“Cần tập trung phân tích, đánh giá sâu về những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, “gạn đục khơi trong”, tìm ra những yếu tố hợp lý nhất, tạo ra xung lực mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành VHTTDL” là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị đánh giá kết quả nhiệm vụ năm 2022, triển khai kế hoạch công tác năm 2023 của Bộ VHTTDL vào chiều ngày 22-12.
Hội nghị trực tiếp tại điểm cầu Bộ VHTTDL, trực tuyến với hai điểm cầu tới Đại diện Văn phòng Bộ tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chủ trì Hội nghị có: Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL.
Chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Chúng ta xác định, sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và toàn ngành phải tổ chức thực hiện. Với nhận thức sâu sắc như vậy, mối quan hệ giữa địa phương và Bộ càng phải khăng khít, các cơ chế cung cấp thông tin, tổng hợp, phân tích tình hình với mục tiêu là tháo gỡ điểm nghẽn, xây dựng nền văn hóa như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tập trung phát triển con người cường tráng về thể chất, đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, thể thao thành tích cao, gắn với đó không tách rời khỏi công tác phát huy các giá trị di tích, di sản, các sản phẩm văn hóa để đẩy lĩnh vực du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo Hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị đại diện các đơn vị, Cục, Vụ trực thuộc Bộ VHTTDL tập trung phân tích, đánh giá sâu về những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, “gạn đục khơi trong”, tìm ra những yếu tố hợp lý nhất, tạo ra xung lực mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành.
Báo cáo một số kết quả đạt được cũng như hạn chế và đề xuất một số giải pháp của Cục Văn hóa cơ sở (VHCS), Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương cho biết, qua một năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên vẫn có những khó khăn, hạn chế, điểm nghẽn cần phải khắc phục, đó là việc quan tâm và nhận thức của các địa phương chưa được đồng đều. Có những địa phương đầu tư cho văn hóa rất mạnh, có địa phương đầu tư không nhiều, đặt văn hóa ở vị trí còn khiêm tốn. Hệ thống thiết chế văn hóa các cấp, trong đó hệ thống thiết chế văn hóa thể thao ở các cấp cơ sở chưa được quan tâm, đầu tư một cách đồng bộ. Có một số địa phương đã thực hiện sử dụng hệ thống thiết chế theo cơ chế xã hội hóa đã có hiệu quả, nhưng có những UBND các cấp không cho hoạt động theo cơ chế đó nên không phát huy được công năng về cơ sở vật chất đã được đầu tư…
Cục trưởng Cục VHCS Ninh Thị Thu Hương đề xuất các biện pháp tháo gỡ trong công tác xây dựng văn hóa cơ sở
Để tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, Cục trưởng Cục VHCS đề xuất các biện pháp, đó là tháo gỡ về thể chế , sẽ đề xuất Bộ tham mưu cho Chính phủ về việc xây dựng danh hiệu đã được quy định trong Luật Thi đua khen thưởng, đó là, “Xây dựng gia đình văn hóa” trong khu, thôn, ấp, bản, phường… theo hướng cập nhật những tình hình, tiêu chí để UBND các tỉnh, thành căn cứ vào đó lựa chọn để phù hợp với thực tiễn; xây dựng môi trường trong doanh nghiệp đạt chuẩn theo tiêu chí, yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thời gian vừa qua; đối với tiêu chí xây dựng văn hóa trong môi trường công sở, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục đưa ra những giải pháp như xây dựng thể chế, kế hoạch tổ chức hoạt động mang tính tổng hợp …
Đối với công tác văn hoá đối ngoại, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa cho biết, Cục Hợp tác quốc tế đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc bám sát nhiệm vụ trọng tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời lan tỏa hình ảnh quốc gia, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sau 2 năm gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, năm 2022 các hoạt động đã được khôi phục trở lại, kể từ ngày 15-3, Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch. Đây là dấu mốc tạo tiền đề để phục hồi kinh tế, xã hội, trong đó có hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại trong lĩnh vực VHTTDL. Trong đó, năm 2022 cũng là năm đầu tiên, Bộ VHTTDL triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 25 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2030. Theo đó, Bộ VHTTDL đã đàm phán, ký kết 6 thỏa thuận hợp tác quốc tế. Trong đó, có Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023-2027 được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký kết cùng Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Du lịch Trung Quốc Hồ Hòa Bình nhân chuyến thăm hữu nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (tháng 10-2022), Bản ghi nhớ hợp tác về văn hóa giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ VHTTDL Hàn Quốc giai đoạn 2023-2025 do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (tháng 12-2022)… Ngoài ra, tổ chức được 7 hoạt động Tuần lễ Việt Nam ở nước ngoài gắn với năm trọng điểm của Lào, Campuchia, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc lan tỏa hình ảnh của đất nước ra thế giới
Với chủ đề của năm là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, Cục Hợp tác quốc tế đã thực hiện với phương châm: đã xây dựng nội bộ đoàn kết, văn minh, chủ động, sáng tạo, phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cục cũng đã xây dựng và trình với Chính phủ đề nghị ban hành đề án xây dựng thành phố sáng tạo, năm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO thông qua sự phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đi đến 9 thành phố trọng điểm của nước ta, để giúp các thành phố nâng cao nhận diện được thế mạnh của mình, để đặt vị trí của văn hóa xứng đáng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương.
