Cải lương đến quy ước làng văn hóa ở đồng bằng Bắc Bộ

Hương ước cải lương xuất hiện tại vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ nước ta dưới thời Pháp thuộc, được soạn theo mẫu của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, gồm hai phần: chính trị và phong tục. Với định hướng đó, chính quyền thuộc địa đã chủ động điều chỉnh và thay đổi quy ước làng xã truyền thống, nhất là những hủ tục trong tang ma, cưới xin và khao vọng. Bài viết giới thiệu khái quát về hương ước cải lương của chính quyền thuộc địa, cũng như việc biên soạn quy ước làng văn hóa ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay.

Cải lương hương chính và cải lương hương ước

Cải lương hương chính là công cuộc cải cách tổ chức và bộ máy ở làng xã do chính quyền thuộc địa ở Việt Nam ban hành. Cuộc cải lương hương chính ở Bắc Kỳ khởi đầu bằng Nghị định số 1949 của Thống sứ Bắc Kỳ Môngghiô ngày 12-8-1921. Điểm then chốt trong Nghị định này là giải thể Hội đồng kỳ mục, thay bằng Hội đồng tộc biểu (hay Giáp biểu), đồng thời tăng cường vai trò của lý trưởng với những tiêu chuẩn cụ thể. Đến năm 1927, Thống sứ Bắc Kỳ lại ra Nghị định lập lại Hội đồng kỳ mục với tư cách cố vấn cho Hội đồng tộc biểu, giám sát bộ máy quản trị làng xã. Nhiệm kỳ của Hội đồng tộc biểu kéo dài 6 năm, thay vì 3 năm như trước đây và tiêu chuẩn tham gia cũng được mở rộng hơn. Thực dân Pháp đưa ra một số quy định về Hội đồng kỳ mục, đặt thêm chức Chưởng bạ, Hộ lại nhằm quản lý chặt chẽ hơn về vấn đề nhân sự và ruộng đất của làng xã. Văn bản năm 1927 mở rộng đối tượng các làng phải lập ngân sách, không chỉ căn cứ vào số đinh (500 dân đinh) mà còn căn cứ vào mức thu của ngân sách xã (500 đồng trở lên)...

Cùng với công cuộc cải lương hương chính là việc cải lương hương ước. Hương ước cải lương vùng đồng bằng Bắc Bộ được văn bản hóa thành các chương mục, thể lệ biên soạn dựa trên các nghị định của Thống sứ Bắc Kỳ, mà trước hết là Nghị định năm 1921. Văn bản này vốn bằng tiếng Pháp, được dịch ra tiếng Việt và sau đó được dịch ra chữ Nôm vào năm 1922.

2. Nội dung hương ước cải lương

Đối với văn bản hương ước cải lương, phần chính trị chủ yếu bao gồm các điều lệ liên quan đến tổ chức hội đồng tộc biểu, bao gồm cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, kỳ hạn của Hội đồng, lý phó trưởng, việc chi thu, sưu thuế, kiện cáo, canh phòng, cấp cứu, việc giáo dục, môi trường vệ sinh... Phần tục lệ bao gồm các mục về quan điền thổ, hôn lễ, tang ma, tế tự, khao vọng, ngôi thứ... Đặc trưng riêng của từng làng thể hiện trong phần phong tục tập quán.

Văn bản hương ước cải lương bao gồm nhiều chương mục (trên 100 điều), như hương ước làng Xuân Tảo, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) soạn năm 1922, bao gồm các chương mục sau: Phần chính trị: tổ chức hội đồng tộc biểu (điều 1 - 17), quan kỷ (điều 18), sổ chi thu tiền (điều 19 - 35), Lý phó trưởng (điều 36 - 40), bổ sưu thuế (điều 41 - 47), việc cáo kiện (điều 48 - 52), canh trong làng (điều 52 đến 61), canh ngoài đồng (điều 62 - 70), việc cứu cấp (điều 71 - 72), việc vệ sinh (điều 73 - 79), đường sá cầu cống đê điều (điều 80 - 84), việc vệ nông (điều 85 - 89), các của công (điều 90 - 92), xét gian lận (điều 93 - 95), việc giao thiệp (điều 96 - 98), việc giáo dục (điều 99 - 102), ngụ cư ký táng (điều 103 - 105); Phần Tục lệ: việc chia đều điền thổ (điều 106), hôn lễ (điều 107), tang lễ (điều 108 - 120), tế tự (điều 121 - 129), khao vọng (điều 130), vị thứ trong làng (điều 131 - 134)” (2).

