Công nghệ thông tin hiện nay ngày càng phát triển mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế xã hội, trong đó có hoạt động thông tin- thư viện ở các cơ quan thông tin và thư viện. Cuộc cách mạng thông tin diễn ra trên quy mô toàn cầu, xu hướng xã hội thông tin với đặc điểm nổi bật là sự phát triển không dựa vào nguồn dự trữ thiên nhiên mà chủ yếu dựa vào nguồn tri thức của con người đang tác động sâu sắc đến ngành thông tin- thư viện và người cán bộ thông tin -thư viện.
Các cơ quan thông tin và thư viện, trong xu thế đó, đã có những thay đổi về chất, bên cạnh hình thức phục vụ thư viện truyền thống, thì những thư viện điện tử đang phát triển. Đây không chỉ là nơi lưu trữ thông tin thành quả lao động trí óc của con người, mà là một trung tâm thông tin giúp người dùng tin truy cập những nguồn lực thông tin một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác và tiết kiệm nhất. Thực tế đó đòi hỏi ở người cán bộ thông tin thư viện phải là người thu thập xử lý, bảo quản và cung cấp đầy đủ chính xác mọi thông tin cần thiết cho người dùng tin. Mặt khác họ còn là chuyên gia tư vấn cho người dùng tin.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đã và đang thực hiện mục tiêu là đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm phát triển nền kinh tế đất nước để rút ngắn thời gian nhanh nhất, tạo cơ hội chuyển nhanh sang nền kinh tế tri thức. Trong điều kiện như vậy, vai trò của người cán bộ thông tin - thư viện ngày càng được nâng cao và hoạt động thông tin thư viện có ưu thế nắm bắt khai thác thông tin cho toàn xã hội: cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác. Thực tiễn đó đòi hỏi người cán bộ thông tin - thư viện cần thay đổi và hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp của mình trên cơ sở vận dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, có kiến thức về công nghệ thông tin và ngoại ngữ để có thể truy cập, khai thác và quản trị nguồn lực thông tin ngày càng phong phú và đa dạng.
Thông tin tri thức được tạo ra trong xã hội và được mọi người khai thác, sử dụng hàng ngày, hàng giờ và trở nên rất quen thuộc với mọi người, với mọi ngành nghề trong xã hội. Kỹ năng tổ chức, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin tri thức được hình thành từ nhiều phía khác nhau trong xã hội, bên cạnh đó được hình thành trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Trong lĩnh vực hoạt động thông tin - thư viện, kỹ năng lại được hình thành từ kinh nghiệm thực tiễn được truyền bá từ người này sang người khác. Hiện nay trong hoạt động thông tin thư viện những người được đào tạo về thông tin - thư viện sẽ gặp không ít khó khăn, trở ngại khi thực hiện nhiệm vụ của mình tại các cơ quan thông tin và thư viện, nơi mà luôn đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tri thức được đào tạo với tri thức, kinh nghiệm thực tiễn của các ngành, lĩnh vực chuyên môn mà họ đảm nhiệm. Đó là những thách thức cơ bản mà những sinh viên ngành thông tin - thư viện đang phải đối mặt.
Làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của người dùng tin đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các cơ quan thông tin thư viện. Cũng chính vì lẽ đó, mục tiêu đặt ra cho các cơ sở đào tạo là phải đào tạo được một đội ngũ những người cán bộ đáp ứng với nhu cầu đòi hỏi của xã hội hiện nay. Bởi vì đánh giá chất lượng hoạt động của một cơ quan thông tin - thư viện thực chất là đánh giá trình độ tay nghề, khả năng thích ứng với công việc của người cán bộ.
Hoạt động thông tin - thư viện là nhằm phục vụ một ngành, lĩnh vực cụ thể trong xã hội, ví dụ như: cơ quan thông tin - thư viện trong trường đại học là đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu trong trường đại học; cơ quan thông tin khoa học công nghệ được ra đời là để phục vụ các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, quản lý, chuyển giao, triển khai áp dụng công nghệ,...
Vì thế, sự phát triển của hoạt động thông tin- thư viện phải gắn chặt với sự phát triển của ngành, lĩnh vực mà nó được sinh ra từ chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu đích thực của người sử dụng các sản phẩm và dịch vụ do cơ quan thông tin -thư viện tạo ra. Đây là một triết lý đơn giản song không phải ai cũng nhìn nhận một cách đầy đủ và có cách ứng xử thích hợp, hay có sự chuẩn bị một cách tích cực cho điều đó.
Đứng về mặt nghề nghiệp, ngành thông tin thư viện hiện nay, xã hội cần ba loại cán bộ: cán bộ kỹ thuật (information technicans), cán bộ chuyên môn (information professional), cán bộ quản lý (information managers).
Cán bộ kỹ thuật cần các kiến thức và kỹ năng tác động vào cấu trúc và tổ chức thông tin thư viện trong sự tồn tại và vận động của chúng. Những kiến thức này là đánh chỉ số, biên mục, mã hóa, lưu trữ, tìm kiếm khai thác... và hiện đại như: tạo dựng và quản trị các CSDL, hiệu đính trực tuyến, tìm tin trực tuyến...
Cán bộ chuyên môn sử dụng các phương pháp trình bày và biến đổi liên quan nhiều tới phần nội dung và cấu trúc của thông tin như: phân tích, đánh giá... mục đích làm nổi lên giá trị khiến dữ liệu và tri thức trở thành sức mạnh.
