Như một sự tự nhiên, người Tà ôi ở Việt Nam, ngay từ thuở xa xưa, đã biết tạo ra cái đẹp để trang trí, phục vụ nhu cầu thẩm mỹ của cộng đồng và cá nhân.
Điểm xuất phát đầu tiên về cách làm đẹp của người Tà ôi xưa, đó chính là tạo ra các màu sắc. Trong đời sống văn hóa vật chất, người Tà ôi đã có nhiều công trình kiến trúc mà ở đó họ đã biết trang trí nội thất ngôi nhà sàn, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà mồ, cột lễ đâm trâu với nhiều hình điêu khắc, chạm trổ màu sắc sặc sỡ (1). Hoặc trong các món ăn thức uống, người Tà ôi cũng tận dụng nguồn tài nguyên của núi rừng để chế biến nên những món ăn hấp dẫn và bắt mắt (2). Trong cách ăn mặc, người Tà ôi đã thổi hồn vào những tấm vải dzèng tạo nên những sản phẩm váy, khố với hàng trăm hoa văn các phức hệ khác nhau (3) khiến người xem phải ngỡ ngàng, vì cả một thế giới quan sinh động được người Tà ôi gửi gắm vào cái đẹp của văn hóa vật chất mà nhiều nhà nghiên cứu đã từng quan tâm.
Cái đẹp và cách làm đẹp trên cơ thể của người Tà ôi xưa, được nhắc đến dưới đây, xem như là cái đẹp về mặt tinh thần. Nhu cầu thẩm mỹ của con người đã có từ xa xưa và đến nay, nhu cầu đó còn đeo đuổi mãi trong đời sống tinh thần của họ.
Để có màu phục vụ cho nhuộm sợi dệt vải dzèng, người Tà ôi phải qua nhiều công đoạn, sử dụng nguyên vật liệu khác nhau (4). Còn tạo màu son môi tươi hồng, ngày xưa phụ nữ Tà ôi thường ra suối chọn những hòn đá màu hồng, màu đỏ đem về mài thành bột hoặc hái lá cây krier về tán nhỏ dùng thay son môi.
Đối với phụ nữ Tà ôi phải từ 15 tuổi trở lên mới dùng son môi (nhuộm môi). Đến tuổi trưởng thành, mỗi lần đi sim (5) con trai Tà ôi thường hái lá krier làm quà tặng. Hoặc trong cộng đồng Tà ôi, gia đình nào có nhiều người khỏe mạnh hay đi rừng xa thì thiếu nữ của gia đình đó có nhiều lá krier để dùng. Chính vì có sắc đẹp của màu son và đôi môi nên dân ca Tà ôi có câu:
Buổi sáng em ra rẫy
Lấy lá môn múc nước suối trong
Em đứng soi bóng mình
Sao em thấy cả bóng anh
Trên khuôn mặt thiếu nữ Tà ôi xưa, theo lời kể của người lớn tuổi để có đôi lông mày rậm và đen hơn, các thiếu nữ lấy nhựa cây có màu xanh, đen để trang điểm. Nhựa lấy chủ yếu từ cây sim (ka leam) và cây thuộc họ giống thông (a ngo). Cây sim dễ kiếm vì nó mọc ven đồi gần bản làng, còn a ngo phải đi lấy rất xa vùng phía sau thuộc đất Lào (6). Khi lấy về, nhựa cây hoặc vỏ cây được sử dụng bằng hai cách:
Nếu là vỏ cây thì đốt cháy, sau đó lấy một chiếc đĩa bằng đất (apal) để tro cây vào và thấm nước vừa sệt, rồi dùng bông đót sạch quét nhẹ lên đôi lông mày, sẽ tạo được màu đen bóng.
Nếu là nhựa cây, thì dùng đá hoặc vật nặng tán mịn, sau lấy một vỏ hến, đĩa bằng đá hoặc chiếc mai con rùa, để nhựa đã tán mịn vào rồi nhỏ giọt nước khuấy nhẹ bôi lên lông mày sẽ tạo ra màu xanh đen.
