Tào Ngu, tên thật Vạn Gia Bảo (1910 - 1996) là tác gia có nhiều đóng góp cho sự phát triển kịch nói Trung Quốc. Cùng với Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, ông được coi là nhà văn có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền văn học Trung Quốc. Được bồi dưỡng năng khiếu văn chương từ bé, đặc biệt là niềm say mê đối với nghệ thuật kịch, Tào Ngu sớm cho ra đời kịch phẩm đầu tay nổi tiếng Lôi vũ “như một tiếng sấm chấn động dư luận” ngay khi vừa kết thúc cuộc đời sinh viên ở tuổi 23. Xuất hiện sau Lôi vũ hai năm, Nhật xuất (soạn năm 1936) được các nhà nghiên cứu đánh giá là một bước tiến rõ rệt trong nhận thức hiện thực xã hội. Tác phẩm không viết theo luật của kịch cổ điển phương Tây như Lôi vũ, mà viết theo lối hiện đại. Không chỉ dừng ở việc phản ánh tấn bi kịch của một gia đình tư sản thối nát, tội lỗi, mà bao quát bi kịch của cả tầng lớp trên, tầng lớp dưới trong xã hội Trung Hoa thời thuộc địa bị chi phối mạnh mẽ bởi kim tiền. Khắc phục hạn chế của Lôi vũ cho rằng nguyên nhân bi kịch của con người là do vận mệnh, Nhật xuất đã ý thức được vai trò thao túng của thế lực hắc ám nấp sau bóng tối. Mang nặng nỗi ưu tư thời cuộc, Tào Ngu đã phơi trần “cuộc sống ma quái”, “cái thế giới thú vật bất công” như chính lời ông từng khái quát. Bao trùm Nhật xuất là bầu không khí đô thị căng thẳng, bức bối đến dễ sợ, biểu hiện sâu sắc cảm quan về thân phận con người trong xã hội Trung Quốc những năm đầu TK XX.
Thế giới nhân vật trong Nhật xuất khá đông đảo, bao gồm đủ thành phần gái - trai, lớn - bé, giàu - nghèo. Chỉ trong bốn màn kịch, nhà văn dường như đã trưng ra muôn vẻ cuộc sống phồn tạp chốn đô thị đương thời. Ở đó có cảnh sống xa hoa, trụy lạc của một khách sạn cao cấp; có cảnh tối tăm, bệ rạc của một kỹ viện rẻ tiền; có cảnh viên chức gian tham, nhiều mánh khóe giúp ông chủ khấu lương công nhân, sa thải nhân viên, gây nên cảnh thất nghiệp, những cái chết thương tâm của bao con người lương thiện; có cảnh giết người, tự tử, thị trường chứng khoán, kinh tế khủng hoảng, xưởng máy đình công… Để khắc họa bấy nhiêu cảnh đời, bấy nhiêu con người, tác giả bao quát một không gian xã hội rộng lớn. Trong đó nổi lên bức tranh tương phản giữa một bên là đám người ăn chơi trác táng, vùi đầu vào những canh bài thâu đêm suốt sáng, một bên là lớp người nghèo hèn, sống lay lắt với đầy rẫy lo âu, đói khổ, bị ức hiếp, đuổi việc… Do tính chất giới hạn của không gian sân khấu, Tào Ngu đặc biệt chú trọng miêu tả không gian