ĐẠO MẪU NHÌN TỪ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

 

1. Đôi điều suy nghĩ về bản sắc văn hóa dân tộc

Để hiểu rõ mối quan hệ giữa đạo Mẫu, văn hóa thờ nữ thần và bản sắc văn hóa dân tộc, trước hết cần thống nhất quan niệm về bản sắc văn hóa. Nhìn tổng quát, bản sắc văn hóa là những đặc điểm về tính cách, phẩm chất của một cộng đồng quốc gia, dân tộc, được hun đúc, kết tinh lại trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, qua đó, được khái quát hóa thành biểu tượng văn hóa để khơi dậy niềm tự hào dân tộc và được quy chiếu để so sánh, phân biệt nó với các quốc gia, dân tộc khác.

Các nhà khoa học thường tiếp cận bản sắc văn hóa từ góc độ tổng thế các giá trị đặc trưng, bản chất của văn hóa dân tộc. Đó là những yếu tố tạo ra nền tảng tinh thần mang tính trường tồn, bền vững của từng quốc gia, dân tộc. Từ góc nhìn đó, người ta xem xét bản bản sắc văn hóa trong những điều kiện môi trường tự nhiên và lịch sử - xã hội cụ thể. Trường hợp Việt Nam, có những đặc trưng cơ bản cần được lưu ý:

Dân tộc đã hình thành và phát triển trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt: nóng ẩm, gió mùa, mưa bão, lũ lụt thường xuyên, với nền kinh tế truyền thống là nông nghiệp trồng lúa nước, đồng thời lại là nơi gặp gỡ của nhiều nền văn minh lớn trên thế giới.

Hình thành từ rất sớm (nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước CN), nhưng Việt Nam luôn phải đương đầu với các thế lực xâm lược ngoại bang hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, để bảo vệ nền độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Cùng cội nguồn văn hóa trong bối cảnh Đông Nam Á, nhưng do phải trải qua hàng ngàn năm thống trị của nhà Hán và cách thức áp đặt văn hóa Hán mang tính chất đồng hóa, nên văn hóa Việt Nam còn mang đậm nét văn hóa Đông Á. Đó là điểm khác biệt của văn hóa Việt Nam so với Thái Lan, Lào, Indonesia…

Những điều kiện tự nhiên và lịch sử - xã hội đặc thù đã tạo nên nét đặc trưng văn hóa nổi bật của Việt Nam: tinh thần yêu nước là tư tưởng xuyên suốt, bao trùm lên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Các yếu tố cộng đồng từ thời tiền, sơ sử đã được gắn kết lại làm nền tảng phát triển chủ nghĩa yêu nuớc và ý thức tự cường dân tộc. Về cơ bản, văn hóa Việt Nam mang tính đa dạng trong sự thống nhất với sự đan xen nhiều lớp văn hóa: văn hóa bản địa (của cộng đồng 54 dân tộc), văn hóa Hán - Ấn và văn hóa phương Tây.

Có thể tiếp cận bản sắc văn hóa dân tộc từ thái độ ứng xử văn hóa của cộng đồng dân tộc, mà theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng thì đó là: thái độ ứng xử với thiên nhiên, thái độ ứng xử với xã hội và cộng đồng, thái độ ứng xử với chính mình, thái độ ứng xử với với thần linh.

Trao đổi về tín ngưỡng thờ nữ thần (đạo Mẫu), chúng tôi xin chỉ xem xét một khía cạnh biểu hiện cụ thể của bản sắc văn hóa Việt Nam, đó là thái độ của con người với thần linh, biểu tượng văn hóa thiêng liêng. Ta thấy, tín ngưỡng, tôn giáo có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt. Với quan niệm vạn vật hữu linh, sự khẳng định có mối quan hệ khăng khít giữa thế giới những người đang sống với tổ tiên, thế giới những người đã khuất, người Việt Nam có xu hướng thiêng liêng hóa các sự vật, hiện tượng tự nhiên và các cá nhân mà theo họ là có khả năng siêu việt, mang lại lợi ích và bảo hộ cho họ trong các lĩnh vực đời sống hàng ngày. Họ đã lịch sử hóa, nhân cách hóa các lực lượng tự nhiên, huyền thoại hóa các nhân vật lịch sử và tất cả đều được coi là thần linh. Vì thế, ở Việt Nam từ lâu đã hình thành một mạng lưới dày đặc các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng trên khắp mọi nẻo làng quê của đất nước (một làng ít nhất cũng có đình, đền, chùa, miếu…) với một hệ thống thần điện thiêng liêng cao cả mà điển hình nhất là hiện tượng Tứ bất tử: Tản Viên Sơn thánh, Thánh Gióng/Phù Đổng Thiên Vương, Thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Mẫu Liễu Hạnh - Biểu tượng đặc trưng của văn hóa thờ nữ thần.

