Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, văn hóa đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vì thế, song song với quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, thì vấn đề giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của nông thôn Việt Nam luôn được đặt lên hàng đầu. Điều này một lần nữa được khẳng định trong Chiến lược phát triển kinh tế năm 2011 - 2020 của Đảng: “Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của nông thôn Việt Nam”(1).
Bắc Giang là một vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử văn hóa, hiện lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và đa dạng. Những di sản văn hóa vật thể được tạo nên bởi: những di chỉ khảo cổ học quý hiếm thuộc văn hóa thời đại đá cũ ở Bố Hạ (Yên Thế), Chũ, Cầu Cát (Lục Ngạn), Khe Táu, An Châu (Sơn Động), Mai Sưu (Lục Nam); những di tích lịch sử văn hóa với nhiều loại hình độc đáo như chùa Vĩnh Nghiêm (tên chữ là chùa Đức La) - một trong 3 đỉnh của tam giác Phật giáo nổi danh ở Bắc Bộ và cả nước (Dâu - Yên Tử - Đức La), chùa Bổ Đà (Việt Yên) - một trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa, đình Lỗ Hạnh, Thổ Hà, Phù Lão - những ngôi đình cổ và có giá trị kiến trúc nghệ thuật vào bậc nhất trong số các ngôi đình hiện còn ở nước ta; lăng Dinh Hương, lăng họ Ngọ, lăng Bầu… - cụm lăng đá thời Lê độc đáo ở huyện Hiệp Hòa; thành Xương Giang cùng các di tích về cuộc chiến đấu chống quân Minh; di tích về cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp lừng danh; hệ thống di tích thuộc ATKII Hiệp Hòa… Là vùng chuyển tiếp địa văn hóa và địa bàn cộng cư của nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam (như dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu, Dao và Hoa, cùng một số dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Mường), Bắc Giang cũng là nơi sản sinh, truyền lưu nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc và đa dạng. Những di sản văn hóa phi vật thể được kết tinh trong kho tàng dân ca của các dân tộc như: dân ca quan họ (Kinh), dân ca Sán Chí, dân ca Cao Lan, dân ca Tày - Nùng (Soong Hao), dân ca Sán Dìu…; những lễ hội dân gian với quy mô lớn và hấp dẫn: lễ hội Thổ Hà, hội bơi chải ở làng Tiếu (Hiệp Hòa) và ở An Châu (Sơn Động), lễ hội đuổi bệt - múa bông ở Hương Tảo (Yên Dũng), hội đền Từ Hả, hội chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm…; những lễ hội mới nhưng có sức sống mãnh liệt: lễ hội Yên Thế (16-3 dương lịch), lễ hội Xương Giang (6-1 âm lịch). Bắc Giang còn là quê hương của những nghề thủ công cổ truyền nổi tiếng như: gốm Thổ Hà, rượu làng Vân (xã Vân Hà, Việt Yên), bánh đa Kế (Dĩnh Kế, thị xã Bắc Giang), đan lát Phúc Tằng - Phúc Long (xã Tăng Tiến, Việt Yên và xã Nội Hoàng, Yên Dũng), bún Đan Mai (xã Đan Mai, thị xã Bắc Giang), nghề rèn xã Đức Thắng (Hiệp Hòa)… Những giá trị di sản văn hóa truyền thống độc đáo đã tạo nên một Bắc Giang giàu bản sắc, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh trong xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế.
