Đặc sắc văn hóa của trầm hương Việt Nam

Trầm hương được hình thành từ cây dó bầu (Aquilaria Crassna), trong đó trầm hương tại vùng Khánh Hòa, Việt Nam là loại trầm có giá trị cao nhất và chất lượng tốt nhất thế giới. Trong dòng chảy của lịch sử, văn hóa trên toàn thế giới, trầm hương luôn gắn bó với những điều linh thiêng, cao quý nhất và là bộ phận không thể tách rời của tôn giáo, tín ngưỡng. Trầm hương hiện diện trong tất cả các tôn giáo lớn như Ấn Độ giáo, phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Thần đạo… Đối với người Việt, trầm hương - hương trầm là thứ không thể thiếu trong các nghi lễ tâm linh, nghi lễ tín ngưỡng truyền thống như thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ Mẫu…

1. Trầm hương, sản vật trân quý của đất nước Việt Nam

 Trầm hương thuộc họ Thymelaeaceae (họ trầm), sinh trưởng chủ yếu ở Ấn Độ, Bangladesh và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cây trầm hương tự nhiên phân bố từ Nghệ An xuống phía Nam tới Phú Quốc. Trong đó trầm hương tại vùng Khánh Hòa, Việt Nam là loại trầm có giá trị cao nhất và chất lượng tốt nhất thế giới. Từ 570 triệu năm về trước, khi núi lửa phun trào đã hình thành nên vùng đất đỏ bazan màu mỡ, trải từ Tây Nguyên xuống vùng ven biển Khánh Hòa. Địa hình đồi núi kết hợp với sự giao nhau của hai dòng hải lưu nóng và lạnh đã làm cho hệ sinh thái của vùng đất Khánh Hòa trở thành nơi có đa dạng sinh học bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Vùng khí hậu đặc biệt này tác động tới các cánh rừng nhiệt đới khiến các loài thực vật kết tụ linh khí của đất trời, dần được hình thành, trong đó có trầm hương. Bởi vậy, khi đã nhắc đến vùng đất Khánh Hòa thì phải nói tới Trầm hương và ngược lại: “Khánh Hòa là xứ trầm hương/ Non cao biển rộng, người thương đi về”.

 Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục viết rằng: “Trầm hương là hương của trời bay theo gió, đáp vào chỗ bị thương trên cây dó bầu, cây được hun đúc bởi đất, nắng, gió biển và các điều kiện tự nhiên đặc biệt khác” (1) bởi vậy trầm hương chính là linh khí của trời đất. Lê Quý Đôn cũng khẳng định rằng: kỳ nam thuộc phủ Bình Khang và Diên Khánh (ngày nay thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa) là tốt nhất. Trầm hương và kỳ nam là sản phẩm đặc biệt của cây dó bầu, nhưng hàng ngàn cây dó bầu mới có một cây trầm, còn kỳ nam thì phải tùy duyên của những người đi điệu (2). Khi cây dó bầu bị thương (do mối đục, kiến đục, sét đánh, mảnh bom đạn găm vào cây…) sẽ tiết ra nhựa để bảo vệ vết thương, từ đó dẫn tới sự biến đổi chất gỗ và sinh ra trầm hương, kỳ nam. Vì thế, người ta hay nói rằng “đau thương dó biến thành trầm”, tượng trưng cho việc cây dó bầu phải trải qua nhiều đau thương nhưng không gục ngã mới có thể thành cây trầm hương thơm hương ngào ngạt. Đây cũng là một bài học mà người xưa mượn hình ảnh cây trầm hương để răn dạy con cháu phải nỗ lực trong cuộc sống mới có thể đạt tới thành công.