khép kín của những căn phòng. Cả bốn màn của kịch phẩm đều xoay quanh cái không gian sinh hoạt đặc trưng này, nơi thể hiện rất rõ cái hố sâu ngăn cách giữa kẻ giàu - người nghèo trong xã hội, mà đồng tiền có khả năng chi phối tất cả, thậm chí quyết định cả số phận con người. Không ngẫu nhiên khi đề cập tới đời sống đô thị buổi giao thời, tác giả lại quan tâm tới hai không gian: căn phòng khách sạn sang trọng của nhân vật Trần Bạch Lộ (màn 1, 2, 4) và gian phòng kỹ viện tồi tàn của các cô gái điếm hạng ba, đại diện là nhân vật Thúy Hỷ (màn 3). Hai người đàn bà này thuộc hai tầng lớp khác nhau, nhưng đều là sản phẩm của xã hội đô thị, là những con người bị chà đạp. Hai không gian tuy mang tính chất đối lập, song có chung một điểm, cùng là chốn ăn chơi của những kẻ chuyên hoạt động về đêm, chốn hội tụ đủ mọi loại người, từ giới trí thức tân thời đến những ông chủ thuộc giới thượng lưu, cho tới hạng lưu manh, giang hồ, thất nghiệp… Một bức tranh hỗn tạp của xã hội Trung Quốc đương thời đã được vẽ lên bởi những đường nét, màu sắc hết sức chân thật qua mảng không gian hiện thực này. Việc chọn không gian những căn phòng mang tính đối lập để triển khai bức tranh xã hội đã phần nào “nói lên cái kì diệu của cấu tứ nghệ thuật” tác phẩm, bày tỏ thái độ bất bình của nhà văn trước một xã hội tàn nhẫn “lấy chỗ thiếu đắp thêm vào chỗ thừa” (1).
Tuy nhiên, trong cái không gian lung linh ánh sáng của căn phòng khách sạn cao cấp, cuộc sống của nữ chủ nhân Trần Bạch Lộ cũng không có được niềm vui, niềm hạnh phúc theo đúng nghĩa. Không gian ấy không hề đem lại cho Bạch Lộ cảm giác bình an, được nâng đỡ, tựa nương. Nhốt mình giữa bốn bức tường lạnh lẽo, cô thực ra cũng là kẻ đáng thương, tự thấy mình giống như chú chim quanh quẩn trong chiếc lồng vàng. Mỗi cuộc vui chơi qua đi để lại trong tâm hồn cô một khoảng trống không dễ gì khỏa lấp. Sự trống trải, mất phương hướng của cuộc đời cứ dần lấn át những khát vọng đổi thay. Như bao nhiêu cô gái trẻ, Bạch Lộ từng lãng mạn ôm ấp những giấc mộng lạ lùng như những hình ảnh đằng sau chiếc kính muôn màu, tưởng tượng cùng một ý trung nhân đẹp như tranh vẽ, bay bổng ra ngoài sự kìm hãm của cuộc sống. Thế mà chung quy cô vẫn phải chôn chân trong vòng đời sống chán chường kia, chẳng khác gì con chim ngụ ngôn, quanh đi quẩn lại vẫn bị giam hãm trong chiếc lồng vàng, mất hết mọi hứng thú, tự do… Bởi vậy, cái không gian tưởng như mĩ miều, đủ đầy kia thực ra là một không gian chật chội, ngột ngạt, giam hãm, tù đày.