Năm 2023, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết, sẽ có 41 nước kỷ niệm năm chẵn, năm tròn, quan hệ ngoại giao với các nước. Cục đã tiến hành lựa chọn địa bàn trọng điểm, hiệu quả trong hoạt động văn hóa đối ngoại, trong đó có 9 nước là đối tác chiến lược: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Pháp, Italia, Bỉ, Anh, Canada, Argentina, U.A.E…
Để thực hiện công tác đối ngoại, Cục Hợp tác quốc tế mong muốn lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các doanh nghiệp, đồng thời sẽ kết nối với các địa phương trong việc lan tỏa hình ảnh của đất nước ra thế giới.
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly cho biết về chế độ chính sách tuổi nghỉ hưu đối với các nghệ sĩ còn bất cập
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly cho biết về chế độ chính sách tuổi nghỉ hưu đối với các nghệ sĩ còn bất cập. Việc thu hút nhân tài là khó, bởi đối với các em học sinh nghệ thuật khi ra trường, vào các nhà hát thì lương rất thấp, các cơ sở nghệ thuật bên ngoài là lựa chọn của các em, vì thế dẫn đến chảy máu chất xám… “các em chấp nhận đi hát phòng trà để có thu nhập”, “có nghệ sĩ opera hàng đầu phải đi làm xe ôm”… là những chia sẻ của Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Vì thế, đây là vấn đề chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận và sớm có giải pháp tháo gỡ - Quyền Cục trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu lên các giải pháp cho năm 2023 với ba vấn đề lớn, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tập trung công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, dồn lực, trí tuệ, công sức cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Bộ VHTTDL trong năm 2023. Trong kế hoạch đã nêu sẽ có 2 dự án Luật, 11 Nghị định và hơn 50 Thông tư. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng phải thể hiện quyết tâm cao, cần chủ động hơn và quyết liệt hơn.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đề nghị các đơn vị tập trung công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, dồn lực, trí tuệ, công sức cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Bộ VHTTDL trong năm 2023
Thứ hai, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL phải thẳng thắn nhìn nhận lại những việc đã làm để có sự đổi mới. Năm 2022, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chủ động đề xuất cho rà soát, đánh giá các nhiệm vụ đã và đang thực hiện; nhất là nhiệm vụ liên quan đến các cuộc thi, giải thưởng phát triển văn hóa đọc. Với Vụ Văn hóa dân tộc, cần phải sơ kết ngay 1 năm thực hiện Dự án số 6 trong tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ và giữa Bộ với các địa phương cần có sự điều chỉnh và hoàn thiện.
Thứ ba, đề nghị cần chủ động hơn nữa sự phối hợp của các đơn vị trong Bộ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong và ngoài Bộ, giữa Bộ với các địa phương thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả hơn.
Phát biểu về lĩnh vực di sản văn hóa và thể thao, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, năm 2022, chúng ta đã tổ chức thành công 2 sự kiện lớn của năm, được sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của người dân trong nước và bạn bè quốc tế là SEA Games 31 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Bước sang năm 2023 ngành Thể thao sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ. Trong đó, Thứ trưởng yêu cầu cần tập trung ổn định hoạt động Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình; về hệ thống trung tâm huấn luyện thể thao, Thứ trưởng cho biết, hiện nay chúng ta có cả một hệ thống trung tâm trải dài ở những địa danh đẹp, tạo bức tranh tươi sáng như Tam Đảo, Sa Pa, Bình Thuận, Đà Lạt. Thứ trưởng đề nghị Tổng cục TDTT phối hợp với các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện, phát huy nguồn lực hoàn thiện hệ thống các trung tâm huấn luyện thể thao. Đối với 4 trung tâm, rất cần củng cố nhân sự nhằm nâng cao những hoạt động chuyên sâu như khoa học kỹ thuật trong huấn luyện, chế độ dinh dưỡng…
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị Tổng cục TDTT phối hợp với các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện, phát huy nguồn lực hoàn thiện hệ thống các trung tâm huấn luyện thể thao
Về lĩnh vực di sản văn hóa, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, năm 2022, chúng ta hầu như không có sai phạm nào về di tích. Thời gian tới, cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hóa; chính sách thu hút nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa. Đây được coi là chính sách đột phá trong thời gian tới. Làm sao để Việt Nam có một quỹ về di sản văn hóa. Mỗi địa phương có một quỹ để bảo tồn di sản văn hóa; hướng đến việc Nhà nước không phải bỏ ngân sách để tu bổ hàng chục nghìn di tích.