2. Trầm hương trong văn hóa tâm linh của nhân loại

Do đặc thù về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên các quốc gia ở châu Á có truyền thống sử dụng và buôn bán trầm hương hơn hẳn các khu vực khác (3). Ngày nay, các quốc gia được ghi nhận sở hữu ngành nông nghiệp sản xuất trầm hương là Việt Nam, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thailand, Campuchia và Lào. Trong đó, đa phần giới khoa học trên thế giới đều đánh giá chất lượng trầm hương Khánh Hòa là số một thế giới. Mặc dù vậy, trầm hương Việt Nam vẫn còn bị nhầm lẫn về nguồn gốc bởi một số lý do. Trung Quốc, Nhật Bản, vùng Trung Đông… là thị trường có nhu cầu về trầm hương rất lớn, sử dụng trầm hương nhiều, thậm chí hơn hẳn các nước có thể sản xuất trầm hương nên thế giới thường ngộ nhận đó là quê hương của trầm hương do ảnh hưởng của thuyết “Truyền bá luận” trong văn hóa. Nhiều người Việt Nam cũng nhầm lẫn như vậy khi cho rằng trầm hương đến từ Trung Quốc, Nhật Bản... Bên cạnh đó, trình độ chế tác và thưởng thức trầm hương ở một số quốc gia không có trầm hương có phần cao cấp và tinh hoa hơn những quốc gia sở hữu trầm hương (Hương đạo ở Nhật Bản hay cách thưởng trầm ở Trung Quốc…). Mặc dù vậy, phải khẳng định rằng Việt Nam chính là một trong những cái nôi sinh ra trầm hương. Đối với văn hóa của Vương quốc Chămpa xưa, trầm hương, kỳ nam còn được coi là linh vật thiêng liêng, gắn liền với sự hóa thân của nữ thần Po Nagar (mà người Việt gọi là Thiên Y Thánh Mẫu).

Trong dòng chảy của lịch sử, văn hóa không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, trầm hương luôn gắn bó với những điều linh thiêng, cao quý nhất, là bộ phận không thể tách rời của tôn giáo, tín ngưỡng. Trầm hương hiện diện trong tất cả các tôn giáo lớn như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Thần đạo Nhật Bản… Đối với người Việt, trầm hương - hương trầm là thứ không thể thiếu trong các nghi lễ tâm linh, nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ Mẫu… Về mặt tâm linh, đối với tất cả những tín ngưỡng và tôn giáo nói trên, làn khói thơm thiêng liêng, tinh khiết và bay bổng của trầm hương là một loại lễ vật linh thiêng, có thể kết nối con người trần tục với thế giới trên cao, thế giới linh thiêng nơi con người không thể nhìn được, không thể cảm nhận được, không thể tới được, nhưng khói trầm, hương trầm có thể bay tới được. Nhờ hương trầm mà đấng linh thiêng, cao cả sẽ thấu cảm được lời khẩn cầu, tâm nguyện và mong ước của những con người nhỏ bé nhưng ngập tràn lòng kính ngưỡng, sùng bái nơi trần thế.

Làn khói thơm từ trầm hương đã được sử dụng tại Ai Cập cổ đại từ trước năm 1470 TCN, khi nữ hoàng Hatshepsut (1508 - 1458 TCN) đã phái đi 5 chiếc thuyền buồm galley đến Punt và mang về nhiều hàng hóa độc đáo. Nổi bật nhất và xa xỉ nhất là nhựa thơm và trầm hương dùng để chế tạo nhang đốt sử dụng hằng ngày tại các đền thờ và lăng mộ (4).

Ở Trung Quốc, hình ảnh những chiếc đỉnh đồng (lư hương) cũng là một trong những biểu tượng của nền văn minh dài hàng nghìn năm lịch sử. Những nhà khảo cổ học đã khai quật được những chiếc đỉnh đồng từ thời nhà Thương (1766 - 1122 TCN) được dùng để tế lễ trời đất, thánh thần (5). Đến thời kỳ nhà Hán (202 TCN - 220), trong nhà các gia đình quý tộc, quan lại cao cấp đã xuất hiện những chiếc lư Bác Sơn dùng để đốt trầm hương, khi làn khói trầm tỏa ra khiến cho “những người thưởng thức cũng thấy mình như đang chìm vào cõi mộng” (6).

 Ở Hy Lạp và Roma cổ đại, những nơi thờ cúng đều có chiếc giá ba chân acera, trong đó chứa hương trầm (7). Alexander Đại đế (356 - 323 TCN) nổi tiếng, đặc biệt ưa thích đốt nhiều hương liệu ở bàn thờ thánh. Leonides, thày giáo của Alexander từng nói rằng: “ông ấy sùng bái các thần linh bằng cách ép hương trầm phải nhả khói cuồn cuộn” (8).

