CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT Ở CÁC TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG


Kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đảng lãnh đạo không chỉ là việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết, hay tổ chức thực hiện, sắp xếp, bố trí cán bộ… mà còn là kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc, vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là trách nhiệm, nội dung, phương pháp, quy trình lãnh đạo của Đảng. Chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng vào việc bảo về đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết, quan điểm, các nguyên tắc của Đảng, thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Thực tế cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã góp phần giúp các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, ngăn ngừa sai phạm, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều sơ hở, bất cập trong quản lý kinh tế, xã hội mà người thực thi công vụ lợi dụng để trục lợi, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của người dân. Ngoài ra, công tác này còn giúp phát hiện những cơ chế, chính sách không phù hợp với thực tế cuộc sống để từ đó làm cơ sở kiến nghị với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng trong những năm qua đã có sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng, góp phần tích cực phục vụ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Đại hội XI đánh giá: “Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được coi trọng, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Cấp uỷ đảng các cấp đã chỉ đạo thực hiện có kết quả việc kiểm tra thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng; các chương trình, dự án; quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản; chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm và công tác cán bộ; xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tổ chức bộ máy, điều kiện hoạt động của uỷ ban kiểm tra và cơ quan uỷ ban kiểm tra các cấp tiếp tục được làm rõ”.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế. Báo cáo chính trị Đại hội X đã chỉ rõ: “Công tác kiểm tra trong Đảng vẫn còn yếu, chất lượng và hiệu quả kiểm tra chưa cao; nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện và khắc phục; chưa coi trọng kiểm tra phòng ngừa, phát huy nhân tố tích cực. Nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật trong Đảng. Công tác giám sát trong Đảng và giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên chưa được quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới”. Đại hội XI của Đảng nhận định: “Nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao; chưa coi trọng việc kiểm tra, giám sát thực hiện đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, thi hành Điều lệ Đảng, kiểm tra, giám sát phòng ngừa tiêu cực và phát huy nhân tố tích cực. Nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện. Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp uỷ chưa tốt”. Để góp phần khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát ở các tổ chức cơ sở đảng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần thực hiện tốt các giải pháp:

Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp trong tổ chức cơ sở đảng

Đây không phải là vấn đề mới, nhưng cần phải làm thường xuyên và cho mọi đối tượng, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp. Sau mỗi kỳ đại hội, cán bộ tham gia cấp ủy có sự thay đổi. Vì thế, cần tập huấn, bồi dưỡng cho cấp ủy viên và cán bộ các cấp, nhất là bí thư, phó bí thư về công tác kiểm tra, giám sát. Mọi cán bộ, đảng viên đều phải nắm vững yêu cầu: kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng, nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng, trước hết là nhiệm vụ của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, do cấp ủy trực tiếp tiến hành; một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng; không kiểm tra là coi như không lãnh đạo; phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Khi đã có đường lối, chính sách đúng thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do cách tổ chức công việc, sự lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra, nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”.

Tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát phải tạo được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong toàn Đảng. Nâng cao ý thức tổ chức, tự giác chấp hành kỷ luật Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Khắc phục tình trạng cấp ủy buông lỏng, khoán trắng, hoặc đối phó khi được kiểm tra, giám sát.

Công tác kiểm tra, giám sát phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và yêu cầu công tác xây dựng Đảng để xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát

Công tác kiểm tra, giám sát phải lấy việc phục vụ nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng vững mạnh làm mục tiêu, phương hướng, đồng thời phải lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị, sự vững mạnh của tổ chức đảng để đánh giá chất lượng, hiệu quả. Không bám chắc vào việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng thì công tác kiểm tra sẽ không có phương hướng đúng đắn, trở thành công tác nghiệp vụ đơn thuần, tốn thời gian, không mang lại chất lượng, hiệu quả, gây rối bận, không cần thiết. Vì thế, mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy đảng và các thành viên của Ủy ban kiểm tra các cấp phải luôn luôn nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của đảng bộ, tình hình thực hiện nhiệm chính trị của đơn vị, nhiệm vụ cùng tình hình xây dựng đảng bộ từng thời kỳ, để có chủ trương, xây dựng kế hoạch tiến hành công tác kiểm tra. Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát phải cụ thể, tỉ mỉ, xác định rõ đối tượng, nội dung, yêu cầu đạt được, thời gian, thành phần lực lượng, biện pháp thực hiện. Đồng thời, phải tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch đặt ra, bảo đảm đúng thời gian, đúng thủ tục, nguyên tắc, chống tư tưởng được chăng hay chớ, thiếu nghiêm túc trong tổ chức thực hiện, vi phạm nguyên tắc, áp đặt, chủ quan, ngẫu hứng. Đặc biệt, kiểm tra những cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm kỷ luật đòi hỏi kế hoạch càng phải cụ thể, tỉ mỉ, chặt chẽ.

