Cũng như các quốc gia phương Đông, ở Việt Nam, ở Việt Nam các dạng điệu thức năm âm thời xa xưa chỉ tồn tại trong âm nhạc dân gian, sau đó được các nghệ nhân đưa vào âm nhạc chuyên nghiệp thời hậu kỳ của chế độ phong kiến, rồi tiếp lại được các nhạc sĩ sử dụng làm chất liệu trong âm nhạc mới. Đó là cả một quá trình chuyển biến vừa mang tính bước ngoặt, vừa mang tính thẩm mỹ. Điệu thức năm âm trong âm nhạc dân gian trước kia nay được các nhạc sĩ khéo léo sử dụng trong quá trình sáng tác ca khúc. Quá trình này đã tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong nghệ thuật âm nhạc nói chung và thể loại ca khúc nói riêng.
Việc đưa điệu thức năm âm vào trong âm nhạc mới không chỉ thể hiện niềm mơ ước và khát vọng của các thế hệ nhạc sĩ sáng tác, mà nó còn là niềm tự hào về sự trưởng thành của một nền văn hóa nghệ thuật truyền thống với định hướng “dân tộc, khoa học, đại chúng” và ngày nay là “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Đó cũng là sự khẳng định những khả năng tiềm tàng của âm nhạc Việt Nam trong xu thế hòa nhập với khu vực và quốc tế. Đây cũng là xu hướng văn hóa nói chung và nghệ thuật nói riêng trong bối cảnh của thời đại mới. Việc tạo dựng một bản sắc văn hóa riêng trong nghệ thuật cho đến nay lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nó vừa tạo cho âm nhạc Việt Nam những sắc thái đặc thù trong quá trình hội nhập, đồng thời vừa tạo ra chất liệu riêng biệt trong hoạt động sáng tác của các nhạc sĩ. Điều đó đã làm nên vóc dáng của nền nghệ thuật âm nhạc Việt Nam với những bản sắc riêng. Hây nói một cách khác, điệu thức năm âm trong âm nhạc dân gian vẫn đang sống trong dòng chảy âm nhạc dân tộc ở thời đại mới. Tuy nhiên, đây không chỉ là quá trình vận động, biến đổi và tích hợp thuần túy của lịch sử, mà nhìn rộng ra, đó là một diễn trình của âm nhạc Việt Nam. Chính vì vậy, nó có những nét đặc thù, phức tạp riêng biệt của một lĩnh vực nghệ thuật vốn có bề dầy trong lịch sử đời sống nhân loại.
Do có sự vận động phát triển của điệu thức năm âm trong ca khúc mới, nên đã xảy ra một quá trình diễn biến vô cùng phức tạp với nhiều dạng cấu trúc điệu thức khác nhau. Với ca khúc mới, chúng tôi sẽ lựa chọn một số bài tiêu biểu ở ba thời kỳ khác nhau: thời kỳ lãng mạn (hay gọi là thời Tân nhạc), thời kỳ chống Pháp và thời kỳ chống Mỹ để minh chứng cho vấn đề trên. Việc lựa chọn 3 thời kỳ âm nhạc tiêu biểu này, cho ta thấy quá trình vận động biến đổi, tích hợp điệu thức năm âm của dân gian trong những sáng tác ca khúc của các nhạc sĩ thời cận hiện đại
Thời kỳ lãng mạn, gồm những ca khúc do chính các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác ra được trải nghiệm qua thời kỳ “lời ta điệu tây”. Đây là giai đoạn mà trong lịch sử Việt Nam gọi là thời kỳ Pháp thuộc. Khi người Pháp vào Việt đặt ra hệ thống hành chính cai trị thì cũng chính là lúc văn hóa Pháp đã giao thoa mạnh mẽ với văn hóa truyền thống Việt Nam. Quá trình giao thoa trong khoảng gần trăm năm đã làm cho Việt Nam khi đó có nhiều thay đổi từ trên thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở. Từ một quốc gia mang đậm chất phương Đông truyền thống có thể nói là khá lạc hậu, thì nay văn hóa phương Tây (văn minh, hiện đại) đã thổi đến một luồng sinh khí mới với hệ tư tưởng thoáng đạt, làm thay đổi cách nghĩ, nếp nghĩ của người Việt Nam. Tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái định hình từ các đô thị, rồi dân lan tỏa đến các làng quê Việt Nam vốn luôn có xu hướng đóng kín, tự trị. Từ đời sống của tầng lớp thị dân thời Pháp thuộc, những yếu tố nghệ thuật phương Tây được truyền bá và hội nhập, tạo nên một xu thế giao thoa mạnh mẽ giữa Đông và Tây, giữa Việt và Pháp. Trong đó, âm nhạc cũng không nằm ngoài quy luật giao thoa văn hóa này. Âm nhạc phương Tây đã xuất hiện ở Việt Nam với hệ thống ký âm, thang âm khác biệt so với những cung bậc truyền thống của Việt Nam (vốn có pha trộn với Trung Hoa). Hệ thống nhạc cụ mới của người Pháp mang sang cũng khác biệt so với phương Đông trong đó có Việt Nam. Đặc biệt là phương pháp đào tạo và giáo dục âm nhạc lại càng khác xa so với phương pháp truyền nghề của người Việt Nam (chủ yếu là truyền tay, truyền khẩu) đã tạo nên những thế hệ nghệ sĩ ảnh hưởng trong mình hai dòng nhạc Đông - Tây. Thế hệ nhạc sĩ này, họ đã nhận ra cái ưu việt của phương Tây nhưng vẫn luôn ý thức về dòng chảy của giai điệu, điệu thức phương Đông vốn có bản sắc riêng. Sự kết hợp hài hòa đó đã trở thành trào lưu cho một dòng nhạc mới ra đời, nhất là trong sáng tác ca khúc.