 Ở vùng Cận Đông cổ đại, nhang, hương thường được sử dụng trong nghi lễ tôn giáo và nghi lễ hoàng gia. Các vị vua và quan lại thường làm lễ dâng hương và các linh mục thắp hương. Trầm hương luôn chỉ dành cho tầng lớp cao quý cho dù ở Babylonia hay ở Israel. Trên một tảng đá có niên đại khoảng năm 1175 TCN, có khắc lại hình ảnh nhà vua đứng trước một vị thần linh với một nén nhang được thắp giữa họ (9).

Ở Ấn Độ, trong các văn bản tôn giáo cổ xưa như Hinđu giáo và Phật giáo, đã đề cập tới trầm hương, cho thấy lịch sử tồn tại và sử dụng lâu dài của loại hương liệu xa xỉ này. Trong Sử thi Mahabharata (truyền lại lịch sử của Ấn Độ thời kỳ 1493 - 1443 TCN) (10), trầm hương được nhắc đến như một biểu hiện của sự giàu có, sang trọng và hạnh phúc của con người.

Ở Nhật Bản, Hương đạo (Kodo) ngày nay đã nổi tiếng khắp thế giới dù nơi đây không phải là quê hương của trầm. Trong biên niên sử Nhật Bản, ghi chép đầu tiên về trầm hương là vào năm 595: “một cây gỗ trầm trôi dạt vào đảo Awaji. Người dân trên đảo không có khái niệm về gỗ trầm nên đã sử dụng nó như củi đun để nấu ăn, khiến mùi thơm của nó lan rộng và bao trùm hòn đảo. Thấy vậy, họ dâng lên Thiên hoàng Suiko như một món quà” (11). Dưới thời Thiên hoàng Shomu (724 - 748), khối kỳ nam nổi tiếng nhất và được coi là quốc bảo của Nhật Bản là Ranjatai được tìm thấy trên bờ biển. Hiện nay, khối kỳ nam này vẫn còn nguyên vẹn, được quản lý bởi cơ quan Hoàng gia Nhật Bản và được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Nara. Trước đây, người Nhật Bản quan niệm rằng những khối kỳ nam này đến từ Trung Quốc, tuy nhiên hiện đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng các khối kỳ nam quốc bảo này có nguồn gốc từ Việt Nam (12). Từ hàng trăm năm nay, người Nhật Bản phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung trầm hương từ Việt Nam. Trong thời kỳ Châu Ấn thuyền (tuyến thương mại Nhật Bản - Đông Nam Á đầu TK XVII), trầm hương là mặt hàng không thể thiếu trong quan hệ ngoại thương giữa 2 nước dù giá cả rất đắt đỏ (13).

 Văn hóa trầm hương Việt Nam đã có lịch sử hàng ngàn năm. Về sự linh thiêng cao quý của trầm hương đối với người Việt Nam có thể thấy được thông qua việc hai trong số Cửu đỉnh của nhà Nguyễn (1802 - 1945) có điêu khắc hình trầm hương trên Cao đỉnh và kỳ nam trên Nhân đỉnh (14). Cửu đỉnh của nhà Nguyễn là bức tranh toàn cảnh về sông núi, nước non và sản vật tiêu biểu của Việt Nam đầu TK XX, trong đó trầm hương và kỳ nam được ưu ái đặc biệt.

Về mặt tâm linh, nhân loại trong tất cả các nền văn minh đều chung quan điểm rằng, khi hương trầm cháy tạo thành làn khói thơm nhẹ, mỏng manh, uốn lượn sẽ giúp kết nối con người tới thiên đường và làm hài lòng những vị thánh thần. Nhưng trầm hương chỉ xuất hiện tại những nơi cao quý, thiêng liêng nhất, ngay cả những dụng cụ đi kèm với trầm hương (lư đồng, đồ thờ tự…) cũng là những đỉnh cao của văn hóa và nghệ thuật.

3. Trầm hương trong giá trị văn hóa Việt Nam

Trầm hương của Việt Nam đã làm nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới mê đắm nhưng đối với đa số người Việt Nam mới chỉ biết về trầm mà chưa hiểu về trầm. Trong thực tế, trầm hương đã đi vào chiều sâu cuộc sống của người Việt và trở thành giá trị văn hóa cốt lõi.

