ĐẠO ĐỨC KINH DOANH TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN Ở VIỆT NAM

Đạo đức kinh doanh là các nguyên tắc, chuẩn mực được xã hội công nhận nhằm hướng dẫn, điều chỉnh, đánh giá và kiểm soát hành vi của chủ thể kinh doanh, đảm bảo giá trị, lợi ích của các bên trong hoạt động kinh tế. Nhìn từ góc độ văn hóa, đạo đức kinh doanh là yếu tố cốt lõi tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, làm giàu chính đáng, là vấn đề căn cốt quyết định hướng kinh doanh với tư cách của một yếu tố đầu vào cấu thành nên giá trị thương hiệu của bất kỳ một doanh nghiệp nào. Đạo đức kinh doanh chính là nền tảng của sự thành công trong phát triển bền vững, đảm bảo cho khả năng tạo lập một thị trường có tính minh bạch trong khuôn khổ pháp luật và chuẩn mực xã hội. Không một pháp luật nào, dù hoàn thiện đến đâu chăng nữa có thể thay thế vai trò của đạo đức kinh doanh trong việc tác động vào lương tâm, khuyến khích mọi người kinh doanh theo chữ tín.

1. Thực trạng đạo đức kinh doanh trong hoạt động kinh tế tư nhân ở Việt Nam

Khát vọng, mong muốn của khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được ghi nhận tại văn kiện Đại hội XII của Đảng với một định hình tư duy mới để phát triển mà còn được hiện thực hóa trong việc tháo gỡ nhiều rào cản đối với doanh nghiệp tư nhân ngay trên bàn Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017. Đây không chỉ là sự thay đổi quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân mà còn là một quyết tâm chính trị trong việc tập trung trí tuệ, sức lực nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi từ những thành quả tăng trưởng thương mại, tạo bước phát triển mới về một nền kinh tế của toàn dân ở Việt Nam.

Nhìn vào thực tế có thể thấy, hiện kinh tế tư nhân với khoảng 500.000 doanh nghiệp chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm và đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm. Tuy nhiên, dù đang có sức vươn lên mạnh mẽ, song đến nay quy mô và nội lực của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đa phần còn nhỏ và yếu. Thống kê của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam về doanh nghiệp tư nhân, chỉ có 2% doanh nghiệp lớn, có tới 98% doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, hộ cá thể với năng lực tài chính yếu. Một điểm đáng chú ý nữa là trong khi cả khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP thì riêng kinh tế hộ cá thể đã chiếm 31,33%, điều này chứng tỏ các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam chỉ góp tỷ trọng GDP nhỏ.

Lý giải cho điều này, các chuyên gia kinh tế cho rằng: thứ nhất, chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó gần 60% có quy mô rất nhỏ, vốn cũng như điều kiện kỹ thuật rất lạc hậu. Thực lực yếu cộng với việc các doanh nghiệp không tạo nên được chuỗi liên kết với nhau và liên kết với nước ngoài dưới danh nghĩa doanh nghiệp Việt nên dù số lượng không nhỏ, doanh nghiệp Việt chưa tạo được sức mạnh như đàn kiến, cố kết với nhau tạo thành một quả cầu để băng qua suối, từ đó không đủ năng lực để cạnh tranh. Thứ hai, Việt Nam thiếu những doanh nghiệp đầu đàn, trụ cột, để các doanh nghiệp nhỏ liên kết vào, tạo thành một thực thể mạnh. Ở Việt Nam, kể cả nhiều doanh nghiệp lớn có tạo thêm được một vài doanh nghiệp khác cũng chỉ thuộc phạm vi những doanh nghiệp, tập đoàn ấy. Như vậy, cả về trụ cột lẫn năng lực liên kết, các doanh nghiệp Việt đều thiếu. Hiện nay, kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, cá thể, chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thứ ba, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong sự o ép của thị trường phải đối mặt với rất nhiều thử thách sống còn: kỹ năng lãnh đạo yếu và thiếu, không rõ về mô hình quản trị và văn hóa, không dự báo nguồn tài chính tương ứng dẫn tới thiếu vốn trong quá trình vận hành, hoặc chọn sai nhà đầu tư, làm mất đoàn kết nội bộ; bỏ sót, không nghiên cứu sản phẩm thị trường nên đi sai chiến lược; không có hệ thống nhân sự phù hợp, hợp tác lâu dài mà thường chắp vá có người để làm… Hậu quả là nhiều doanh nghiệp bị đẩy vào tình trạng kinh doanh thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp dẫn tới tạm ngừng hoạt động, hoặc phá sản và hàng trăm doanh nghiệp ở dạng treo, không thể giải thể do không đủ khả năng để hoàn thành thủ tục thanh toán hết các khoản nợ.

