Khu di tích lịch sử văn hóa Gò Tháp hiện nay thuộc ấp 4, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây chứa đựng rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc và nhân loại. Di tích này đã được công nhận là di tích lịch sử khảo cổ theo Quyết định số 1570/QĐ-BVHTT ngày 5-9-1989.
Nằm giữa Đồng Tháp Mười bao la, với môi trường sinh thái đa dạng phong phú, mang nhiều dấu vết hoang dã, có nhiều gò cát lớn nhỏ mấp mô uốn lượn, tạo thành một giồng đất cao hơn mặt ruộng khoảng 2 đến 3 thước, dài gần 1.000m, rộng khoảng 320m, nằm theo hướng đông bắc - tây nam, Gò Tháp là địa điểm chứa đựng nhiều tầng văn hóa cổ xưa và đương đại đan xen nhau.
Khu di tích khảo cổ Gò Tháp được giới khoa học biết đến từ những năm 80 TK XIX với tên gọi Prásat Pream Loven (Chùa Năm Gian), do một số nhà nghiên cứu người Pháp khi đến đây khảo sát đã phát hiện ra một số dấu tích kiến trúc cổ, tượng thờ, bia đá và văn tự cổ... Đến năm 1931, H.Parmentier và J.Y.Claeys đã tiến hành đào một hố thám sát ở chùa Bà Chúa Xứ, phát hiện dấu tích một vỉa gạch xây nằm về sườn phía tây của gò. Các nhà khảo cổ người Pháp nhận định: Gò Tháp là một di tích khảo cổ rất phong phú về mặt di vật.
Giai đoạn từ sau 1945 đến năm 1975, khu di tích này đã chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, công việc khai quật, nghiên cứu bị gián đoạn.
Từ sau năm 1975, khu di tích này được các nhà khảo cổ học Việt Nam đặc biệt quan tâm. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, đào thám sát và khai quật nhiều lần, nhằm đi đến xác định chủ nhân và đời sống tinh thần cũng như vật chất của họ.
Năm 1983 cuộc khảo sát, thu thập hiện vật đã được triển khai. Có 187 hiện vật được thu thập, gồm có các vật liệu kiến trúc (gạch, phiến đá, trụ đá...), sản phẩm tôn giáo, nghệ thuật (hình mặt người bằng đất nung, hình thần Siva, Visnu, linga, yoni, tượng Phật bằng gỗ), đồ dùng sinh hoạt (nồi, bình có vòi, chì lưới)...
Năm 1984, cuộc khảo sát toàn diện và cuộc khai quật lần đầu ở di tích này được thực hiện, tập trung vào khu vực gò Bà Chúa Xứ, ngoài ra còn đào thám sát trên các khu vực khác như Gò Minh Sư, Tháp Mười cổ tự. Kết quả của cuộc điều tra và khai quật cho thấy: toàn bộ bề mặt của khu di tích, đặc biệt là tại những điểm cao, dấu vết văn hóa cổ lộ lên khá phổ biến. Dấu tích di chỉ cư trú được tìm thấy trong các địa tầng các hố thám sát tại các khu vực xung quanh địa điểm Đốc Binh Kiều, hoặc lớp cư trú bên dưới di chỉ mộ táng, và kiến trúc gò Minh Sư, Bà Chúa Xứ. Cả khu Gò Tháp rộng lớn là một gò nhân tạo gồm nhiều gò di chỉ nối tiếp nhau.
Năm 1988 các nhà khảo cổ học cùng Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp khai quật một phần gò Tháp Mười, để lộ rõ kiến trúc nền móng của một di tích kiến trúc đền khác.
Cuộc khai quật ở Gò Tháp năm 1993 đã đem lại cho giới khảo cổ học những phát nhiện mới và những nhận thức mới về các loại hình di tích và di vật văn hóa Óc Eo: loại hình mộ táng được xây cất toàn bằng gạch, có cấu trúc gạch bao bọc xung quanh bên ngoài. Về những đề tài hình chạm khắc trên vàng tìm thấy trong mộ, ngoài các tín ngưỡng thờ Visnu, Siva ở đây còn tìm thấy các hình chạm có liên quan đến những vị thần khác có nguồn gốc xuất xứ từ phía Bắc như Indra, Varuna hoặc các thần Skanda, Yama... mà trước đây chưa được chạm khắc trên vàng.
