Trong chương trình hoạt động của mình, Hội nghệ sĩ Sân Khấu Việt Nam luôn chú ý đến mọi mặt đời sống sân khấu đất nước, đồng thời đặt trọng tâm vào khu vực kịch hát dân tộc, nơi đang nổi cộm nhiếu vấn đề nóng.
Chèo và tuồng không nghi ngờ gì nữa là cơ sở nền tảng của nền sân khấu Việt Nam, xứng đáng xếp vào di sản văn hóa dân tộc. Mặt khác, với tính cách một loại hình sân khấu, hai bộ môn này thuộc dạng thức di sản tinh thần phi vật thể. Do vậy, nó cần được gìn giữ, bảo lưu, tôn vinh không chỉ như những hiện vật tĩnh nằm bất động trong viện bảo tàng, nhà truyền thống mà còn đòi hỏi cung cách ứng xử như những thực thể sống, đồng tại với xã hội hiện đại.
Hơn nữa, là hình thức sân khấu dân gian, mang tính nội sinh bản địa, in đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mỗi lần tiếng hát chèo vang lên lại đồng vọng sâu xa lẫn trong tâm trí mỗi người chúng ta tình cảm thiết tha về cội nguồn quê hương xứ xở. Và, do chỗ mức độ ước lệ không cao, tính trình thức chưa quá chặt chẽ, nghiêm ngặt như tuồng mà với độ mở, độ co giãn nhất định, chèo dường như còn có khả năng tiếp cận xã hội hiện đại, trực tiếp thể hiện cuộc sống và con người đương thời.
Chính vì thế, hơn nửa thế kỷ qua, các đơn vị nghệ thuật chèo trên cả nước song song với nhiệm vụ chỉnh lý, cải biên, phục dựng nhiều tích chèo cổ đặc sắc còn tiến hành quá trình xây dựng, những tiết mục chèo khơi nguồn cảm hứng từ những cốt chuyện và mẫu hình nhân vật hiện nay mà chưa từng có trong chèo truyền thống. Ứng hợp với nó là những nỗ lực tìm tòi thử nghiệm theo hướng biên kịch chèo mới, cung cách sắp từ, dàn dựng mảng miếng theo ngôn ngữ đạo diễn hiện tại, với những đường nét diễn xuất mới, hoặc sáng tác những làn điệu, bài ca mới mang tính chuyên dung, hay cấu tứ nhưng trổ múa mới Việt Nam bổ sung cho sức diễn tả, truyền cảm của ngôn ngữ nghệ thuật chèo thêm phong phú, thích ứng, ăn ý với đòi hỏi của việc triển khai diễn tả đối tượng, nội dung mới của đề tài hiện tại.
Hệ thống kịch mục của chèo đã trở nên đa dạng, phủ sóng rộng khắp các bình diện muôn mặt của hiện thực từ lịch sử, dã sử, truyện cổ dân gian đến chuyển thể một số tác phẩm nổi tiếng của kho tàng sân khấu thế giới
Đặc biệt là những vở diễn khai thác đề tài hiện tại, bao quát nhiều lĩnh vực đời sống từ chiến tranh tới hậu chiến, từ công nghiệp đến nông nghiệp cho tới cả sự biến động phức tạp của xã hội đô thị trong nên kinh tế thị trường với nhiều dạng kiểu nhân vật của đủ mọi tầng lớp, nghề nghiệp, lớp tuổi, tính cách và số phận phân hóa khác nhau.
