Luật Thư viện số 46/2019 được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2019 đã mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của sự nghiệp thư viện Việt Nam. Bài viết nêu ra các chính sách được thể chế hóa nhằm bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân; nghiên cứu dự báo những tác động của các chính sách này góp phần đẩy mạnh việc thực thi các chính sách của Luật Thư viện trong thời gian tới.
Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đưa ra mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân chủ, công bằng và văn minh (1). Với mục tiêu này, Đảng đã gắn phát triển văn hóa vào việc phát triển con người, xây dựng con người Việt Nam phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Để thực hiện các mục tiêu này, vai trò của các thiết chế văn hóa nhằm bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân là hết sức quan trọng. Điều 41 Hiến pháp 2013 đã khẳng định: Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa và sử dụng các cơ sở văn hóa. Đây được xem là một trong những chế định cơ bản về quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định trong lĩnh vực văn hóa. Để cụ thể hóa quyền này, ngày 21-11-2019, Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7- 2020. Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa đối sự phát triển của sự nghiệp thư viện Việt Nam, mà còn mang ý nghĩa quan trọng đối với việc tiếp cận, hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa và sử dụng các cơ sở văn hóa, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội học tập suốt đời nâng cao năng lực, kỹ năng thông tin, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Luật Thư viện được xem là văn bản pháp lý cao nhất, cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân, khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi các chính sách được thể chế hóa bởi Pháp lệnh Thư viện năm 2000.
1. Khái luận về chính sách được thể chế hóa trong Luật Thư viện với bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân
Thư viện với quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân
Trên bình diện quốc tế, Điều 27 của Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền khẳng định: mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ những tiến bộ khoa học cũng như những lợi ích xuất phát từ những tiến bộ khoa học (2). Điều 15 Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đã cụ thể hóa Điều 27 bao gồm các quyền: được tham gia vào đời sống văn hóa; được hưởng các lợi ích của tiến bộ khoa học và ứng dụng nó; được bảo hộ các quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học, nghệ thuật nào của mình (3). Ở Việt Nam, Điều 41 của Hiến pháp đã thể chế hóa quyền này.
Thư viện là một trong những thiết chế văn hóa bảo đảm nhưng quyền nêu trên thông qua chức năng thông tin, văn hóa, giáo dục và giải trí. Trong Tuyên ngôn của UNESCO về thư viện công cộng đã khẳng định “Thư viện công cộng mở ra sự tiếp cận tới tri thức ở cơ sở đảm bảo những khả năng chủ yếu cho việc học tập liên tục cho việc tự mình đưa ra các quyết định và cho sự phát triển văn hóa của cá nhân và các nhóm xã hội” (4).
Nội hàm của các chính sách được thể chế hóa trong Luật Thư viện
Đó là: Tập hợp các biện pháp được chủ thể quyền lực Nhà nước đưa ra, tác động và tạo ưu thế cho hệ thống thư viện, định hướng cho hệ thống này nhằm bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân (5).
Thao tác hóa khái niệm này có thể nhận diện các chính sách được thể chế hóa trong Luật Thư viện là chính sách công, bởi chủ thể ban hành chính sách này là Nhà nước (Quốc hội). Đối tượng chịu tác động của chính sách đó là hệ thống thư viện. Khái niệm “hệ thống” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng đó là toàn bộ những thành tố cấu thành nên sự nghiệp thư viện bao gồm: mạng lưới thư viện, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện, các nguồn lực bảo đảm cho hoạt động thư viện và các biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân. Mục đích của chính sách nhằm định hướng hoạt động của hệ thống thư viện bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa, hỗ trợ học tập suốt đời của người dân. Phương tiện để thực hiện chính sách đó là: những lợi thế được tạo ra cho hệ thống thư viện như: các ưu đãi về đầu tư, khuyến khích xã hội hóa, đầu tư tài chính...
