"Điện ảnh - Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa”

Hội thảo: “Điện ảnh - Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa” nằm trong chuỗi sự kiện của Liên hoan Phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ VI vừa diễn ra sáng 10-11 tại Khách sạn Daewoo. Nhiều tham luận cùng những clip giới thiệu về thiên nhiên, di sản, văn hóa… đã được nhiều Lãnh đạo các Sở VHTT, Sở VHTTDL trình bày tại Hội thảo.

Hội thảo được chia làm hai phần, với phần I xoay quanh tiềm năng hợp tác giữa điện ảnh và các địa phương. Phần II là các tham luận, ý kiến xung quanh chủ đề Điện ảnh kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa. Đặc biệt, Hội thảo cũng giới thiệu các tiềm năng về việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong đó, nhấn mạnh đến các chính sách khuyến khích đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến Việt Nam thực hiện sản xuất phim, đã được quy định tại Điều 13, Điều 41 của Luật Điện ảnh vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023.

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà điều hành Hội thảo

Mở màn cho khối địa phương lên quảng bá những thế mạnh trong văn hóa, di sản và khả năng thu hút, cung ứng dịch vụ làm phim, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã vận chiếc áo ngũ thân như một nét quảng bá, tôn vinh cho áo dài Huế đến các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự LHP. Hàng loạt những danh lam thắng cảnh của Huế đã đi vào phim ảnh, trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Những café Mắt biếc, cây Cô đơn, lăng tẩm, nhà vườn… đã được lăng xê qua nhiều bộ phim như Đông Dương, Mắt biếc, Gái già lắm chiêu, Kiều…

Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải mong muốn những di sản của Huế sẽ được các nhà làm phim khai thác, đưa vào phim

Ngoài những danh lam thẳng cảnh, ông Phan Thanh Hải cũng mong muốn trong thời gian tới những di sản văn hóa của Huế như Mộc bản triều Nguyễn, Áo ngũ thân, Nhã nhạc cung đình cùng nhiều nét đặc sắc trong ẩm thực Huế sẽ được các nhà làm phim trong và ngoài nước khai thác và đưa vào phim. Về phía thành phố, Huế cũng có nhiều chính sách, sự ưu đãi để thu hút các nhà làm phim đến với Huế.

“Chính sách của Huế là tạo mọi điều kiện cho các nhà làm phim đến xây dựng phim trường. Những đoàn làm phim đến Huế làm bối cảnh cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi”, ông Phan Thanh Hải chia sẻ.

Hội thảo được nhiều người làm nghề quan tâm

Bà Mai Thị Thao – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang cho biết, với 658 di tích lịch sử, cách mạng, Tuyên Quang được xem như bảo tàng cách mạng lớn nhất Việt Nam, khi có nhiều địa danh gắn với lịch sử, các vị lãnh tụ, các cơ quan, đoàn thể trong cuộc chiến giành độc lập. Ngoài ra, khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang hay những nét đặc sắc trong các lễ hội hát Then, nhảy lửa… cũng rất thu hút. Đặc biệt khu vực Hồ sinh thái Na Hang có thể đáp ứng cho bối cảnh của nhiều bộ phim trong và ngoài nước với một quần thể sông nước, núi non, cây cối phong phú, đa dạng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình cũng cho biết, ngoài di sản thiên nhiên văn hóa Tràng An thì Ninh Bình còn gần 2 ngàn di tích lịch sử, văn hóa, 81 di tích lịch sử quốc gia và hơn 300 di sản phi vật thể, với nhiều lễ hội truyền thống, các triều đại lịch sử…

Những nét riêng trong thiên nhiên, phong cảnh, văn hóa, ẩm thực của từng địa phương nếu phát huy tốt, sẽ tạo nên sự phong phú, khác biệt trong các bộ phim.