Trong giai đoạn 2013 - 2015, mỗi năm có khoảng gần 80.000 doanh nghiệp được thành lập, nhưng đồng thời cũng có trên 70.000 doanh nghiệp bị giải thể và ngừng hoạt động. Năm 2017, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, riêng trong quý I, cả nước có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, song cũng có tới 23.904 doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngừng hoạt động. Tính trong 6 tháng đầu năm 2017, vốn đầu tư toàn xã hội ước tính đạt 674,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,8% GDP, trong đó khu vực ngoài nhà nước đạt 260,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,7% và tăng 14,9%; cả nước có 61.276 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 12,4% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2016; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2017 là 5.443 doanh nghiệp, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2017 lại tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước với 37.907 doanh nghiệp.

Thực tế trên cho thấy, việc tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp hết sức khó khăn, với các doanh nghiệp và hộ cá thể tư nhân lại càng khó khăn hơn. Cơ chế thị trường trong xu thế đề cao tham vọng quyền lực kinh tế, lợi ích, lợi nhuận, đạo đức kinh doanh trở thành một thứ xa xỉ hoặc bị bỏ qua khiến tình trạng vi phạm đạo đức kinh doanh ngày càng nhức nhối, phức tạp. Có thể nói, chưa bao giờ trường từ ngữ có sắc thái tiêu cực như: hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, kinh doanh trái phép, trốn thuế, gian lận, hàng cấm, thực phẩm bẩn… lại có tần suất trong mô tả đời sống kinh doanh trên phương tiện thông tin đại chúng nhiều đến thế. Chỉ tính riêng lĩnh vực thực phẩm, chưa bao giờ những hóa chất bị cấm như lưu huỳnh, methanol, bột đinh hương, phẩm màu, chất tạo nạc… lại được mua bán một cách dễ dàng, được phát hiện sử dụng trong chăn nuôi hoặc trộn trực tiếp vào thuốc đông y, hàng loạt các thực phẩm kém chất lượng để biến chúng trở thành đặc sản trên bàn tiệc hoặc những bữa ăn tập thể và gia đình… Đời sống kinh doanh của người Việt luôn hàm chứa không chỉ là sự gian lận mà là gian lận tinh vi, làm giả, nhái đương nhiên đến mức phổ biến.

Hậu quả của những hành vi vô đạo trên là hàng loạt vụ ngộ độc cá nhân, tập thể, thậm chí tử vong vì rượu nhiễm methanol, nước giải khát nhiễm chì… Cùng với những con số ám ảnh về tai nạn giao thông, nguy cơ chết từ từ vì độc tố vô tình được đưa vào cơ thể người Việt ám ảnh tới từng bữa ăn, giấc ngủ, hiển thị thành những căn bệnh nan y như ung thư, tim mạch, hệ hô hấp và tình trạng giảm thiểu khả năng chuyển hóa, miễn dịch của cơ thể con người. Mặt khác, hàng ngàn vụ vi phạm, chiếm hơn 90% vụ việc qua thanh, kiểm tra bị phát hiện vi phạm liên quan đến buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, giả mạo giấy tờ, hợp thức hóa chứng từ, gian lận thuế, trốn thuế, nguy cơ bị lạm dụng vốn, bị móc túi, cao hơn nữa là bị lôi kéo vào các chiêu trò kinh doanh đa cấp lừa đảo rình rập từ đô thị cho tới tận các làng quê xa xôi, đẩy nhiều hộ nông dân nghèo vào bế tắc…

