ĐẮK NÔNG VỚI VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY VĂN HÓA, VĂN NGHỆ DÂN GIAN

        Đắk Nông nằm phía Nam Tây Nguyên, với diện tích 6.514,38km2, có 7 huyện và 1 thị xã, với 71 xã, phường, thị trấn (trong đó trên 40 xã có đồng bào dân tộc tại chỗ sinh sống, 31 xã vùng ba và vùng biên giới). Dân số toàn tỉnh khoảng 500 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 125.273 người (chiếm tỷ lệ 34,5% dân số, gồm 29 dân tộc anh em), đồng bào dân tộc tại chỗ gần 40.000 người (gồm 3 dân tộc M'nông, Mạ và Ê đê). Đắk Nông có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, anh ninh quốc phòng trong khu vực Tây Nguyên, là tỉnh có nền văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú và đa dạng.

Từ khi thành lập tỉnh Đắk Nông (2004) đến nay, công tác bảo tồn và phát huy vốn văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào các dân tộc đã được các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền đặc biệt quan tâm. Đây là nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy một câu hỏi lớn được đặt ra là cần phải làm gì để bảo tồn được các di sản văn hóa dân gian truyền thống ấy trong xã hội hiện đại. Ngoài những di sản văn hóa phi vật thể như các nghi lễ, lễ hội, truyện cổ, lời nói vần, luật tục, sử thi (ót n’drông) với tầm vóc và số lượng đồ sộ hàng ngàn, hàng vạn câu văn vần, đàn đá Đắk Kar, văn hóa cồng chiêng cùng với những làn điệu dân ca, dân vũ đã góp phần làm nên không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, năm 2005 được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cùng với các nhiệm vụ và giải pháp bảo tồn văn hóa dân gian, tỉnh Đắk Nông đã triển khai Đề án Bảo tồn, phát huy lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ của dân tộc Mnông giai đoạn 2005-2009. Đến năm 2010, tỉnh tiếp tục triển khai đề án này và mở rộng thêm trên phạm vi các dân tộc bản địa tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2010-2015. Nhờ đó, sự nghiệp văn hóa tỉnh Đắk Nông những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, bản sắc văn hóa văn nghệ truyền thống của các dân tộc được coi trọng, mức hưởng thụ về văn hóa được nâng lên. Toàn tỉnh đã khôi phục được khoảng 30 lễ hội của các nhóm dân tộc, tổ chức được trên 100 lớp truyền dạy (cồng chiêng, chế tác và sử dụng nhạc cụ, hát dân ca, dệt thổ cẩm, đan lát và làm cây nêu) cho gần 2.000 lượt thanh thiếu niên, thành lập được 8 câu lạc bộ cồng chiêng và 8 đội văn nghệ dân gian, mua sắm hơn 200 bộ trang phục dân tộc cấp cho các nghệ nhân dân gian, cấp 91 bộ cồng chiêng cho các nhà văn hóa cộng đồng..., đã tạo dựng được một đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận để nối tiếp sự trao truyền kinh nghiệm của thế hệ đi trước... Đến năm 2011, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 1.231 nghệ nhân cồng chiêng, 431 bộ chiêng (trong đó có 91 bộ chiêng là do Sở VHTTDL cấp mới).

Ngoài việc tổ chức khôi phục hàng chục lễ hội, tạo môi trường diễn xướng và thể hiện của các loại hình nghệ thuật dân gian, Sở VHTTDL tỉnh Đắk Nông đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các trường phổ thông dân tộc nội trú tổ chức lớp tập huấn giới thiệu về các di sản văn hóa truyền thống nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng nhằm nâng cao nhận thức cho giáo viên và học sinh các trường phổ thông trên địa bàn. Có thể nói, hoạt động này mang tính thí điểm giúp cho các thày, cô giáo có thể lồng ghép trong bài giảng về các giá trị di sản văn hóa của dân tộc bản địa. Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức tập huấn phương pháp quản lý hoạt động văn hóa dân gian cho cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bon, buôn và các nghệ nhân là nòng cốt ở địa phương; mở lớp truyền dạy biểu diễn cồng chiêng phổ cập và nâng cao trong hệ thống nhà văn hóa cộng đồng cho các đối tượng là người dân tộc tại chỗ yêu thích các loại hình nghệ thuật, văn hóa truyền thống nhưng chưa được tiếp cận hay đã bị mai một, do đã lâu không tham gia; tập huấn nâng cao năng lực nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng và một số loại hình nghệ thuật dân gian khác. Hoạt động truyền dạy và tập huấn được coi là phương thức bảo tồn có hiệu quả, những lớp này đã tạo lập nên một đội ngũ am hiểu sâu về các giá trị văn hóa truyền thống - đây cũng chính là chủ thể của các di sản văn hóa để có thể tự bảo vệ, lưu truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc bản địa.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay đang đặt ra cho tỉnh Đắk Nông nhiều khó khăn và thách thức lớn trong công tác bảo tồn mang tính bền vững đối với giá trị văn hóa văn nghệ dân gian đã khôi phục được trong những năm qua. Một phần cơ sở hạ tầng còn thấp kém, đời sống tinh thần còn nghèo nàn, lạc hậu, mức độ hưởng thụ văn hóa của người dân còn thấp, địa bàn dân cư thưa thớt, lại là vùng dân cư đa dân tộc. Các xã biên giới và đồng bào dân tộc đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, thông tin đại chúng chưa đến được với người dân; nền văn hóa truyền thống của các tộc người bản địa ngày càng bị mai một, đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn nhiều hạn chế về năng lực thực tiễn, chuyên môn nghiệp vụ; kinh phí dành cho công tác bảo tồn các di sản văn hóa còn hạn hẹp, khó khăn. Bên cạnh đó là xu thế phát triển, hội nhập quốc tế cùng với cơ chế thị trường hiện đại đã cuốn hút con người vào những nhu cầu mới, nên việc bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống bị chao đảo và có nguy cơ bị cuốn theo. Các vấn đề như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, xây dựng nếp sống văn hóa đã và đang chi phối hết sức mạnh mẽ các giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống. Vấn đề dân tộc và tôn giáo bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị loại bỏ như nạn chảy máu cồng chiêng.