Thành công đáng chú ý đầu tiên là vở diễn Chị Trầm, sáng tác tập thể, vào năm 1953, châm ngòi cho việc chèo đề tài hiện đại xuất hiện tại các hội diễn của năm 1958, 1962, 1965, 1970, 1980. Tiết mục chèo đề tài hiện đại kế tiếp nhau lần lượt ra đời như Con trâu tại nhà, Đường đi đôi ngả, Hương lúa tình quê, Cuộc đời theo Đảng, Mối tình Điện Biên, Cô gái sông Lam, Cô giải phóng, Máu chúng ta đủ chảy, Đường về trận địa, Cô chống lầy, Những cô gái mặt đường, Cô gái ngoại thành, Những cô thợ dệt, Sợi tơ vàng, Người Dao xuống núi, Ánh sao đầu núi, Nguyễn Viết Xuân, Dũng sĩ Rạch Gầm, Nguyễn Văn Cừ, Tình rừng, Cô gái làng chèo, Câu chuyện Nàng Nhơn, Chiếc nón bài thơ, Tiếng đàn bầu... Đây là khoảng thời gian phồn thịnh của chèo nói chung cũng như của quá trình chèo chiếm lĩnh đề tài hiện đại. Ngoại trừ liên hoan chèo trên sân khấu hội diễn, liên hoan những năm 1985, 1990, 1995, 1999, 2005, 2010 số lượng tiết mục về đề tài hiện đại có giảm đi so với trước đó, nhưng cũng có một số vở gây được sự chú ý của dư luận như Ni cô Đàm Vân, Cô hàng rau, Đêm trăng huyền thoại, Tiếng vọng của rừng xanh, Cà phê chín đỏ, Má hồng trong cuộc đỏ đen, Chiến trường không tiếng súng, Những vần thơ thép... Trong danh mục vở diễn trên chắc chắn còn bỏ sót không ít những tác phẩm chèo đáng chú ý khác, nhưng cũng đủ để chứng tỏ chèo với đề tài hiện đại đã là một thực tế. Điều này còn được nhìn nhận là một thành tựu nổi bật của sân khấu chèo cách mạng trong sự phát triển chung của đất nước.
Với thời gian và sự sàng lọc khách quan, nhìn lại những tiết mục chèo đề tài hiện đại, dư luận chung và bản thân giới chèo tỉnh táo nhận ra những thiếu hụt, bất ổn ở đa số những tác phẩm chèo này, bộc lộ từ diện mạo tổng thể cho đến các thành phần sáng tạo như biên kịch, đạo diễn, biểu diễn, âm nhạc, tạo hình, vũ đạo... Dường như đụng vào khâu nào cũng thấy ra nhiều vấp váp, chưa hoàn thiện, làm giảm sút chất lượng nghệ thuật, hiệu quả truyền cảm. Đối chiếu những vở chèo đề tài hiện đại được xem là thành công, đoạt giải thưởng cao tại các kỳ hội diễn, liên hoan quốc gia hay vùng miền với một số tích chèo cổ mẫu mực, có thể nhận ra độ chênh lệch về tầm vóc cách nhau quá xa dễ dẫn đến nản lòng. Nhưng so sánh như thế là có phần thiếu công bằng, khi so đọ những sản phẩm tinh thần của mấy chục năm làm chèo thời nay, dẫu chỉ kể ra những tác phẩm tiêu biểu theo chuẩn của chúng ta với những viên ngọc chèo toàn bích, những tập đại thành kết tinh trí tuệ, tài năng của cha ông ta trải qua hàng thế kỷ mới tạo dựng được, những Quan Âm Thị Kính, Xúy Vân, Lưu Bình Dương Lễ, Trương Viên, Trinh Nguyên, Chu Mãi Thần.
Có lẽ hợp lý hơn hãy đem những vở chèo đề tài hiện đại gặt hái thành công thời gian qua so đọ với những vở chèo mới sáng tác khai thác đề tài lịch sử, truyện dân gian cùng thời mà thôi. Nhưng trên phương diện này, sự khác biệt về chất lượng nghệ thuật, sự thiếu hoàn chỉnh giữa các thành phần sáng tạo giữa chúng cũng lộ ra, khiến cho dư luận càng tỏ chưa thỏa mãn những gì đã có. Từ đó, có thể đi đến nhận định, cho đến nay vẫn chưa có vở chèo đề tài hiện đại nào vượt qua được thành công của vở diễn bộ ba Bài ca giữ nước, sáng tác của Tào Mạt, khai thác đề tài lịch sử.