Trong nhiều năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới ở nơi đây cũng luôn được chú trọng triển khai một cách sâu rộng, đồng bộ, đồng thời, mục tiêu bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống luôn được đặt lên hàng đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, Bắc Giang đã có những bước chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như hành động nhằm bảo vệ và phát huy tốt nhất những giá trị di sản văn hóa của địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới: người dân chủ động hiến đất hoặc đóng góp công sức, tiền của vào việc xây dựng các tuyến đường thôn xóm; công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa thực sự được tăng cường; huy động được các nguồn lực từ trung ương, địa phương và cộng đồng đầu tư cho việc tôn tạo, bảo tồn nhiều di tích của tỉnh như: chùa Vĩnh Nghiêm, khu di tích Yên Thế, cụm di tích đình - chùa Tiên Lục, di tích ATKII Hiệp Hòa… Đặc biệt, tỉnh đã huy động nhiều nguồn vốn, dành nhiều tỷ đồng cho việc tu bổ thường xuyên các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia và di tích xếp hạng cấp tỉnh. Tính đến tháng 11-2010, Bắc Giang có 2.237 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 109 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 383 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa của địa phương được đẩy mạnh. Các đề án Bảo tồn và phát huy, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang và Xây dựng và phát triển văn hóa huyện miền núi Lục Ngạn giai đoạn 2001-2010 nhằm tập trung thực hiện các mục tiêu: bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng và kháng chiến; nghiên cứu, điều tra, bảo tồn một số bản làng có nét văn hóa tiêu biểu và các lễ hội truyền thống của các dân tộc, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, dân ca các dân tộc, phong tục tập quán tốt đẹp, trang phục, chữ viết, tiếng nói xây dựng thiết chế văn hóa gia đình, làng bản... đã được thực hiện sâu rộng, quy mô thông qua việc xuất bản sách, ghi đĩa hình và đĩa âm thanh. Bên cạnh đó, ngành văn hóa tỉnh cũng đã và đang tiếp tục triển khai tổ chức biên soạn, xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học cao như: Địa chí Bắc Giang, Di tích Bắc Giang, Lễ hội Bắc Giang, Văn hóa Bắc Giang, Dân tộc Sán Dìu ở Bắc Giang, Dân ca Sán Chí ở Kiên Lao (Lục Ngạn), Chốn tổ Vĩnh Nghiêm, Dân ca Cao Lan, Dân ca Dao... Các vùng quan họ Kinh Bắc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cùng những làn điệu dân ca như hát xẩm, hát ả đào, hát chèo… đã và đang được duy trì, phục hồi và phát triển. Nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi như hội làng Thành, hội Kế (thị xã Bắc Giang), hội Từ Hả (Lục Ngạn), hội Thổ Hà (Việt Yên), hội chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), hội Phồn Xương, hội Trám rụng (Yên Thế), hội suối Mỡ (Lục Nam), hội Cầu Vồng (Tân Yên). Đặc biệt, bên cạnh những lễ hội dân gian của đồng bào Kinh ở các huyện trung du, thì hội lồng tồng của đồng bào Nùng, hội hát soong hao, sli, lượn (Lục Ngạn) cùng các lễ hội truyền thống của các dân tộc khác đã trở thành những hoạt động văn hóa không thể thiếu của đồng bào các dân tộc.
Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, một thiết chế văn hóa đặc thù của hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đặc sắc cùng truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Bắc Giang, đã được xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả theo hướng khoa học, đổi mới.
Đối với Bắc Giang, du lịch văn hóa là loại hình du lịch có tiềm năng lớn và hứa hẹn nhiều triển vọng. Là một vùng non nước tráng lệ, giàu truyền thống lịch sử văn hóa cùng số lượng di sản văn hóa phong phú và đa dạng, lại khá gần với Hà Nội, Bắc Giang được xem như là mỏ vàng của ngành công nghiệp không khói. Trong nhiều năm qua, Bắc Giang đã khai thác, phát triển hiệu quả lợi thế đó trong việc phát triển hình thái du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, sự nghiệp bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống của Bắc Giang trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập.
Sự đa dạng hóa ngành nghề trong cơ cấu kinh tế và tốc độ đô thị hóa cao đã trực tiếp tác động đến không gian, cảnh quan thiên nhiên của địa phương, làm thay đổi giá trị, ý nghĩa của các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, lễ hội ở nhiều vùng. Theo đó nhiều hình thức mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại trong đời sống tâm linh của người dân. Điều kiện kinh tế và cơ chế thị trường tạo cho người dân một cuộc sống sung túc, năng động, tự chủ và đề cao cá nhân; nhưng lại khiến cho quan hệ gia đình, họ mạc trở nên lỏng lẻo, tình thân và ý thức trách nhiệm trong cộng đồng dân cư giảm sút, tệ nạn xã hội vì thế có cơ hội phát triển mạnh hơn.
Hiện tượng phục cổ cứng nhắc, pha tạp, lai căng đang tạo ra những phản ứng tiêu cực trong việc phục dựng, tu sửa các di tích tại địa phương, làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Việc xét và xếp hạng di tích hàng năm là việc làm cần thiết nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích sau khi được công nhận còn nhiều bất cập: chuyện lấn chiếm, xây dựng trái phép trong khuôn viên di tích chưa được giải quyết dứt điểm; nhiều di tích đều trong tình trạng xuống cấp, nhưng nguồn kinh phí dành cho công tác trùng tu, tôn tạo hàng năm từ ngân sách quá ít ỏi trong khi công tác xã hội hóa phụ thuộc vào ý nghĩa của từng di tích và ý thức của người dân từng địa phương; không ít di tích sau lễ đón nhận bằng công nhận rơi vào quên lãng. Từ thực trạng trên, có ý kiến cho rằng, công tác xếp hạng di tích hiện nay đang chú trọng chạy theo số lượng mà chưa quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Điều này đòi hỏi việc xếp hạng di tích phải chọn lọc và tập trung hơn. Nếu không, việc xếp hạng di tích tràn lan nhưng vấn đề hậu xếp hạng lại bỏ ngỏ sẽ dẫn đến những tiền lệ xấu, làm tổn hại đến di tích, làm khó cho cơ quan chức năng trong xử lý và khổ cho người dân sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ.