Hương ước cải lương đã điều chỉnh các quy định cũ theo định hướng của chính quyền bảo hộ gắn với công cuộc cải lương hương chính ở làng xã. Đặc biệt, văn bản nào cũng có quy định về việc cho trẻ em đi học: “Ai có con trai đến 7 tuổi phải cho đi học, ít ra phải học đến lúc đi thi được bằng sơ học yếu lược; còn con gái đến 7 tuổi cũng nên cho đến trường mà học” (3); hoặc: “Trẻ con trong làng đúng 8 tuổi phải cho ra trường học tất cả. Làng sẽ lấy tiền công ra mua giấy bút cho các học trò nghèo” (4).

Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh làng xã cũng được chú trọng: “Nhà nào trong nhà cũng phải quét dọn sao cho sạch sẽ, ai làm bánh, làm đậu nước ấy với rác hoặc vỏ ốc, bã phải đem tận đồng mà đổ, không được đổ tháo ra các ngõ với đường quanh làng. Ai không nghe thì bị phạt hai hào sung công một hào, cho tuần một hào. Làng có ba cái giếng, quanh giếng không được đổ phân bùn, không được rửa rau vo gạo, rửa chè, rửa lá xuống giếng. Ai không theo phạt hai hào…” (5).

Với hương ước cải lương, chính quyền thuộc địa đã có những thay đổi tích cực, nhất là đã giảm bớt phiền phức tốn kém trong tang ma, cưới xin và khao vọng; xóa bỏ được một số hình phạt hà khắc mà tục lệ cũ quy định như đuổi khỏi làng, đánh đập… Tuy nhiên, vẫn còn những hủ tục không những không mất đi mà còn được “hợp pháp hóa”, hoành hành ở các địa phương.

Tuy theo “mẫu” và hướng cải cách của chính quyền bảo hộ Pháp, song hương ước cải lương được cụ thể hóa vào điều kiện của từng làng xã. Đặc biệt, có nhiều điều nhấn mạnh đến phong tục tập quán, nghi thức thờ phụng, tế lễ của làng. Chẳng hạn, hương ước cải lương làng Thụy Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội soạn năm 1922, mặc dù ghi rõ là: “tuân theo Nghị định quan Thống sứ mà cải lương các hương lệ ở trong làng kê rõ ra sau đây”, nhưng hầu hết các điều lệ đều liên quan đến việc phân chia phe giáp, chọn người bố trí vào các việc tế lễ, rước sách, khao vọng, cưới hỏi, tang ma...

3. Việc biên soạn và thực thi quy ước văn hóa

Trong xã hội truyền thống, hương ước được xem như một tư ước, hay luật làng mà hầu hết trong lời mở đầu của văn bản hương ước cổ truyền, đều ví rằng: nước có luật thì làng có tư ước. Những điều ước này được xem như điều luật để quản lý làng xã.

Việc tái lập hương ước được khởi đầu từ năm 1993, sau Nghị quyết Trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa VII về Khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, quy chế về nếp sống văn minh ở các thôn xã. Theo đó, nhiều địa phương tổ chức biên soạn hương ước mới mà phần lớn đều gọi là Quy ước làng văn hóa, ngắn gọn và rõ ràng hơn hương ước cải lương. Thông thường có chương quy định chung, tiếp đến là chương về lễ nghi tôn giáo, nếp sống văn hóa, đạo lý gia đình xã hội, an ninh trật tự xóm làng và chương cuối cùng là tổ chức thực hiện.