Cán bộ quản lý có tầm quan trọng khi các cơ quan thông tin và thư viện được vận động trong điều kiện thị trường thông tin. Thông tin vừa là tài sản và vừa là hàng hóa của xã hội, các cơ quan thông tin thư viện vấn đề quản lý thông tin thực sự là một thách thức trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng ở hai trục: công nghệ và thị trường.
Chính vì vậy công tác đào tạo cán bộ thông tin- thư viện hiện nay nội dung đào tạo cần sát thực tế xã hội yêu cầu và được chia thành ba tầng: kiến thức, công cụ và kỹ năng.
Kiến thức là nền tảng học vấn của một ngành học đó là các vấn đề về khái niệm, bản chất, quy luật của nó. Công cụ là phương tiện, phương pháp để thực hiện công việc như: phân tích hệ thống, tổ chức cấu trúc, phương tiện kỹ thuật tin học, mạng... Kỹ năng đối với cán bộ thông tin thư viện là: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng công nghệ (tìm tin trực tuyến, quản trị CSDL, phát triển ứng dụng...), kỹ năng làm việc trong môi trường cộng đồng.
Nghề thông tin thư viện có một số đặc điểm cần được lưu ý trong quá trình lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện quy trình đào tạo: đặc điểm liên ngành (mang tính đa ngành, hội tụ các kiến thức về các lĩnh vực), đặc điểm ứng dụng (có tính định hướng cao, áp dụng rộng rãi ở mọi lĩnh vực), đặc điểm biến chuyển (cần cập nhật thông tin, nâng cao trình độ cán bộ).
Một số kiến nghị trong công tác đạo tạo hiện nay cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong trong hệ thống thông tin - thư viện.
Trong chương trình đào tạo của các trường, ngoài số giờ lý thuyết nên chú trọng số giờ thực hành cho sinh viên và tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với thực tế ở các loại hình cơ quan thông tin và thư viện khác nhau, đồng thời cần có sự cải tiến bố trí thời gian đi tham quan, thực tế của sinh viên để ứng dụng ngay những điều đã học vào thực tế. Do vậy cần xây dựng và tạo lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường với các cơ quan thông tin - thư viện.
Hiện nay môi trường làm việc cũng rất đa dạng và khác biệt: có người ở thư viện lớn, thư viện chuyên ngành; có người ở các thư viện trung ương, lại có người ở các thư viện địa phương… trong lúc chúng ta chưa có điều kiện đào tạo cán bộ chuyên ngành cho từng loại thư viện. Vì thế trong quá trình học tập, nhà trường cần cho sinh viên tham quan thực tế giúp họ có khả năng thích ứng để nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc sau này.
Sinh viên ngành thông tin - thư viện cần được trau dồi thêm kỹ năng đọc, viết, trình bày và diễn thuyết để rèn luyện, nâng cao năng lực cho sinh viên nhằm giúp các em biết tổ chức giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề, hội thảo hay trưng bày, triển lãm sách…
Ngoài trình độ nâng cao trau dồi ngoại ngữ, về tin học và phần mềm chuyên môn hiện nay các cơ quan thông tin và thư viện sử dụng nhiều phần mềm khác nhau, chưa có sự thống nhất vì phụ thuộc vào điều kiện thực tế và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, nhưng đã có tiêu chí kỹ thuật chung do các chuyên gia đầu ngành thông tin thư viện quy định cụ thể về: Tính thống nhất, tính liên thông giữa các thư viện, tính kế thừa dữ liệu từ các phần mềm khác, tính ổn định và dễ khai thác, các yêu cầu về nghiệp vụ thư viện, tuân thủ các chuẩn quốc gia và quốc tế về thông tin - thư viện và công nghệ thông tin. Cần giới thiệu cho sinh viện nắm được một số tính năng cơ bản của phần mềm chuyên môn, có như vậy sinh viên mới có đủ điều kiện tiếp cận với các hoạt động nghiệp vụ tại các cơ quan thông tin - thư viện.
Về điều kiện học tập các môn thực hành: các cơ sở đào tạo nên đầu tư để phòng máy tính được cài đặt các phần mềm quản trị thư viện mới nhất để sinh viên thực hành nâng cao trình độ nghiệp vụ (1).
Chú ý xây dựng thư viện - tư liệu khoa phong phú tài liệu hơn: Các bản quy tắc mô tả, bảng phân loại, bộ từ khóa phải đảm bảo ít nhất 2 sinh viên có 1 bản để làm công cụ thực hành (2).
Đối với bậc đào tạo sau đại học, cần trang bị kiến thức về công tác quản lý, phương pháp lập dự án và triển khai dự án trong hoạt động thông tin - thư viện, tăng cường số tiết về các môn học liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện, hiện đại hóa, tự động hóa, tiêu chuẩn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu trong hoạt động thông tin thư viện, quản trị mạng, quản trị hệ thống, tăng cường các buổi thảo luận thực tế trên lớp.
Trên đây là những suy nghĩ bước đầu của chúng tôi về chất lượng đội ngũ cán bộ thông tin - thư viện hiện nay, với mục đích nhằm đưa công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển lên một bước mới với chất lượng cao hơn cho sự nghiệp phát triển thông tin - thư viện của cả nước nhằm phục vụ đắc lực cho quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
_______________
1, 2. Nguyễn Văn Hành, Trung tâm TTTV ĐHQGHN với việc sử dụng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp đào tạo và NCKH của ĐHQGHN, Kỷ yếu hội thảo Khoa học chuyên ngành TTTV, Hà Nội, 2006, tr.26.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014
Tác giả : Đinh Văn Liên - Lê Đình Hoàng