2. Nhận diện nội dung các chính sách được thể chế hóa trong Luật Thư viện
Điều 5 của Luật Thư viện đã quy định về chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện. Tuy vậy, xét về bản chất pháp lý của 4 khoản được quy định tại điều này đều là những phương tiện khác nhau, đó là những lợi thế mà Nhà nước tạo ra cho hệ thống thư viện bao gồm: ưu tiên đầu tư, hỗ trợ đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thư viện. Nhìn tổng thể, toàn bộ nội dung của Luật Thư viện có thể nhận diện chính sách được thể chế hóa trong Luật Thư viện tập trung trong 4 nội dung cơ bản bao gồm: thừa nhận, bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân; thiết lập và kiện toàn mạng lưới thư viện; chuẩn hóa hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện và bảo đảm các nguồn lực cho hoạt động thư viện.
Chính sách thừa nhận và bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân
Đây là biện pháp được thể hiện xuyên suốt trong các nội dung của Luật Thư viện và cũng được coi là kim chỉ nam trong toàn bộ các chế định được nêu tại Luật Thư viện. Nội dung này được quy định trực tiếp tại các Điều 42, 43 và 44 của Luật Thư viện.
Đối với những nhóm đặc thù, những đối tượng yếu thế trong xã hội, Luật Thư viện cũng có những quy định quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân một cách bình đẳng với các chủ thể khác, theo đó, Điều 44 của Luật Thư viện quy định cho các nhóm đối tượng là: người dân tộc thiểu số; người sử dụng thư viện là người cao tuổi hoặc người khuyết tật mà không thể tới thư viện; người khiếm thị, người khiếm thính; trẻ em; người đang chấp hành hình phạt tù, học tập, cải tạo tại trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đặc biệt, Luật Thư viện đã thể chế chính sách quan trọng, đó là trẻ em, người cao tuổi, thương binh, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn các khoản chi phí làm thẻ thư viện. Quy định này phù hợp với các chính sách trong việc nâng cao mức hưởng thụ giá trị văn hóa, được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật có liên quan.
Có thể nhận thấy, Luật Thư viện đã có những chế định quan trọng, bao phủ và đề cập hầu hết các nội dung trong việc bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân với mọi đối tượng trong xã hội, bao gồm cả những đối tượng yếu thế trong xã hội như người khuyết tật, người già, trẻ em; những đối tượng đặc thù trong xã hội như: người chấp hành hình phạt tù, học tập, cải tạo tại trại giam để bảo đảm mọi người dân luôn không bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa trong thư viện. Đặc biệt, Luật Thư viện cũng đã thể chế hóa những chính sách về nâng cao mức hưởng thụ các giá trị văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, để bảo đảm cho họ có thể tiếp cận với ngôn ngữ, chữ viết và tham gia hoạt động thư viện.
Song song với việc thừa nhận, đó là việc bảo đảm cho quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân thông qua các quy định về nghĩa vụ của thư viện, nghĩa vụ của người làm công tác thư viện được quy định tại các Điều 39 và 43 của Luật Thư viện. Việc bảo đảm các quyền này được hướng tới 3 yếu tố: thiết lập mạng lưới thư viện, đổi mới hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện và bảo đảm các nguồn lực cho hoạt động thư viện. Đây là 3 yếu tố có tính then chốt tạo ra động lực cho việc bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân trong thư viện.
Chính sách thiết lập và kiện toàn mạng lưới thư viện
Để bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân, Nhà nước đã đưa ra chính sách về thiết lập và kiện toàn mạng lưới thư viện thông qua việc thiết kế một mạng lưới thư viện rộng khắp với đầy đủ các loại hình, mô hình phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc phân chia các loại hình thư viện. Xét về mục tiêu của chính sách, có thể nhận diện, chính sách này hướng đến 2 mục tiêu cơ bản: kiện toàn củng cố thư viện công lập và phát triển thư viện ngoài công lập. Phương tiện để thực hiện chính sách là các quy định về việc ưu tiên đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và thư viện có vai trò quan trọng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 nhằm hướng tới kiện toàn và củng cố thư viện công lập. Cũng tại Điều 5 điểm b và điểm c có quy định về hỗ trợ đầu tư, khuyến khích tổ chức hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện cộng đồng và thư viện có yếu tố nước ngoài.