Ví dụ như Quy ước làng văn hóa làng La Cả, xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), gồm 36 điều, chia thành: Chương 1: Quy định chung; Chương 2: Tôn giáo, lễ hội, tín ngưỡng; Chương 3: Nếp sống gia đình, xã hội; Chương 4: Nếp sống trong việc cưới, việc tang, mừng thọ; Chương 5: Kỷ cương xã hội, an ninh làng xóm; Chương 6: Bảo vệ công trình công cộng, đất đai sản xuất hoa màu, vệ sinh làng xóm; Chương 7: Sửa đổi hiệu lực và thi hành. Phụ chương là ngày tế lễ tuần tiết trong năm của làng (6).

Nhìn chung, Quy ước làng văn hóa khá toàn diện, tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật, thừa kế được nhiều mặt của tục lệ cổ truyền. Hiện nay, văn hóa làng xã đã xuất hiện những xu hướng trái chiều, hoặc nệ cổ, phục cổ, hoặc giản lược đến mức vứt bỏ hoàn toàn phong tục tập quán cũ. Chẳng hạn, nhiều nơi kéo dài việc cưới xin nhiều ngày, vừa tổ chức cỗ bàn, vừa liên hoan văn nghệ, vô cùng tốn kém. Trong khi đó, ở thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, Quy ước văn hóa xã hội quy định rằng: Đám cưới chỉ được tổ chức vào 2 ngày trong tháng âm lịch là mồng 2 và 16. Vào ba tháng cao điểm là tháng 9, 10, 11, địa phương dành thêm 2 ngày nữa để các gia đình tổ chức chuyện trăm năm cho con mình là ngày 10 và 22. Trong đám cưới không được chơi nhạc sống cũng không được dùng đèn nhấp nháy, không đánh bạc và cấm hút thuốc lá khi tới đám cưới. Trai gái làng trên, xóm dưới, không phân biệt người hèn, kẻ sang đều phải thực hiện theo. Cô dâu không được mặc váy cưới mà chỉ được mặc quần áo tân thời. Quy ước này đã được thực hiện trong nhiều năm, có thể xem là một “cuộc cách mạng” nhằm tránh lãng phí, tốn kém trong việc cưới hỏi ở địa phương. Điều đó cho thấy, việc vừa bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa cổ truyền, vừa thực hiện tốt định hướng xây dựng làng văn hóa mới trong công cuộc xây dựng và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta thực sự là vấn đề cần được quan tâm.

4. Kết luận

Có thể nói, hương ước cổ truyền giữ một vị trí quan trọng trong đời sống làng xã Việt Nam. Từ TK XV, các bản hương ước được văn bản hóa, là công cụ chính để quản lý làng xã, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Hương ước cải lương ra đời thực hiện chủ trương cải lương hương chính của chính quyền bảo hộ Pháp, đồng thời điều chỉnh quy định liên quan đến phong tục tập quán từng địa phương, hướng tới một xã hội tiến bộ, hiện đại. Hương ước cải lương cũng như công cuộc cải lương hương chính đã có tác động tích cực đối với quản lý làng xã và giảm bớt những tập quán cũ từng mang lại phiền phức, tốn kém, lãng phí. Ngày nay, làng xã người Việt đã và đang có nhiều biến đổi bởi công cuộc hiện đại hóa nông thôn, công nghiệp hóa đất nước, việc kế thừa, phát huy các khía cạnh tích cực của hương ước làng xã trong quản lý và xây dựng làng văn hóa vẫn là điều cần thiết, có nhiều ý nghĩa.

_________________

1. Đào Phương Chi, Bước đầu tìm hiểu về cải lương hương tục thí điểm ở Bắc Kỳ qua một số văn bản tục lệ bằng chữ Nôm, Tạp chí Hán Nôm, số 1, 2013, tr.58-71.

2, 3. Hương ước làng Xuân Tảo, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội).

4. Điều 113, Hương ước cải lương làng Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội.

5. Điều 9, Hương ước làng Yên Quyết Hạ, tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội).

6. Quy ước làng văn hóa làng La Cả, xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), được UBND xã Dương Nội thông qua và đệ trình ngày 14-3-1996 và được UBND huyện Hoài Đức phê duyệt ngày 18-5-1998.

Tác giả: Đinh Công Tuấn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

;