Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là xây dựng, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đây là một chủ trương quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc, làm nền tảng tinh thần cho xã hội, tạo động lực để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước. Suốt 50 năm qua, với sứ mạng gìn giữ, quảng bá và phát triển tinh hoa nghệ thuật chèo, Đoàn chèo Hải Phòng luôn là điểm sáng của thành phố về hoạt động nghệ thuật.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, với tên gọi Đội văn công sông Hồng hay Đoàn văn công quân khu Tả Ngạn (15-10-1954) gồm 16 thanh niên vừa trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề, nhưng đoàn đã làm nên những kỳ tích đáng trân trọng. Các tiết mục gọn nhẹ như múa Vui sản xuất, Trống ngũ lôi, Hái chè bắt bướm…; các tiết mục hát, tấu hài; các vở diễn đã góp phần tuyên truyền đường lối của Đảng. Đặc biệt, các vở chèo có nội dung thiết thực, phục vụ công cuộc cải cách ruộng đất, giảm tô, xây dựng nông thôn mới như: Chiếc vai cày, Con trâu hai nhà, Tiếng trống hội mùa, những vở kịch: Lỡ chuyến bay, thoát nạn di cư, Hàng ngũ hòa bình… Các vở này được lưu diễn khắp các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên và Hải Phòng, được khán giả hào hứng tiếp nhận. Tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1962, vở Bài ca chính khí (tác giả Hà Văn Cầu) đã đem lại 7 huy chương vàng, 5 huy chương bạc cho đoàn. Cái tên Đoàn chèo Tả Ngạn cùng những vở diễn: Tiếng trống hội mùa, Tô Thị vọng phu, Theo ngọn cờ hồng, Trà hoa tiên của Phan Tất Quang, Tấm Cám của Lưu Quang Thuận, các vở chèo cổ: Quan Âm Thị Kính, Súy Vân giả dại đã xuất hiện thường xuyên trong kịch mục, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả yêu chèo khắp vùng duyên hải.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go, ác liệt. Cùng các đơn vị nghệ thuật khác trên miền Bắc, cán bộ, diễn viên Đoàn chèo Hải Phòng trở thành những người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa. Nhiều bài thơ sáng tác kịp thời của Trần Đình Ngôn, Phan Tất Quang, Vũ Thanh… đã sẻ chia, khích lệ những người chiến sĩ trên mật trận vững vàng chiến đấu. Những vở chèo có nội dung ngợi ca lòng nhân ái, đề cao tinh thần yêu nước, ý chí quyết thắng kẻ thù xâm lược như: Người con gái sông Cấm, Tấm vóc đại hồng, Lam Sơn tụ nghĩa, Lá thư từ tuyến đầu, Trận địa màu xanh… cho đến nay vẫn in đậm trong tiềm thức của những cán bộ, diễn viên gạo cội về một thời vừa làm diễn viên, vừa là chiến sĩ. Theo tác giả Trần Đình Ngôn, thời hoàng kim của chèo Hải Phòng (1965-1975) đã tạo nên một thế hệ diễn viên giàu tài năng, vững vàng về bản lĩnh nghệ thuật như: Ngọc Quỳnh, Huy Đông, Lệ Thanh, Hồng Minh, Hồng Tuấn, Minh Tơ, Thúy Chinh, Kim Oanh và Văn Châu, Bùi Thị Miều…; các tác giả, đạo diễn tài hoa như: Phan Tất Quang, Vũ Tiến Đĩnh, Văn Chi, Trần Đình Ngôn… Dù vậy, sau ngày miền Nam giải phóng, cùng với sự lên ngôi của nghệ thuật cải lương là sự chật vật đi tìm khán giả của các đơn vị nghệ thuật chèo. Trong khi một số đoàn chèo bạn có khuynh hướng dựng chèo cải biên, thì đoàn chèo Hải Phòng vẫn kiên định, vững vàng với những vở diễn đậm chất chèo truyền thống như: Ni cô Đàm Vân (tác phẩm của nhà viết kịch Học Phi, được Trần Đình Ngôn chuyển thể), Chiếc nón bài thơ (Trần Đình Ngôn, đoạt giải A Hội diễn toàn quốc 1980), Những tiếng đàn bầu (kịch bản của Tuấn Sinh, được Trần Đình Ngôn chuyển thể và phóng tác chèo).