Có thể thấy, văn hóa thờ nữ thần Mẫu Liễu Hạnh là biểu tượng đặc trưng về Bà mẹ xử sở và tình yêu thương góp phần làm nên diện mạo Tứ bất tử - bốn vị thánh thiêng liêng và quyền năng vượt trội nhất trong hệ thống thần điện Việt Nam. Trong văn hóa Việt Nam, nhân tố nữ, nữ thần, nhân thần cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ như hình tượng Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Chân và vô vàn anh hùng, liệt nữ được nhiều thế hệ người Việt Nam sùng kính và tôn thờ. Đặc biệt, trong thời đại chúng ta các bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng trở thành biểu tượng cho đức hy sinh, trung hậu, đảm đang mà thế hệ trẻ đang tri ân và ngưỡng vọng. Do đó, có thể coi văn hóa thờ nữ thần cũng là nhân tố thể hiện bản sắc văn hóa Việt.

Tóm lại, bản sắc văn hóa là những đặc trưng về phẩm chất, nhân cách và bản lĩnh của một quốc gia dân tộc, mà nhờ đó chúng ta được là chính mình và được phân biệt với các quốc gia dân tộc khác trong khu vực cũng như toàn thế giới. Bản sắc văn hóa là hệ thống những giá trị văn hóa bền vững, có quá trình tích hợp lâu dài, làm nền tảng tinh thần cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc.

2. Những đóng góp cơ bản của tín ngưỡng thờ nữ thần trong bản sắc văn hóa Việt

Trước hết, bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện ở tính chất bản địa và sự bền vững, trường tồn của một thành tố văn hóa. Chúng ta có quyền tự hào nói rằng, tín ngưỡng văn hóa thờ nữ thần là yếu tố văn hóa có nguồn gốc Việt, được hình thành từ buổi bình minh của dân tộc. Từ xa xưa, người Việt đã có tín ngưỡng thờ các nữ thần: mây, mưa, sấm, chớp đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong xã hội nông nghiệp trồng lúa nước mà ngày nay chúng ta gọi là tứ pháp. Bằng chứng thuyết phục nhất phải kể đến hệ thống chùa tứ pháp hiện có ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Khả năng dung hội văn hóa vô vùng lớn lao, mềm dẻo của Phật giáo là ở chỗ, khi xâm nhập vào đất Việt, đạo Phật đã được bản địa hóa, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa Phật giáo với các tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc nguyên thủy ở địa phương - tín ngưỡng văn hóa thờ các nữ thần. Đó chính là cơ sở giúp cho Phật giáo có chỗ đứng vững chắc trong đời sống văn hóa dân tộc, để tạo lập ra hệ thống chùa tứ pháp mà ở đó, tượng của các nữ thần thường được tạo tác với kích thước lớn hơn rất nhiều so với các tượng phật khác. Các nữ thần được tôn thờ dưới hình tượng các vị phật: Pháp Vân (nữ thần mây), Pháp Vũ (nữ thần mưa), Pháp Lôi (nữ thần sấm), Pháp Điện (nữ thần chớp).

