DI SẢN VĂN HÓA TÂM LINH Ở LÀNG VIỆT YÊN

Trong đời sống văn hóa ở nông thôn miền Bắc xưa, văn hóa tâm linh giữ vai trò quan trọng, không chỉ đáp ứng đời sống tinh thần của cư dân địa phương mà còn góp phần vào việc quản lý làng xã, xã hội theo một trật tự đã quy định. Làng Việt Yên xưa, có tên nôm là làng Vác, tên cổ là An Việt trang (sau đổi là Yên Việt trang, trang Việt Yên) thuộc tổng Canh Nông, huyện Diên Hà, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam. Ở làng, các di sản văn hóa tâm linh như cầu Kênh, miếu Cả Đoài, miếu Tư Chính, miếu Tư Nhất, miếu Thượng Đông, vườn Mơ, thành nhà Mạc… đã gắn với kỷ niệm của bao thế hệ người làng Việt Yên, Ngũ Đoài, Ngũ Đông, Duyên Nông và bà con trong xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

         Trong một số sách viết về địa phương Thái Bình như sách Tiên Hưng phủ chí, Thái Bình tỉnh thông chí, Ghi chép về tỉnh Thái Bình, Địa chí Thái Bình, Từ điển Thái Bình chỉ có vài dòng về quân doanh của 4 anh em họ Trịnh ở xã Việt Yên thuộc tổng Canh Nông, huyện Diên Hà mà không nói rõ lịch sử và mô tả đền miếu ra sao. Vì thế các di sản văn hóa tâm linh của làng Việt Yên nói trên đã có một thời gian dài bị hiểu sai lệch và bị hạ giải.

         Trong kho thư tịch Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội còn lưu lại Thần tích xã Việt Yên, tổng Canh Nông, huyện Diên Hà, tỉnh Thái Bình gồm 2 tài liệu bằng chữ Hán, một bản ngọc phả chép về 4 vị đại vương triều Đinh gồm 16 trang và một bản là ngọc phả về thiên bồng chúa tể đại vương triều Lý, 11 trang. Tại thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam cũng còn lưu giữ 3 tài liệu là: bản hương ước năm 1942 của làng Việt Yên gồm 24 trang chép tay, bằng tiếng Việt; bản khai thần tích mang tên Thần tích – thần sắc làng Việt Yên gồm 5 trang viết tay tiếng Việt và bản Tục lệ làng Việt Yên gồm 17 tục lệ, 8 trang chép tay chữ Hán. Trong bản hương ước còn đủ chữ ký của các vị chức sắc trong làng như tiên chỉ, thứ chỉ, kỳ mục, lý trưởng, thủ quỹ… Các tài liệu này là những bản lưu trữ cấp quốc gia ngày xưa còn giữ được, ghi lại khá đầy đủ lịch sử của cụm di tích làng Việt Yên gồm: đình, vườn Mơ và 4 miếu ở 4 góc làng (miếu Cả Đoài, miếu Tư Chính, miếu Tư Nhất và miếu Thượng Đông), cùng các quy định tế lễ hàng năm. Đây là những tài liệu gốc về cụm di sản văn hóa tâm linh của làng.

         Ở làng Việt Yên, các di tích vật thể gồm: đình, chùa, nhà thờ họ giáo, thành nhà Mạc (Nhất dạ thành), vườn Mơ, 4 miếu ở 4 góc làng và một số miếu thờ thần đất ở các xóm. Nhưng nổi trội và linh thiêng là các di tích tâm linh gồm đình làng, vườn Mơ và 4 miếu thờ được đặt ở 4 góc làng có tên là xứ Cửa Chùa (tây nam làng, nay là miếu Tư Chính), xứ Bến Bến (tây bắc làng nay là miếu Tư Nhất), xứ Cửa Triệu (đông bắc làng nay là miếu Thượng Đông), xứ Kiều Kinh (tức là Cầu Kênh, đông nam làng nay là miếu Cả Đoài).

         Di tích vườn Mơ

         Theo bản ngọc phả về 4 vị thần họ Trịnh, thì khu vườn Mơ xưa (bao gồm khu vực đình làng và vườn Mơ ngày nay) vừa là hội đồng cung (đại bản doanh), nơi gặp gỡ, hội họp của 4 anh em họ Trịnh, vừa là nơi yên nghỉ của ông Trịnh Thông và bà vợ kế là Trần Thị Hạnh. Khi còn đang xây dựng lực lượng chống Ngô Xương Xí và sau này theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, 4 anh em họ Trịnh đã xây dựng ở giữa làng, canh vườn Mơ một hội đồng cung. Họ thường xuyên đến đây bàn bạc công việc, chỉ huy 4 đồn phòng thủ ở 4 góc làng. Đây là di tích của một cuộc khởi nghĩa liên quan đến triều Đinh. Về mặt tâm linh, nhiều năm nay, người dân thôn Việt Yên cho rằng vườn Mơ rất linh thiêng, cầu gì được nấy. Khu di tích vườn Mơ là cụm di tích có ý nghĩa lịch sử và tâm linh nên địa phương cần tu bổ, hoàn thiện, đồng thời các miếu có bia cần ghi rõ sự tích để nhân dân cùng biết.

