Chương trình nghệ thuật “Giai điệu Tổ quốc” là một trong các sự kiện hướng tới Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2023) và chào mừng ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023). Đây là chương trình có ý nghĩa đối với những người thực hiện bởi sẽ do chính các nghệ sĩ của ngành Văn hóa đảm nhận. Vì thế, cả ê-kíp đang dồn sức sáng tác, luyện tập với mong muốn mang đến cho khán giả những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, rung động và giàu cảm xúc.
Nhạc sĩ, NSND Quang Vinh: chương trình sẽ có các ca khúc ca ngợi Đảng, thành tựu đất nước và gắn với cội nguồn dân tộc
Là Tổng đạo diễn chương trình, nhạc sĩ, NSND Quang Vinh cảm thấy rất hào hứng và vinh dự khi được thực hiện chương trình. NSND Quang Vinh cho biết: Đây là một chương trình nghệ thuật lớn và có ý nghĩa bởi không chỉ chào mừng ngày Quốc khánh của đất nước mà còn hướng tới kỷ niệm ngành Văn hóa, và sẽ được diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ. Vì thế, cùng với Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, chương trình còn có các đơn vị nghệ thuật tham gia phối hợp thực hiện như: Học viện Âm nhạc Quốc gia, Nhà hát Nhạc Dân gian Việt Bắc, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và Khối nghệ nhân các tỉnh.
Chia sẻ về nội dung của chương trình nghệ thuật, NSND Quang Vinh cho rằng: Với tên gọi chủ đề “Giai điệu Tổ quốc”, chính vì thế, chương trình sẽ có các ca khúc ca ngợi Đảng, Tổ quốc và những thành tựu đạt được trong công cuộc dựng xây đất nước. Cùng với đó, chương trình sẽ sử dụng lời bình, hình ảnh, múa minh họa để người xem hiểu rõ hơn về vai trò đóng góp của văn hóa và văn hóa có vị trí hết sức quan trọng đối với đời sống, có trong tất cả mọi lĩnh vực xã hội và thăng trầm theo lịch sử đất nước. Đặc biệt, trên nền những ca khúc đã đi cùng năm tháng, nhiều bài hát sẽ được phối mới nhằm mang lại sự mới mẻ, ấn tượng đối với khán giả.
Nhạc sĩ, NSND Quang Vinh hướng dẫn tập luyện cho các ca sĩ - Ảnh: Tuấn Minh
Chương trình nghệ thuật không chỉ hướng tới kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9, mà còn kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa, bên cạnh tôn vinh những thành tựu của đất nước về cách mạng, khoa học, chính trị… cùng với đó sẽ có các ca khúc gắn với cội nguồn dân tộc. Theo NSND Quang Vinh, trong văn hóa của Việt Nam, tư duy mẫu hệ được xuyên suốt và khá sâu đậm, đó là hình ảnh người mẹ và lời ru được hình thành, bao hàm trong tư duy của mỗi con người Việt Nam.