Với chủ đề Điện ảnh - Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa, một số tham luận lại tập trung vào việc khắc họa nét đặc sắc của văn hóa bản địa qua câu chuyện, nhân vật, các tập tục, nếp sống.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú: xây dựng nét văn hóa dân tộc, nét văn hóa bản địa đậm đặc trên phim là sự đề kháng tốt chống lại sự xâm lăng về văn hóa

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ: Xây dựng nét văn hóa dân tộc, nét văn hóa bản địa đậm đặc trên phim chính là sự đề kháng tốt để chống lại sự xâm lăng về văn hóa trong hội nhập. Nếu mỗi tác phẩm điện ảnh kết hợp được tâm hồn, bản sắc dân tộc với phương tiện, kỹ thuật hiện đại, sẽ làm nên một bộ phim mang đậm nét riêng, trong khi vẫn tận dụng được tối đa sức mạnh của công nghệ, kỹ thuật. Trong một thế giới kết nối, khán giả cũng sẽ học cách chấp nhận cái riêng, cái khác biệt. Điện ảnh Việt nên học hỏi các quốc gia có nền điện ảnh phát triển, để đưa những nét văn hóa đặc sắc, những giá trị văn hóa truyền thống vào các bộ phim.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Điện ảnh Việt Nam còn ít phim khai thác về đề tài dân tộc thiểu số

Nhà văn Đỗ Bích Thúy – tác giả của truyện Tiếng đàn môi sau bờ rào đá được chuyển thể thành Chuyện của Pao đã có những chia sẻ thú vị. Với gần 30 năm gắn bó với Hà Giang, với đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể là đồng bào Mông, nhà văn Đỗ Bích Thúy cho rằng, điện ảnh Việt Nam có quá ít những bộ phim khai thác đề tài dân tộc thiểu số. Những bộ phim như Vợ chồng A Phủ, Chuyện của Pao chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau khi phim đoạt giải, nhà của Pao đã trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến với Đồng Văn, Hà Giang. Chính vẻ đẹp trong phong cảnh, trang phục khi lên phim đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân bản địa, đánh thức lòng tự hào trong họ về vùng đất mình đang sống.

Theo nhà văn, nhà biên kịch Đỗ Bích Thúy, nếu không có phim ảnh, nhiều nét văn hóa sẽ không còn được nhớ đến, như những ngôi nhà trình tường, những bộ trang phục mang đậm nét bản sắc riêng của từng tộc người, hay đơn giản là chiếc gùi đeo lưng (Quẩy tấu) đan bằng tre cũng đang có nguy cơ mất dần trong đời sống người dân vùng cao. Tất cả là do sự xâm lấn của văn hóa vật chất, khiến các giá trị truyền thống dần mai một. Những bộ phim thành công, đặc sắc, tôn vinh những vẻ đẹp nhất của dân tộc, không chỉ giúp quảng bá văn hóa qua tác phẩm điện ảnh, mà còn giúp khơi lên lòng tự hào của các cư dân sinh sống tại những vùng miền khác nhau.

Đại diện cho Công ty Tincom Media, nữ diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền chia sẻ: Là một đạo diễn, một nhà sản xuất trong các tác phẩm, chúng tôi luôn có ý thức tạo ra các giá trị về văn hóa. Những dự án gần đây như Lạc giới, Giấc mơ Mỹ, Kiều… chúng tôi đều cố gắng khai thác nét đẹp, nét đặc sắc của các vùng miền để đưa vào phim. Khi mang phim đi ra quốc tế, các khán giả nước ngoài sẽ có thêm những góc nhìn về thiên nhiên, phong cảnh, nét văn hóa của Việt Nam, và không ít khán giả sẽ mơ được đặt chân tới những vùng đất trong phim. Nhà sản xuất Mai Thu Huyền cho biết, chị cũng ngạc nhiên về lễ hội trung thu tại Tuyên Quang. Hóa ra có những vùng đất với những lễ hội, nét bản sắc tuyệt vời như thế. Chị mong muốn một ngày gần nhất sẽ được khai thác, đưa những nét văn hóa đó vào trong các bộ phim mà mình sản xuất.

Với hai phần tách biệt: Quảng bá bối cảnh, nét đặc sắc trong thiên nhiên, văn hóa vùng miền và phần kết nối lan tỏa giá trị văn hóa, Hội thảo đã mang đến cho các đại biểu, các nghệ sĩ tham dự LHP một góc nhìn sâu hơn vào văn hóa cũng như khát khao kết nối, quảng bá đưa các nét văn hóa riêng biệt đó ra với khu vực, với toàn cầu thông qua phim ảnh.

NGUYÊN AN - Ảnh: TUẤN MINH

;