Vào năm 1996 và 1998, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành khai quật di tích này và làm xuất lộ một phần của kiến trúc tôn giáo bằng gạch có quy mô rất lớn (chiều dài đông - tây 17,3m, rộng bắc - nam 12m) và hai tượng thần Vishnu bằng đá.
Lần khai quật đầu tiên của Viện Khảo cổ học Hà Nội vào tháng 1-2001 với mục đích nghiên cứu địa tầng di chỉ cư trú của khu di tích. Cuộc khai quật đã phát hiện một khu cư trú cùng mộ táng có địa tầng còn nguyên vẹn cách chân gò Minh Sư khoảng 120m về phía Đông Nam. Trong di chỉ tìm thấy nhiều di vật đá, nhưng hiện vật chiếm tỷ lệ nhỏ. Đồ đất nung gồm mảnh ngói, tượng khỉ, dấu ấn, mảnh phù điêu, vòi yoni... Đồ gốm khá phong phú, có tới hơn 18.000 mảnh, gồm các loại bình, vò nồi, nhiều mảnh lớn có thể phục nguyên được, có lẽ đây là những hiện vật nguyên vẹn đã bị sụp vỡ do đây là khu di chỉ cư trú và mộ táng. Một số lớn các bình vò, nồi lớn đã được dùng để đựng than tro hỏa táng - như trong mộ M1: chiếc vò đựng xương tro có hình quả lê, cổ trụ, vành miệng đã mất, vai xuôi thân phình tròn, thu dần xuống đế hình vành khăn thấp; gốm mịn màu ngà vàng, xương trắng xám lẫn ít sỏi laterit. Một vò khác có xương đen, chắc mịn, áo màu đỏ gạch loang lổ. Việc xuất lộ vò gốm chứa than tro, đặc biệt mật độ dày đặc của các cụm bình vò cho thấy đây là phát hiện đầu tiên về một khu mộ táng khá tập trung trong văn hóa Óc Eo.
Đợt khai quật lần thứ hai vào tháng 3-2002 của Viện Khảo cổ học đã góp phần làm rõ thêm nhiều nội dung được phát hiện trong cuộc khai quật lần thứ nhất. Đó là hình thức, nội dung và quy mô của các mộ táng trong khu vực di chỉ cư trú chân Gò Minh Sư. Những nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều hố mộ phân bố trên thềm laterit hoặc chồng chéo lên nhau. Chúng có dạng hố đào hình lòng chảo hoặc hình phễu, đáy lót cát hoặc có thêm lớp đất sét xám xanh bên dưới. Bên trên có các đồ gốm vỡ, xương thú, than tro, sỏi nhỏ và nhiều hiện vật khác... Bên cạnh hiện tượng hỏa táng có thể đã tồn tại hiện tượng hung táng hay bán hung táng. Ngoài số lượng gốm khổng lồ và nhiều hiện vật khác đã được phát hiện gồm các chất liệu đá, xương, thủy tinh, kim loại, gỗ... còn phát hiện xỉ thủy tinh, xỉ kim loại, cốc rót kim loại, mảnh vỡ của các tấm đá... đã cho thấy sự phát triển của nhiều nghề thủ công ở đây. Điều đó góp phần làm rõ thêm tính chất của khu vực cư trú trong di tích. Đặc biệt là việc phát hiện hình thức cư trú trên nhà sàn ở lớp sâu nhất chứng tỏ những thế kỷ trước vào đầu công nguyên, cư dân Gò Tháp đã sinh sống trên nhiều kênh rạch phân bố dày hơn hiện nay và có thể họ đã chọn mộ trên những sườn gò ngay gần nơi cư trú, trước khi bồi đắp nó thành những gò lớn hơn phục vụ cho mục đích tôn giáo hoặc mộ táng. Kết quả này bổ sung thêm cho kết quả hố thám sát năm 2001 trên khu vực Gò Mộ và các kết quả nghiên cứu trước đây. Sự tồn tại của di tích như vậy đã kéo dài ít nhất từ TK II - I TCN đến khoảng TK XI - XII SCN. Việc tiếp tục nghiên cứu tại khu di tích này sẽ góp phần tìm hiểu đời sống của cư dân cổ ở ĐBSCL trên nhiều phương diện, trong khoảng thời gian tồn tại lâu dài và liên tục.