Những ca khúc này có nhiều tên gọi khác như: nhạc cải cách, nhạc mới, tân nhạc, nhạc tiền chiến, nhạc vàng. Tuy là thời kỳ khởi đầu, nhưng các nhạc sĩ đã sử dụng một số dạng điệu thức năm âm rất phong phú trong cấu trúc các chủ đề âm nhạc. Chẳng hạn bài Ơn nghĩa sinh thành của Dương Thiên (1) sử dụng điệu thức năm âm dạng d-e-f-a-h-d2. Cũng tương tự như vậy, bài Bẽ bàng của nhạc sĩ Lê Yên (2) dùng điệu thức f-g-a-c2-d2, hoặc Tình quê hương nhạc sĩ Đan Thọ, thơ Phan Lạc Tuyên (3) sử dụng điệu thức c-d-e-g-a.
Cũng lối xây dựng chủ đề âm nhạc trên điệu thức năm âm như dạng trên nhưng lại có nửa cung (f-g), điều này có thể tham khảo bài Chiều của nhạc sĩ Hồ Dzếnh - Dương Thiệu Tước (4).
Một dạng điệu thức năm âm khác c-d-f-g-a-c2 thấy xuất hiện trong bài Bình Minh của Nguyễn Xuân Khoát, thơ Thế Lữ (5). Lối cấu trúc chủ đề âm nhạc ở điệu thức năm âm dạng a-c-d-e-g xuất hiện trong bài Mùa đông binh sĩ của Phan Huỳnh Điểu, Tình quê hương của Việt Long a-c2-d2-e2-g2, Cây đàn bỏ quên của Phạm Duy d-f-g-a-c2. Cũng là điệu thức năm âm dạng này, nhưng trong bài Thiên Thai của Văn Cao lại xuất hiện nửa cung d-e-f-g-a-c2-d2.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kể từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, truyền thống lịch sử văn hóa Việt Nam đã có nhiều thay đổi sau thời Pháp thuộc. Những nhân tố tư tưởng mới, những lối sống mới và cả hệ thống cơ sở vật chất mới... đã tác động mạnh mẽ tới đời sống của người dân Việt Nam trong bối cảnh hiện đại. Và, từ sau Cách mạng tháng Tám, dân tộc Việt Nam bước vào giai đoạn kháng chiến thần thánh để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Theo chủ trương của Bác Hồ, chúng ta tấn công giặc trên mọi mặt trận: từ quân sự, ngoại giao, kinh tế đến văn hóa tư tưởng. Người xác định, văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận và các văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận đó. Chính vì vậy, các văn nghệ sĩ nói chung và các nhạc sĩ nói riêng đã tham gia vào mặt trận của mình tạo ra những ca khúc phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Những bài hát đó đã tiếp lửa cho các chiến sĩ ngoài mặt trận, tạo niềm tin cho nhân dân Việt Nam hướng về cuộc kháng chiến, hướng về Bác Hồ. Những ca khúc này cũng được các nhạc sĩ sử dụng các điệu thức dân gian truyền thống trong quá trình sáng tác, có thể kể đến: bài Phất cờ Nam Tiến của đại tướng Hoàng Văn Thái sáng tác năm 1944, chủ đề được xây dựng trên điệu thức năm âm dạng f-g-a-c2-d2 , hoặc Cảm tử quân của Hoàng Quý sáng tác năm 1945 sử dụng điệu thức năm âm có nửa cung f-g-a-b-c2-d2. Nam bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn sáng tác năm 1945: d-f-g-a-c2 hoặc bài Tiếng hát sông Lô của Phạm Duy sáng tác năm 1947: d-f-g-a-c2, Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy sáng tác năm 1948: d-f-g-a-c2-d2. Hay bài Hành quân xa của Đỗ Nhuận sáng tác năm 1953: a-c-d-e-g, Bộ đội về làng nhạc Lê Yên, thơ Hoàng Trung Thông sáng tác năm 1952: a-c-d-e-g. Giải phóng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận có sự đan xen hai điệu thức năm âm dạng cấu trúc chủ đề g-a-c2-d2-e2 và d-f-g-a-c2.