Quá trình xây dựng nông thôn mới đã đem lại cho nhiều vùng miền ở Bắc Giang một diện mạo mới mở rộng về kết cấu quy mô làng xã và linh hoạt trong sản xuất kinh tế, văn hóa, nhưng cũng đã và đang đặt ra cho địa phương hàng loạt những thách thức không nhỏ như: ô nhiễm môi trường, sự quá tải về lao động nhập cư, sự mâu thuẫn về đất đai, sự cạnh tranh nhiều khi thái quá trong cộng đồng, sự khủng hoảng về lối sống, sự gia tăng của các tệ nạn xã hội, tình trạng thiếu việc làm gay gắt, hệ thống an sinh xã hội yếu kém, đời sống bấp bênh, thu nhập của người lao động ở nông thôn thấp và thất thường do diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ phát triển công nghiệp ngày một tăng…
Mặc dù khối lượng di tích của Bắc Giang khá lớn nhưng chủ yếu là các di tích thuộc quyền sở hữu của làng. Một số di tích lịch sử quan trọng như di tích về các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, Nguyên, Minh, Pháp hiện là các phế tích không còn nguyên vẹn. Hoặc một số di tích lại nằm trong những khu dân cư không có vị trí tự nhiên thuận lợi nên rất dễ bị lãng quên. Do vậy, cảnh quan sinh thái nơi đây cũng bị con người làm thay đổi, xu thế biến hội vùng thành hội làng khá phổ biến làm cho quy mô và sức lan tỏa của những di tích, lễ hội bị thu hẹp. Nhiều làn điệu dân ca, lối hát truyền thống đang dần bị mai một và chưa thu hút được sự quan tâm, duy trì của thế hệ trẻ.
Việc khai thác những di sản văn hóa phục vụ cho du lịch trên địa bàn tỉnh chưa hiệu quả, sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch không chặt chẽ, còn mang tính tự phát. Ví như nếu khách du lịch muốn nghe dân ca quan họ, ca trù hoặc hát soong hao, hát then và đàn tính (dân tộc Tày, Nùng)… tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh cũng không dễ có ngay. Ngoài ra, việc thiếu hướng dẫn viên am hiểu sâu sắc về văn hóa địa phương, truyền tải được giá trị của di sản đến du khách cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các sản phẩm du lịch di sản chưa thu hút được đông đảo khách tham quan.
Một số làng nghề truyền thống nổi bật ở Bắc Giang hiện đang dần bị mai một. Ví như làng gốm Thổ Hà hiện không còn sản xuất gốm nữa mà chuyển sang làng nghề bánh tráng; làng nghề bánh tráng đa Kế thì do không đa dạng trong sản phẩm, không mở rộng được thị trường nên cũng chỉ sản xuất trên quy mô nhỏ; làng bún Đa Mai cũng có chung đặc điểm như vậy. Một số làng nghề khác nay chỉ còn lại trong tiềm thức người dân. Trong khi đó, ở một số tỉnh thành khác, cũng vẫn những loại sản phẩm như vậy, thậm chí loại hình sản phẩm còn không có ưu thế phát triển bằng thì lại đang phát triển tốt. Có thể khẳng định rằng, “làng nghề Bắc Giang đang trầm trong sự thăng của làng nghề truyền thống cả nước nói chung”(2).
Để khắc phục và giảm bớt những thách thức, khó khăn trên rất cần một tổng thể những giải pháp điều chỉnh để giữ được sự cân bằng giữa bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống và xây dựng nông thôn mới ở Bắc Giang hiện nay.
Một là, nâng cao ý thức cộng đồng, xã hội về giá trị của di sản văn hóa của địa phương thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và quảng bá. Trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, rất cần những việc làm cụ thể tại địa phương: đưa công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc bảo vệ những di sản văn hóa truyền thống đi sâu vào nhiều hoạt động cụ thể của các đoàn thể và các tổ chức xã hội; đưa công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống vào hương ước của từng xã, thôn, làng, bản, nhằm tạo tính pháp lý trong việc thực thi, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân; xã hội hóa công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người dân thông qua việc huy động các nguồn lực về tài chính, trí tuệ trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của địa phương; tổ chức thường xuyên hoặc có định kỳ những lớp tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở về văn hóa nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa tại địa phương.