Không gian của màn 1, 2 là căn buồng ngủ lộng lẫy trong khách sạn X với ánh sáng chói lọi, bao nhiêu đồ trần thiết làm quáng mắt người xem. Một bầu không khí sực nức những mùi thuốc lá, mùi phấn, mùi nước hoa, nhưng ở màn 4 có thêm những chi tiết biểu hiện sự hoang tàn, đổ vỡ. Đây chính là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng nội tâm gay gắt diễn ra trong tâm hồn của người phụ nữ trẻ đang ở tột cùng của nỗi cô đơn: “Một bình rượu nằm dốc nghiêng nơi sàn nhà, rượu chảy lai láng trên tấm thảm, rượu ướt cả tấm nhung nơi chiếc sofa, chảy tràn cả trên mặt đá của bàn trà. Ở giữa, dưới chân chiếc sofa nhỏ, một cái cốc pha lê rơi vỡ” (7). Cộng hưởng với cái không gian đổ vỡ là những âm thanh vọng ra từ các gian phòng kế bên như càng gợi cho người đọc, người xem dự cảm chẳng lành với tiếng quân bài sát phạt, tiếng cười, tiếng nói, cãi cọ, mắng nhiếc, cười đùa xen với tiếng bốc, phát. Tào Ngu luôn có ý thức sử dụng yếu tố tương phản nhằm khắc họa bức tranh hiện thực, đồng thời khắc sâu nội tâm nhân vật ở thời điểm hiện tại. Trong khi cuộc sống xung quanh Bạch Lộ vẫn diễn ra với những cuộc vui chơi thâu đêm của đám người giàu có thì người phụ nữ tự giam mình trong căn phòng với rượu, tự tách mình khỏi đám người thuộc tầng lớp thượng lưu mà bấy lâu cô cố gắng gia nhập. Ở đây, một không gian khác, không gian tâm tưởng của nhân vật xuất hiện. Bị vây bủa bởi không gian cố định, hạn hẹp, quẩn quanh, tù túng của căn phòng, tâm trạng Bạch Lộ triền miên lắng xuống với bao nỗi muộn phiền, chua xót. Không gian ấy góp phần thể hiện rõ hơn những mâu thuẫn gay gắt trong thế giới nội tâm vô cùng phức tạp của người phụ nữ: cao thượng và thấp hèn, tỉnh táo và hồ đồ, quyết tâm và buông xuôi, yêu và ghét, khinh đời ngạo thế và cô đơn trống rỗng… Bạch Lộ đã tiếp xúc với nhiều hạng người cả tốt lẫn xấu (Phương Đạt Sinh - một trí thức ngay thẳng, chân thật; Trương Georges - một trí thức du học ở Mỹ về, bỏ vợ con chạy theo Bạch Lộ, khi Bạch Lộ lâm vào đường cùng, y lập tức trở mặt; Phan Nguyệt Đình - lão chủ giàu có ức hiếp kẻ dưới, cuối cùng lại bị lừa bởi kẻ khác dẫn tới phá sản…). Bạch Lộ một mặt bị cuốn theo lối sống sa đọa, hưởng thụ cùng những thú vui thác loạn như trai gái, cờ bạc, song khát vọng đổi đời đã khiến cô chấp nhận thân phận gái bao, trở thành công cụ mua vui cho những kẻ có tiền, thẳng thừng từ chối lời đề nghị của Đạt Sinh mong muốn cô quay về sống cuộc đời lương thiện. Mặt khác, cô vẫn giữ được trái tim nồng ấm tình thương yêu của một con người, thể hiện qua hành động cùng Phương Đạt Sinh che chở “cô bé xíu” mười lăm tuổi khỏi bàn tay dơ bẩn của tên tư sản đầu cơ gian ác Kim Bát. Chứng kiến cảnh những kẻ lạnh lùng, tàn nhẫn chỉ luôn tìm mọi cách hãm hại lẫn nhau, Bạch Lộ càng thấm thía sự bạc bẽo, trái ngang của thói đời. Một mặt, cô chán ghét cuộc sống mà bấy lâu mình khát khao đeo đuổi, mệt mỏi vì hàng ngày phải đối mặt với bọn người giàu có song thiếu vắng tình người, nhưng mặt khác, lại không thể từ bỏ, vẫn ra sức bám chặt, chiều chuộng, cung phụng bọn người ấy. Cô tự ý thức được rằng, để có cuộc sống như mong ước, bản thân phải đánh đổi rất nhiều thứ quý giá, không thể nào quay đầu, buông bỏ. Chính vì vậy, tâm hồn Bạch Lộ không có được phút giây thanh thản. Cho đến khi nhận được hung tin về sự phá sản của Phan Nguyệt Đình, Bạch Lộ hoàn toàn suy sụp, bởi cánh cửa dẫn cô vào giấc mộng đổi đời từ nay vĩnh viễn khép lại. Chi tiết cuối cùng của vở kịch là một dụng ý nghệ thuật của nhà văn: Bạch Lộ một mình ở trong căn phòng tối tăm đóng kín, uống hết mười viên thuốc ngủ, lịm dần vào giấc ngàn thu. Phương Đạt Sinh đứng bên ngoài, không ngừng gọi, sung sướng reo lên bày tỏ niềm vui vào sự đổi đời: “Này, cô xem kia kìa: ngoài kia ánh sáng và trời xuân kia kìa!”. Giữa hai con người chỉ là cánh cửa ngăn cách, song đó là hai không gian, hai thế giới rất khác xa nhau: bóng tối và ánh sáng, tuyệt vọng và hi vọng. Mấy năm trời sống kiếp trăng hoa, sống phận tầm gửi, Bạch Lộ vẫn nuôi niềm hy vọng cuộc sống rồi đây sẽ không chỉ toàn là bóng đêm dày đặc, sẽ có ngày cô được tắm mình trong những tia nắng ấm rực rỡ của ngày mai. Nhưng với người phụ nữ ấy, cánh cửa khép chặt kia đã không khi nào còn mở ra được nữa.