Từ việc trang điểm môi, lông mày, thiếu nữ Tà ôi còn biết nhuộm tóc. Hình thức làm đẹp này diễn ra khá đơn giản, người thiếu nữ chuẩn bị 3 dụng cụ: cái bát (tahương), cái lược (kănchít) và cái lược bắt chấy (aniép). Chất liệu để nhuộm tóc vẫn là vỏ cây sim đốt cháy thành than, công đoạn nhuộm tương tự như nhuộm lông mày, nhưng khác là nhuộm tóc chỉ cần 2 người nhuộm qua lại cho nhau mà thôi.
Cả 3 hình thức làm đẹp chủ yếu là thiếu nữ, thi thoảng mới có nam thanh niên, nếu chàng trai đó đạt tiêu chuẩn là aloong paroi(7), con nhà giàu có và uy tín nhất làng. Sau mỗi lần son môi, đánh lông mày, nhuộm tóc, phải hạn chế dùng các động tác liên quan đến nước như tắm, giặt, uống nước. Thông thường, sau 3 ngày thì thao tác lại như từ đầu.
Theo quan niệm của người Tà ôi, muốn được mọi người yêu mến và theo đuổi thì phải biết cách làm đẹp. Con gái, con trai có cách làm đẹp riêng và đôi khi họ đều cùng làm đẹp bằng cách xâu tai, nhuộm răng, cưa răng, căng tai, đeo trang sức và gội đầu.
Tục xăm mình được thể hiện ở cả nam và nữ. Thanh niên từ 13 tuổi trở lên có thể xăm mình. Thời gian để thực hiện thường vào mùa xuân hoặc khi mùa màng đã thu hoạch xong. Cuộc xăm mình được tiến hành ở khe suối, thông thường mỗi đám có 2 - 5 người và thường nam giới xăm cho nữ giới.
Vật dụng chủ yếu là gai cây bưởi (pilung) loại già nhất, cứng nhất. Nước màu để nhuộm vết xăm lấy từ lá cây a luông, trộn với than bếp rồi giã nhuyễn hòa với nước suối để trong một ngày thành thuốc nhuộm. Đám trai gái sau khi chuẩn bị xong, ra bờ suối hoặc bìa rừng chọn địa điểm vừa đẹp, vừa sạch sẽ và xăm cho nhau.
Vì thiếu nữ tính dịu dàng, chịu khó nên hình xăm thường là những bông hoa, hình ngôi sao, hình nắp kiềng. Nam giới vì tính chất của công việc như đi săn, bắt thú nên họ dùng hình xăm lớn, dữ tợn nhằm chống lại thú dữ hoặc tránh sự quậy phá của thần Tu Dê (con rồng) khi tắm ở sông, suối. Theo người Tà ôi, nam nữ thanh niên chưa lập gia đình trên người có nhiều vết xăm sẽ tránh được tà ma hoặc những linh hồn oan nghiệt đeo bám. Người Cơ tu cận cư cũng có những quan niệm như vậy.
Tục xăm mình thịnh hành cho đến những ngày sau giải phóng thì dứt hẳn. Hiện tại các cụ già trên 60 tuổi vẫn còn lưu dấu những vết các hình xăm rõ nét, minh chứng cho việc làm đẹp của một thời.
Một mốc quan trọng đánh dấu về sự trưởng thành của giới tính là cưa răng, căng tai. Thủ tục cưa răng không mấy phức tạp, không kiêng cữ. Người Tà ôi tổ chức cưa răng theo tập thể, mỗi lần thường có 3 - 5 người, không phân biệt giới tính. Vật dụng gồm 1 lưỡi ntao hoặc tlieo (giống như chiếc lưỡi cưa của người Việt nhưng nhỏ, gọn hơn). Họ nhặt nhạnh những mẩu kim loại ở ven suối bị phát lộ do lở đất, sau đó đem về nấu chảy rồi đúc ra các vật dụng thiết yếu.