“Vì thế trong Phần 1 có tên gọi Hồn Việt, với ca khúc mở đầu Hồn thiêng đất Việt, ê-kíp xây dựng hình ảnh người mẹ đất nước, và lời ru được mang đậm nét trong tâm hồn của người con đất Việt là sợi chỉ xuyên suốt kết nối với Phần 2. Với tên gọi Đất nước, Phần 2 sẽ đề cập đến giai đoạn phát triển của cách mạng, trong đó sẽ là các bài ca cách mạng, ca khúc về Bác Hồ, cùng với các bài hát ngợi ca Đảng. Trong phần này, cùng với các khúc: Lá cờ Đảng, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Đường chúng ta đi… sẽ có sự xuất hiện hình ảnh sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 24-11-1946, tại Nhà hát Lớn đã diễn ra sự kiện văn hóa đặc biệt đầu tiên của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất”. Hồ Chủ tịch đã đến dự hội nghị. Câu nói bất hủ của Người: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi...” đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Phần tiếp nối với chủ đề Sắc màu hội tụ - tỏa sáng, sẽ đề cập đến giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tuổi trẻ hiện nay, vì thế, các ca khúc sẽ có sự sôi nổi tương xứng với sự phát triển của xã hội. Nội dung ở phần này sẽ làm nổi bật hình ảnh con người Việt Nam, với cộng đồng các dân tộc trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể của dân tộc đã tạo dựng được những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng phong phú, đa dạng. Những giá trị văn hóa bền vững, trường tồn tiêu biểu cho bản lĩnh, bản sắc, sức sống, phẩm giá của dân tộc, của con người Việt Nam tiếp tục tỏa sáng, soi đường cho các thế hệ hôm nay và mai sau vững bước trưởng thành trong xây dựng, kiến tạo môi trường văn hóa Việt Nam tốt đẹp hơn trong giao lưu hội nhập quốc tế vì phát triển bền vững đất nước…
Nói về các nghệ sĩ tham dự, NSND Quang Vinh cho biết, trong chương trình sẽ có sự góp mặt của nhiều ca sĩ tên tuổi, với nhiều thế hệ, điều đó là sự tiếp nối, kế thừa và mong muốn các ca sĩ trẻ ngày càng phát triển trong tương lai.
Sẽ có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng góp mặt trong chương trình như: NSND Quang Thọ, NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Đức Long, NSƯT Ngọc Khang, NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Phương Thảo, NSƯT Trường Bắc, NSƯT Hoàng Tùng, Vũ Thắng Lợi, Lê Anh Dũng, Tiến Hưng, Ngọc Hà, Tố Loan…
Các nghệ sĩ luyện tập tổ khúc thơ múa trong Phần 1 của chương trình - Ảnh: Tuấn Minh
Chương trình nghệ thuật có độ dài khoảng 60 phút, thông điệp mà những người thực hiện muốn gửi gắm: “Con người Việt Nam vốn có đức tính chia sẻ yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Trong chương trình chúng tôi cũng sử dụng hình ảnh cây tre như một biểu tượng, cây tre gắn liền với cuộc sống, nó có mặt trong mọi vật dụng sinh hoạt của người dân Việt Nam. Đồng thời, cây tre còn được sử dụng để làm nhà, che chắn mọi bão táp, rồi trở thành cây gậy tầm vông đánh giặc… Sự dẻo dai, luôn vươn mình thẳng tắp, thích nghi trong mọi khó khăn, đó cũng chính là sức mạnh nội sinh của người Việt, như tinh thần của cây tre không bao giờ gục ngã trước phong ba, bão táp…” – đạo diễn, NSND Quang Vinh chia sẻ.
Biên đạo Tuyết Minh: Tổ khúc thơ múa sẽ góp phần đưa khán giả đến với văn hóa Việt Nam
Trong chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc, nghệ sĩ Tuyết Minh được giao trọng trách Tổng biên đạo, chia sẻ về ý nghĩa khi tham gia thực hiện, chị cho biết: “Đây là chương trình kỷ niệm ngày truyền thống của ngành Văn hóa, ngành của chúng tôi, là một nghệ sĩ, với tôi điều đó thật linh thiêng. Vì thế là một trong những thành viên của chương trình, tôi cảm thấy có trách nhiệm rất lớn, và sẽ nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhất phần việc của mình”.
Qua sự tiếp nhận kịch bản và trao đổi của Tổng đạo diễn, với vai trò là Tổng biên đạo, “tôi đã phân cảnh và diễn giải với từng biên đạo, để mỗi biên đạo hiểu được, khi mở màn chương trình, phải tạo được không khí, quy tụ cảm xúc và tạo sự thu hút, khiến khán giả tập trung vào chương trình, thả tâm hồn vào dòng chảy do các nghệ sĩ khơi mở” – Biên kịch Tuyết Minh chia sẻ.