Đợt khai quật lần thứ ba vào tháng 4-2003 tại di tích Gò Minh Sư đã làm rõ thêm các đặc điểm của di chỉ cư trú kiêm mộ táng của di tích. Hình thức cư trú theo mùa được nhận thức khá rõ, cư trú trên các đồi gò thấp bên cạnh các lạch trũng nhỏ và quá trình bồi đắp để mở rộng diện tích sử dụng là một đặc điểm phổ biến của giai đoạn văn hóa Óc Eo ở đây. Bên cạnh các di vật Óc Eo điển hình, một số di vật ngoại nhập còn có những mảnh gốm có đặc điểm của thời tiền sử, cho thấy di tích này trong khu di tích Gò Tháp không chỉ là một trung tâm văn hóa Óc Eo phát triển, có mối quan hệ rộng rãi với thế giới bên ngoài mà còn có lịch sử phát triển lâu đời hơn những gì đã biết đến nay.
Gần đây, khoảng đầu tháng 7-2009 các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật tại Gò Minh Sư phát hiện ra những công trình kiến trúc đồ sộ khoảng từ TK V-VII SCN của cư dân Thủy Chân Lạp. Theo đánh giá ban đầu của các nhà nghiên cứu thì đây là công trình đẹp nhất, có giá trị nhất và với kết quả khai quật này, lần đầu tiên ở Nam Bộ phát hiện ra di chỉ của người Thủy Chân Lạp.
Cuộc khai quật Gò Minh Sư đã làm xuất lộ một nền móng kiến trúc có quy mô khá lớn, cấu tạo độc đáo, mới lạ lần đầu được biết đến trong khu di tích Gò Tháp nói riêng và trong văn hóa cổ ở đồng bằng Tây Nam Bộ nói chung. Kiến trúc được phát hiện có cấu tạo gồm: kiến trúc đền - tháp ở trung tâm (đền ở phía tây, tháp ở phía đông), hành lang phía bên ngoài, bờ tường bao quanh và kiến trúc phụ (hay kiến trúc cổng) với tổng diện tích trên 1.100m2.
Căn cứ vào cấu tạo của tầng văn hóa, đặc điểm kỹ thuật và vật liệu sử dụng trong xây dựng của di tích, cho thấy kiến trúc Gò Minh Sư có thể trải qua ba giai đoạn xây dựng và tu sửa khác nhau: giai đoạn đầu là mở đầu của việc xây dựng kiến trúc đền khoảng TK VI-VII; giai đoạn thứ 2 khoảng từ TK VII-IX, được xây dựng nối tiếp vào tường móng phía đông của kiến trúc cũ để cùng với nó tạo nên bố cục kiến trúc mới khác hẳn kiến trúc cũ; Giai đoạn thứ 3 vào khoảng từ TK IX-XI, đánh dấu một thời kỳ xây dựng mới trên phế tích của giai đoạn trước. Kiến trúc này có thể đã tồn tại qua nhiều giai đoạn phát triển sớm muộn khác nhau, phản ánh một cách cụ thể trình độ văn minh, sự thăng trầm xã hội văn hóa của các lớp người cổ ở Đồng Tháp Mười từ hơn 10 thế kỷ trước.