Hai là, tăng cường và huy động tối đa sự quản lý, đầu tư của Nhà nước và sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đầu tư có trọng điểm, quản lý hiệu quả sẽ giúp cho các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý tìm được chính xác con đường đi ngắn nhất để đạt được hiệu quả “hiện đại hóa được yếu tố truyền thống” và “truyền thống hóa được yếu tố hiện đại”(3). Quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa cũng sẽ góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước về tài chính, mặt khác, giúp đào tạo và nâng cao năng lực tự quản của cộng đồng, khuyến khích và nâng cao năng lực tham gia của nhân dân, giúp địa phương có những chính sách đầu tư có trọng điểm, tránh lãng phí, thất thoát nguồn ngân sách nhà nước.
Ba là, xây dựng và từng bước thực hiện quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa ở Bắc Giang. Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có các đề án như: xây dựng nhà văn hóa ở mỗi thôn, phục dựng và tu bổ những di tích lịch sử… vẫn là những đề án được thực hiện một cách riêng lẻ chứ không dựa trên sự quy hoạch tổng thể. Điều này sẽ dẫn tới sự lãng phí, thất thoát nguồn vốn đầu tư xây dựng; dẫn tới việc bảo tồn, phục dựng một cách tràn lan, dàn trải và gây khó khăn trong công tác quản lý. Do vậy, xây dựng một đề án quy hoạch tổng thể gắn kết trong chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới nhằm tạo ra một không gian riêng cho sinh hoạt văn hóa dân gian và phát triển các loại hình du lịch văn hóa là một việc làm cần thiết hiện nay, giúp địa phương có hướng đầu tư trọng tâm, trọng điểm trong công tác bảo tồn, phục dựng những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương trên nhiều phương diện.
Bốn là, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, sưu tầm, tư liệu hóa kho tàng di sản văn hóa Bắc Giang, nhằm giúp cho các nhà khoa học cũng như người dân nắm vững được tiềm năng, hiện trạng kho tàng di sản văn hóa của tỉnh nhà. Đây cũng chính là tiền đề giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động bảo vệ, sưu tầm bổ sung, hoàn chỉnh bộ sưu tập hiện vật… góp phần khắc phục sự đơn điệu, tẻ nhạt của phần trưng bày hiện có của Bảo tàng tỉnh. Đẩy mạnh việc hợp tác liên ngành giữa các cơ quan khoa học và thông tin đại chúng ở trung ương và tỉnh Bắc Giang về bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa là một hướng đi hiệu quả, không chỉ bổ sung thêm những hiểu biết về nội dung giá trị của các di sản văn hóa mà còn là những luận cứ quan trọng để thực thi bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa.
Năm là, đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch văn hóa. Bắc Giang là một miền quê có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú cả về du lịch sinh thái và du lịch văn hóa lịch sử. Trong những năm tiếp theo, tỉnh cần khai thác, đầu tư có hiệu quả hơn nữa những di sản văn hóa phục vụ cho du lịch, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch bằng việc: xây dựng và hoàn chỉnh các cơ sở hạ tầng dịch vụ thiết yếu như giao thông, khách sạn, nhà hàng ăn uống… tại các khu di tích và danh lam thắng cảnh nhằm tăng cường khả năng thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước; tăng cường đào tạo đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn người dân tham gia tìm hiểu về di sản văn hóa của quê hương, từ đó họ sẽ tích cực tuyên truyền cho khách du lịch hiểu về vùng đất, con người Bắc Giang; tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình văn hóa, giải trí và du lịch cộng đồng, đồng thời thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp dịch vụ, đẩy mạnh việc kết hợp các tour du lịch văn hóa của tỉnh nói riêng và vùng du lịch Bắc Bộ trong mối liên hệ hữu cơ các vùng du lịch như Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, nhằm tạo ra nhiều tour du lịch đến với Bắc Giang...
_______________
1. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.
2, 3. Nhiều tác giả, Di sản văn hóa Bắc Giang: Bước đầu tìm hiểu truyền thống văn hóa các dân tộc, Bảo tàng Bắc Giang xb, 2005, tr.55, 31.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013
Tác giả : Vũ Thị Hiên