Luật Thư viện đã xây dựng 8 loại hình cơ bản trong mạng lưới thư viện quốc gia tương ứng với từng nhu cầu sử dụng thông tin của các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội bao gồm: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, thư viện lực lượng vũ trang nhân dân, thư viện trong cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác.
Một trong những điểm mới so với Pháp lệnh Thư viện năm 2000, Luật Thư viện đã phân chia các loại hình này theo 2 nhóm đối tượng: Thư viện công lập và thư viện ngoài công lập. Trong thư viện ngoài công lập có thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, thư viện cộng đồng và thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thư viện, mang ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với việc quản lý nhà nước về thư viện mà còn tạo hành lang pháp lý trong việc thúc đẩy người dân tham gia vào hoạt động thư viện với tư cách là chủ thể thành lập thư viện, đồng thời khuyến khích việc hội nhập quốc tế trong hoạt động thư viện, tạo điều kiện cho người dân có thêm nhiều cơ hội tham gia vào hoạt động thư viện, tạo ra sự liên kết, hỗ trợ giữa các loại hình thư viện trong việc phục vụ người dân tiếp cận và sử dụng thư viện.
Cùng với đó, chính sách thiết lập mạng lưới thư viện đã xác định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình thư viện trong mạng lưới thư viện quốc gia tương ứng với các loại hình thư viện được quy định từ Điều 10 đến Điều 17 của Luật Thư viện, từ đó thiết lập trật tự nhất định trong mạng lưới thư viện thông qua việc phân công vai trò, trách nhiệm của từng loại hình thư viện với việc đáp ứng nhu cầu tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân.
Chính sách chuẩn hóa hoạt động thư viện
Luật Thư viện đã dành 1 chương (chương 3) để thể chế hóa nội dung chính sách này, phân tích mục tiêu và phương tiện của chính sách có thể nhận diện. Đây được xem là phương tiện quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chuẩn hóa hoạt động thư viện. Chính sách chuẩn hóa hoạt động thư viện được xây dựng dựa trên 3 trụ cột cơ bản đó là:
Thứ nhất, xác định những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thư viện, một trong số đó được xem là kim chỉ nam cho hoạt động thư viện: lấy người sử dụng làm trung tâm; tạo lập môi trường thân thiện, bình đẳng, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, thể chế hóa quy trình chuyên môn, nghiệp vụ thư viện cần triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân bao gồm: phát triển tài nguyên thông tin, xử lý thông tin, lưu giữ và bảo quản tài nguyên thông tin, phát triển các sản phẩm và dịch vụ thông tin, trong đó có một số hoạt động được xem là chính sách ưu tiên đầu tư của Nhà nước. Từ việc thể chế hóa này, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc chuẩn hóa hoạt động thư viện.
Thứ ba, thể chế hóa một số hoạt động bổ trợ cho hoạt động thư viện, trong đó, để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc nói chung, Luật Thư viện đã quy định 1 điều về phát triển văn hóa đọc (Điều 30), theo đó, lấy ngày 21-4 hằng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đồng thời có các quy định về phát triển văn hóa đọc. Các quy định này nhằm thúc đẩy thư viện thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa, tạo động lực phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Chính sách về bảo đảm các nguồn lực cho hoạt động thư viện
Xuyên suốt toàn bộ nội dung, Luật Thư viện đã cụ thể hóa các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn lực cho hoạt động thư viện bao gồm: nhân lực, vật lực, tài lực và tin lực. Thông qua quy định về điều kiện thành lập thư viện (quy định tại Điều 18), Luật Thư viện đã thúc đẩy các thư viện phải bảo đảm nguồn lực cho hoạt động thư viện: người làm công tác thư viện, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm cho hoạt động thư viện và tài ngyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện.
Việc bảo đảm nguồn lực cho hoạt động thư viện còn được thể hiện thông qua quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập thư viện theo quy định tại khoản 1, Điều 45 Luật Thư viện với việc bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí, nhân sự cho thư viện hoạt động và phát triển theo quy định của pháp luật.