Trầm hương trong các nghi lễ và tín ngưỡng của người Việt

Hương trầm đã gắn bó với văn hóa dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Trong các nghi lễ vòng đời của người Việt, từ lễ đầy tháng, lễ đầy năm của trẻ em, lễ trưởng thành, lễ kết hôn và nghi lễ tang ma… nén hương trầm bắt buộc phải có để dâng lên tổ tiên và các vị thần linh. Hằng tháng, trong Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dù giản dị nhưng cũng không thể thiếu được nén hương trầm. Dù người nghèo hay người giàu, bàn thờ tổ luôn được chăm sóc đặc biệt và đặt ở vị trí tốt nhất trong ngôi nhà. Trên ngai thờ đều có “lư hương, cây nến, bình hoa và ống hương…” (15). Với mùi thơm thanh khiết cùng làn khói trắng linh thiêng, trầm hương sẽ kết nối con người trần thế với thế giới bên trên. Bởi vậy, các loại hương (nhang) được làm từ mùn cưa và hương liệu (thậm chí là hóa chất độc hại) không bao giờ có thể so sánh được với trầm hương hay hương trầm truyền thống về cả tâm linh lẫn sức khỏe (16). Phải chăng, vì trầm hương, hương trầm đã quá đỗi gần gũi với cuộc sống của chúng ta mà người Việt đã có lúc lãng quên đi bản sắc văn hóa này.

Trầm hương là sản vật quý giá, là mặt hàng quan trọng trong giao thương, là lễ vật trân quý để tiến vua

Trước năm 2005, trầm hương là mặt hàng quốc cấm. Trong thời kỳ phong kiến, trầm hương - kỳ Nam cũng chỉ được Vua - Chúa độc quyền sử dụng. Cristoforo Borri (1583 - 1632) một nhà truyền giáo người Italia đã chi chép lại về Xứ Đàng Trong như sau: “Chúa giữ độc quyền mua bán kỳ nam vì hương thơm và tác dụng đặc biệt của nó,… Chỉ một tàu chở đầy trầm hương cũng đủ cho thương gia trở nên giàu có và sung túc suốt đời” (17). Một số văn bản từ thời nhà Nguyễn cũng thấy rằng, bất kể khi nào tìm thấy kỳ nam thì quan và dân đều phải niêm phong lại và gửi về kinh đô để nhà Vua xem xét (bản tấu của Thự Bố chánh sứ Khánh Hòa Trịnh Ngọc Lâm gửi cho Vua Thiệu Trị trình về việc hái được kỳ nam nộp thuế) (18). Bởi vậy, cũng hiếm người Việt sở hữu được cho riêng mình một khối kỳ nam hay trầm hương.

Trầm hương từ Việt Nam tham gia tích cực vào giao thương quốc tế trong lịch sử bởi sự quý giá và độc đáo. Có thể kể đến như các ghi chép của Marco Polo trong cuốn Du ký được viết vào TK XIII (19), hay những ghi chép của Tome Pires (1465 - 1524), với đoạn viết: “loại trầm hương tốt nhất có nguồn gốc từ vùng phía Nam Việt Nam, được gọi là Calambac” (20). Ngoài ra, những ghi chép về trầm hương Việt Nam trong các tuyến thương mại quốc tế còn được tìm thấy nhiều trong các nghiên cứu về Con đường tơ lụa trên biển, về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Trung Quốc (21), về tuyến thương mại Việt Nam - Nhật Bản bằng Châu Ấn thuyền (22)… Tính đến nay, trên thị trường trầm hương thế giới, những đánh giá về trầm hương Việt Nam không thay đổi. Trầm hương xuất sứ Việt Nam được gọi là trầm hương loại 1, có giá trị cao nhất (23).

Theo ông Nguyễn Văn Tưởng, người phụng sự cây trầm hương, Chủ tịch Công ty trầm hương Khánh Hòa - ATC (24), chỉ một số người làm trầm hương kỳ cựu tại Khánh Hòa mới biết tới một khu rừng đặc biệt có tên gọi là rừng Sơn Tập (Tây Sơn tập trận) bao gồm huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa (nơi được mệnh danh là quê hương của trầm hương, kỳ nam). Tương truyền tại khu rừng này, nghĩa quân Tây Sơn đã trồng rất nhiều cây trầm hương, dùng trầm hương, kỳ nam để buôn bán và đổi lấy vũ khí.

