Tịnh Long xưa là làng Sung Tích nằm ở phía Đông Nam huyện Sơn Tịnh thuộc tả ngạn sông Trà Khúc, gần với cửa Đại Cổ Lũy vốn là một thương cảng sầm uất của tỉnh Quảng Ngãi. Xưa kia đây là một bãi bồi ven biển nằm cửa sông Trà Khúc, trải qua thời gian, khu vực này mỗi năm được bồi lấp ngày một rộng lớn. Đến TK XVI, đời vua Lê Anh Tông, Nguyễn Hoàng ngang qua vùng đất này thấy: phía nam có dòng sông Trà nước chảy ra Cửa Đại, phía đông có núi Ngang, Thiên Mã, Tam Thai tiếp theo Cấm dài (sơn bao thủy bọc) có ao hồ, trước nom có lũy tre xanh, bên trong có nhiều cây cổ thụ, giữa vùng đất có một cây sung to, tả hữu biên giang đất đai màu mỡ mênh mông, ông chọn nơi đây để an cư lạc nghiệp cho dân. Một thời gian sau, các vị tiên công Huỳnh Văn Thành, Huỳnh Thị Chiềng, Huỳnh Thị Siền, Ô Cao Cát và 8 dòng họ Nguyễn, Đỗ, Tô, Huỳnh, Trần, Lê, Ngô, Trịnh từ Nga Sơn (Thanh Hóa) vào khai phá, lập nên làng tên Cây Sung, ấp An Lộc, sau đổi thành làng Sung Tích.
Cùng với các thiết chế làng xã và sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng như ngày lệ xuân, lệ thu, hội làng... Tất cả những đặc trưng về văn hóa xã hội có tác dụng đoàn kết sức mạnh trong sự nghiệp trị thủy, sống trên sông nước, cầu an, cầu mùa, cầu cho người yên vật thịnh nhằm bảo vệ làng xóm và phát triển quê hương, tiêu biểu cho ý chí đó là lễ hội đua thuyền.
Tương truyền, hội đua thuyền xuất hiện cùng với sự thành lập làng được ít lâu. Giai thoại kể lại rằng: bà Huỳnh Thị Chiềng cùng với chị gái sang làng bên cạnh xem hát bội, vì không có tiền nên không được vào xem. Ngày hôm đó, không chỉ có hai chị em bà mà còn nhiều dân nghèo khác cũng không được vào xem hội. Về nhà, bà nghĩ nên tổ chức một trò chơi cho người dân nghèo. Coi xét địa lý và phong thủy, bà nảy ra ý định, người dân vùng này làm nghề ngư nên có thể dùng thuyền đánh cá thi với nhau, như thế ai cũng có thể tham gia được... Từ đó xuất hiện hội đua thuyền và tồn tại cho tới ngày nay.
Theo thông lệ, hai năm một lần, người dân Tịnh Long lại tổ chức lễ hội đua thuyền vào ngày 5 và 6 tháng giêng âm lịch với sự tham gia của bốn đội đại diện cho bốn thôn: An Lộc, An Đạo, Gia Hòa, Tăng Long.
Từ đầu tháng chạp, công việc chuẩn bị cho lễ hội được bắt đầu, các thôn tiến hành bầu ban chuyên trách phục vụ cho lễ hội như ban khánh tiết vận động, đời sống, ghe đua… Các ban này chịu sự giám sát, điều hành chung của ông giám sát.
Để có được đội đua tốt, quá trình lựa chọn đà công thủy thủ và chuẩn bị ghe đua rất quan trọng. Tiêu chí lựa chọn đà công thủy thủ chủ yếu dựa vào các yếu tố như: vóc dáng, sức khỏe, mức độ thành thạo kỹ thuật, tinh thần, độ tuổi,... đây là yêu cầu chung đối với thành viên bơi dầm. Đối với các vị trí khác như dầm mũi và đuôi lại phải có thêm kinh nghiệm sông nước.
Một trong những thuận lợi của lựa chọn đà công thủy thủ là sự nhiệt tình tham gia của thanh niên các thôn. Ngay từ khi bắt đầu bơi dặm (bơi tập ở các thôn), mỗi thôn thường có trên 40 người tham gia, trong khi đó, mỗi thuyền đua chỉ có 15-16 người. Trong suốt quá trình luyện tập, những đà công thủy thủ phải tuôn thủ nghiêm ngặt những kiêng kỵ mà làng đã đặt ra như ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt vợ chồng… Không chỉ dừng lại ở việc tham gia đầy đủ các buổi tập với tinh thần hăng say, cạnh tranh suất bơi chính trong ngày hội, đây còn là vinh dự đối với từng thành viên và gia đình khi có người được tham gia vào ngày đua chính hội.
Ngoài sự chuẩn bị về nhân sự cho đội đua, thuyền đua cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của các đội. Thuyền đua ở Tịnh Long xưa được làm bằng tre mê nan dài, trang trí đẹp mắt, thường có khoảng 8 đôi chèo, hai lái mũi và đuôi thuyền. Ngày nay, người ta làm thuyền bằng nhôm có mũi nhọn và cao, được vẽ trang trí đẹp, bắt mắt. Do gắn với tín ngưỡng, mỗi khi đóng ghe đua người dân phải chọn ngày lành tháng tốt, chọn người chủ tế có đức độ và gia đình đề huề con cái để tiến hành các nghi thức tế tự. Khi ghe đóng xong, được vẽ trang trí từ đầu đến đuôi bằng hình các con vật trong tứ linh (long, ly, quy, phụng). Mỗi thuyền đua thường dài khoảng 11m và có thể chứa được khoảng 14 đến 16 người (7 đôi dầm chèo và một dầm lái mũi, một dầm lái đuôi). So với nhiều thuyền đua khác ở Lý Sơn, Sa Cần, Tư Nghĩa,… thuyền đua ở Tịnh Long có nhiều cải tiến về kiểu dáng, chất liệu nhằm phù hợp với trường đua ngay tại cửa sông.