Để công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc bản địa đạt được những kết quả tốt, tỉnh Đắk Nông đã, đang và sẽ triển khai những giải pháp sau:

Một là, kết hợp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian một cách đồng bộ như: lễ hội, hoa văn, trang phục, các loại hình âm nhạc..., không tách rời riêng từng loại hình, đồng thời lựa chọn, ưu tiên những di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp. Sự kết hợp này trên thực tế đã mang lại hiệu quả cao. Quan tâm đúng mức và không bỏ qua các loại hình văn hóa khác có liên quan khi làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, văn nghệ truyền thống.

Hai là, trong công tác truyền dạy, cần giữ gìn và tôn trọng những kinh nghiệm truyền nghề có giá trị của nghệ nhân, song cũng cần quan tâm đến việc nâng cao năng lực của nghệ nhân truyền dạy bằng cách cho các nghệ nhân giỏi cùng trao đổi bổ sung kiến thức, kinh nghiệm lẫn nhau qua các hình thức giao lưu học hỏi, tọa đàm, dã ngoại, mở lớp tập luyện, rèn luyện kỹ năng... Đồng thời phối hợp với các chuyên gia, các nhà chuyên môn để bổ túc thêm kiến thức cho nghệ nhân một cách phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại.

Ba là, cần bảo tồn hay phục dựng các môi trường diễn xướng truyền thống, nơi hoạt động truyền dạy diễn ra. Thiết lập một số mô hình truyền dạy mới cho nhiều loại đối tượng khác nhau, không nhất thiết phải là người dân tộc bản địa để tăng thêm nhiều người hiểu biết về di sản văn hóa càng tốt. Hướng dẫn sử dụng trực tiếp các di sản vật thể, tiếp cận với di sản phi vật thể nâng cao nhận thức về giá trị di sản để tạo ra một nhu cầu thưởng thức, ứng dụng các giá trị văn hóa truyền thống và lượng khán giả của âm nhạc dân gian ngày càng được đông đảo lực lượng tham gia trong các hoạt động văn hóa dân gian mang tính cộng đồng.

Bốn là, quan tâm đầu tư cho các hoạt động cộng đồng như: ngày hội văn hóa, giao lưu văn hóa các dân tộc. Xây dựng mô hình bảo tồn lễ hội trong các làng văn hóa, gắn công tác bảo tồn văn hóa truyền thống với các hoạt động du lịch, phòng trưng bày để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa, góp phần duy trì được những yếu tố tâm linh trong cộng đồng. Đồng thời cũng phải tạo ra môi trường mới cho các hoạt động văn hóa dân gian, đưa các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian vào trong các hoạt động xã hội, đoàn thể, trường học, các sự kiện...

Năm là, các cơ quan, ban ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để việc tôn vinh các nghệ nhân, nhằm khích lệ họ tham gia một cách tích cực và chủ động vào trong tất cả các hoạt động bảo tồn. Đây là việc làm hết sức cấp thiết, cần được thực hiện ngay.

Sáu là, trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian cần lưu ý đến vấn đề bảo tồn và phát triển có chọn lọc, xem xét nên bỏ chi tiết nào trong những thành tố truyền thống và đưa vào các thành tố mới hiện đại mà không ảnh hưởng đến bản sắc và giá trị của di sản văn hóa truyền thống. Muốn làm được điều này, cần phải chú trọng đến việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức một cách thường xuyên cho cán bộ quản lý văn hóa các cấp.

       Với sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp, những đề án bảo tồn và công trình nghiên cứu về những giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống, tin tưởng Đắk Nông sẽ góp phần xứng đáng trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 337, tháng 7-2012

Tác giả : Tô Đình Tuấn

;