         Bốn ngôi miếu

         Theo bản ngọc phả về 4 vị đại vương triều Đinh, ở 4 góc làng có 4 quân doanh được đặt tên là Cửa Chùa, Bến Bến, Cửa Triệu và Kiều Kinh. Khi đất nước hết chiến tranh, 4 ông họ Trịnh xây 4 sinh từ cho mình tại 4 quân doanh trên. Những tên gọi ấy có từ TK XI. Một trong số đó cho đến TK XX vẫn còn lưu lại (một chiếc cầu đá xây thời Gia Long ở cạnh miếu Kiều Kinh, sau là miếu Cả Đoài) mang tên là cầu Kênh (Kiều Kinh). Đến năm 1942, khi soạn hương ước của làng thì không thấy dùng các tên đó nữa, thay vào đó là 4 tên gọi mới lưu truyền đến ngày nay. Điều 42 trong bản hương ước của làng Việt Yên soạn năm 1942, có ghi 4 góc làng có 4 miếu: Tư Chính, Tư Nhất, Thượng Đông và Cả Đoài.

         Bốn miếu được chia cho các giáp trông coi và cúng tế hàng năm nhưng không ghi cụ thể miếu nào do những giáp nào cúng tế. Trong bản tài liệu chép tay Lịch sử chi bộ Đảng thôn Việt Yên của cụ Nguyễn Dụng Quynh viết vào khoảng sau năm 1980 có ghi lại rằng ngoài nơi đình chung ở Việt Yên còn có 4 miếu, mỗi miếu do một số họ chăm nom thờ cúng hàng năm, mỗi họ là 1 giáp. Thí dụ miếu Cả Đoài do 5 họ Nguyễn, đồng thời là 3 giáp (1 họ Nguyễn Dụng, 2 họ Nguyễn Văn) và một số họ khác. Họ Trần cúng ở miếu Tư Nhất. Các miếu Thượng Đông, miếu Tư Chính cũng theo hình thức đó. Hương ước năm 1942 và bản chép tay của cụ Quynh còn ghi tỉ mỉ các lễ vật và lịch các giáp thứ tự tổ chức cúng tế từ ngày 1- 8/11 và rước lễ từ các miếu về hội đồng cung. Sau này tập trung về đình để cả làng vào đám, toàn dân cúng tế, hát chèo từ ngày 9 – 15/11.

         Đình làng Việt Yên

         Là một làng cổ, Việt Yên có đình từ rất sớm, ban đầu mang tên đình làng Vát, sau là An (Yên) Việt trang. Thời Lý Cao Tông, An Việt trang nơi đây là lỵ sở của huyện Diên Hà xưa. Cuối TK XIX, đình Việt Yên là nơi tụ quân của Bang Tốn cần vương chống Pháp. Trước cách mạng tháng Tám, đình Việt Yên là nơi tổ chức vận động quần chúng của chi bộ Thần Duyên. Đến những năm 50 của thế kỷ trước, đình Việt Yên là một trong những đình lớn của vùng bắc Duyên Hà với những cây cột lim người ôm không xuể. Đình bị hạ giải năm 1950 để tiêu thổ kháng chiến.

         Bản khai thần tích do các chức sắc làng Việt Yên lập năm 1937 cho biết đình Việt Yên to, có thể làm lớp học. Đình cho tổng sư mượn trường để dạy trẻ con trong làng và hàng tổng đến học. Đình Việt Yên thờ 1 vị thành hoàng là Thiên Bồng Chiêu Dương tướng quân chúa tể đại vương và 4 vị tướng quân họ Trịnh. Tức là thờ 5 vị thành hoàng, trong đó 4 vị nhân thần là 4 anh em họ Trịnh gồm: Minh công, Khang công, Nguyên công, Lương công và 1 vị thần là Thiên Bồng chúa tể đại vương. Các tên húy mà dân làng phải kiêng có 8 tên gồm: Thông, Ngoạn, Hạnh, Minh, Khang, Nguyên, Lương và Bồng. Đình có 5 sắc phong vào đời vua Tự Đức năm thứ 6, sắc phong Hiển Diệu Duyên Hy Công Chính Thuần Chính chi thần; đời vua Tự Đức năm thứ 33, sắc phong Thiên Quan chi thần; đời vua Đồng Khánh năm thứ 2, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng chi thần; đời vua Duy Tân năm thứ 3, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Thiên Quan chi thần; đời vua Khải Định năm thứ 9, sắc phong Túy Mục Thượng đẳng thần.