Liên tục trong nhiều năm trở lại đây, công luận cũng đã có nhiều phản ứng với các hiện tượng kinh doanh chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua lợi ích của cộng đồng khiến người Việt tự triệt tiêu nhau, nhưng dường như chưa có được những cú hích đủ sức tạo ra những thay đổi cần thiết cho xã hội. Chúng ta đã và đang xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đó là mô hình phát triển kinh tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong xu thế phát triển của thế giới, nhưng rõ ràng, sau hơn 30 năm tiến hành, hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh vẫn còn chưa đầy đủ, thể chế hoạt động kinh doanh chưa rõ ràng nên những kiểu kinh doanh cơ hội, chộp giật, mang lại lợi nhuận bằng mọi giá cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vẫn hoành hành và chỉ dừng lại khi bị phát hiện, xử lý. Mà việc phát hiện, xử lý lại rất chậm và quá ít so với thực tế âm thầm đang diễn ra do cố ý hay vô tình, khiến vấn đề tuân thủ đạo đức kinh doanh vẫn chưa chi phối được hành vi kinh doanh. Hàng chục nghìn doanh nghiệp Việt Nam giải thể, phá sản, ngừng hoạt động nêu trên ngoài lý do nợ xấu, sự đóng băng của thị trường, do khủng hoảng kinh tế, tài chính… thì vi phạm đạo đức kinh doanh cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến cho doanh nghiệp không thể phát triển bền vững.

2. Đạo đức kinh doanh trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam

Đạo đức kinh doanh là yếu tố cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh của người Việt đến nay vẫn là vấn đề dư luận xã hội cho là còn bỏ ngỏ. Để phát triển kinh tế tư nhân, làm cho kinh tế tư nhân trở thành đầu tàu của nền kinh tế, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả bộ máy chính trị, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tự thân của chính các doanh nghiệp trong kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, đảm bảo trách nhiệm doanh nghiệp đối với xã hội, xây dựng được thương hiệu để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững.

Trước hết, cần nhận thức rằng, thực thi đạo đức kinh doanh ở Việt Nam đang ngày càng nhận được sự quan tâm và trở thành đòi hỏi văn hóa của cộng đồng người tiêu dùng và toàn xã hội. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang khiến cho nền kinh tế Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là một bộ phận không tách rời của thị trường toàn cầu và người tiêu dùng trong và ngoài nước. Không chỉ hướng tới việc cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng made in Viet Nam mà chúng ta còn cần phải tạo dựng một môi trường kinh doanh với các sản phẩm đảm bảo chất lượng ngang giá và giàu tính nhân văn. Các doanh nghiệp tư nhân Việt với số lượng gần như toàn phần trong nền kinh tế Việt Nam cần tái cấu trúc, khởi nghiệp theo một hướng mới, tạo ra phong trào xã hội chống lại thói làm ăn chộp giật để có thể làm chủ sân chơi kinh tế một cách đúng nghĩa với một bước thay đổi về chất, thực sự trở thành động lực lớn cho nền kinh tế nước nhà.

Đạo làm giàu đã từng là hoài bão của một thế hệ các nhà duy tân Việt Nam từ đầu TK XX như Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà... Họ mong muốn việc kinh doanh có thể làm thay đổi xã hội, làm cho người Việt khắc phục được sự “không có thương phẩm, không kiên tâm, không nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao thiệp, không biết tiết kiệm, khinh hàng nội hóa” (Lương Văn Can). Nhưng cho đến nay, sau hàng thế kỷ vẫn tồn tại như di chứng của một căn bệnh mãn tính ở người Việt, nhất là trong phát triển kinh tế tư nhân, hộ cá thể.