Ta còn thấy tính chất bản địa phát triển liên tục và lâu dài trong văn hóa thờ nữ thần của Việt Nam qua mô hình tổng quát về đạo Mẫu Việt Nam do tác giả Ngô Đức Thịnh phác họa ra với ba lớp kế tiếp và có mối liên hệ hữu cơ với nhau là “nữ thần, mẫu thần và mẫu tam phủ, tứ phủ”. Điều đó cũng có nghĩa, các nữ thần, mẫu thần và thánh mẫu vừa có nguồn gốc thiên thần, vừa có nguồn gốc nhân thần, được thăng hoa lên từ nền tảng thờ nữ thần vốn rất phổ biến từ thời tiền, sơ sử ở Việt Nam và hiện đang được tiếp nối trong thời đại của chúng ta. Sự sùng tín đối với Chị Sáu/ Cô Sáu ở nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo và 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh, có lẽ là hiện tượng văn hóa đặc sắc chỉ có ở Việt Nam. Họ đã có vị trí đặc biệt trong tâm thức Việt, vì theo quan niệm dân gian, những cô gái trẻ mất sớm khi còn trong trắng, đặc biệt là những ai đã tận hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước đều được cộng đồng tôn vinh như những vị thần linh cần được tôn thờ. Và tín ngưỡng đó sẽ trở nên linh thiêng nếu nhiều người tìm thấy ở đó sự trải nghiệm cá nhân và sự linh ứng. Hiện tượng đặc biệt như vật rất cần được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, lý giải như một nét đặc thù văn hóa.

Văn hóa thờ nữ thần thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc ở chỗ, nó là hiện tượng văn hóa có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh Việt, tức là có sự hiện diện ở mọi vùng miền của đất nước (từ Bắc - Trung - Nam, cả miền đồng bằng lẫn miền núi), được mọi tầng lớp cư dân trong xã hội, không kể sang hèn, địa vị xã hội, tin theo và tôn kính. Ở miền Bắc, ta có thể tìm thấy điện thờ mẫu ở trong hầu hết kiến trúc cấu thành của các ngôi chùa. Đó là tính chất phổ biến và sự lan tỏa của nó trong đời sống xã hội. Theo tác giả Ngô Đức Thịnh thì “trong 27 vị thần tiên có nguồn gốc thuần Việt, có tới 17 vị là tiên nữ, trong số hàng ngàn di tích được giới thiệu đã có 250 di tích thờ cúng các nữ thần và danh nhân là nữ. Riêng xung quanh Phủ Giày thờ Mẫu Liễu, người ta cũng tìm thấy hơn 20 đền, miếu thờ các nữ thần”. Trong tín ngưỡng thờ mẫu, giá trị cốt lõi và sự hấp dẫn tột cùng là các giá hầu đồng, nhập đồng, múa thiêng. Trong diễn trình hầu đồng, con người như được siêu thoát khỏi thế giới trần tục đầy hệ lụy và nhiều áp lực căng thẳng về tâm lý để được tiếp cận với thế giới siêu nhiên, thế giới của cái thiêng. Và do đó, con người cảm thấy hạnh phúc ngập tràn, ở ngay đây và tại thời điểm này, trong hiện tại mà không phải tương lai.

Xin dẫn ra đây một số đền mẫu điển hình để thấy rõ sự phân bố rộng khắp và ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa thờ nữ thần ở nước ta: Quốc Mẫu Âu Cơ, đền Hạ Hòa, Hiền Lương, Phú Thọ; Mẫu Tây Thiên, Tam Đảo, Vĩnh Phúc; Mẫu Liễu Hạnh, Phủ Giày, Nam Định và Phủ Tây Hồ, Hà Nội; Mẫu Thiên Yana, điện Hòn Chén, Huế; bà Ponagar, Tháp Bà, Nha Trang; Bà Chúa Xứ, miếu Bà Chúa Xứ, An Giang; Bà Đen/ Linh Sơn Thánh Mẫu, điện Bà trên núi Bà Đen, Tây Ninh ...

