Tối 18-5, tại Nhà hát Lớn, Bộ VHTTDL long trọng tổ chức Lễ phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật (VHNT) biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025) với chủ đề “Những bản hùng ca đất nước”. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các Hội VHNT Trung ương và Hà Nội cùng các nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức Lễ phát động bình chọn
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam gắn liền với chiến tranh dựng nước và giữ nước, qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, vai trò của văn hóa văn nghệ, trong đó có văn học, nghệ thuật đã song hành cùng dân tộc, cổ vũ nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để có thành tựu như hôm nay.
Trong kháng chiến, phần lớn các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, diễn viên, đạo diễn… là chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu trên các chiến trường. Tác phẩm của họ là những bài ca phơi phới niềm tin chiến thắng, là hành khúc rộn ràng thúc giục lớp lớp người xung phong ra trận tuyến và ngợi ca hậu phương đảm đang tay súng tay cày nuôi quân, cứu thương, tải đạn… “Chất thép” trong thơ, văn kháng chiến thể hiện phẩm chất cao đẹp, sự dấn thân cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của người nghệ sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh với những câu thơ có giá trị như tuyên ngôn của người nghệ sĩ lúc bấy giờ “Nay ở trong thơ nên có thép/nhà thơ cũng phải biết xung phong".
Có thể nói, VHNT là “dòng chảy” của lịch sử có sức mạnh to lớn như nước lũ, thác dâng. Một thời “tiếng hát át tiếng bom” đã thôi thúc cả dân tộc vượt qua bao nhiêu đau thương, gian khổ để chiến đấu, hy sinh tất cả cho thắng lợi cuối cùng. Một thời, chúng ta vô cùng tự hào trước hàng triệu triệu người rầm rập ngày đêm Nam tiến, tất cả vì miền Nam thân yêu “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…” để rồi niềm sung sướng vỡ òa trong ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối; khúc tráng ca trở thành khúc khải hoàn của cả dân tộc.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi lễ
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, đây cũng là hoạt động nhằm tôn vinh, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, những đóng góp quan trọng của văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, văn nghệ.
Đồng thời, cổ vũ, động viên, phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, ghi nhận những đóng góp của văn nghệ sĩ trong việc xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đa dạng, phong phú, phát huy sức mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động cũng là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền VHNT sau ngày đất nước thống nhất.
“Tôi mong muốn rằng sau Lễ phát động, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương cùng Hội đồng bình chọn sẽ làm việc trách nhiệm, công tâm để bình chọn ra những bản hùng ca đất nước tiêu biểu, xuất sắc hướng tới 50 năm ngày non song thành một dải” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, đối tượng tham gia là công dân Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động tại Việt Nam đứng tên tác giả các tác phẩm VHNT biểu diễn Việt Nam được sáng tác từ tháng 5-1975 đến ngày 30-4-2024 có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao. Đây là các tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, múa đã được công bố, sử dụng dưới hình thức xuất bản, dàn dựng và biểu diễn phục vụ công chúng. Riêng đối với văn học, không bình chọn tổng tập, tuyển tập, tác phẩm in chung, nhiều tác giả, bộ tiểu thuyết chưa xuất bản trọn bộ; tác phẩm tham gia bình chọn phải rõ ràng về lý lịch, không có tranh chấp về bản quyền tác giả.
Cụ thể, đối với Văn học (bình chọn 15 tác phẩm) gồm các thể loại tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, tập thơ; Sân khấu (bình chọn 15 tác phẩm): Kịch nói, Tuồng, Chèo, Cải lương, Ca kịch; Âm nhạc (bình chọn 10 tác phẩm): Giao hưởng, Hợp xướng, Nhạc kịch, Ca Khúc; Múa (bình chọn 10 tác phẩm): Thơ múa, Tổ khúc, Kịch múa.
Trong đó, đối với tác phẩm văn học có tính nhân văn sâu sắc; có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ưu tiên tác phẩm phản ánh đề tài về cách mạng trong thời kỳ đổi mới; ca ngợi về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; những thắng lợi và những thành tựu to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975.
Đối với tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các tiết mục nghệ thuật được biểu diễn tại buổi lễ
Đặc biệt, Ban tổ chức ưu tiên những tác phẩm đã được xét tặng các giải thưởng nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp do Bộ VHTTDL tổ chức, hoặc của Hội VHNT chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành tổ chức, hoặc được tặng giải thưởng văn học, sân khấu quốc tế có uy tín.
Theo kế hoạch, thời gian gửi tác phẩm bình chọn từ tháng 6-2024 đến 31-12-2024. Thời gian bình chọn của Hội đồng Sơ khảo từ ngày 1-1-2025 đến 15-3-2025. Thời gian bình chọn của Hội đồng Chung khảo từ ngày 16-3-2025 đến 15-4-2025. Tác giả có tác phẩm bình chọn gửi về Ban Tổ chức theo địa chỉ: Phòng Văn học, Cục Nghệ thuật biểu diễn (số 32 Nguyễn Thái Học, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, TP Hà Nội). Lễ Tổng kết và vinh danh 50 tác phẩm VHNT biểu diễn Việt Nam dự kiến vào ngày 30-4-2025.
NGỌC BÍCH