Địa điểm là bờ suối vắng, nơi có những tảng đá lớn bằng phẳng, là chỗ cố định để thực hành cưa răng. Chỗ có những tảng đá to cũng là nơi sinh hoạt vui chơi của nam nữ khi rảnh rỗi được gọi là atơar hoặc titar. Khi đi cưa răng, đám người tự hẹn hò nhau địa điểm, thời gian, không cho bố mẹ hoặc người khác biết. Nếu ai bị ngăn cản thì họ sẽ không cưa răng ngay lúc đó, mà phải đợi đến một thời gian dài sau mới thực hiện.
Khi cưa, có 3 người giữ cơ thể người được cưa ở 3 vị trí: đầu, bụng và chân. Miệng được há to cạp lấy 1 que gỗ chắc. Người thực hiện việc cưa răng cho người khác phải là đàn ông đã có vợ con, có sức khỏe và từng được cưa răng nhằm thể hiện sự uy tín và an toàn cho công việc không mấy dễ dàng này.
Có thể mỗi hàm răng được cưa từ 3 - 6 chiếc trước, thời gian để xong một lần cưa răng mất 1 ngày. Sau khi xong, người được cưa chỉ uống nước sôi ấm để giữ độ an toàn của vết cưa, tránh bị viêm nhiễm, lở loét ở hàm miệng. Sau một ngày mới được ăn thức ăn loãng hoặc ăn chuối chín.
Hai ngày sau khi cưa phải nhuộm răng (chuh) thành màu đen. Người Tà ôi thường dùng vỏ cây sim (ka leam) nướng cháy giã thành bột hòa với nước đặc sệt rồi bôi vào răng, có thể dùng hạt của cây lin để nhuộm, vỏ cây rỏi (alok ndong nneeh, aloq along tinưh) ép chặt cho ra nước có màu đen rồi dùng nước đó chà xát vào răng. Các loại thuốc nhuộm trên đều tạo cho hàm răng đen nhánh. Đây là cách nhuộm răng đơn giản phụ thuộc vào các loại cây có sẵn ở rừng và không cầu kỳ như cách nhuộm răng của người Việt.
Với phụ nữ, ngoài 3 loại thuốc nhuộm trên, để hàm răng được đẹp hơn, phù hợp với màu da, họ còn dùng loại thuốc nhuộm đặc biệt từ củ tưrda, loại như cây gừng, ăn có vị bùi, là thứ biệt dược cổ truyền để chữa bệnh đau đầu. Củ này đào trong rừng sâu đem về giã nhuyễn rồi hòa một ít với 3 thứ thuốc trên sẽ tạo được độ bóng và lâu phai hơn.
Song song với việc cưa răng, nhuộm răng, nam nữ Tà ôi phải qua thủ tục xâu tai, căng tai. Đây là thủ tục đơn giản, ít bị đau. Trước hết dùng thân cây hoặc trái cây táy, cây apát có chất ngứa bôi vào hai dái tai rồi dùng gai bưởi để xâu lỗ tai. Khi đã thông lỗ, dùng sợi dây chuối hoặc dây kidol luồn qua, luồn về sao cho lỗ rỗng khá rõ, làm như vậy suốt 5 ngày, trong thời gian này phải rửa bằng nước rễ chanh để sát trùng. Khi tạo được lỗ nhỏ thì đeo tằm (titoi). Tằm của người Tà ôi có nhiều loại, nam nữ khi mới hoàn thành việc xâu tai thì đeo dây chuối hoặc dây kidol. Khoảng 1 tháng sau đeo bằng cọng tre, lồ ô hoặc cọng đót nhỏ. Khoảng nửa năm đeo tằm bằng các viên đá thon nhỏ hoặc đeo ốc xoắn. Chừng một năm sau lỗ xâu tai đã lớn người ta nghĩ ngay đến việc làm đẹp cho đôi tai.