Sau năm 1986, sự đổi mới toàn diện của đất nước tạo nên bước ngoặt trong cơ chế quản lý. Từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp chuyển sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường đã làm thay đổi nhiều mặt trong đời sống xã hội, trong đó có nền văn hoá. Sự chuyển đổi này mang ý nghĩa từ tĩnh sang động. Trên thực tế, đó là sự chuyển đổi từ lối sống nông nghiệp sang lối sống công nghiệp. Đây không phải là sự chuyển động về công nghệ mà là sự chuyển động toàn bộ cơ cấu nền văn hoá, do đó làm ảnh hưởng đến nghệ thuật sân khấu nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng, vì nghệ thuật chính là thành tố của văn hoá, chịu sự tác động mạnh mẽ từ môi trường văn hoá, xã hội. Từ chỗ luôn theo dõi, bám sát thực tế đời sống văn hóa, xã hội, chèo Hải Phòng nhận ra mặt trái của nền kinh tế thị trường là thực trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận dân chúng gây ảnh hưởng không nhỏ đến thuần phong mỹ tục. Chọn dựng vở Nỗi đau tình mẹ (tác giả Vũ Hải), chèo Hải Phòng đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp đạo đức gia đình trong xã hội hiện đại. Tại Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc năm 1990, vở diễn đã giành được nhiều huy chương, được ban giám khảo, khán giả, bạn nghề đánh giá cao. Bên cạnh đó, vở Câu chuyện tình năm 80, Công chúa Tô Lan, Ông vua hóa hổ, Muối mặn gừng cay, Linh hồn của đá, Lý Nhân Tông kế nghiệp, Người đàn bà trả hận, Ảo vọng tình yêu (giải vàng Liên hoan sân khấu miền duyên hải 1991), Người không nói được, Nước mắt người con út, Biển khổ (giải vàng Liên hoan sân khấu miền duyên hải 1993), Phạm Tải - Ngọc Hoa (huy chương vàng Liên hoan sân khấu miền duyên hải 1996), Lời sấm truyền từ quán Trung Tân (Liên hoan sân khấu đợt 4, năm 1995) viết về danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm, Canh bạc cuối cùng (giải vàng Liên hoan sân khấu miền duyên hải 1998), Lá diêu bông (huy chương bạc Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc năm 2000)… cũng hiện diện thường xuyên trong kịch mục lưu diễn của đoàn, khẳng định được bản lĩnh, phong cách và tài năng của diễn viên chèo Hải Phòng.
Tuy nhiên, bối cảnh văn hóa hiện nay đã đặt ra nhiều vấn đề bức thiết cho toàn ngành văn hoá nghệ thuật nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng. Tình trạng thiếu vắng khán giả bao trùm lên hầu khắp các loại hình biểu diễn, thậm chí lan sang cả lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh, âm nhạc cổ truyền… Chính sách mở cửa cùng xu thế hội nhập, toàn cầu hóa đã thu hút được sự đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, nhưng lại nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng về văn hoá. Đó là sự xâm lấn văn hoá dưới nhiều dạng thức, từ nhiều nguồn khác nhau, trực tiếp ảnh hưởng đến nhận thức thẩm mỹ của nhiều bộ phận khán giả, gây không ít trăn trở cho các nhà quản lý nghệ thuật, các nhà hoạch định chiến lược phát triển văn hoá. Sau một quá trình tìm hướng đi cho mình, bên cạnh những vở diễn truyền thống như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Sự tích trầu cau, Những đứa con oan nghiệt, Hồ Xuân Hương với tình, chèo Hải Phòng có xu hướng dựng những vở diễn gắn với lịch sử, dã sử như Người tạo dựng ngai vàng, Vùng sáng Dương Kinh nhằm khơi dậy truyền thống tốt đẹp trong nhân dân, nuôi dưỡng niềm tự hào về quê hương đất nước. Vở diễn Ảo mộng xứ người (đạo diễn Hoàng Mai, tác giả Trần Đình Ngôn, nhạc sĩ Hạnh Nhân) tham dự Hội diễn sân khấu chèo đề tài hiện đại (2011) tuy chưa được giải cao, nhưng là vở diễn ấn tượng bởi sự lựa chọn đề tài. Đây là vở diễn được các nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn đầu tư, sáng tạo cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện, với đề tài đang được dư luận xã hội quan tâm. Mộng làm giàu nơi xứ người đã khiến nhiều người bất chấp luân thường đạo lý, lừa gạt người lương thiện, kết hôn với người nước ngoài, để rồi có kết cục bi thảm, bị bức tử, hoặc trở thành nô lệ của nhà chồng.