Nghệ sĩ Tuyết Minh cũng cho biết: “Làm thế nào để có thể toát lên dòng chảy văn hóa và tâm hồn văn hóa Việt. Để thể hiện, làm nổi bật lên được những điều đó, chúng tôi gặp khó khăn về mặt thủ pháp nghệ thuật. Bởi, nói về văn hóa thì rất rộng, văn hóa liên quan đến mọi hoạt động, đời sống của con người. Văn hóa được thẩm thấu từ trong gia đình, từ lời ru của mẹ; văn hóa là những giá trị truyền thống, tinh thần được học tập từ trường lớp và ngấm qua từng câu chuyện của ông, bà, cha, mẹ... Vì thế, để khán giả có thể cảm nhận được những điều đó trong chương trình, nếu chỉ thể hiện bằng các ca khúc thì không làm bật lên được, chính vì thế Tổng đạo diễn Quang Vinh cũng đã thống nhất và cho rằng múa sẽ làm bật lên được những điều đó”.
Biên đạo Tuyết Minh - Ảnh: NVCC
Với biên đạo Tuyết Minh, Phần 1 của chương trình sẽ có tổ khúc thơ múa, và đó cũng chính là “phần nặng” đối với chị trong chương trình này, phần này cũng là điểm nhấn của chương trình, trong đó “gói” cả một chiều dài văn hóa đất Việt. Trong Phần 1, cùng với phần sáng tác âm nhạc và các ca khúc như: Lời ru mẹ Âu Cơ, Hồn Việt… các bài hát đó là liên kết để hướng tới tổ khúc thơ múa. Tổ khúc thơ múa gồm các phân cảnh lớn, ở đó với hình ảnh con cò biểu hiện cho sự tần tảo, vượt khó, bay lên… những cánh cò mỏng manh, trắng muốt vươn lên trước bão giông, đó là sự vươn lên trước những khó khăn của thiên nhiên, địch họa, hay cũng chính là hình ảnh đất nước Việt Nam vươn lên phía trước. Lồng giữa hình ảnh con cò là hình ảnh mẹ Việt Nam được tôn lên trên hình ảnh của hoa sen lớn… Tiếp theo, nối với ca khúc Lời ru của mẹ Âu Cơ, cánh cò bay xuyên không kết nối từ thời Lạc Long Quân – Âu Cơ đến thời các bà mẹ ru con bên cánh võng ở các làng quê, rồi bay đến với các bà mẹ thời hiện đại, khi mà nuôi con khôn lớn bên những dòng sông, bên lũy tre làng, đến với thời hiện đại… Đó là một hoạt cảnh phức hợp, và trong đó có cả tiếng đồng dao, sức mạnh Phù Đổng vươn lên rồi đến với điểm nhấn là múa tầm vông, như đất nước Việt Nam quật cường đứng lên. Sau đó, nối tiếp vào bài hát Hồn Việt, ở đó sẽ có sự xuất hiện bộ sưu tập cổ phong, con đường phát triển của tà áo dài Việt Nam, nối với ba miền Bắc – Trung – Nam…
Nếu Phần 1 với trọng tâm về múa, đến Phần 2 múa sẽ giảm bớt đi trở thành thứ yếu, minh họa cho tác phẩm, điểm nhấn tập trung vào âm nhạc, trong đó xuất hiện dàn nhạc dân tộc với diễn xướng và hòa tấu âm nhạc. Phần 3 điểm nhấn tiếp tục dành cho múa, sau tác phẩm Tiếng gọi Việt Nam sẽ là màn hát - múa để kết nối giữa Phần 2 và Phần 3, đặc tả điệu múa hiện đại, đó là vũ điệu ánh sáng. “Tôi muốn thể hiện những sắc màu, với các thể loại mới, mang sức sống mới, với khí thế, năng lượng của thế hệ ngày hôm nay, đón lấy những ánh sáng của Đảng, của văn hóa, của các nền văn hóa tinh hoa của thế giới…” – Biên đạo Tuyết Minh cho biết.
NGỌC BÍCH