mẫu và nhạc đệm giúp sinh viên từng bước nuôi dưỡng cảm xúc và rèn luyện năng lực biểu diễn…

Ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học trên lớp, giảng viên cần có những phương pháp thích hợp để hướng dẫn sinh viên tự học. Tự học, tự nghiên cứu là cách hiệu quả nhất để sinh viên có thể rèn luyện các kỹ năng thanh nhạc. Nhưng trong thực tế, không nhiều sinh viên làm được điều đó, hầu hết còn ỷ lại và trông chờ sự hướng dẫn cặn kẽ của giảng viên theo lối “cầm tay, chỉ việc”. Vì vậy, giảng viên cần định hướng phương pháp học tập cho sinh viên.

Như vậy, nâng cao năng lực giảng viên chính là yêu cầu quan trọng trong quá trình đổi mới trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp. Giảng viên cần phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, năng lực nghiên cứu khoa học và tinh thần tích cực trong quá trình trau dồi kiến thức. Đây cũng là yêu cầu có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới.

______________

1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, 2014.

2. Bộ VHTTDL, Đề án Phát triển Học viện Âm nhạc giai đoạn 2014-2020.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 23/2014/TT-BGD&ĐT, Quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015

Tác giả : LÊ THỊ MINH XUÂN

;