Thứ hai, đạo đức kinh doanh không phụ thuộc vào độ dài thời gian mà phụ thuộc vào việc có hay không có ý thức về nó. Doanh nhân là tầng lớp tiên tiến trong xã hội, là người tiếp xúc, vật lộn với những cái mới nhất, nóng bỏng nhất, cập nhật nhất. Họ chính là động lực để tạo nên sự đột phá mới của đất nước cũng như quyết định gốc rễ của cái gọi là văn hóa kinh doanh của người Việt ngày nay.

Thứ ba, đạo đức kinh doanh cũng không mâu thuẫn với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Xét cho cùng, đạo đức kinh doanh chính là trách nhiệm xã hội cần phải có vì tính liêm chính của các tổ chức doanh nghiệp. Với tư cách là một nhân tố không thể tách rời của hệ thống kinh tế xã hội, doanh nghiệp luôn phải tìm cách hài hòa lợi ích của các bên liên đới và đòi hỏi, mong muốn của xã hội. Không thể phủ nhận mục đích kinh doanh là lợi nhuận, nhưng không phải vì thế mà có thể bất chấp tất cả, bỏ qua vấn đề đạo đức kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp. Lâu nay, nhiều vi phạm chỉ bị khiển trách hoặc xử phạt không thỏa đáng, không tạo được sức ép, không đủ răn đe nên rất khó thúc đẩy hoạt động kinh doanh thực sự phát triển theo hướng tích cực. Khó khăn ở đây không chỉ là xác định các giá trị, lợi ích cần được tôn trọng, mà còn phải biết cân đối và chấp nhận hy sinh phần nào lợi nhuận trong kinh doanh vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung.

Thứ tư, đạo đức kinh doanh cần được hiểu theo nghĩa rộng, trong đó bao gồm cả những quy phạm pháp luật (thể chế cứng) và những quy phạm của lương tâm, lòng tự trọng trong nội quy quản trị riêng của doanh nghiệp (thể chế mềm). Trên thực tế, để có được điều đó, phụ thuộc vào vai trò dẫn dắt hiện trạng văn hóa, đạo đức xã hội của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp truyền thông. Để có một chương trình mang tính xã hội trong việc tuân thủ đạo đức kinh doanh đúng nghĩa, đòi hỏi một trách nhiệm cao của đội ngũ quản lý cũng như các thành viên trong các doanh nghiệp. Việc thiết lập hệ thống điều hành thực hiện các tiêu chuẩn đạo đức trong tổ chức cần được xem xét và xây dựng ở những mức độ cần thiết, từ thể chế cho đến giám sát để dần từng bước tường minh được việc thực hiện đạo đức kinh doanh.

Thiếu đạo đức và kỷ cương quản trị, hoạt động kinh doanh trở nên cơ hội, chụp giật, đầu cơ, mọi thành công sẽ chỉ là tạm bợ. Tình trạng bấp bênh khi vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu đẩy đến khó khăn chồng chất cho các doanh nghiệp. Lợi nhuận là một trong những yếu tố cần thiết cho sự tồn tại và là cơ sở đánh giá khả năng duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu chỉ chạy theo những lợi nhuận trước mắt, bỏ qua hoặc không có được sự quan tâm cần thiết về đạo đức kinh doanh sẽ dẫn tới đe dọa đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.

Đạo đức kinh doanh là nền tảng văn hóa của kinh doanh, là cơ sở của một nền kinh tế bền vững. Điều quan trọng, để vấn đề này đạt được những bước thay đổi lớn thiết thực cho lợi ích của cộng đồng xã hội, vị thế quốc gia là nó phải được xuất phát từ chính các chủ thể kinh doanh, từ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng, được các doanh nghiệp coi đó là sứ mạng, nền tảng văn hóa của mình.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 - 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ TUYẾN

;