Luật Thư viện đã quy định cụ thể việc bảo đảm các nguồn lực thông qua nội dung quy định về quyền và nghĩa vụ của người làm công tác thư viện (Điều 40 và 41) đối với nguồn nhân lực; quy định về tài chính cho hoạt động thư viện (Điều 35); quy định về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin và hiện đại hóa thư viện (Điều 32).
3. Dự báo một số tác động của các chính sách được thể chế hóa trong Luật Thư viện đến quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân
Các chính sách được thể chế hóa trong Luật Thư viện đã cụ thể hóa quyền của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân. Dự báo trong giai đoạn thực thi chính sách, các thư viện công lập ở Việt Nam, đặc biệt là các thư viện thuộc diện được Nhà nước ưu tiên đầu tư sẽ có nhiều lợi thế trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phục vụ người dân tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa thông qua thư viện.
Chính sách này tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong việc chuẩn hóa hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện; bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm; thúc đẩy quá trình chuẩn hóa, đổi mới hoạt động thư viện phục vụ người sử dụng. Dự báo chính sách này sẽ được thực thi hiệu quả tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và các thư viện có vai trò quan trọng do có nhiều lợi thế từ chính sách đầu tư của Nhà nước. Ngoài ra, “liên thông thư viện” là một trong những nội dung mới trong chính sách này; từ đó sẽ tạo cơ hội trong quá trình liên kết giữa các thư viện thông qua sự phát triển của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hiệp hội trong lĩnh vực thư viện nhằm hướng tới quá trình liên kết các thư viện phục vụ hội nhập.
Các chính sách được thể chế hóa trong Luật Thư viện còn tạo nền tảng cho sự phát triển của tài nguyên giáo dục mở. Đây là một trong những xu thế tất yếu của giáo dục hiện nay. Dự báo trong tương lai, tài nguyên giáo dục mở sẽ là một trong những xu hướng quan trọng, thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu của người dân, đồng thời các chính sách này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thúc đẩy quản trị thông tin, quản trị tri thức, học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Thông qua các quy định từ các chính sách được thể chế hóa tại Luật Thư viện có thể dự báo, người sử dụng có nhiều cơ hội được tiếp cận thông tin, tri thức, phục vụ nhu cầu học tập, hưởng thụ văn hóa, học tập suốt đời trong các loại hình thư viện ở Việt Nam; người sử dụng trở thành trung tâm và trở thành động lực để đổi mới hoạt động thư viện.
Kết luận
Sự ra đời của Luật Thư viện đánh dấu một bước phát triển mới trong sự nghiệp thư viện Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển, đồng thời thiết lập một khung chính sách quan trọng bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân, thúc đẩy việc học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Để triển khai thực hiện các chính sách đã được thể chế hóa trong Luật Thư viện, trong quá trình thực thi các cơ quan, đơn vị có liên quan (Chính phủ, Bộ VHTTDL) cần tiếp tục nghiên cứu sớm xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật, bảo đảm tính thực thi, hiệu lực hiệu quả trong thi hành Luật Thư viện. Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Thư viện tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thư viện để tổ chức, cá nhân có thể nắm bắt đầy đủ các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi tham gia các quan hệ pháp luật do Luật Thư viện điều chỉnh. Hệ thống thư viện toàn quốc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa và thực hiện liên thông theo tinh thần của Luật Thư viện nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và hưởng thụ các giá trị văn hóa tại mọi thời điểm trong bối cảnh phát triển của khoa học và công nghệ. Các tổ chức, các nhân liên quan bảo đảm các nguồn lực thúc đẩy việc đổi mới, chuẩn hóa hoạt động thư viện.
______________
1. Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
2. Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua tại Nghị quyết số 217 A (III) ngày 10-12-1948.
3. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1976.
4. UNESCO, Tuyên ngôn năm 1994 của UNESCO về thư viện công cộng, Lê Văn Viết dịch theo bản tiếng Nga, 1995, số 6, tr. 6 (phụ trương).
5. Vũ Cao Đàm, Tuyển tập các công trình công bố, tập II (Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược), 2009, tr.438.
Tác giả: Lê Tùng Sơn - Trần Ngọc Mai
Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020