Nâng cao tính khoa học, tính hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát

Tính khoa học trong công tác kiểm tra đòi hỏi phải bảo đảm tính thường xuyên, chủ động và kịp thời. Tiến hành không khoa học là một trong những nguyên nhân làm cho công tác kiểm tra của tổ chức đảng các cấp bị kém hiệu quả. Để công tác kiểm tra khoa học, các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp nhất thiết phải xây dựng được một phong cách làm việc có kế hoạch. Xây dựng chương trình kế hoạch trong từng giai đoạn, tập trung vào các công tác chủ yếu, những đơn vị trọng điểm. Kiểm tra phải xác định rõ mục đích, nội dung, thời gian, đối tượng, phải sử dụng lực lượng, lựa chọn các hình thức, biện pháp thích hợp.

Tính hiệu quả là một yêu cầu nhằm bảo đảm tính khoa học trong công tác kiểm tra của Đảng. Tính hiệu quả trong công tác kiểm tra đòi hỏi tổ chức đảng các cấp mỗi khi tiến hành đều phải xác định đúng đắn, chính xác mục đích, có lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ từng khâu, từng bước, có như vậy, việc kiểm tra mới đạt kết quả trên thực tế. Cần đặc biệt nhấn mạnh là sau kiểm tra phải có biện pháp tích cực, cụ thể để khắc phục những mặt thiếu sót, mặt yếu của đơn vị. Nếu sau kiểm tra mà thiếu kế hoạch, biện pháp khắc phục dứt điểm từng nội dung, từng mặt còn yếu kém của đơn vị đã được chỉ ra trong kiểm tra, bằng những nội dung, biện pháp tư tưởng và tổ chức cụ thể, thiết thực, thì sẽ làm giảm hiệu quả của công tác kiểm tra. Trong thực tiễn, có nhiều nơi hiệu lực của công tác kiểm tra thấp, kiểm tra nhiều nhưng không làm chuyển biến được tình hình đơn vị là do thiếu kế hoạch và biện pháp tích cực, cụ thể sau kiểm tra, mà chỉ nêu ra phương hướng chung chung, không quy trách nhiệm rõ ràng.

Xây dựng, củng cố, kiện toàn ủy ban kiểm tra đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác kiểm tra, giám sát

Để kiện toàn ủy ban kiểm tra, cán bộ kiểm tra, cấp ủy các cấp và ủy ban kiểm tra cấp trên phải chấp hành nghiêm quy định của Điều lệ Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương về tổ chức ủy ban kiểm tra, cán bộ kiểm tra các cấp, vận dụng cho phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng tổ chức đảng, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ. Bầu ủy ban kiểm tra đúng nguyên tắc, thủ tục, quy định. Lựa chọn cán bộ bầu vào ủy ban kiểm tra phải có phẩm chất, năng lực, uy tín và cơ cấu hợp lý. Người cán bộ kiểm tra có lúc phải đối mặt với tư tưởng, quan điểm sai trái, hành vi tiêu cực, mặt trái của xã hội, nếu không có bản lĩnh thì dễ bị sa ngã, không trong sạch thì không dám đấu tranh, không có kiến thức, kinh nghiệm thì không thể nhận biết, phân định rõ đúng sai.

Đi đôi với kiện toàn tổ chức thì phải thường xuyên bồi dưỡng một cách toàn diện cho đội ngũ cán bộ kiểm tra về phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực, tác phong công tác. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ này học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt, yên tâm công tác.

Kiểm tra, giám sát là một nghề nên người làm công tác kiểm tra, giám sát phải có đủ đức và tài, trong đó đức là gốc. Người làm công tác kiểm tra, giám sát phải có bản lĩnh và uy tín, khi giải quyết các vụ, việc, phải công tâm, trung thực, khách quan, thận trọng, kiên quyết; phải có kiến thức tương đối toàn diện về các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, công tác đảng; phải là những người kiên định, vững vàng về lập trường chính trị, tư tưởng, không thể suy thoái khi bản thân mình là người đi chống suy thoái. Vì vậy, cùng với quá trình đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra, giám sát thì người làm công tác kiểm tra, giám sát phải luôn tự học tập, đúc rút kinh nghiệm để có phẩm chất và trình độ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Mặt khác, cần có chính sách thu hút những người có đức và thực tài về làm công tác kiểm tra, giám sát.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, tổ chức, lực lượng trong công tác kiểm tra, giám sát

Công tác kiểm tra, giám sát đảng viên, tổ chức đảng là trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng, có liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong đó, các tổ chức trong cơ quan, đơn vị là lực lư­ợng chủ yếu cung cấp thông tin có độ tin cậy cao cho cấp ủy, ủy ban kiểm tra. Do đó, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp phải phát huy đư­ợc vai trò của các tổ chức, lực lượng, vận động quần chúng tích cực tham gia xây dựng đảng, tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra. Thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát thời gian qua cho thấy, những thông tin về đối tượng kiểm tra, giám sát mà cấp ủy, ủy ban kiểm tra thu thập đ­ược chủ yếu dựa vào các tổ chức đảng và tổ chức quần chúng trong đơn vị. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phải phát huy vai trò của các tổ chức, lực lư­ợng để tiến hành công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra. Đồng thời, trong quá trình tiến hành công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra, phải kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương nơi đảng viên cư trú để nâng cao chất lượng.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015

Tác giả : CHU VĂN HẠC

;