Vở tuồng “Lửa cháy Phiên Ngung”: Tô đậm ý chí kiên cường của Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ

Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa cho ra mắt vở tuồng “Lửa cháy Phiên Ngung”. Không chỉ khắc họa thành công hình tượng hậu chúa – Khúc Thừa Mỹ trong vai trò “Hoan hảo sứ”, vở diễn còn là sự ngợi ca tinh thần, ý chí và lòng quyết tâm xây dựng nền độc lập tự chủ cho dân tộc ta của Tam Khúc chúa.

Lửa cháy Phiên Ngung được dàn dựng từ kịch bản chuyển thể tiểu thuyết cùng tên của tác giả TS Khúc Minh Tuấn - một người con dòng họ Khúc đã dành nhiều thời gian và tâm sức để viết nên những bộ tiểu thuyết đồ sộ về cha ông. Vở diễn xoay quanh nhân vật Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ, được cha là Khúc Thừa Hạo cử sang các nước Đại Lương, Nam Hán với tư cách là “An Nam lưỡng sứ”, “Hoan hảo sứ” để thực hiện thế trận tử gián, sinh gián (đánh lừa địch, xâm nhập vào trong lòng địch).

Sở dĩ, Khúc Thừa Mỹ phải thực hiện vai trò là “Hoan hảo sứ” bởi, từ đời Khúc Thừa Dụ đến Khúc Thừa Hạo dù được công nhận là Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân (An Nam đô hộ phủ), song chưa khi nào phương Bắc, từ bỏ ý đồ chiếm lại để cai trị và tìm mọi cách để thôn tính Tĩnh Hải quân.

Biết rõ nguy cơ và nắm bắt được dã tâm của người láng giềng, Tiết độ sứ Khúc Thừa Hạo đã có những quyết sách để bảo vệ nền độc lập non trẻ. Một trong những biện pháp đó là chính sách ngoại giao mềm dẻo, trung lập, nhưng do thế lực còn mỏng, Khúc Thừa Hạo đã tin tưởng giao cho con trai sứ mệnh đặc biệt này.

Không phụ lòng cha, Khúc Thừa Mỹ với danh nghĩa là sứ giả đã khôn khéo hoạt động công khai trong lòng kẻ thù. Ông và các thuộc tướng đã tạo ra xung đột, mâu thuẫn, làm rạn nứt mối quan hệ giữa các nước chư hầu của nhà Lương; thu thập tin tức truyền về đất nước. Đồng thời, với mưu mẹo và sự khôn khéo, Khúc Thừa Mỹ đã chặn đứng âm mưu của nhà Hán với mong muốn thôn tính Tĩnh Hải quân…

Đến với vở diễn Lửa cháy Phiên Ngung, người xem cảm nhận sự nhiệt huyết của chàng trai trẻ Khúc Thừa Mỹ khi mong muốn nối bước chân ông, cha trên con đường gìn giữ độc lập, tự chủ của đất nước, khi ông đã không ngại khó khăn, chủ động xin cha được đi sứ tới nước láng giềng. Sống cùng với sự hống hách, sự xấu xa, đầy rẫy những cám dỗ nhưng Khúc Thừa Mỹ vẫn kiên cường, hy sinh chịu đựng thực hiện những nhiệm vụ được đặt ra. Cùng với những mưu trí, ông đã vượt qua mọi thử thách, gạt bỏ tình cảm riêng tư, với một ý chí quyết tâm truyền những tin tức hữu ích về Tổ quốc…

Song hành cùng bước chân của Khúc Thừa Mỹ, vở diễn tái hiện sự hống hách của Lương Thái Tổ nhà Đại Lương, hách dịch của Lưu Nham nhà Nam Hán;  sự ăn chơi, dâm loạn của quân và quan Đại Lương. Trong tình thế buộc phải tham dự vào cuộc ăn chơi này, Khúc Thừa Mỹ đã vô tình gặp và cứu Lưu Nguyệt là cháu họ của Lưu Nham. Sau đó, Lưu Nguyệt gặp lại Khúc Thừa Mỹ trong vai trò là sứ giả tại nhà Hán và đem lòng yêu thương chàng trai trẻ. Không đáp lại tình cảm, nhưng Khúc Thừa Mỹ vẫn gặp gỡ, đồng hành cùng Lưu Nguyệt đến các địa danh của nước Hán, qua đó, tìm hiểu, nắm bắt thông tin gửi về đất nước…

Cùng với đó, người xem cũng thấy được tấm lòng đau đáu của người cha Khúc Thừa Hạo luôn lo lắng cho sự an nguy của người con trai Khúc Thừa Mỹ, nhưng vẫn quyết tâm đặt sự nghiệp bảo vệ đất nước lên hàng đầu; ở đó có tấm lòng của người mẹ luôn hướng về đứa con trai ra đi đến xứ người trong vai trò “Hoan hảo sứ”, nhưng khi ra đi đã không một lời từ biệt mẹ; và cảm nhận được tấm lòng trung nghĩa của hai vị tướng trẻ Trần Thanh, Đỗ Bình luôn đồng hành với Khúc Thừa Mỹ…

Tất cả các hình ảnh đó được thể hiện qua từng lớp diễn, với hai tuyến nhân vật đối lập, được sắp xếp đan xen hợp lý, làm nổi bật lên hình tượng vị Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ, người con trung hiếu, với tấm lòng, chí khí kiên cường, một trang tuấn kiệt ẩn mình trong lòng kẻ thù, khéo léo trong thế trận ngoại giao, quyết liệt trong hành động góp phần không nhỏ vào công cuộc chống lại sự xâm lăng của nhà Hán.

Vở diễn không chỉ thành công trong cách kể chuyện, mà còn cuốn hút khán giả trong diễn xuất nhập tâm, tạo ra điểm nhấn, cũng như lột tả chân thật các nhân vật trong vở diễn của đội ngũ nghệ sĩ. Đó là sự trẻ trung của nghệ sĩ Mạnh Linh khi anh thể hiện sống động, với nhiều sắc thái biểu cảm đã làm toát lên khí phách, ý chí kiên cường khi đối mặt với những thử thách, khó khăn của Khúc Thừa Mỹ; sự tinh tế, dày dặn kinh nghiệm của NSƯT Nguyễn Kiều Oanh làm người xem rung động với nỗi xót xa, nhớ nhung, lo lắng cho con trai là Khúc Thừa Mỹ phải đến nước giặc làm sứ giả… Đặc biệt, vở diễn còn có các tạo hình sinh động đầy sáng tạo: hình ảnh những cô gái đồng trinh với  những tấm vải trắng  quấn quanh người, trở thành nạn nhân bị lũ quân, quan Đại Lương bức hiếp; và hình ảnh những chiếc mặt nạ xuất hiện trên sân khấu với thông điệp đầy ý nghĩa: hy sinh cuộc sống tự do, chấp nhận giấu mình, ẩn nấp của hậu chúa, khi sống trong lòng địch để thu thập tin tức, nhằm tăng cường sức mạnh để phòng thủ đất nước…

Trên chất liệu tiểu thuyết của TS Khúc Minh Tuấn, được tác giả kịch bản Nguyễn Sỹ Chức chắp bút, do ông Tạ Văn Sốp biên tập làn điệu Tuồng, đạo diễn  NSND Hoàng Quỳnh Mai, cùng ê-kíp sáng tạo (Chỉ đạo nghệ thuật: Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn; Trợ lý đạo diễn: NSƯT Lộc Huyền; Âm nhạc: NSƯT Lê Trần Vinh; Thiết kế mỹ thuật: Nguyễn Hoàng Phong; Biên đạo múa: Phương Nga), với sự thăng hoa của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam, đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc và sự hấp dẫn. Sau Khúc gia trang dậy sóng trời Nam, Lửa cháy Phiên Ngung là vở tuồng thứ hai được đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng nói về những đóng góp quý báu của Tam Khúc đối với đất nước. Thành công của các vở diễn không chỉ để lại nhiều dấu ấn trong lòng người xem, mà qua đó còn là lời nhắc nhở đối với giới trẻ về sự biết ơn về những đóng góp cũng như ý chí kiên cường của các bậc tiền nhân trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ, và xây dựng đất nước.

 

 Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai: Công lao của các bậc tiền nhân  khiến cho tôi cũng cũng như hậu thế luôn ngưỡng mộ và muốn tri ân. Trong đó, có dòng họ Khúc với những con người, những thế hệ đã đặt nền tảng độc lập tự chủ đầu tiên của dân tộc Việt Nam - điều đó đã hấp dẫn tôi. Vì thế, tôi muốn gửi gắm vào tác phẩm những thông điệp đó là lòng tôn kính đối với các bậc tiền nhân. Thông qua các vở diễn về Tam Khúc chúa, tôi mong muốn giới trẻ hiện nay tôn kính và thấu hiểu về một giai đoạn lịch sử đầy gian khổ, khó khăn, nhưng các bậc tiền nhân đã tạo nên được một nền độc lập tự chủ dân tộc tự chủ, đó là nền móng để chúng ta có đất nước Việt Nam ngày hôm nay.

Nghệ sĩ Mạnh Linh: Tôi rất vinh dự khi được phân vai hậu chúa Khúc Thừa Mỹ. Đây là một nhân vật lớn, khi biểu diễn phải toát ra được ý chí và khí phách của người anh hùng, chính vì thế cũng là một áp lực đối với tôi. Cùng với sự chú tâm rèn luyện, tôi còn được sự chỉ bảo, đóng góp rất nhiều từ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai. Điều đó, đã giúp tôi rất nhiều trong việc thể hiện tốt nhất nhân vật được phân vai, hoàn thành vai diễn theo đúng theo ý đồ mà ê-kíp sáng tạo mong muốn.

 

Bài, ảnh: NGỌC BÍCH

;