Được thành lập vào ngày 28-12-2022, chỉ trong một thời gian ngắn, Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam đã tạo nên sự lan tỏa rộng rãi. Nhiều câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tại các tỉnh, thành trong cả nước và ở nước ngoài đã được thành lập, góp phần phát huy di sản, vẻ đẹp của áo dài truyền thống dân tộc.
Áo dài không chỉ là trang phục, còn là một trong những di sản văn hóa của dân tộc được nhiều người dân Việt Nam yêu thích, sử dụng. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, áo dài đã có sự thay đổi để phù hợp hơn với đời sống xã hội, nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của những người phụ nữ Việt.
Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam thuộc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam được thành lập và ra mắt tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội)
Trong nhiều năm gần đây, áo dài trở thành trang phục không thể thiếu trong các sự kiện trọng đại của đất nước, và trong những ngày quan trọng của mỗi gia đình Việt Nam. Ở nơi học đường, tà áo dài trắng của các nữ sinh đã trở thành một biểu tượng, đi vào văn thơ nhạc họa. Trong môi trường công sở, nhiều cơ quan, đơn vị đã lựa chọn áo dài trở thành đồng phục ngành nghề. Đặc biệt trong môi trường ngoại giao, tà áo dài đã trở thành một lễ phục trang trọng không thể thiếu của những lãnh đạo nữ, các chính khách và doanh nhân trong các dịp công du nước ngoài hay tiếp khách quốc tế…
Với mong muốn tôn vinh, bảo tồn và phát triển nét đẹp của Áo dài, ngày 28-12-2022, Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam thuộc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam chính thức ra mắt tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội). Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam ra đời với nhiều chuỗi hoạt động góp phần tiến tới hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO ghi danh Áo dài Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chia sẻ về ý nghĩa ra đời Câu lạc bộ, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam cho biết: “Người Việt Nam không chỉ có một di sản vật thể là chiếc áo dài, mà còn có cả những di sản phi vật thể như không gian văn hóa của áo dài, không gian nghề thủ công làm ra chiếc áo dài... Sứ mệnh của Câu lạc bộ là bảo tồn, lan tỏa các giá trị đó, góp phần xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Áo dài Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với đó, việc thành lập Câu lạc bộ Di sản Áo dài tại các tỉnh, thành phố sẽ là một bước quan trọng để bảo tồn và phát triển nét đẹp của áo dài Việt Nam”.
TS Đặng Thị Bích Liên, Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch danh dự Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam
Sau khi Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam (thuộc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam) được thành lập, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam đã được thành lập tại các thành phố, địa phương như: TP.HCM, Bình Phước, Đắk Lắk, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, sắp tới là TP Đà Nẵng và tỉnh Thái Nguyên.
Tại các câu lạc bộ ở địa phương trực thuộc Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam cũng được nhiều tầng lớp nhân dân ủng hộ, thể hiện rõ nhất ở việc trong các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, các sự kiện. Như, Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 100 thành viên đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Ngày 26-11-2023, hơn 1.000 hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng tham gia đồng diễn áo dài tại Quảng trường 10-3 thành phố Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn tổ chức chương trình nghệ thuật, trình diễn gần 500 bộ áo dài được thiết kế từ nhiều chất liệu; thể hiện vẻ đẹp áo dài qua nhiều giai đoạn lịch sử, qua văn hóa từng vùng, miền…; hay gần đây nhất, vào ngày 3-4- 2024, Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam thành phố Hải Phòng đã được thành lập, góp phần phát huy di sản, tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài dân tộc. Những hoạt động của Câu lạc bộ Di sản Áo dài Hải Phòng trong thời gian tới, đó là tích cực kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đồng hành tham gia vào những dự án cộng đồng; kết nối thêm nhiều tài năng, các ngôi nhà di sản, nghệ thuật, âm nhạc để làm phong phú nội dung chương trình hoạt động; nhân rộng các chương trình tại các trường học nhằm giáo dục ý thức bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam. Đồng thời, hưởng ứng Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã lựa chọn Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam thành phố Hải Phòng là đơn vị thực hiện Lễ hội Áo dài Hải Phòng 2024. Đại sứ của Lễ Hội Áo dài Hải Phòng 2024 gồm: Hoa hậu Biển đảo Việt Nam 2022 Đinh Như Phương, Á Hậu Du lịch thế giới Hương Ly và diễn viên điện ảnh Thanh Hương. Chương trình sẽ được diễn ra vào ngày 13-5-2024 tại quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng…
Ra mắt CLB Di sản Áo dài tỉnh Đắk Lắk
Thành lập CLB Di sản Áo dài thành phố Hải Phòng
Sau khi Câu lạc bộ di sản Áo dài Việt Nam đi vào hoạt động, nhiều dự án có nội dung phong phú được triển khai đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Cùng với sự thành lập Câu lạc bộ di sản Áo dài Việt Nam tại các tỉnh, thành trong nước, kiều bào ở nước ngoài cũng đã nhiệt tình ủng hộ đón nhận. Hiện nay Câu lạc bộ di sản Áo dài Việt Nam tiếp tục được nối dài, thành lập tại Cộng hòa Pháp, Vương quốc Anh, sắp tới sẽ là tại Hungari.
Về mô hình hoạt động, mặc dù chỉ từ nguồn thu hội phí của các hội viên và tài trợ của các “mạnh thường quân”, nhưng Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam đã có nhiều thành tích đáng mừng trong việc thực hiện các dự án với nhiều hoạt động góp phần bảo tồn và quảng bá không gian di sản áo dài Việt Nam trong nước và quốc tế. Nói về các hoạt động trong thời gian tới, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam cho biết: “Để tiếp tục lan tỏa các hoạt động của Câu lạc bộ, chúng tôi dự kiến hằng năm sẽ vận động các nhà tài trợ may tặng áo dài cho các em học sinh lớp 12 không có điều kiện may áo dài tại 1 đến 2 trường vùng xa xôi. Địa điểm sắp tới sẽ là một trường tại tỉnh Phú Thọ, dự kiến sẽ tài trợ cho hơn 150 em. Chúng tôi mong muốn, chiếc áo dài sẽ gắn với kỷ niệm vào dịp cuối cấp, khi các em sử dụng chụp kỷ yếu, đồng thời, tà áo dài cũng sẽ cùng với các em bước chân vào giảng đường đại học”.
Với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nhân văn Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam (Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam) đã trở thành “chiếc cầu nối” quan trọng với nhiều cá nhân, tập thể, đơn vị trong nước và quốc tế trong việc phát huy giá trị của Áo dài truyền thống Việt Nam; đồng thời góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO ghi danh Áo dài Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
NGỌC BÍCH