Đến với Nhật xuất, độc giả có cảm giác ngột ngạt trong không gian o bế, bức bối. Đồng thời với cái không gian hẹp, thời gian ở đây cũng như bị hạn chế, khắc sâu thêm vòng luẩn quẩn, bế tắc của những kiếp đời khốn khổ. Toàn bộ sự kiện của tác phẩm diễn ra trong khoảng một tuần lễ, thời gian của bốn màn kịch được phân bổ theo trình tự: rạng sáng, chiều tà, đêm khuya, rạng sáng. Như vậy, tác giả có ý thức lựa chọn các khoảng thời gian khác nhau, song không gian bóng tối dường như được quan tâm hơn cả. Không gian vốn ngột ngạt của những căn phòng, lại thêm u ám bởi bóng đêm càng khiến con người bị nhấn chìm sâu hơn trong cảm thức cô đơn, buồn bã tận cùng.
Mở đầu (màn 1), kết thúc tác phẩm (màn 4) đều là thời gian vào khoảng 4-5 giờ sáng. Theo lẽ thường, đây là thời điểm mọi người thức dậy để chuẩn bị cho công việc của một ngày mới. Nhưng với bọn người của giới thượng lưu, đó lại là thời điểm kết thúc các cuộc vui chơi thâu đêm, là thời gian nghỉ ngơi sau những cơn say túy lúy để chuẩn bị bước sang những đêm vui say khác. Đêm tối chính là khoảng thời gian thích hợp thưởng thức những thú vui sa đọa của đám người này, cũng là thời gian thích hợp để con người cô đơn thức nhận sâu hơn nỗi cô đơn bản thể. Hành động đi đến cái chết của Trần Bạch Lộ hẳn diễn ra sau một đêm với bao nỗi giày vò, đấu tranh tư tưởng. Ở màn 2, thời gian có sự dịch chuyển sang buổi chiều tà, cái thời điểm tiến tới gần hơn những cuộc vui ban đêm. Một điều dễ nhận thấy đó là cả hai khoảng thời gian rạng sáng, chiều tà đều là những thời điểm có sự tranh chấp giữa bóng tối và ánh sáng.
Tác giả dành trọn màn 3 cho không gian đêm (khoảng 12 giờ) nơi kỹ viện Bảo Hòa. Nửa đêm là thời gian yên tĩnh nhất, con người đã chìm sâu vào giấc ngủ. Vậy mà tại nhà thổ hạng ba ô hợp đủ mọi loại người này, không khí vô cùng náo nhiệt với tiếng cười nói, tiếng chòng ghẹo của những cô gái điếm, khách làng chơi, tiếng rao của thằng bé bán báo, tiếng than của người ăn mày từ xa vọng lại, tiếng hát, tiếng khóc, tiếng rao quà vặt, tiếng quát nạt, đánh đập của những kẻ giang hồ… Tất cả hợp thành một khối âm thanh hỗn loạn, lột tả cực độ sự tạp nham, nhốn nháo của cái xã hội ô trọc.