Thời kỳ chống Mỹ, sau kháng chiến chống Pháp (1954), đất nước bị chia cắt thành hai miền, một lần nữa, dân tộc Việt Nam lại phải lao vào cuộc chiến để đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. So với kháng chiến chống Pháp, lần này chúng ta phải đương đầu với một kẻ thù hùng mạnh gấp bội lần về tiềm lực kinh tế lẫn sức mạnh quân sự. Cuộc chiến không cân sức, kéo dài 21 năm trải qua 5 đời tổng thống Mỹ. Bằng ý chí quật cường và truyền thống đánh giặc cứu nước của dân tộc, người Việt Nam đã tạo ra những ưu thế riêng trên mặt trận. Chiến tranh nhân dân (cả nước toàn dân đánh giặc) là căn cốt trong nghệ thuật quân sự được truyền thừa cả ngàn đời nay và chúng ta đã thành công, giành chiến thắng trong cuộc chiến. Trong cuộc chiến vĩ đại này, các văn nghệ sĩ cũng như các nhạc sĩ vẫn giữ vai trò quan trọng, góp phần đắc lực cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Những sáng tác của họ nhằm cổ vũ tinh thần, tạo niềm tin và ý chí cho quân dân Việt Nam đứng lên đánh Mỹ cứu nước. Các sáng tác của các nhạc sĩ trong thời kỳ này vẫn sử dụng điệu thức năm âm, có thể kể đến trong cấu trúc các bài Anh vẫn hành quân của Huy Du sáng tác năm 1964: a-c-d-e-g, Đường tôi đi dài theo đất nước của Vũ Trọng hối: a-c2-d2-e2-g2, Bài hát giải phóng quân của Lưu Hữu Phước: h-d-e-f#-a-h, hay bài Bài ca may áo của Xuân Hồng: d-f-g-a-c2-d2, Nhớ anh giải phóng quân của Nguyễn Đình Phúc: d-e-f#-a-h-d2, Bão nổi lên rồi của Trọng Bằng: f-g-a-c2-d2-f2, Đường yêu nhất đường ra mặt trận của Trần Hoàn: g-a-c-d-e, Hà Nội - Huế - Sài Gòn của Hoàng Vân: f-g-b-c2-d2. Loại điệu thức năm âm có nửa cung trong bài Tình Bác sáng đời ta của Lưu Hữu Phước: c-d-es-f-g-b-c2, Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam của Chu Minh, thơ Hoàng Trung Thông: c-d-f-g-a-b-c2, Người là niềm tin tất thắng: c#-e#-f#-g#-a#-c#2.
Khác với điệu thức bảy âm châu Âu, điệu thức năm âm được coi là nền tảng trong âm nhạc dân gian của các quốc gia phương Đông đã hình thành và phát triển từ hàng ngàn năm nay (trong đó có Việt Nam).
Tuy tên gọi và cách sử dụng ở mỗi quốc gia có khác nhau, nhưng chúng đều toát lên bản sắc văn hóa độc đáo và mang nét đặc trưng trong nền âm nhạc dân gian của dân tộc mình. Bởi vậy, sử dụng điệu thức năm âm vào trong các ca khúc mới của Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng. Nó không chỉ đánh dấu sự phát triển tiến bộ của loại điệu thức này trong âm nhạc Việt Nam mà còn thể hiện khả năng hội nhập của nền âm nhạc truyền thống, nền âm nhạc mới của chúng ta trong thời đại ngày nay.
_______________
1. Ca khúc do Nxb Diên Hồng số 66 đường Lê Lợi, Sài Gòn ấn hành năm 1966.
2. Ca khúc do Nxb Kẻ Sĩ ấn hành tháng 6-1970 tại nhà in Đại Tân 65 đường Nguyễn Thời Trung, Chợ Lớn.
3. Ca khúc do Nxb Minh Phát, Sài Gòn, 1968.
4. Ca khúc do Nxb Hiện Đại ấn hành số 44 - 5 đường Công Lý, Sài Gòn.
5. Ca khúc do Nxb Kỹ sư ấn hành tháng 6 - 1970 và in tại nhà in Đại Tân số 65 đường Nguyễn Thời Trung, Chợ Lớn.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 338, tháng 8-2012
Tác giả : Lê Anh Tuấn