         Lịch sử về các vị thần được thờ tại làng Việt Yên

         Bản ngọc phả về Thiên Bồng chúa tể đại vương triều Lý viết về vị thần được đặt tên là Thiên Bồng chúa tể đại vương có từ thời nhà Lý Cao Tông (1176 – 1210) quê ở châu Thu Vật, đạo Tuyên Quang, có công đánh dẹp loạn, chặn giặc Chiêm Thành, được vua phong làm quan chúa tể đạo Sơn Nam. Sau khi ông mất, nhân dân Việt Yên lập tức lập miếu ở hành cung, ghi thần hiệu của ông là Thiên Bồng Chiêu Dương tướng quân chúa tể đại vương để phụng thờ.

         Đến cuối thời Lê Trang Tông (1533 – 1548), họ Mạc chiếm đoạt ngôi vua, đại thần Nguyễn Thái Úy mang binh tiễu trừ giặc, đi qua miếu Việt Yên hành lễ, khấn xin thì được linh ứng. Nhà Lê bình được họ Mạc, bèn gia phong cho thần 4 chữ Linh Ứng Trung Quốc, phong Thiên Bồng Linh Ứng Trung Quốc Chiêu Dương tướng quân chúa tể đại vương, ban cho xã Việt Yên đón sắc về sửa sang vũ miếu để phụng thờ.

         Bản ngọc phả về 4 vị đại vương triều Đinh chép về các vị thần được thờ ở vườn Mơ và 4 ngôi miếu ở 4 góc làng. Theo ngọc phả, 4 anh em họ Trịnh là các vị thần được thờ sớm nhất ở làng Việt Yên, trước cả vị thiên thần Thiên Bồng chúa tể đại vương. Truyền ở trang Tranh Vanh, huyện Đường An, Châu Hồng (nay thuộc phía nam huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), có một nhà họ Trịnh, húy là Thông, giữ nếp nhà thi thư xử thế, hiếu đễ. Thông công lấy vợ người cùng bản trang họ Hoàng, húy là Thị Ngoạn. Vợ chồng chuyên tích đức làm điều nhân, điều thiện nhưng đã ngoài bốn mươi, năm mươi mà chưa có con. Một ngày, bà Hoàng tựa mộng, bỗng thấy một vì sao từ trên trời rơi vào miệng, bà nuốt lấy, tỉnh giấc kể lại với Trịnh công. Ít lâu sau, vào ngày mồng 10-11 năm Mậu Dần, bà sinh hạ một cậu con trai khôi ngô, tuấn tú, đặt tên là Minh công. Nhưng được 6 năm sau, không may bà Hoàng mất, Thông công mang con đi đến xã Việt Yên, huyện Diên Hà, Phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam. Thấy nơi ấy nhân dân sống no đủ, phong tục thuần hậu, ông xin nhân dân cho lưu sống ở đấy rồi dạy dỗ trẻ em. Ở Việt Yên, Thông công đã lấy bà Trần Thị Hạnh, người xứ Khả Lang, tổng Hà Lý cùng huyện (nay là thôn Hà Lang, xã Dân Chủ). Đến giờ Dần, ngày 12-6 năm Nhâm Tý, sinh ra ba cậu con trai. Họ đều là bậc thần phong tuấn chỉnh, khí vũ hiên ngang hơn hẳn người tầm thường. Cha mẹ rất yêu quý, đặt tên cho cậu thứ nhất tên Lương, cậu thứ hai tên Nguyên, cậu thứ ba tên Khang.

         Khi ba cậu con trai tròn 17 tuổi, cha mẹ kế nhau qua đời. Cả bốn anh em (Minh, Lương, Nguyên, Khang) chọn đất tốt ở xứ vườn Mơ cùng làng, hành lễ an táng, phụng thờ gia đường hương hỏa. Từ đấy nổi chí tang bồng hồ thỉ bèn kết thành một đảng mấy trăm người thành đội quân tinh nhuệ ngầm nuôi chí lớn, hào kiệt ở các quận huyện phần nhiều đều theo phụ giúp.