Tuy ý thức được khó khăn thiên nan vạn nan khi vận dụng ngôn ngữ chèo thể hiện đề tài hiện đại, nhưng các đơn vị nghệ thuật và đội ngũ nghệ sĩ chèo vẫn kiên trì đi tiếp con đường thử nghiệm chèo tiếp cận đề tài hiện đại. Sự kiện liên hoan sân khấu chèo đề tài hiện đại tại Thái Bình vừa qua, với sự góp mặt của 16 tiết mục do 13 đơn vị chèo trên cả nước thực hiện minh chứng quyết tâm đó.
Diễn biến của liên hoan và dư luận xôn xao bàn về liên hoan một lần nữa như thổi bùng lên sự không đồng thuận giữa những quan niệm và cung cách xử lý mối quan hệ giữa chèo với đề tài hiện đại, từng được đặt ra trước đây. Nhưng lần này, tình hình trở nên căng thẳng, diết dóng hơn nhiều. Dường như việc chứng kiến một loạt những tiết mục cũng thể hiện đề tài hiện đại với cách chiếm lĩnh, thể hiện khác nhau, mức độ nhuần nhuyễn không đồng đều, dẫn đến sự khác biệt về hiệu quả thẩm mỹ đã làm dậy lên những luồng ý kiến, những nỗi niềm ấp ủ lâu nay, chứa đựng những trải nghiệm, nghiền ngẫm, thao thức, băn khoăn chưa rõ ràng có cơ hội dồn tụ lại thành ý tưởng, bật lên thành lời, bày tỏ một thái độ rõ ràng.
Lắng nghe các luồng ý kiến đây đó, từ những trao đổi, thậm chí tranh cãi, giữa người này với người kia, cũng như vang vọng của nó trên truyền thông báo chí, có thể thấy rằng các luồng ý kiến không chỉ dừng lại ở những đánh giá về các tiết mục cụ thể, hoặc bó hẹp ở thắc mắc này nọ về kết quả giải thưởng chưa thấu lý đạt tình. Chúng đã xới lên nhiều điều bao quát hơn, quan trọng hơn như nhu cầu về việc nhìn lại một cách khách quan, khoa học chặng đường đã qua của chèo, soát xét, nhận thức lại những vấn đề cơ bản về chèo của chính đội ngũ chèo, ngỡ tưởng đã ngã ngũ từ lâu nhưng khi vận dụng nó vào xử lý cụ thể trong từng mắt khâu của quá trình tạo ra vở diễn lại cho thấy còn nhiều điều mơ hồ, cũng như quá trình thưởng thức, đánh giá tác phẩm khi nó đã hoàn thành ra công diễn. Hơn thế, nhiều ý kiến còn động chạm tới thực chất sự tồn tại của các đơn vị chèo hiện đang như thế nào, và tương lai của chèo sẽ ra sao?
Đứng trước thực tế đó, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức một hội thảo khoa học, thu hút sự tham gia đông đảo đông đảo giới chèo cả nước, cùng các nhà đơn vị chèo, các nhà nghiên cứu, giảng dạy về nghệ thuật sân khấu quan tâm đến chèo, cùng nhau trao đổi thẳng thắn, công khai những vướng mắc, chưa đồng thuận xung quanh mối quan hệ giữa chèo với đề tài hiện đại. Từ mối quan hệ này, chắc chắn động chạm tới nhiều phương diện khác nhau, bởi không một hiện tượng thực thể vật chất hay tinh thần nào có thể biệt lập, tách rời khỏi những hiện tượng khác. Nhưng với tính chất của một hội thảo, bao giờ cũng có phạm vi và giới hạn thời gian xác định, các ý kiến thảo luận đã tập trung vào hai phương diện ứng với hai vấn đề lớn.