Đến nay, quần thể di tích Gò Tháp gồm có 5 di tích tiêu biểu: Khu mộ táng, Tháp Cổ tự, mộ và đền thờ cụ Thiên Hộ Dương và Đốc binh Kiều, Gò Minh Sư, miếu Bà Chúa Xứ. Theo các nhà nghiên cứu thì từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VI sau công nguyên, ở đây tồn tại một trung tâm tôn giáo với nhiều đền, tháp. Các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều dấu tích kiến trúc đền đài, tượng gỗ, đá đất nung, nhiều sản phẩm điêu khắc, văn tự cổ cùng với các di vật cư trú, thờ phụng... của nền văn hóa Phù Nam. Họ là một bộ phận dân cư cổ thuộc vương quốc Phù Nam đến đây chinh phục vùng đất sình lầy này để lập nghiệp. Họ đã để lại nơi đây một nền văn hóa phát triển khá rực rỡ, trong đó có ba loại hình di tích quan trọng: di tích cư trú, kiến trúc và mộ táng.
Di tích cư trú được phát hiện ở tầng văn hóa tiếp giáp đáy biển cổ, bên cạnh các di tích kiến trúc và mộ táng, được phân bố dưới chân gò và rộng khắp cánh đồng xung quanh. Di vật ở tầng văn hóa này được tìm thấy hầu hết các loại hình mang đặc trưng cơ bản của nền văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ, gồm các vết tích như: bếp lửa, những mảnh nồi, có nhiều mảnh lớn có thể khôi phục nguyên được, bình có vòi ám khói, thanh củi cháy dở, phế thải bếp núc, xương trâu bò, vỏ dừa, vỏ trấu, trái cây, gỗ có vết gia công, nhiều cọc gỗ nhà sàn, đặc biệt nhiều tượng Phật bằng gỗ và có dấu hiệu của một xưởng thủ công chuyên chế tác loại tượng này... Ngoài ra còn phát hiện được số lượng gốm khổng lồ, các chất liệu đá, xương, thủy tinh, kim loại, gỗ, xỉ thủy tinh, xỉ kim loại, cốc rót kim loại, mảnh vỡ của các tấm đá... đã cho thấy sự phát triển của nhiều nghề thủ công ở đây. Một số lớn các bình vò, nồi lớn đã được dùng để đựng than tro hỏa táng. Niên đại của những di chỉ cư trú này kéo dài từ thời kỳ tiền sử muộn đến thời kỳ văn hóa Óc Eo.
Di tích kiến trúc được phát hiện ở các gò cao như: Tháp mười tầng, Gò Minh Sư, miếu bà Chúa Xứ, lăng mộ Đốc Binh Kiều... Các kiến trúc ở đây rất đa dạng, hầu hết đều nằm sâu trong lòng đất, có quy mô lớn, được xây dựng công phu, có tường thành bao bọc chống sự xâm thực của nước và gió. Kiến trúc xây dựng với trình độ nghệ thuật cao, ở dạng xây chìm theo kiểu đền đài, là nơi thờ phụng hoặc lăng tẩm, có cạnh bẻ góc dài ngắn khác nhau, phần nền và móng có những ô vuông xây gạch, trang trí hoa văn đẹp. Căn cứ vào dấu tích nền móng và những mảnh đá kiến trúc để lại, các nhà khoa khọc cho rằng những di tích này có niên đại vào khoảng TK VI. Nếu so với những khu di tích khác của văn hóa Óc Eo thì khu di tích Gò Tháp tương đương về quy mô, số lượng và loại hình di tích.
