Đặc điểm văn hóa đọc của sinh viên

Trong xã hội thông tin, kinh tế tri thức, văn hóa đọc ngày càng trở thành yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển của xã hội nói chung. Những năm gần đây, ngày Sách Việt Nam (21-4), Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23-4) luôn là thời điểm để tôn vinh giá trị của sách, văn hóa đọc và sự đóng góp của các tác giả đối với sự ra đời của những tác phẩm bất hủ. Văn hóa đọc đối với sinh viên có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học, sự đổi mới về phương pháp giảng dạy và học tập. Vì vậy, việc xác định những đặc điểm cơ bản trong văn hóa đọc của sinh viên có ý nghĩa rất lớn, làm cơ sở đánh giá đúng thực trạng văn hóa đọc của sinh viên, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp phát triển văn hóa đọc cho sinh viên trong thời gian tới.

Giáo dục đại học là giáo dục nghề nghiệp chuyên sâu để con người nâng cao kỹ năng làm việc hiệu quả, trong đó, tài liệu là một kênh góp phần đắc lực giúp sinh viên học tập và nghiên cứu. Đọc tài liệu đối với sinh viên không chỉ dừng ở sự hình thành thói quen, đọc hiểu tài liệu mà phải đạt ở trình độ cao hơn, tức là tiếp thu tri thức trong tài liệu một cách có phê phán, đánh giá và vận dụng sáng tạo tri thức vào học tập và nghiên cứu khoa học.

Quan niệm về văn hóa đọc

Văn hóa đọc là một khái niệm quen thuộc với tất cả mọi người nhưng theo các hướng tiếp cận khác nhau sẽ có những quan điểm khác nhau.

Một số quan điểm nhìn nhận văn hóa đọc ở nghĩa rộng, tức là một lớp văn hóa trong tiến trình lịch sử phát triển của nhân loại. Theo nghĩa này, văn hóa đọc có vai trò quan trọng trong giai đoạn mà việc đọc và viết trở thành phương tiện truyền tin chủ yếu trong xã hội loài người. Khi công nghệ thông tin phát triển, văn hóa đọc được biến đổi sang một lớp văn hóa khác, gọi là văn hóa nghe nhìn, văn hóa computer, văn hóa ảo.

Tác giả Milena Tsvetkova cho rằng: chữ viết ra đời như một công cụ quan trọng giúp con người lưu trữ và truyền bá các giá trị văn hóa qua không gian và thời gian. Văn hóa đọc gắn liền với văn hóa viết và thay thế văn hóa truyền miệng trong việc truyền tải các giá trị văn hóa nhân loại. Khi các phương tiện nghe nhìn phát triển và chiếm ưu thế trong việc chuyển giao các giá trị văn hóa, người ta cho rằng văn hóa nghe nhìn đã lấn át và thay thế văn hóa đọc. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông, máy tính và các phương tiện kỹ thuật số đã thay thế tài liệu giấy, trở thành phương tiện hữu hiệu chuyển tải thông tin, các giá trị văn hóa, văn hóa computer, văn hóa ảo xuất hiện thay thế văn hóa nghe nhìn (1).

Ở trong nước, cũng có một số tác giả đi theo xu hướng này và cảm thấy lo lắng vì văn hóa nghe nhìn như một xu thế lấn át văn hóa đọc trong giai đoạn hiện tại, làm cho con người thay đổi thói quen đọc sách... Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ thông tin và công nghệ hiện đại, đã có lúc văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc, nhưng thực tế văn hóa đọc không biến mất mà “phát triển ở mức độ cao hơn” với sự phát triển của máy tính và các phương tiện truyền thông hiện đại (2).

Ở góc độ hẹp hơn, văn hóa đọc được coi là văn hóa hành vi của mỗi cá nhân hay nhóm cá nhân trong xã hội. Đây là xu hướng tiếp cận khá phổ biến khi nghiên cứu văn hóa đọc trong và ngoài nước. Coi việc đọc là hành vi của mỗi người không chỉ hướng vào việc giải mã ký tự, mà chủ yếu là việc nắm bắt nội dung thông tin trong tài liệu. Văn hóa đọc là thước đo chất lượng tiếp cận và lĩnh hội thông tin trong quá trình đọc của mỗi cá nhân. Tùy theo từng đối tượng nghiên cứu, hoàn cảnh cụ thể và cách tiếp cận khác nhau mà quan điểm được nêu ra nhấn mạnh vào các yếu tố được cho là quan trọng nhất đối với văn hóa đọc.