Đối với đàn ông đôi hoa tai của họ phải to, nặng, có thể là các loại xương thú, răng thú, đeo càng nặng càng to thì lỗ tai càng được kéo xuống. Ai có lỗ hổng to hơn, người đó được coi là đại thọ và sẽ thay thế bằng loại titoi paló (hoa tai bằng ngà voi). Loại hoa tai này thường được ưa chuộng ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, vì người Tà ôi ngày trước có nghề thuần dưỡng voi, nuôi voi và sử dụng voi làm phương tiện vận chuyển trong những chuyến trao đổi hàng hóa với miền xuôi hoặc sang Lào.
Đối với phụ nữ, đeo hoa tai cũng có nhiều loại và tùy thuộc vào kinh tế. Phụ nữ nghèo chặt những ống lồ ô hoặc tre vàng to bằng ngón tay cái, cưa ra thành ống ngắn bằng lóng tay rồi đeo. Trên đó họ dùng những viên đá hồng, đá đỏ nhét vào hai đầu ống để che lỗ hổng, đồng thời cũng thể hiện sự ưa chuộng màu sắc sặc sỡ trong trang sức. Còn người phụ nữ giàu có, vợ chủ làng chẳng hạn, thì đeo hoa tai bằng bạc nén (titoi prăq), cấu tạo như hình con thoi. Đến khi có chồng chuyển sang đeo vòng tai bằng bạc (pirăq hoặc tâng hil ta lau). Loại này hình tròn như vòng đeo tay nhưng hai đầu mút có móc nghéo để giữ chặt. Vòng hoa tai càng có đường kính lớn, độ dày và độ nặng lớn thì càng thích. Phụ nữ khi đã hoàn thành việc sinh nở chuyển qua hoa tai tương tự nhưng nặng gấp đôi, gấp ba, to bằng ngón tay cái của người lớn.
Như vậy, đeo hoa tai lâu ngày và thay đổi trọng lượng, kích cỡ, kiểu dáng, chất liệu thì lỗ tai sẽ dài, rộng ra, đó là chuẩn mực của cái đẹp, một vẻ đẹp quý phái, sang trọng đầy uy tín với gia tộc, với cộng đồng.
Cùng với việc đeo hoa tai, nam nữ Tà ôi sử dụng trang sức cho vòng cổ, vòng tay và vòng chân.
Ngày trước mỗi khi đi săn về, sản phẩm thu được ngoài số thú vật săn bắn, nam giới còn biết tận dụng các bộ phận của thú rừng, như nanh, móng vuốt lợn, hổ, gấu, khỉ, vảy rái cá (ka hẹp) để mài dũa, đục lỗ tạo thành những chuỗi đeo ở cổ rất đẹp. Theo quan niệm, nếu ai đeo được vuốt hổ sẽ không sợ ma rừng, thú dữ; có chó dữ cũng chạy mất không gây phiền hà cho khách.
Với phụ nữ, thuở ban đầu họ nhặt những vỏ ốc, vỏ hến ở ven suối đem về lau sạch tạo bóng rồi khoan lỗ làm xâu chuỗi để đeo. Phụ nữ Tà ôi không bao giờ đeo răng, xương, móng vuốt thú vì đó là sự kiêng cữ đối với thần rừng.
Cuộc sống ngày càng cởi mở, giao lưu với miền xuôi, phụ nữ Tà ôi dần chuyển qua dùng trang sức bằng bạc, đồng và mã não, thủy tinh, nhựa… trong khi nam giới vẫn đeo trang sức như cũ.
Một người phụ nữ Tà ôi quyền quý, giàu có, sẽ dùng nhiều hạt mã não hơn là bạc. Mã não là dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên, ngay cả người Cơ tu cận cư cũng vậy, họ xem đó như gia tài quý giá của mình.