Vấn đề thứ nhất là làm thế nào để chèo khai thác đề tài hiện đại nữa vẫn giữ được đặc trưng của chèo. Xung quanh vấn đề này cũng lại chứa đựng một số chiều cạnh cần được làm sáng tỏ. Trước hết, là cách hiểu về cái gọi là đề tài và nội hàm của đề tài hiện đại. Những lưu ý khi một mặt không san bằng như nhau các loại đề tài nhưng cũng tránh không qua coi trọng đề tài mà quên rằng trong nghệ thuật, ngoài vấn đề sáng tác về cái gì còn có điều quan trọng hơn là cung cách sáng tạo cái đó như thế nào, liên quan đến tầm nhìn, tầm vóc, tài năng, bản lĩnh của người nghệ sĩ. Từ một phía khác là trở lại câu chuyện tưởng như đã cũ về đặc trưng chèo, chất chèo,... khiến nó không nhầm lẫn với các bộ môn kịch hát gần gũi khác. Đó là những nhân tố cho thấy phương thức tái hiện của chèo, tự ý mà không tự thức, hoặc cấu trúc tự sự, ước lệ của chèo... Rồi chèo với tính chất của một thể loại sân khấu đã định hình, cũng như tất cả những hình thức sân khấu khác có sở đoạn và sở trường riêng trong khả năng chiếm lĩnh, chèo hóa hiện thực đời sống. Đứng trước sự phong phú muôn mặt của đề tài hiện đại, đâu là những phạm vi thực sự là đất dụng võ đắc địa cho ngôn ngữ chèo phát huy thế mạnh của mình, đâu là vùng cấm mà chèo nên tránh xa, nếu như không muốn tự đánh mất bản sắc riêng để lạc đường sang một kịch chủng khác.
Vấn đề thứ hai, làm thế nào để chèo đề tài hiện đại hấp dẫn công chúng, vươn tới những tác phẩm hay. Chúng ta biết rằng, tiếp cận cuộc sống phức tạp hiện nay là thách thức không dễ dàng đối với bất kỳ nghệ sĩ của ngành nghệ thuật nào, nhất là từ mớ bòng bong nhiều khi rối ren của các hiện tượng đời sống đang diễn ra trước mắt nhìn ra được những liên hệ tương quan bản chất vốn thường che lấp trong quan hệ chằng chéo giữa người với người, hay sự phân thân ở chính nội tâm một cá nhân trong thời kinh tế thị trường hội nhập hiện nay, rồi từ đó tìm cách chuyển hóa nó, hiện thực hóa nó thành tác phẩm cụ thể mà tác phẩm này lại phải đi đúng vào quỹ đạo của nghệ thuật chèo. Như thế là khó khăn cứ chồng chất khó khăn, vây bọc người nghệ sĩ từ mọi phía. Trên thực tế, chúng ta đã chứng kiến nhiều tác phẩm mải mê khai thác những mảng hiện thực nóng hổi tính thời sự mà xao lãng việc phát huy ngôn ngữ đặc trưng của chèo cũng như ngược lại, nên dẫn đến hiện tượng được mặt nọ và vơi hụt ở mặt kia. Như thế đặt vấn đề chèo đề tài hiện đại hấp dẫn công chúng có thoát ly thực tế hay không? Nhưng đây lại là những yêu cầu cần đạt tới của một tác phẩm nghệ thuật. Trong bối cảnh của xã hội hiện đại hiện nay, nhu cầu thẩm mỹ của công chúng khác xa trước đây. Đã qua rồi thời kỳ khán giả khát thèm thưởng thức sân khấu để bước vào kỷ nguyên lựa chọn tác phẩm nào đáp ứng được nhu cầu của mình. Do vậy, nếu chèo diễn tả đề tài hiện thực chỉ để đáp ứng nhiệm vụ bám sát hiện thực đương thời là chưa đủ, nếu không nói là phí phạm thời gian, công sức lẫn nguồn ngân sách.