Như đã nói, nét đặc sắc trong văn hóa Việt Nam thể hiện ở sự đa dạng trong thống nhất. Ta cũng thấy rõ đặc trưng này trong văn hóa thờ nữ thần mà ở đó sự dung hợp văn hóa là rất đặc biệt. Từ nữ thần Ponagar của người Chăm đã được Việt hóa thành nữ thần Thiên Yana được cả người Việt và người Chăm cùng thờ ở tháp Bà Ponagar, Nha Trang. Từ bức tượng Visnu (nam thần) hay là tượng Phật đàn ông của người Khơme (theo nhà văn Sơn Nam) được hóa thân thành Bà Chúa Xứ được cả người Việt lẫn người Hoa, người Khơme tôn thờ. Trên điện mẫu ta thấy có bóng dáng của cả Nho, Lão và Phật, có sự hiện diện của tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, tượng Quan Âm và các nam thần khác. Tính dung hợp trong văn hóa nói chung, trong tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng (kể cả trong văn hóa thờ nữ thần) chính là nét văn hóa đặc thù của Việt Nam từ ngàn đời nay. Nhờ vào bản tính nhân văn trong văn hóa cũng như khả năng dung hợp văn hóa (tiếp nhận tinh hoa, chấp nhận sự khác biệt để có thái độ khoan dung văn hóa) Việt Nam đã tránh được thảm họa (cái mà nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt) xung đột tôn giáo, tín ngưỡng và sắc tộc. Không kỳ thị dân tộc và tôn giáo, tín ngưỡng là mặt mạnh trong văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam. Đây cũng là giá trị văn hóa truyền thống quý báu mà thế hệ chúng ta cần trân trọng giữ gìn với tư cách là nguồn vốn văn hóa, sức mạnh mềm của đất nước trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế.

Điểm nổi trội khác trong bản sắc văn hóa Việt Nam cần được nhấn mạnh, là lòng yêu nước, ý thức tự cường dân tộc và tinh thần đoàn kết cộng đồng tạo ra sức mạnh văn hóa giúp chúng ta vượt qua nhiều thử thách khốc liệt trong quá khứ cũng như trong quá trình hội nhập quốc tế hôm nay. Xét từ khía cạnh văn hóa đặc biệt này ta cũng thấy, văn hóa thờ nữ thần - Đạo Mẫu Việt Nam luôn có những đóng góp rất xứng đáng. Ta hãy xét hiện tượng hầu đồng, một nghi lễ chủ đạo nhất trong tục thờ mẫu để thấy ý nghĩa của nó trong việc giáo dục nhân cách, cổ vũ, ca ngợi tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc. Thông qua các giá đồng nhiều vị thánh đã được lịch sử hóa, thiêng liêng hóa, tôn thờ và ca ngợi là những người có công trạng với quê hương đất nước, nêu tấm gương sáng về tinh thần yêu nước (như giá đồng ông Hoàng Mười gợi nhớ lại cảnh tượng người đi đánh giặc ở khắp mọi miền Đông, Tây, Nam, Bắc).

Nghi lễ hầu đồng trong đạo Mẫu đã sản sinh ra loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu là hát chầu văn, một hình thức diễn xướng dân gian thuần Việt. Cũng có thể coi đây là hình thức sân khấu đặc thù mang tính tâm linh. Bởi vì ở đó các lớp diễn xướng mô tả lại hành trạng của thánh, có các làn điệu dân ca kết hợp với âm nhạc và điệu múa truyền thống. Đây còn là môi trường văn hóa hay không gian thiêng để dung dưỡng kho tàng văn hóa dân gian: huyền thoại, truyền thuyết, các hình thức văn học truyền miệng về biểu tượng văn hóa cũng như tấm gương đạo đức của các vị thần linh đất Việt. Bằng các phương thức hoạt động như vậy, đạo Mẫu, văn hóa thờ nữ thần có tác dụng tích cực trong việc truyền bá tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức độc lập tự cường trong nhận thức của các tín đồ, đạo hữu trong cả nước.

Tóm lại, chúng ta tự hào mà khẳng định rằng, có một loại hình văn hóa thờ nữ thần, đạo Mẫu thuần Việt có nguồn gốc bản địa, lâu đời, góp phần xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng phản ánh một khía cạnh độc đáo trong bản sắc văn hóa dân tộc. Và có thể coi đây là những cơ sở khoa học bước đầu để giúp các nhà quản lý xác định thái độ ứng xử văn hóa đối với đạo Mẫu nói chung và các thiết chế gắn với tín ngưỡng thờ mẫu nói riêng như là những di tích lịch sử, văn hóa độc đáo của đất nước. Đó cũng là mong muốn góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về tự do tôn giáo, tín ngưỡng và xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 342, tháng 12-2012

Tác giả : Đặng Văn Bài - Nguyễn Thị Thu Trang

;