Bên cạnh đó phải tham mưu, cùng với Vụ Kế hoạch Tài chính có được chương trình mục tiêu về bảo tồn di sản. Nếu làm được việc này thì đây sẽ là cuộc chấn hưng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của cả dân tộc trong giai đoạn 5 năm tới. Năm 2023, sẽ có hàng trăm di tích ở Hà Nội cần được tu bổ, sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra công tác này…
Liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, cần phải tập trung nghiên cứu, đề xuất ý kiến trong việc sửa đổi Nghị định về hoạt động văn học nghệ thuật.
Nghị định về chế độ, chính sách đặc thù cho diễn viên; đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các nhà hát cũng đang được xây dựng và đề nghị Vụ Kế hoạch Tài chính nới rộng cho biên độ đặt hàng hằng năm.
Về điện ảnh, từ 1-1-2023 sẽ có những thách thức. Thứ trưởng cho biết, đó là chúng ta thực hiện kiểm duyệt phim trên không gian mạng theo hướng hậu kiểm, vì thế, Cục Điện ảnh cần có bộ phận được trang bị thiết bị, máy móc để kiểm soát được phim phát hành trên không gian mạng…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, cần phải tập trung nghiên cứu, đề xuất ý kiến trong việc sửa đổi Nghị định về hoạt động văn học nghệ thuật
Hiện nay, Bộ đang giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Bản quyền tác giả làm đề án kiểm soát trên không gian mạng, cố gắng triển khai trước Tết Nguyên đán.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, cần tiếp tục bám sát phương châm “quyết liệt hành động – khát vọng cống hiến” và sắp tới, Bộ sẽ xây dựng chủ đề cụ thể của năm công tác 2023. Về các nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng chỉ đạo cần phải tập trung xây dựng môi trường văn hóa, hướng tới xây dựng văn hóa cơ sở.
Bộ trưởng yêu cầu các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, đơn vị trong Bộ phải xây dựng môi trường văn hóa trong chính cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình. Với việc xây dựng văn hóa ở cơ sở, Bộ trưởng đề nghị, cần phải làm điểm để nhân rộng mô hình, huy động được sức mạnh tổng hợp. Vì thế các đơn vị, nhất là các đơn vị trực tiếp liên quan đến công việc này như Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Văn hóa dân tộc, Vụ Gia đình, Vụ Thư viện cần phải phối hợp với các đơn vị, các địa phương, có hướng dẫn cụ thể cho các Sở để cùng thực hiện, “Vì môi trường văn hóa bắt đầu từ gia đình, con người, từ địa bàn dân cư sinh sống nên chúng ta phải “bám” vào đó và sớm triển khai thành kế hoạch và tất cả các hoạt động đều phải hướng vào đó. Sau hội nghị, đề nghị mỗi cơ quan cần xây dựng môi trường văn hóa tại đơn vị với quy chế, quy ước riêng trên cơ sở của Luật Viên chức" - Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kết luận Hội nghị
Tập trung, tháo gỡ về công tác đào tạo, cán bộ quy hoạch phải rà soát lại. Các trường hợp được quy hoạch, cần quan tâm đào tạo bồi dưỡng. Ngoài đào tạo cán bộ trong Bộ, thì phải đào tạo cho toàn ngành, làm từ thấp đến cao, Vụ Tổ chức cán bộ và Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý VHTTDL phải xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ cơ sở theo phương thức làm trọng điểm. Toàn bộ hệ thống các trường của Bộ phải lấy tiêu chí củng cố nguồn nhân lực để khắc phục điểm nghẽn về nguồn nhân lực…
Bắt đầu từ cơ chế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Nghị định đối với chính sách đặc thù đối với đội ngũ văn nghệ sĩ. Làm được điều đó, sẽ tạo ra niềm tin, sự phấn chấn cho người nghệ sĩ sáng tạo. Gắn với đó là tạo điều kiện, khuyến khích cho nghệ sĩ có không gian sáng tạo; triển khai, hiện thực hóa cuộc vận động sáng tác tác phẩm VHNT “Sống mãi với thời gian”.
Về hợp tác quốc tế, Bộ trưởng yêu cầu, việc triển khai nhiệm vụ phải có trọng tâm, trọng điểm, không đơn thuần là các hoạt động lễ tân, ngoại giao. Cục Hợp tác quốc tế phải chủ động tìm kiếm nguồn lực từ bên ngoài, phối hợp với các đơn vị trong Bộ, dựa vào cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại để lan tỏa, phát huy được các giá trị văn hóa.
Để Du lịch phát triển xứng tầm là kinh tế mũi nhọn, cần thực hiện nghiêm túc kết luận của Thủ tướng, tăng cường tháo gỡ công tác kiểm tra, tháo gỡ những điểm khó khăn cho đơn vị du lịch.
Trong lĩnh vực thể thao, Bộ trưởng yêu cầu ngành thể thao phải khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan để Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thiện Đề án về thể thao thành tích cao đang được Đảng và Nhà nước quan tâm…
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH