Chiều 18-11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị gặp mặt những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc năm 2022, nhằm tôn vinh, biểu dương các nghệ nhân, già làng, trưởng bản tích cực giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực; cùng tham dự có các nghệ nhân tiêu biểu đến từ 17 tỉnh phía Bắc, các nghệ nhân đang sinh sống tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022, diễn ra từ ngày 18 đến 23-11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu đề dẫn hội nghị, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh: hiện nay, các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn. Dân cư sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại không thuận tiện, đời sống kinh tế còn khó khăn nên khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào còn nhiều hạn chế và đang đứng trước nguy cơ bị phai nhạt, mất dần bản sắc văn hóa truyền thống... Trong khi đó, sự tiếp thu văn hóa, tri thức mới của lớp trẻ bên cạnh sự tích cực vẫn còn có nhiều hiện tượng, trường hợp do thiếu định hướng, thiếu các điều kiện cần thiết để thực hành đã làm cho văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng mai một, nhất là ở các cộng đồng có số dân rất ít người. Mặt khác, do tác động của của quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới về kinh tế-văn hóa cũng làm cho các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đối diện với nhiều thách thức.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh chủ trì Hội nghị
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc cũng cho biết, nhiều năm qua, thực hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về Công tác dân tộc, Bộ VHTTDL luôn coi trọng và phát huy vai trò của người dân, các nghệ nhân - chủ thể của hoạt động văn hóa trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở các làng, bản dân tộc thiểu số tại các địa phương. Từ đó góp phần nâng cao thực hành và hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc. Bộ VHTTDL cũng thường xuyên phối hơp với các cấp, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa mang tính chất vùng, miền... góp phần tôn vinh giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các địa phương trong cả nước; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chung tay giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc đề nghị Hội nghị tập trung các ý kiến, thảo luận về giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Ý kiến của các đại biểu, các cơ quan quản lý, đặc biệt là ý kiến của các chủ thể văn hóa (thông qua các nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc tiêu biểu) để các giá trị văn hóa của đồng bào được bảo tồn vừa đúng bản sắc văn hóa truyền thống, vừa phù hợp với chủ trương, định hướng của nhà nước.
Cụ thể: (1) Xác định các nội dung văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, phục dựng, giữ gìn. (2) Lựa chọn, ưu tiên trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. (3) Xác định hình thức, giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong đời sống cộng đồng và đời sống xã hội như thế nào? (4) Xác định trách nhiệm: Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách đầu tư cho lĩnh vực văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, và chính sách đặc thù để bảo tồn khẩn cấp văn hóa của các dân tộc thiểu số như thế nào?; Các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp bảo tồn văn hóa cụ thể, thiết thực nhằm từng bước có cơ chế chính sách đặc thù để bảo tồn văn hóa các dân tộc, để đạt được kết quả tốt nhất; Các cấp, các ngành ở địa phương cần thống nhất đưa mục tiêu nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, đặc biệt là văn hóa các dân tộc ít người vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch ở các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào?; Chủ thể văn hóa là các nghệ nhân dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ, bảo tồn phát huy văn hóa của dân tộc mình cần phải làm gì?. (5) Xác định cơ chế đặc thù riêng để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số từ Trung ương đến địa phương cơ sở. (6) Một số mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tại các địa phương.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị
"Với trách nhiệm là cơ quan quản lý về văn hóa dân tộc thiểu số, chúng tôi mong muốn được tiếp thu ý kiến, sáng kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị của đồng bào các dân tộc để có căn cứ kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp trên xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc trong tình hình mới"- Vụ trưởng Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu, nghệ nhân đã bày tỏ cảm ơn Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số. Các ý kiến đóng góp nêu những khó khăn, thực trạng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ở cộng đồng các dân tộc thiểu số, những thách thức phải đối mặt trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế, khiến mai một giá trị văn hóa truyền thống cũng như phát huy vai trò của các nghệ nhân trong bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở cơ sở.
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, đóng góp của các đại biểu, phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành các chương trình, mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế, xã hội của các vùng dân tộc thiểu số, trong đó có những dự án bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển cộng đồng. Đó là minh chứng thể hiện sự quan tâm cụ thể, thiết thực của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, luôn luôn xác định văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là một nguồn nội lực, cùng với các giá trị khác để làm nên sức mạnh phát triển kinh tế xã hội, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, để khẳng định với thế giới về giá trị, bản sắc, sự giàu có phong phú, đa dạng về văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Thứ trưởng bày tỏ niềm vui khi được gặp gỡ các nghệ nhân tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam - ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Thứ trưởng khẳng định, “chúng ta có mặt ở đây để cùng nhau chia sẻ các vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt chúng ta cùng nhau tham gia các hoạt động của tuần lễ Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam lần này. Chúng tôi hy vọng với những tâm huyết, đóng góp, trí tuệ và nhiệt huyết của các nghệ nhân, công tác phát huy các di sản văn hóa không chỉ là thông qua các Ngày hội mà còn sống trong đời sống hằng ngày, trong đời sống của mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng dân cư”.
Thứ trưởng mong muốn, các nghệ nhân - những người có đóng góp cho bảo tồn phát huy di sản văn hóa với những kinh nghiệm, nỗ lực của mình thời gian vừa qua sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp, bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc mình. Nếu không có sự đóng góp như vậy thì di sản văn hóa dân tộc thiểu số khó mà lưu giữ được như hiện nay.
Thứ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến đề xuất trong khuôn khổ Hội nghị này và trong các tham luận mà BTC đã tổng hợp để tháo gỡ, đồng thời báo cáo với các cơ quan thẩm quyền.
LINH GIANG - Ảnh: TUẤN MINH