Di tích mộ táng phát hiện ở các gò cát đắp có độ cao trung bình, nằm giữa di tích cư trú và kiến trúc. Qua hai đợt khai quật năm 1984 và 1993, phát hiện 9 mộ táng, thu được 340 di vật tùy táng chôn theo. Những ngôi mộ hỏa táng này được xây dựng quy mô lớn, có khuôn viên bao quanh huyệt mộ, vật liệu chủ yếu là gạch và ô dước. Trong cuộc khai quật vào tháng 3-2002 tại Gò Minh Sư đã phát hiện nhiều hố mộ phân bố trên thềm laterit hoặc chồng chéo lên nhau. Chúng có dạng hố đào hình lòng chảo hoặc hình phễu, đáy lót cát hoặc có thêm lớp đất sét xám xanh bên dưới. Bên cạnh hiện tượng hỏa táng có thể đã tồn tại hiện tượng hung táng hay bán hung táng. Với kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, cư dân cổ Gò Tháp về đây định cư, lập nghiệp khi nước biển vừa mới rút, họ chọn gò cao làm nơi cư trú. Họ có nền văn minh khá cao, phát triển một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tinh xảo, đặc biệt là nghề gốm, kim hoàn, chạm khắc, kiến trúc... Những nghề này chắc chắn phải dựa trên một nền công nghiệp và thương mại phát triển.
Ngoài ra, ở di tích Gò Tháp còn có các thiết chế tôn giáo và tín ngưỡng cổ truyền như: tháp cổ tự, đền thờ, miếu bà Chúa Xứ, mộ Hoàng Cô, nền Tháp cổ... và nhiều giai thoại dân gian mang màu sắc huyền bí, tâm linh. Do vậy Gò Tháp được coi là chốn linh thiêng trong tâm tưởng của người dân vùng miền Tây Nam Bộ. Di tích Gò Tháp hàng năm đón tiếp rất nhiều khách hành hương về đây cúng kiếng. Đặc biệt, hai kỳ lễ hội hàng năm vào rằm tháng 3 và tháng 11 âm lịch, có hàng chục nghìn người dân trong khu vực về đây trảy hội, thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí...
Bên cạnh những giá trị to lớn của nền văn hóa cổ, ở Gò Tháp còn chứa đựng những giá trị lớn lao của nền văn hóa đương đại. Nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng trong suốt hai thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Vào giữa TK XIX (những năm 1864-1866), các sĩ phu yêu nước do Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều là chủ soái đã chọn Gò Tháp lập căn cứ, chiêu mộ nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi thực dân Pháp. Ngày nay vẫn còn những dấu tích để lại như: bờ lũy, chiến hào, đồn tiền, đồn tả, một số vũ khí đạn dược... Đặc biệt nơi đây đã ghi dấu tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của Đốc Binh Kiều tại đại bản doanh. Người anh hùng đã gửi gắm thân mình ở vùng đất Gò Tháp trong niềm cảm phục, kính trọng của nhân dân.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Gò Tháp đã trở thành căn cứ địa cách mạng của Xứ ủy Nam Kỳ, ủy ban Hành chánh kháng chiến Nam Bộ, Sở y tế Nam bộ, Khu ủy và Quân khu 8, ủy ban kháng chiến của các tỉnh Tân An (Long An), Mỹ Tho (Tiền Giang), Long Châu Sa (Đồng Tháp). Gò Tháp còn là nơi được Bộ Tư lệnh Khu 8 chọn mở trường quân chính đào tạo cán bộ cung cấp cho chiến trường miền Tây Nam Bộ...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc công của Tiểu đoàn 502 đã đánh sập viễn vọng đài (10 tầng, cao 42m) do chế độ độc tài Ngô Đình Diệm dựng lên làm nơi quan sát, khống chế hoạt động của quân giải phóng ở Đồng Tháp Mười. Những phế tích, các khối bê tông, cốt thép, dấu tích khắc trên các phiến đá khi Ngô Đình Diệm về đây khánh thành vẫn còn đó, minh chứng cho chiến công vang dội của quân và dân Đồng Tháp.