Để chèo đề tài hiện đại hấp dẫn công chúng đã khó khăn như thế, việc để có những tác phẩm chèo hay về đề tài hiện đai thì gần như là công việc bất khả, hay chỉ ít cũng chỉ là khát vọng mang tính mộng mơ. Đúng là cái hay trong nghệ thuật là thật sự hiếm hoi và không thiếu những trường hợp cái hay chỉ hiện ra lấp ló xa vời ở đường chân trời. Nhưng, dù thế, nghệ thuật vẫn là không gian của khát vọng bay bổng. Trong cuộc đời thực tế cái khó thường bó cái khôn, nhưng trong hoạt động đòi hỏi thường trực sự tìm tòi sáng tạo thì có khi cái khó lại làm ló cái khôn. Những ràng buộc, quy định của một thể loại, một thể tài có khi làm bó tay bó chân người nghệ sĩ nhưng cũng có khi chính nó là đề tài kích hoạt những phá cách mạnh mẽ mang lại bất ngờ lý thú. Cha ông chúng ta trong quá khứ đã từng sáng tạo nên những vở chèo hay thách thức thời gian, đặt lên vai thế hệ hậu sinh một gánh nặng không chỉ vay tiền nhân mà không có gì đáp trả xứng đáng.
Trên thực tế, thời đại chúng ta đã xuất hiện tác phẩm chèo hay, được thời gian và công chúng thừa nhận như Bài ca giữ nước của NSND Tào Mạt, xứng đáng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý. Tất nhiên, đó là chèo hiện đại khai thác đề tài lịch sử. Với chèo về đề tài hiện đại thì sao? Chúng ta đã có hàng trăm vở chèo loại này, trong đó hàng chục vở đã đạt huy chương vàng hội diễn, liên hoan và là cơ sở để tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, được Giải thưởng Nhà nước... Trong sự nghiệp sáng tạo chèo về đề tài hiện đại, đã trưởng thành và khẳng định tên tuổi một đội ngũ nghệ sĩ. Về tác giả có Tào Mạt, Hàn Thế Du, Lộng Chương, Trần Bảng, Hà Văn Cần, Lưu Quang Thuận, Viết Dung, An Viết Đàm, Xuân Bình, Phan Tất Quang, Hữu Giao, Trần Đình Ngân... Về đạo diễn có NSND Trần Bảng, Trần Huyền Trân, Cao Kim Điển và tiếp bước là các NSND Lê Huệ, Bùi Đắc Sử và đang ló rạng những NSƯT Hà Quốc Minh, Trương Hải Thọ...
Bên cạnh đó là sự dấn thân vào chèo của các đạo diễn kịch nói như các NSND Doãn Hoàng Giang, Phạm Thị Thành, Lê Hùng... Mỗi người một vẻ đều ít nhiều mang đến cho sàn diễn chèo những nhân tố lạ gây tranh cãi nhưng kích thích cho sự phát triển của chèo. Về âm nhạc chèo nơi diễn ra nhiều vấn đề bức xúc trong nhân kế thừa và cách tân cũng có những tên tuổi đáng chú ý như NSƯT Bùi Đức Hạnh, Đôn Truyền, Đăng Toàn, Hạnh Nhân... Khâu tạo hình cho chèo, dù đang đặt ra nhiều âu lo về sự lấn sân của xu thế tả thực làm mất đi vẻ dung dị, thuần khiết của chèo, cũng không thể không nhắc đến những họa sĩ tâm huyết và tài năng đang kế tục phong cách của NSND Nguyễn Đình Hàn như NSND Dân Quốc, NSND Bùi Huy Hiếu, Phạm Duy Tùng... Đông đảo và thậ t hùng hồn là đội ngũ diễn viên chèo đang hoạt động trên các đơn vị nghệ thuật chèo trên cả nước vừa có thành tích, có sức lại vừa có học đã đảm nhiệm thành công những vai diễn khác nhau.
Với một đội ngũ dồi dào như thế, chúng ta có cơ sở để hy vọng chèo sẽ vươn tới tạo dựng được tác phẩm về đề tài hiện đại hấp dẫn và qua sàng lọc sẽ đọng lại vở diễn hay.
Mọi cố gắng của những người làm chèo, yêu chèo hiện nay, nói cho cùng, cũng không ngoài mục đích và tâm nguyện hướng tới những tác phẩm chèo về đề tài hiện đại tầm vóc như thế.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 339, tháng 9-2012
Tác giả : Nguyễn Văn Thành