Trong bối cảnh văn hóa ấy, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, Đoàn chèo Hải Phòng luôn thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao; tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chèo, ca múa nhạc trong và ngoài thành phố; khai thác, bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo; xây dựng các chương trình ca múa nhạc dân gian để phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh, thành phố; xây dựng các chương trình hưởng ứng năm du lịch các tỉnh đồng bằng sông Hồng, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, mừng tết Nguyên đán, phục vụ công tác đối ngoại và khách du lịch trong tương lai. Từ những thành tích xuất sắc trên mặt trận văn hóa, Đoàn chèo Hải Phòng đã được Chính phủ, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch tặng 5 Huân chương Lao động hạng ba; 01 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba cùng nhiều bằng khen, giấy khen. Nhiều năm liền, đoàn được nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP Hải Phòng.
Chỉ tính riêng năm 2013, Đoàn chèo Hải Phòng đã đạt mức doanh thu trên 250 triệu đồng, nâng tổng số buổi diễn lên đến 230 buổi. Trước thực trạng khan hiếm kịch bản chèo, kinh phí đầu tư cho vở diễn còn thấp, thiếu diễn viên trẻ tài năng, Đoàn chèo Hải Phòng đã nỗ lực tìm kịch bản để tham dự Hội diễn nghệ thuật chèo toàn quốc, được tổ chức tại Hải Phòng nhân dịp Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng 2013. Vở Ông vua hóa hổ (tác giả Lưu Quang Vũ) được chọn dựng lại để tham dự hội diễn. Vở diễn dựa trên câu chuyện lịch sử giàu tính nhân văn và tính thời đại, đã hấp dẫn người xem. Từ Đạo Hạnh là một tráng sĩ nơi miền quê nghèo, vì lòng căm hận quân thù đã quyết tâm khởi nghĩa, quét sạch lũ hôn quân tàn bạo. Vì khao khát một sức mạnh phi thường để chiến thắng kẻ thù mà Từ Đạo Hạnh đã bất chấp lời nguyền, uống vũng nước xanh thần bí để đạt được sức mạnh muôn người không địch nổi- sức mạnh của hổ. Từ Đạo Hạnh dù đã trở thành nhà vua nhưng vẫn giữ nguyên tính hung tàn, quên đi điều nhân nghĩa nên buộc phải chuốc lấy tai họa. Vở diễn gửi gắm nhiều ẩn ý mang giá trị thời đại tới chủ thể văn hóa hôm nay. Giữ được phẩm hạnh, nhân cách con người dù ở bất kỳ vị trí nào, nhất là khi đã vươn cao là điều rất khó, nhưng cần phải làm.
Với dàn kịch mục hơn 90 vở diễn kể từ ngày đầu thành lập đến nay, chèo Hải Phòng đã góp phần không nhỏ trong vai trò nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng. Sự quan tâm của UBND TP, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, sự đóng góp của tập thể lãnh đạo, tác giả, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên, nhạc công, cán bộ kỹ thuật các thời kỳ; sự cộng tác quý báu của các tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ trong và ngoài giới chèo đã làm nên những thành tựu, tạo dựng phong cách nghệ thuật chèo Hải Phòng: một phong cách thể hiện bản sắc văn hóa chèo truyền thống trong hơi thở của một thành phố công nghiệp, hiện đại. Đó cũng chính là định hướng phát triển của Đoàn chèo Hải Phòng trong đời sống văn hóa hôm nay.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014
Tác giả : Trần Thị Hoàng Mai