Có quan điểm nhấn mạnh năng lực định hướng đọc (nhu cầu, thói quen đọc, năng lực tìm kiếm tiếp cận tài liệu) như “thói quen đọc của mỗi cá nhân diễn ra như một hoạt động hằng ngày giúp hình thành văn hóa đọc” (3); “chỉ được gọi là văn hóa đọc khi việc đọc được thực hiện như một sự thôi thúc tự nhiên mà không vì một mục đích vụ lợi nào cả, khi thực hiện, con người cảm thấy sung sướng, hạnh phúc” (4).

Có quan điểm nhấn mạnh năng lực lĩnh hội tri thức trong quá trình đọc là yếu tố cốt lõi của văn hóa đọc như “văn hóa đọc không phải là đọc bằng hình thức nào, mà quan trọng hơn là đọc cái gì, tiếp thu như thế nào và vận dụng tri thức đã đọc vào thực tiễn cuộc sống như thế nào” (5), “văn hóa đọc là một tập hợp các kỹ năng làm việc với sách báo” (6), “văn hóa đọc là tổng thể các năng lực của chủ thể hướng tới việc tiếp nhận và sử dụng thông tin trong tài liệu, thể hiện ở khả năng định hướng tới tài liệu, khả năng lĩnh hội tài liệu một cách sáng tạo, cũng như thái độ ứng xử với tài liệu của mỗi người” (7).

Đặc điểm văn hóa đọc của sinh viên

Ngoài những đặc điểm tâm lý của thanh niên nói chung, sinh viên là nhóm người hướng đến trình độ nghề nghiệp bậc cao và được xây dựng trên cơ sở chuyên môn và trình độ, kinh nghiệm thực tiễn của mỗi cá nhân. Mỗi nghề nghiệp sẽ có lĩnh vực chuyên môn riêng và trình độ tương xứng. Sinh viên là nhóm người luôn hướng đến trình độ cao nhất của nghề nghiệp trong thời điểm nhất định. Để hướng đến trình độ bậc cao trong nghề nghiệp, sinh viên phải gắn với môi trường giáo dục đại học.

Trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học theo phương thức đào tạo tín chỉ, sinh viên buộc phải đề cao việc tự học, tự đọc và tự nghiên cứu tài liệu, tức là sinh viên phải có văn hóa đọc. Đặc trưng của văn hóa đọc phải gắn với trình độ giải mã và lĩnh hội thông tin của mỗi người ở mức độ cao.

Xuất phát từ bối cảnh của giáo dục đại học và đối tượng là sinh viên, nhóm đối tượng đặc biệt trong xã hội, văn hóa đọc của sinh viên có những đặc điểm sau:

Đa số sinh viên có năng lực định hướng cao đối với tài liệu phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được đào tạo

Sinh viên được đào tạo theo từng ngành, chuyên ngành khi trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thông qua kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hoặc được xét tuyển thẳng. Trong bối cảnh đổi mới giảng dạy và học tập, phương thức đào tạo, vai trò của giảng viên có sự thay đổi từ góc độ truyền đạt kiến thức đến định hướng tự học của sinh viên. Vì vậy, việc đọc và nghiên cứu tài liệu đóng vai trò quan trọng đối với sinh viên, trở thành điều kiện bắt buộc. Do đó, nhu cầu đọc đối với sinh viên gần như là tất yếu và trở nên bền vững.

Phòng đọc của sinh viên Trường Đại học Hồng Bàng - Ảnh: Thùy Trang

Trong thực tế, các nghiên cứu về văn hóa đọc của sinh viên đều khẳng định sinh viên có nhu cầu đọc tài liệu cao, trên nhiều lĩnh vực, nhưng phần lớn các tài liệu gắn với chuyên ngành đào tạo. Tác giả Vũ Hồng Vân đã tiến hành khảo sát 112 sinh viên thuộc nhóm Khoa Công nghệ và Kỹ thuật, 112 sinh viên thuộc nhóm thuộc Khoa Xã hội của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và rút ra đánh giá nhu cầu đọc của sinh viên rất cao. Do đặc thù của các ngành nên sinh viên chủ yếu lựa chọn các tài liệu về khoa học kỹ thuật và công nghệ để nghiên cứu (nhóm Khoa Xã hội: 15,7%; nhóm Khoa Công nghệ và Kỹ thuật: 38,5%). Một số ít sinh viên quan tâm đọc các tài liệu khác (nhóm Khoa Xã hội: 14,6% đọc sách văn học, 4,5% có nhu cầu đọc truyện tranh, tài liệu về kinh doanh…; nhóm Khoa Công nghệ và Kỹ thuật: 12,5% có nhu cầu đọc sách văn học) (8).