Tập trung khắc họa không gian của những căn phòng khép kín cùng với thời gian cũng là một vòng tròn khép kín, Tào Ngu đã tinh tế tái hiện cuộc sống quẩn quanh, bế tắc, nhịp điệu sống nhàm chán của con người chốn thị thành, từ những kẻ thuộc tầng lớp trên tới những con người dưới đáy. Chính trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà bóng tối chưa hoàn toàn bị xua tan, một loạt sự biến đã xảy ra dồn dập ở cuối tác phẩm làm thay đổi hoàn toàn số phận các nhân vật. Sau một hồi tranh luận, mặc cho Ký Tam hết sức van nài, Phan Nguyệt Đình vẫn quyết định sa thải, khiến người đàn ông khốn khổ kia phải tìm tới cái chết. Trước những hành động tinh ranh, quỷ quyệt của viên bí thư riêng Lý Thạch Thanh, Nguyệt Đình cũng đã đẩy hắn ta vào con đường tuyệt vọng. Nhưng rồi đến lượt Phan Nguyệt Đình, chính hắn rốt cuộc cũng không thoát khỏi vòng bế tắc khi bất ngờ hay tin mình đã trắng tay. Trần Bạch Lộ mất đi chỗ dựa, trong tận cùng nỗi đau, cũng tự kết liễu cuộc đời… Một ngày mới sắp bắt đầu, song bóng đêm ảm đạm bao trùm cả bầu không gian nặng nề, căng thẳng. Vở kịch kết thúc vẫn là bi kịch, tuy có mở ra niềm hy vọng không xa về một sự đổi thay: ngày mai, chỉ ngày mai thôi, “mặt trời mọc” (nhật xuất) sẽ xua tan bóng tối.
Kịch Tào Ngu là những tác phẩm tiêu biểu cho thành tựu mới của sáng tác kịch nói hiện đại Trung Quốc. Là con đẻ của thời đại đầy biến động, xáo trộn, thời kỳ vô cùng đau khổ, sỉ nhục của dân tộc Trung Hoa, Tào Ngu thường lựa chọn sắc thái ngột ngạt, u ám như những gam màu chủ đạo cho bức họa không gian trong sáng tác của mình. Cảm quan về không gian cũng chính là cảm quan về con người, cuộc đời. Qua không gian hạn hẹp, tù túng, đầy bóng tối, tác giả đã thể hiện rõ nét cuộc sống không lối thoát của những kiếp người khốn khổ trong cái xã hội tối tăm, đầy tội ác, đồng tiền lên ngôi, đạo đức suy thoái, những giá trị truyền thống tốt đẹp đang có nguy cơ băng hoại. Nếu như ở Lôi vũ là không gian ngôi nhà tù túng giam hãm cuộc đời son trẻ của những người phụ nữ bất hạnh, là không gian đêm tối đầy giông tố, nghẹt thở chứng kiến sự vỡ lở của những cảnh loạn luân, đồi bại diễn ra trong cái ổ phong lưu “no lưng ấm cật” của nhà tư sản họ Chu, cái chết thương tâm của những người trong gia đình ấy thì ở Nhật xuất, vẫn là không gian mang sắc thái hủy diệt nhưng khắc họa đến cả thân phận của những con người thuộc tầng lớp tận cùng xã hội. Xét về nhân sinh quan cũng như nghệ thuật thể hiện, so với tác phẩm đầu đời, Nhật xuất quả đã có một bước tiến rõ rệt, Tào Ngu “được thế giới thừa nhận là một trong vài văn hào bậc nhất của Trung Hoa hiện đại” (8).
_______________
1, 8. Nguyễn Hiến Lê, Văn học Trung Quốc hiện đại, Nxb Nguyễn Hiến Lê, Sài Gòn, 1968, tr.329, 336.
2, 3, 4, 5, 6, 7. Tào Ngu, Nhật xuất, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2006, tr.33, 204, 205, 206, 207, 265.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ MAI CHANH - HÀ THU THỦY