Riêng trang sức ở chân, thiếu nữ Tà ôi dùng loại lục lạc (reo) được trao đổi từ đồng bằng lên. Khi đeo vào, mỗi bước đi sẽ tạo nên tiếng nhạc rất hay. Vì chuộng sự rộn ràng đó mà trong váy dzèng, nghệ nhân Tà ôi còn tết dệt hàng trăm chiếc lục lạc nhỏ để khi nhảy múa sẽ tạo nên tiếng nhạc rất êm tai.
Người Tà ôi xưa không có xà phòng tắm, giặt mà họ chỉ dùng hạt của trái cây kartêng mọc ở rừng sâu, cây cao to không thể trèo, đợi trái cây rụng, nhặt về cất giàn bếp, khi đi tắm đem theo ra suối ngâm nước vài quả, dùng đá đập nát, bôi lên đầu tạo ra chất bọt để gội đầu. Loại trái cây này tạo ra nhiều bọt, có mùi thơm tự nhiên và làm bóng tóc. Ngày nay, nhiều phụ nữ Tà ôi vẫn còn dùng loại này để vệ sinh cơ thể cũng như để rửa vết mụn nhọt cho trẻ em.
Từ lâu người Tà ôi không còn làm đẹp như xưa nữa, và chẳng mấy ai nhắc đến cách làm đẹp thuở trước. Thi thoảng trong những dịp lễ hội, mới thấy các cụ già vẫn còn mang trên mình dấu ấn của một thời làm đẹp, mà rõ nhất là cưa răng, căng tai và dấu vết các hình xăm. Giờ đây, những món đồ trang sức bằng bạc, mã não, thủy tinh, nhựa cứng cũng không còn vì do hệ quả của những lần tùy táng và thất lạc do chiến tranh... Thay vào đó là những thứ trang sức bằng vàng tây, vàng ta, bạc mới có thể mua bất cứ nơi nào khi có tiền.
Tìm hiểu cái đẹp của người Tà ôi thì thấy giữa chúng có mối liên quan lẫn nhau và có ý nghĩa riêng. Tức là cái đẹp trong tự nhiên liên quan tới tính quy luật và tính hợp lý của hiện tượng tự nhiên. Cái đẹp trong lao động được thể hiện ở tính chất tự do, hoàn thiện về kỹ xảo của người biết sáng tạo, biết xây dựng nên những đồ vật và vật phẩm. Điều đó chứng minh rằng cách làm đẹp của người Tà ôi không nằm ngoài mục đích để hòa hợp với thiên nhiên, chống chọi với thiên nhiên và thể hiện mình với các tộc người cận cư khác trên dãy Trường Sơn hùng vĩ này.
_______________
1. Trần Nguyễn Khánh Phong, Các kiểu thức trang trí của người Tà ôi, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung và Tây Nguyên, số 1-2008, tr.59.
2. Trần Nguyễn Khánh Phong, Ẩm thực Tà ôi, Tạp chí Dân tộc học, số 4 (136) - 2005, tr.69-72.
3, 4. Trần Nguyễn Khánh Phong, Bước đầu khảo sát phức hệ hoa văn trang trí trên trang phục của người Tà ôi. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 4 - 5 (47 - 48) - 2004, tr.165-173.
5. Đi sim: ở người Tà ôi và Pa cô, con trai con gái đến tuổi dậy thì thường được tự do tìm hiểu nhau. Họ dắt nhau vào rừng mỗi buổi chiều tối để tâm tình, nói chuyện và đàn hát cho nhau nghe.
6. Vùng đất huyện Tù Muội của Lào có rất nhiều cây thông rừng, nên cư dân ở đó đã lấy tên cây này để đặt cho tên địa danh thôn A Ngo, xã A Ngo như ngày nay.
7. A loong parroi là một loại cây to ở trong rừng, gỗ rất chắc, ý nói đến người con trai có sức khỏe. Trong kho tàng dân ca Tà ôi có nhắc đến loại cây này.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 327, tháng 9-2011
Tác giả : Trần Nguyễn Khánh Phong