Với đặc thù của cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tác giả Đỗ Thu Thơm đã chia sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân thành 3 nhóm: nghiệp vụ cảnh sát hình sự, điều tra, kinh tế, phòng chống tội phạm ma túy; nghiệp vụ cảnh sát giáo dục và cải tạo phạm nhân; nghiệp vụ cảnh sát giao thông, quản lý hành chính và trật tự xã hội. Kết quả điều tra cho thấy 99,3% sinh viên có nhu cầu đọc các tài liệu chuyên ngành, 98,2% có nhu cầu đọc các tài liệu pháp luật, 89,5% có nhu cầu đọc các tài liệu thuộc lĩnh vực kinh tế - chính trị (9).

Sinh viên phải có kỹ năng đọc tài liệu khoa học ở mức độ cao

Mỗi tài liệu có một phương pháp đọc riêng, hướng đến những nhóm người khác nhau. Tài liệu khoa học phù hợp cho nhóm người có đủ kiến thức để hiểu được tri thức trong lĩnh vực cụ thể. Trên thực tế, sinh viên theo học những chuyên ngành khác nhau với định hướng nghề nghiệp ở trình độ cao sẽ dành nhiều thời gian tiếp cận với các tài liệu khoa học phù hợp với chương trình đào tạo của mình. Sinh viên theo học từng chuyên ngành mới có năng lực cao để giải mã sâu nhất tài liệu khoa học mà ít sinh viên chuyên ngành khác có khả năng.

Kết hợp với sự định hướng của giảng viên trên lớp và việc tự nghiên cứu tài liệu, kỹ năng đọc của sinh viên phát triển dần theo thời gian. Sinh viên có kỹ năng đọc đúng, thể hiện ở việc biết xác định mục đích đọc, biết lập kế hoạch đọc và biết sử dụng các phương pháp đọc cụ thể và phát triển dần theo từng năm học. Nếu chỉ có 30% sinh viên năm thứ nhất nắm được phương pháp đọc phân tích thì tỷ lệ sinh viên năm thứ ba có được là 53,3%. Nếu 18,8% sinh viên năm thứ nhất có thể hiểu sâu kiến thức, có khả năng phê phán nội dung tài liệu và kết nối tri thức lại trở thành tri thức của mình thì tỷ lệ này ở sinh viên năm thứ ba đã nâng lên là 30% (10).

Sinh viên có khả năng vận dụng hiệu quả thông tin trong tài liệu vào thực tiễn

Sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn luôn được các trường đại học quan tâm. Nhiều nơi đã bố trí cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, phòng thực hành để hỗ trợ quá trình dạy học. Xu hướng chung của các trường đại học hiện nay là đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, gắn với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Thực tập và khảo sát thực tế là cơ hội để sinh viên trực tiếp áp dụng những kiến thức được học vào môi trường làm việc thực tiễn.

Trong quá trình học, vì mục đích đọc và nghiên cứu tài liệu của sinh viên là để phục vụ học tập và nghiên cứu khoa học, nên thông qua việc đọc, sinh viên sẽ nắm vững kiến thức, hình thành tư duy phản biện, sẵn sàng tranh luận, chia sẻ với giảng viên về những vấn đề lý luận và thực tiễn đang gây tranh cãi.

Sinh viên có thể vận dụng tri thức thông qua việc tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Việc tham gia nghiên cứu khoa học giúp sinh viên tiếp cận với lĩnh vực chuyên môn yêu thích, làm quen với môi trường khoa học, nắm bắt được phương pháp nghiên cứu, rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, nâng cao kiến thức thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường. Việc đưa học phần “Các phương pháp nghiên cứu khoa học” vào chương trình đào tạo, tổ chức các hội nghị “Sinh viên nghiên cứu khoa học” từ cấp khoa đến cấp trường là những minh chứng cụ thể giúp sinh viên có khả năng vận dụng tri thức đã học trên giảng đường, trong sách vở vào thực tiễn.