 Trầm hương trở thành biểu tượng của những gì cao quý trong văn học, nghệ thuật của người Việt

Trầm hương đi vào văn học, thơ ca, tiêu biểu nhất là trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Khi Kim Trọng - Thúy Kiều lần đầu gặp gỡ: “Liền tay ngắm nghía biếng nằm/ Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai”. Tới lúc Kim - Kiều thề nguyền hẹn ước bên nhau: “Vội vàng làm lễ rước vào/ Đài sen nối sáp, song đào thêm hương”. Cho đến khi Kim Trọng quyết định đi tìm Thúy Kiều: “Có khi vắng vẻ thư phòng/ Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa/ Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ/ Trầm bay nhạt khói gió đưa lay rèm”. Và khi hai người thành tâm nguyện, trở về bên nhau: “Phím đàn dìu dặt tay tiên/ Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa” (25).

Trong những khoảnh khắc đặc biệt nhất của mối tình Kim - Kiều, trầm hương đều hiện diện. Điều đặc biệt là “Trong khi những thi nhân xưa thường mượn ánh trăng để nói thay tấm lòng, mượn nhật nguyệt để minh chứng tâm can, thì Nguyễn Du lại chọn trầm hương” (26). Thật lạ nhưng cũng thật đắt bởi trầm hương là tinh khiết, là thanh tao, là hiện thân của những điều tốt đẹp nhất mà đất trời gửi gắm qua hương thơm nên còn gì cao quý hơn những phút giây có hương trầm.

Trầm hương trong văn hóa ngoại giao của Việt Nam

Ngoài vàng, bạc, sừng tê, ngà voi…, trầm hương có vai trò không thể thay thế và được sử dụng để làm quà biếu ngoại giao trang trọng nhất. Trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hàng nghìn năm nay, trầm hương - kỳ nam là loại quà biếu kể từ thời vua Lê Đại Hành. Trong Tống sử, có ghi chép rằng: “năm thứ 8 Thái Bình Hưng Quốc (983), Lê Hoàn sai Triệu Tử Ái đi sứ có phương vật gồm 100 ngà voi, 200 cân trầm hương, 1 vạn tấm lụa, 100 lông chim công đến kinh đô” (27).

Tiếp nối văn hóa ngoại giao của cha ông, năm 2017, chiếc quạt trầm hương truyền thống đã được lựa chọn làm món quà Chính phủ Việt Nam trao tặng cho nhiều lãnh đạo, học giả, doanh nhân hàng đầu của thế giới trong sự kiện APEC Việt Nam năm 2017 (28) để thể hiện lòng hiếu khách và thiện chí của dân tộc Việt Nam đối với các vị khách quốc tế đặc biệt.

Kết luận

Trầm hương đã gắn bó với dòng chảy lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm, không chỉ có giá trị vật thể mà còn giá trị phi vật thể về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, y học, văn học, nghệ thuật... Trầm hương là hương thơm Việt Nam, linh thiêng cao quý nhất.

Người Trung Quốc, người Nhật Bản… biết thưởng trầm, thưởng trà ngắm hoa, là thú vui của những bậc tao nhân mặc khách. Tại Việt Nam, đã từng tồn tại nghệ thuật thưởng trầm không kém phần sâu sắc qua những hiện vật khảo cổ (29) hay những ghi chép của người xưa. Tuy nhiên, theo thời gian, nghệ thuật thưởng trầm của Việt Nam đã phôi phai do những cuộc chiến tranh, những tác động của lịch sử. Mỗi con người phải cùng nhau có trách nhiệm bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa từ trầm hương - báu vật của thiên nhiên ban tặng cho đất nước Việt Nam và đưa hương thơm Việt Nam lan tỏa ra khắp thế giới.

________________

1. Lê Quý Đôn toàn tập, Phủ biên tạp lục, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.331.

2. Những người đi tìm trầm Hương.

3. Nguyễn Văn Tưởng, Trần Ngọc Dũng, Nguyễn Duy Thái, Sự du nhập của trầm hương đến Nhật Bản thời kỳ trung đại, 15-7-2019, ordi.vn.