         Thời có Ngô sứ quân (Ngô Xương Xí) cát cứ Trường Châu, nghe tiếng tài dung, bèn sai gia thần đến dụ, ba ông không chịu. Sứ quân tức giận mang binh mã đến đánh, ba ông bèn truyền binh sĩ thiết lập đồn doanh ở bốn nơi. Minh công đóng ở xứ Cửa Chùa, Lương công đóng ở xứ Cửa Triệu, Nguyên công đóng ở xứ Kiều Kinh, Khang công đóng ở xứ Bến Bến, thường cùng với Ngô sứ quân cự chiến. Ngô sứ quân đều bị thua. Cả một khu đều đội ơn bốn ông được yên bình. Từ đó tên các ông danh chấn thiên hạ.

         Nghe danh của bốn ông, Đinh Bộ Lĩnh sai Đinh Điền là đại thần mang quân đến mời và phong cho Minh công làm quản giới nguyên soái tướng quân, Lương công làm thống suất tướng quân, Nguyên công làm giám sát tướng quân, Khang công làm thượng dũng sứ. Bốn ông phụng mệnh dẫn quân đến Châu Phong đánh sứ quân Kiều Công Hãn. Bốn ông chém được Công Hãn, quét sạch tàn quân.

         Bốn ông được phong chức chưởng thiên quan, gia phong là đại vương sinh thần (được thờ khi còn sống), ban cho xã Việt Yên, huyện Diên Hà làm hộ nhi, nơi hương hỏa cho bốn ông sau này. Bốn ông quay về xã Việt Yên, xây dựng sinh từ, Minh công ở xứ Cửa Chùa, Khang công ở xứ Bến Bến, Lương công ở xứ Cửa Triệu, Nguyên công ở xứ Kiều Kinh. Lại lập một hội đồng cung chính ở giữa nơi cung doanh (gần khu vườn Mơ) y như ngày trước. Việc xong, bốn ông ban cho nhân dân 50 hốt kim, sai mua ruộng, ao để làm của công, mở tiệc mời phụ lão và nhân dân cùng đến ăn uống rồi hóa. Sau này, bốn ông được phong làm thành hoàng của làng Việt Yên.

         Theo một số người già ở làng Việt Yên và làng Hà Lang kể lại, trước đây, hàng năm khi Việt Yên tổ chức Hội Đình, làng Hà Lang là quê của bà Trần Thị Hạnh đội lễ đến cùng tế lễ và sau đó cùng hưởng lộc. Đây có thể được hiểu là tục giao chạ giữa hai làng. Về lý do kết chạ, không có tài liệu nào ghi, nhưng theo một số người già trong cả hai làng cho rằng xưa kia có một số họ ở Hà Lang có nguồn gốc từ Việt Yên. Hơn nữa, Hà Lang là quê hương của bà Trần Thị Hạnh, mẹ của 3 vị thần họ Trịnh ở Việt Yên. Cả Việt Yên và Hà Lang đều thờ Thiên Bồng Đại Vương. Sau này, do đường xa, đi lại khó khăn nên người Hà Lang thường đến muộn, ảnh hưởng đến việc tế lễ. Vì vậy, đã có sự xích mích giữa hai làng, nên sau dân Hà Lang xin chân hương về lập đền thờ riêng, không lên Việt Yên nữa.

         Thế sự đổi thay trong gần nghìn năm nhưng dấu tích lịch sử và tâm linh của làng Việt Yên vẫn in đậm trong đời sống tinh thần của dân làng. Làng Việt Yên xưa nay chia thành 5 thôn, mỗi thôn có từ 1 đến 2 di tích, nhưng nhân dân 5 thôn vẫn giữ truyền thống xưa, hội đình làng vẫn tổ chức chung, các thôn có miếu vẫn rước thánh về thờ chung ở đình. Những di sản văn hóa tâm linh của làng vẫn được nhân dân trân trọng và tự nguyện bỏ tiền của và công sức để giữ gìn và tôn tạo. Những di sản đó vừa là niềm tự hào của địa phương, vừa là sức mạnh cố kết, tạo nên hình ảnh đáng nhớ về quê hương, góp phần vào sự đoàn kết cộng đồng.

         Di sản văn hóa tâm linh được tồn tại dưới dạng vật thể và phi vật thể ở làng Việt Yên, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đã tạo nên môi trường văn hóa, hun đúc lên những truyền thống tốt đẹp của quê hương từ ngàn đời nay. Tiếp tục tìm hiểu di sản văn hóa này giúp chúng ta có điều kiện hiểu sâu hơn giá trị của những trầm tích văn hóa, lịch sử, từ đó có ý thức bảo tồn và khai thác phù hợp với sự phát triển của xã hội trong công cuộc hiện đại hóa đất nước nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa riêng mỗi địa phương. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015

Tác giả : PHẠM HỒNG TOÀN

;