Sinh viên đang hình thành ý thức tôn trọng quyền tác giả, sở hữu trí tuệ đối với tài liệu

Trong xã hội thông tin, vấn đề sở hữu trí tuệ ở các quốc gia hoặc ở những nhóm người có trình độ luôn được đề cao và tôn trọng. Sở hữu trí tuệ trở thành một trong những công cụ để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó có kinh tế tri thức. Tại Việt Nam, vấn đề sở hữu trí tuệ được quy định chi tiết trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Việc nghiên cứu, tìm hiểu, giúp sinh viên có nhận thức cơ bản về sở hữu trí tuệ được các cơ sở giáo dục đại học đưa vào chương trình đào tạo của một số ngành, chuyên ngành đào tạo về luật học, quản lý khoa học và công nghệ... Sinh viên là nhóm người trẻ, có trình độ, có sự hiểu biết, vì vậy, sinh viên không chỉ là nhóm người lao động bậc cao sau khi tốt nghiệp, mà trong quá trình đào tạo, sinh viên được tập dượt làm các nghiên cứu khoa học để trở thành nhà khoa học thực thụ trong tương lai. Để trở thành nhà khoa học, vấn đề trân trọng thành tựu trí tuệ của con người chính là phẩm chất quan trọng mà mỗi người cần chú ý và rèn luyện.

Kết luận

Văn hóa đọc là một hiện tượng phức tạp, gắn liền với sự ra đời của chữ viết. Sinh viên là đối tượng nghiên cứu đặc thù, học tập và hoạt động trong môi trường giáo dục ở trình độ cao. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy văn hóa đọc của sinh viên có một số đặc thù như: sinh viên có năng lực định hướng tới tài liệu cao, có kỹ năng đọc tài liệu khoa học cao, có khả năng vận dụng tri thức đã đọc vào thực tiễn và đang có ý thức hình thành sự tôn trọng quyền tác giả, sở hữu trí tuệ. Những đặc điểm trên làm nên sự khác biệt trong văn hóa đọc của sinh viên so với các đối tượng khác. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu thực tiễn về văn hóa đọc của sinh viên cần chú ý những đặc điểm này để có những nhận định và đánh giá xác đáng.

_____________

1. Tsvetkova, M. The way computers rehabilitate the culture of reading (Con đường máy tính hồi sinh văn hóa đọc), Tạp chí điện tử LiterNet, 2006, số 77 (4), tr.1-15.

2.TrầnThị Minh Nguyệt, Văn hóa đọc trong xã hội thông tin, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2009, số 297, tr.29-31.

3. Wema, E., Investigating reading culture among students in higher learning institutions in Tanzania (Điều tra văn hóa đọc của sinh viên các trường đại học ở Tanzania), Tạp chí Thư viện Trường Đại học Dar es Salaam, 2018, số 13 (1), tr.4-19.

4. Nguyễn Thế Dũng, Góp phần tìm hiểu về văn hóa đọc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 2017, số 398, tr.95-97.

5. Nguyễn Văn Thục, Thực trạng văn hóa đọc của thanh thiếu niên tại Bình Dương hiện nay, Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam, 2013, số 6, tr.60-64.

6. Lê Văn Viết, Một số vấn đề về việc đọc của người dân Việt Nam hiện nay, Thư viện học: Những bài viết chọn lọc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.70-81.

7. Trần Thị Minh Nguyệt, Giáo dục văn hóa đọc trong thư viện trường tiểu học ở Hà Nội, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 2016, Số 61 (5), tr.6-13.

8. Vũ Hồng Vân, Nghiên cứu nhu cầu đọc của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 2015, số 53 (3), tr.49-53.

9. Đỗ Thu Thơm, Phát triển văn hóa đọc cho sinh viên tại Học viện Cảnh sát Nhân dân, Luận văn Thạc sĩ Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011.

10. Đỗ Thị Thúy, Phát triển văn hóa đọc cho sinh viên Trưởng Cao đẳng Vĩnh Phúc, Luận văn Thạc sĩ Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016.

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020

;