Người dân thường gọi thuyền đua một cách thành kính là Ông hay Bà và đặt trang nghiêm trong miếu của từng thôn, đến ngày lễ hội mới hạ xuống, trước khi đem ra bơi phải cúng lễ. Việc cúng lễ trước khi đưa thuyền vào hội được gọi là lễ tấn giang. Về mặt nghi thức, lễ cúng được tiến hành khi đã xem tuổi của ông chủ ghe (người được chọn làm đội trưởng đội đua năm ấy). Lễ cúng thường cử hành vào đêm khuya, từ giờ hợi đến giờ tý (từ 21h đến 1h sáng).
Sáng hôm chính hội, tại các miếu của từng thôn, trai tráng tham gia cuộc đua tập trung ăn uống lấy sức chuẩn bị cho vòng đua đầu tiên. Ăn uống xong, dân bơi tập trung lại để nhận trang phục. Trang phục đua thuyền ở Tịnh Long là loại trang phục truyền thống được nhân dân bảo tồn và lưu giữ cho đến ngày nay. Theo các cụ cao tuổi trong làng, trang phục đua phải có khả năng phô diễn sức mạnh của những tay đà công thủy thủ, thể hiện tính nghi lễ và tái hiện theo lối truyền thống từ trước năm 1945. Các dân bơi có khăn chít đầu, dải thắt lưng với các màu khác nhau theo từng thôn như xanh, đỏ, tím, vàng. Sau đó, đoàn rước thuyền gồm đội bơi, đội tế và nhân dân trong thôn với sự phụ họa của trống, cờ, quạt, múa lân sẽ đưa thuyền về khoảng đất trống trước Ủy ban xã để làm các thủ tục trước khi vào cuộc đua. Trước đây, việc rước thuyền thường được tổ chức long trọng và náo nhiệt về đình Sông Tích để tế lễ. Nhưng hiện nay, ngôi đình đã trở thành phế tích nên việc rước cũng mất đi tính linh thiêng cố hữu.
Các công việc điều hành cuộc đua diễn ra tại thủy tọa, nơi trông giống như một sân khấu nổi được ghép lại từ 4 chiếc thuyền làm từ vài hôm trước, xung quanh trang trí bằng cờ phướn đẹp mắt. Thủy tọa được cắm neo đối diện với cọc tiêu rốn, là nơi tổ chức lễ khai mạc, trao cờ lưu niệm, tiến hành bốc thăm theo vị trí cọc tiêu đã cắm trên sông và điều hành toàn bộ cuộc đua.
Trưa ngày mùng 5 tết, thủy tọa được bốn đội đua rước về trường đua theo bài bơi hầu loan. Trên bờ là tiếng reo hò cổ vũ của hàng vạn nhân dân khắp vùng làm cho trường đua sôi nổi ngay từ những phút đầu tiên. Trường đua là một đoạn sông Trà Khúc đi qua xã Tịnh Long nơi có lòng sông phẳng, nước êm với độ sâu trung bình 4-5m. Với tổng diện tích khoảng 40.000m², được giới hạn bởi ba cọc tiêu có chiều dài 500m và 4 tiêu ngang mỗi tiêu cách nhau 20m, trong đó hàng tiêu rốn được dùng làm điểm xuất phát cũng đồng thời là điểm về đích. Theo quy định, mỗi đội phải đua trong hai ngày gồm bốn hiệp, mỗi hiệp gồm 6 vòng tương đương 4km. Trong mỗi hiệp đua, thuyền về nhất sẽ được tính 10 điểm, thuyền về nhì được 8 điểm, thuyền về ba được 6 điểm và thuyền về cuối cùng được 4 điểm. Sau hai ngày đua, điểm của bốn hiệp đua sẽ được cộng lại và tùy vào tổng số điểm sau cùng để xếp hạng chung cuộc. Bao quanh trường đua là thuyền của du khách và người dân chật cứng xen nhau, cờ quạt rợp trời cổ vũ cho bốn đội.
Sau 3 hồi trống rộn ràng, bốn chiếc ghe đua băng băng lao mình rẽ sóng trong tiếng hò reo cổ vũ của hàng ngàn người dân. Có những nhóm người còn xuống sông đến gần đường đua reo hò, vẫy cờ, té nước mát cho dân bơi. Tiếng trống thúc giục, tiếng người hò reo, cờ phất náo động cả một cửa sông. Đối với những dân bơi ở Tịnh Long, chuyện thắng thua không quan trọng, mà việc bơi đều nhịp để thuyền của đội trở thành thuyền bơi đẹp và nhanh nhất mới quan trọng.
Cùng với lễ khao thề thế lính ở huyện đảo Lý Sơn, đua thuyền ở cửa sông Trà là một trong số ít lễ hội sót lại trong hệ thống các nghi lễ ngư nghiệp truyền thống, thể hiện sức mạnh và ý chí của người dân miền biển. Ngoài ý nghĩa sinh hoạt tâm linh truyền thống, lễ hội còn ý nghĩa nhân văn sâu sắc cầu cho quốc thái dân an, người yên vật thịnh, cầu mưa gió thuận hòa, ruộng vườn tốt tươi… Cùng với bao lễ hội ven biển miền Trung khác, lễ hội đua thuyền Tịnh Long còn thể hiện ý chí bám biển kiên cường, khai thác và làm giàu nguồn lợi từ biển và đặc biệt thể hiện quyết tâm bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015
Tác giả : PHẠM HOÀI ANH - TRẦN VĂN HIẾU