Với bề dày của các giá trị lịch sử văn hóa, di tích Gò Tháp đang được tập trung xây dựng để trở thành trung tâm văn hóa du lịch trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp và của đồng bằng Nam Bộ, góp phần vào việc bảo tồn tốt nhất những giá trị di sản văn hóa của Gò Tháp và đồng thời khai thác các tiềm năng di sản văn hóa phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Đồng Tháp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong thời gian qua, Đồng Tháp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, điện sinh hoạt, nước sạch, đường giao thông... vào khu di tích. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện các công việc chính là: tập trung đền bù giải phóng mặt bằng khu vực Gò Tháp (320ha); Thực hiện quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết toàn bộ khu di tích Gò Tháp. Đồ án quy hoạch phân làm 3 khu chính (khu bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo, có diện tích 50ha; khu bảo tồn sinh thái 167ha; khu du lịch dịch vụ 47ha). Việc xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất được đẩy mạnh, bao gồm: hệ thống đê bao quanh di tích dài 7,7km, mặt đường 5m; xây dựng 2 trạm bơm điều tiết nước công suất 1.500m3/h; xây dựng đường đi nội bộ, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp điện, nước, thông tin liên lạc... UBND tỉnh đã phê duyệt dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Gò Tháp với tổng số vốn 115 tỷ, hiện dự án đang triển khai nhiều hạng mục công trình bảo tồn tôn tạo các điểm di tích khảo cổ học văn hóa Óc Eo, di tích lịch sử cách mạng, trong đó, xây dựng nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và các điểm di tích tôn giáo tín ngưỡng. Ngoài ra, Tỉnh còn có các chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác dịch vụ du lịch: xây dựng tháp sen cao 120m và xây dựng vườn thú diện tích 23ha. Với chủ trương xã hội hóa, nhân dân đã góp công của vào xây dựng nhiều công trình văn hóa ở khu vực Gò Tháp như: mái che nền tháp cổ, đền thờ, khu mộ, tượng đài Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều, miếu bà chúa Xứ, tháp cổ tự... làm cho diện mạo di tích ngày càng khang trang hơn.
Về quản lý nhà nước, tỉnh đã xúc tiến thành lập bộ máy và nguồn nhân lực quản lý, khai thác các giá trị di sản văn hóa ở Gò Tháp.
Vấn đề bảo tồn di sản văn hóa Gò Tháp đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm giải quyết:
Thứ nhất, hiện nay các di tích văn hóa ở Gò Tháp đang được bảo tồn chủ yếu là di tích kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng mà hầu như ít quan tâm đến di tích cư trú. Vì thế cần phải tiếp tục khai quật ở nhiều khu vực của di tích với quy mô rộng lớn hơn, phải kết hợp với nhiều ngành khoa học, nhiều cơ quan thuộc các lĩnh vực khác nhau để có những biện pháp bảo tồn thích hợp và tiếp tục làm hé lộ những bí ẩn và những giá trị văn hóa của khu di tích này.
Thứ hai, Gò Tháp thực sự là một di sản văn hóa lịch sử có ý nghĩa đặc biệt về nhiều mặt, tuy nhiên việc bảo tồn, trùng tu và phát huy còn rất sơ sài, chắp vá... chưa thể xứng tầm một di tích mang tầm cỡ quốc gia.
Thứ ba, Gò Tháp tập trung nhiều loại hình di sản văn hóa lịch sử truyền thống và hiện đại tiêu biểu; là một trong những di tích có tầm quan trọng nhất trong việc nghiên cứu văn hóa Óc Eo và lịch sử vùng đất phía Nam trong những thế kỷ đầu công nguyên, đồng thời là một di tích cách mạng và kháng chiến hào hùng. Việc tiếp cận nghiên cứu đã có những kết quả bước đầu, nhưng việc khai thác, phát huy những giá trị di sản nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương còn chưa tương xứng và chưa vững chắc. Di tích Gò Tháp chắc chắn còn chứa đựng nhiều bí ẩn, đòi hỏi tiếp tục quan tâm, nghiên cứu nhằm nhận thức một cách sâu rộng và chính xác hơn giá trị di sản văn hóa. Đồng thời có giải pháp phù hợp, xác đáng nhằm phát huy giá trị của di sản văn hóa Gò Tháp vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 314, tháng 8-2010
Tác giả : Nguyễn Thị Song Thương