4. Marcel Westerlund, Hatshepsut, Mid-Atlantic Wellness Institute (Nữ hoàng Hatshepsut, Học viện Mid - Atlantic Wellness), 2015.

5, 6. Lý Tùng, Đồ đồng Trung Quốc, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2013, tr.15, tr.128.

7. Nigel Groom, Frankincense and Myrrh: A Study of the Arabian Incense Trade (Trầm hương và nhựa thơm: Nghiên cứu về Con đường Hương liệu Ả rập cổ), 1981, tr.6-7.

8. Pliny the Elder, The Natural History (Lịch sử tự nhiên của Pliny), chap 32.

9. Amiet, Art of the Ancient Near East (Bức họa về vùng Cận đông cổ đại), New York: Abrams, 1980, tr. 516.

10. R.N. Iyengar, Internal consistency of eclipses and planetary positions in Mahabharata (Tính nhất quán về nhật thực và vị trí các hành tinh trong sử thi Mahabharata), Tạp chí Lịch sử Khoa học Ấn Độ, số 38, tr.7 - 115.

11. W.G. Aston, Nihongi: Chronicles of Japan from the earliest times to A.D. 697 (Nihongi: Biên niên sử Nhật Bản từ khởi đầu cho đến năm 697), London, 1896.

12. David Oller and KyozaburoNakata, Japanese incense Aloeswood - Agarwood Baieido (Trầm hương Nhật Bản, Baieido), 1999.

13, 22. Li Tana, Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 - 18, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2013.

14. Trước đây, chỉ duy nhất Thiên tử nhà Chu (1122 - 249 TCN), vương triều chính của Trung Quốc mới được quyền sử dụng Cửu đỉnh. Các chư hầu tự thành lập các nước riêng nhưng phụ thuộc và thần phục Thiên tử nhà Chu. Về mặt nghi lễ, các nước chư hầu của nhà Chu chỉ có thể sử dụng tối đa là Thất đỉnh.

15. Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, Nxb Hội nhà văn, 2020, tr.70.

16. Trầm hương còn là dược liệu quý hiếm trị nhiều chứng bệnh mãn tính trong các tác phẩm y học truyền thống theo danh y Tuệ Tĩnh, Hải thượng Lãn Ông…

17. Cristoforo Borri, Xứ Đàng trong năm 1621, Nxb TP.HCM, 1998, tr 10.

18. Châu bản triều Nguyễn, triều Thiệu Trị, tập 1, tờ 266, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, Hà Nội.

19. Henry Yule (dịch) The Book of Ser Marco Polo (Cuốn sách của ngài Marco Polo), London: John Murray, 1903, tập 2 , tr. 266 - 268.

20. Pires, The suma oriental of Tome Pires: An account of the East, from the Red Sea to China (Vùng Viễn Đông của Tome Pires: Từ Biển Đỏ đến Trung Quốc), tập 1, 1944, tr. 113.

21. Vũ Đức Liêm, Nhà Tống, Đông Nam Á và sự rạn nứt của khung cảnh triều cống, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 2019, số 1.

23. Tùy theo chất lượng của từng loại Trầm hương mà ở Việt Nam giá thành lên tới từ 2-3 tỷ đồng/kg.

24. Lê Ái, Tiến Đạt, Người phụng sự cây trầm hương, 2020, daidoanket.vn.

25. Nguyễn Du, Truyện Kiều, Nxb Văn học, Hà Nội, 2018.

26. Nguyễn Văn Tưởng, Thưởng trầm hương, cảm thơ Kiều - những tượng đài văn hóa Việt Nam chinh phục thế giới, 27-2-2020, tienphong.vn.

27. Nguyễn Thị Kiều Trang, Về quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2016, tr.95.

28. Thủy Nguyên, 100 chiếc quạt trầm hương dành tặng quan chức cao cấp APEC 2017, 15-2-2017, dantri.com.vn.

29. Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định là 1 trong 191 bảo vật Quốc gia
của Việt Nam.

 

Tác giả: Nguyễn Duy Thái

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

;